Tỷ phú tặng tài sản kếch xù cho “người dưng“

(PLO) - Là con của tỷ phú hẳn không cần phải làm gì bởi chắc chắn họ sẽ được thừa kế gia tài kếch xù của bố mẹ để lại. Đấy là câu chuyện của khá nhiều “cậu ấm, cô chiêu” người Việt. Tuy nhiên, ngược lại có không ít các tỷ phú trên thế giới thì muốn con cái mình tự lập.
Gia đình Mark Zuckerberg
Gia đình Mark Zuckerberg

Trở thành tỷ phú lúc tròn 1 tuổi 

Sinh ra trong những gia đình giàu có, nhiều “tiểu thư, công tử” Việt Nam đã sớm trở thành tỷ phú với khối tài sản khổng lồ ngay từ khi tuổi đời còn rất trẻ. Chẳng hạn như Nguyễn Ngọc Nhất Hạnh sinh năm 1991, là con gái ruột của bà Nguyễn Thị Mai Thanh - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Cơ điện lạnh. Cô gái xinh đẹp và tài năng Nhất Hạnh được xem là một trong số ít những nhân vật thuộc thế hệ 9x có số tài sản khổng lồ. 

Giữ chức Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai, em gái Cường “Đô la” Nguyễn Ngọc Huyền My cũng sở hữu khối tài sản khoảng 280 tỷ đồng. Số tài sản của cô xấp xỉ bằng 2/3 tài sản của mẹ ruột, bà Nguyễn Thị Như Loan ở Quốc Cường Gia Lai.

Hai “quý tử” của gia đình đại gia Trầm Bê là Trầm Trọng Ngân, sinh năm 1981 và Trầm Khải Hòa, sinh năm 1988 cũng từng khiến dư luận xôn xao về khối tài sản của họ. Có lẽ chính vì sự giàu có của gia đình nên năm 2005, Trầm Trọng Ngân từng bị băng nhóm Bình “kiểm” bắt cóc đòi tiền chuộc 10 triệu USD.

Đình đám hơn cả là con trai vợ chồng ông Huỳnh Uy Dũng (Dũng “lò vôi”) và bà Nguyễn Phương Hằng (Chủ khu Du lịch Đại Nam, tỉnh Bình Dương) trở thành tỷ phú khi vừa tròn 1 tuổi. Tại lễ thôi nôi của bé Huỳnh Hằng Hữu hồi tháng 9/2013, ông Dũng và bà Hằng đã lập di chúc, tuyên bố trao khối tài sản khổng lồ của mình cho con để thực hiện những điều thánh thiện nhất giúp đời và giúp người. Khối tài sản gồm: Khu du lịch Đại Nam, Khu công nghiệp Sóng Thần 2, Khu dân cư Dĩ An, Khu công nghiệp và dân cư Sóng Thần 3 (tỉnh Bình Dương), Khu dân cư Bình Phước, được ước tính trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng. 

Vợ chồng đại gia Huỳnh Uy Dũng và con trai.
Vợ chồng đại gia Huỳnh Uy Dũng và con trai.

Lý giải cho tuyên bố trên, ông Dũng cho biết, ông không trao tài sản cho con để con làm giàu. Ông mong ước bé Hữu sẽ trở thành người thay ông gìn giữ, bảo tồn Khu du lịch Đại Nam Văn hiến, cũng như 17 ngồi đền mà ông sẽ xây trên khắp cả nước. Khối lượng tài sản mà ông trao cho con, ông sẽ thành lập một hội đồng giám sát để theo dõi và quản lý tài chính. Số tài sản này sẽ là tài sản dùng để làm việc thiện do con trai ông là chủ sở hữu, không cá nhân nào được đòi hỏi tranh chấp, phân chia theo pháp luật. 

Mở đầu cho ý niệm làm thiện nguyện này là ngay trong đêm sinh nhật của mình, một loạt các hoạt động từ thiện dưới tên Chủ tịch Hội đồng quản trị Huỳnh Hằng Hữu đã diễn ra. Đó là tài trợ phẫu thuật tim cho 4 bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn theo đề nghị của Hội đồng bảo trợ Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Bình Dương; xây dựng phân xưởng thực hành Trung tâm Dạy nghề người khuyết tật và trẻ mồ côi TP.HCM thuộc hội Bảo trợ Người khuyết tật và trẻ mồ côi TP.HCM.

