Tổng giám đốc Thái Phan Thanh Bình: Kê khai tài sản là rào cản lớn đối với doanh nghiệp

(PLO) -Thời buổi kinh tế khó khăn, doanh nghiệp (DN) trong nước đang đối mặt với nhiều thách thức từ đối thủ đến từ các nước. Về mặt luật pháp, DN cũng phải tuân thủ sân chơi chung trong một nền kinh tế phẳng. Vì vậy dự thảo luật quy định về việc kê khai tài sản, kê khai thu nhập sẽ tạo ra “rào cản”  lớn đối với DN Việt là sẻ chia của ông Thái Phan Thanh Bình - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ và Tư vấn Điểm Nhấn.
Ông Thái Phan Thanh Bình: Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ và Tư vấn điểm nhấn
Ông Thái Phan Thanh Bình: Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ và Tư vấn điểm nhấn

- Thành công ở tuổi còn rất trẻ, ông có nghĩ bản thân rất may mắn trên con đường khởi nghiệp? 

Tôi sinh ra ở một vùng quê nghèo, năm 10 tuổi đã bắt đầu theo mẹ Nam tiến. Khi đặt chân đến TP.Hồ Chí Minh, tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng đây là nơi tôi có thể có cuộc sống tốt hơn. Mẹ con tôi xin ở nhờ nhà một người chú tốt bụng, rồi hàng ngày đi bán vé số khắp các tuyến đường thành phố. Lúc đó, tôi chỉ có một suy nghĩ, phải nỗ lực không ngừng để thoát khỏi cảnh nghèo.

Từ lớp 6 tôi đã bắt đầu tìm hiểu và mày mò về Internet. Lên lớp 10, tôi được Google nhận vào làm việc online. Khi đó, tôi vẫn tiếp tục thực hiện ước mơ học tập của mình, tôi vừa học, vừa làm và lúc rảnh thì dành thời gian nghiên cứu về điện tử, công nghệ thông tin, đặc biệt là lĩnh vực Digital Marketing.

Tốt nghiệp cấp 3, tôi chuyển sang hoạt động kinh doanh trong vòng 1 năm, khi ấy có một người bạn trong lĩnh vực kế toán nhờ tôi thiết kế Web. Với số tiền 1,2 triệu đồng nhận được, người bạn ấy đã hỏi tôi rằng tại sao tôi không mở công ty đi. Từ lúc đó tôi mới bắt đầu suy nghĩ tự làm chủ bản thân mình. Và tôi quyết định, dùng số tiền đó để thành lập công ty.

Tôi nghỉ làm việc tại Google, tự mình hoạt động trong lĩnh vực thiết kế Web và mở dần sang lĩnh vực Digital Marketing. Để có được thành công như hiện tại, bản thân tôi đã phải trải qua rất nhiều cột mốc quan trọng. Những thứ mà tôi có được hiện giờ là cả một quá trình đầu tư và nỗ lực, chứ không phải do may mắn.

- Vừa hoạt động trong lĩnh vực Digital Marketing, vừa kinh doanh khách sạn và gần đây nhất là mở thêm hệ thống Spa. Kinh doanh cùng lúc nhiều lĩnh vực như vậy, ông có nghĩ mình có quá nhiều tham vọng hay không?

Dám ước mơ là đã thành công một nửa. Bất kì ai cũng đều có tham vọng, chính tham vọng đó khiến chúng ta nỗ lực để phát triển, tôi cũng không ngoại lệ. Có thể lĩnh vực hoạt động kinh doanh khác nhau, nhưng cả hai lĩnh vực này lại có sự tương quan mật thiết với Digital Marketing.

Thời đại công nghệ thông tin, nên mọi sản phẩm đến với khách hàng nhanh nhất thông qua Marketing Online. Tôi tận dụng tối đa lợi thế công ty đang có để phát triển lĩnh vực khách sạn và Spa.

Tôi viết phần mềm quản lý riêng cho hệ thống khách sạn và Spa, nên toàn bộ quá trình kiểm soát hoạt động của khách sạn, Spa đều thông qua phần mềm quản lý. Tôi tin tưởng với cách quản trị như thế công ty sẽ tiết giảm được chi phí tối đa mà vẫn đảm bảo được quy trình hoạt động đúng chuẩn. 

- Điều 112 Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng quy định: “Người giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc, Giám đốc, Trưởng ban kiểm soát, Kế toán trưởng của công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, qũy đầu tư có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập”, ông nghĩ như thế nào về quy định này? 

Mục đích của việc kiểm soát tài sản, thu nhập của lãnh đạo, quản lý các tổ chức tín dụng, qũy đầu tư, công ty đại chúng là để ngăn ngừa hành vi tham nhũng đối với các tổ chức ngoài khu vực Nhà nước. Tuy nhiên, đây là một mục tiêu quá rộng so với năng lực thực thi hiện tại của Việt Nam.

Chuyện thu nhập của những người quản lý công ty đại chúng, hiện đã được công khai, minh bạch, các cổ đông đều có thể giám sát, không phải bàn nữa. Mặt khác, họ cũng phải đóng thuế thu nhập cá nhân.

Cơ quan quản lý Nhà nước đã có công cụ kiểm tra, kiểm soát hết rồi. Còn về tài sản của họ, tại sao phải kiểm soát? Liệu việc này có xâm hại đến quyền sở hữu hợp pháp về tài sản của công dân không? Tài sản của một doanh nhân ở một DN thì có thể công khai nhưng tài sản riêng của họ ở nhà, như có bao nhiêu xe, bao nhiêu biệt thự, bao nhiêu đất thì làm sao bắt họ kê khai được.

- Theo ông, quy định trên sẽ tác động như thế nào đến các doanh nghiệp?

Công ty đại chúng có một số nghĩa vụ phải công khai, minh bạch hoạt động với công chúng như phải công bố nhiều loại thông tin như báo cáo tài chính, báo cáo tình hình quản trị công ty... Qua các công bố này, công chúng có thể nắm rõ Chủ tịch HĐQT một công ty hiện đang nắm bao nhiêu cổ phiếu, được trả thù lao bao nhiêu...

Chính nhờ tổng hợp các thông tin này mà một số tổ chức nghiên cứu hay một số tờ báo lớn có thể lập ra danh sách những người giàu nhất thế giới hay giàu nhất từng nước. Đó là bởi họ sẽ cộng hết các tài sản được công khai, tính ở mức thị giá để phỏng đoán tổng tài sản của những nhân vật này.

Nhưng điều đó không có nghĩa những người giữ chức vụ chủ chốt ở doanh nghiệp buộc phải kê khai tài sản. Nếu đánh đồng doanh nhân cũng như quan chức để quản lý về phòng chống tham nhũng như thế, tức Nhà nước sẽ hạn chế tinh thần khởi nghiệp và ham muốn làm giàu của người dân.

Chưa kể, việc kê khai sẽ đi đôi với việc phải công khai và nhiều yêu cầu khác về kiểm soát, theo dõi, xác minh giám sát, kiểm tra, thanh tra, điều tra về tài sản và thu nhập. Như vậy, cũng đồng nghĩa với việc nhiều cơ quan, kể cả có hay không có trách nhiệm trực tiếp, có thể có thêm cơ sở hay tạo cớ soi lỗi, bắt bẻ, đe dọa, gây khó dễ cho người kê khai. 

 Tôi nghĩ không nên buộc doanh nhân kê khai tài sản vì như thế là xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của họ…

Đọc thêm