Tuy nhiên, về mặt pháp lý, bé Hữu chỉ trở thành tỷ phú khi nào người viết di chúc mất. Còn ở góc độ tâm lý, một chuyên gia tâm lý – giáo dục cho rằng, việc giáo dục con cái cần đặt những nền tảng cụ thể. Giá trị lớn nhất đối với trẻ không phải là xài tiền, mà cần dạy trẻ phải độc lập trong đời sống của mình. Bên cạnh đó, việc dạy trẻ có kiến thức, nền tảng đạo đức là điều cần thiết song song. Nếu áp đặt cho trẻ một điều quá sức, dù là mang danh nghĩa tốt đẹp, sau này lớn lên trẻ không làm được như mong đợi, sẽ trở thành áp lực lớn, ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách của trẻ.

Muốn con tự lập và làm chủ được cuộc sống

Trong khi đó, nhiều tỷ phú trên thế giới đã không trao toàn bộ tài sản cho con cái, dù là để làm từ thiện. Họ thường lập một quỹ mang tên mình, tách bạch hoàn toàn với con cái, cũng như số tài sản đầu tư cho công việc kinh doanh.

Nổi bật nhất là Giám đốc điều hành Tập đoàn Microsoft Bill Gates. Ông là người giàu thứ 2 thế giới theo thống kê của Forbes năm 2011 với số tài sản là 59 tỷ USD. Nhưng, 3 người con của tỷ phú Bill Gates sẽ chỉ được thừa kế số tiền bằng 1/6.500 số tài sản khổng lồ của ông bởi Bill Gates đã nhiều lần tuyên bố về việc sẽ dành tới 95% tổng tài sản của mình để làm từ thiện. Ông cho biết, nhiều tiền không bao giờ là tốt đối với con trẻ. Chúng cần phải tự tìm ra con đường sống, tự tìm ra cách sống thay vì chỉ nằm hưởng thụ những gì mà bố mẹ chúng để lại.

Tương tự tỷ phú Bill Gates, ông Warrant Buffet, cổ đông lớn nhất kiêm Chủ tịch Tập đoàn Berkshire Hathaway cũng đã hơn một lần tuyên bố 3 người con của ông sẽ không nhận được nhiều từ số tài sản khổng lồ khi ông qua đời. Ông luôn quan niệm chỉ cho con của mình những bài học về giá trị cuộc sống chứ không phải là một sấp giấy bạc. 

Và còn rất nhiều tỷ phú khác nữa như ông Bernard Marcus (Chủ tịch của hãng bán lẻ hàng đầu thế giới Home Depot), ông chủ hãng tin CNN Ted Turner… cũng làm như vậy. Mới đây nhất, tỷ phú Hong Kong Yu Pang-Lin qua đời ở tuổi 93 đã để lại di chúc hiến toàn bộ tài sản trị giá khoảng 2 tỉ USD cho hoạt động từ thiện. Hay nhà sáng lập mạng xã hội Facebook Mark Zuckerberg và vợ Priscilla Chan hứa sẽ hiến tặng gần như toàn bộ số cổ phiếu Facebook trị giá 46 tỷ USD của họ cho hoạt động từ thiện, sau khi sinh con được vài ngày.

Theo ông Charles W. Collier, tác giả cuốn Wealth in Families, có tới 600.000 trong số 3,2 triệu triệu phú tại Mỹ sẽ “cho không” số tài sản khổng lồ của họ, thay vì để lại cho con cái vì sợ con cái mình sẽ hư nếu được hưởng trọn vẹn số tài sản này. Quan điểm kiên quyết của các tỷ phú không để lại tài sản cho con hoặc chỉ một phần rất nhỏ trong khối tài sản khổng lồ cho thấy rằng không phải họ không yêu thương con mình hay không coi trọng đồng tiền. Họ là những người rất có đầu óc, tầm nhìn và trân quý đồng tiền mình đã phải đổ mồ hôi, công sức và trí tuệ để tạo dựng.

Có điều các triệu phú và tỷ phú muốn con cái của mình tự lập và làm chủ được cuộc sống. Họ muốn con cái mình phải học cách vật lộn với cuộc sống, làm việc chăm chỉ, hứng chịu thất bại và tìm thấy niềm vui khi gặt hái thành công, học được những bài học từng giúp cha mẹ chúng thành công. Họ hiểu có một thứ còn quý giá hơn tiền, quan trọng hơn tiền, đó chính là trách nhiệm, trước hết là trách nhiệm với chính mình, rồi trách nhiệm với gia đình, cộng đồng, xã hội...

Họ cũng ý thức được một cách sâu sắc ẩn họa của việc tiêu xài phung phí, xa hoa những đồng tiền không do chính mình làm ra. 

Qua thư gửi cho cô con gái đầu lòng của Mark Zuckerberg, chúng ta có thể thấy rõ quan điểm đó. Ông chủ Facebook chia sẻ: “Giống như tất cả bậc cha mẹ, bố mẹ muốn con lớn lên trong một thế giới tốt đẹp hơn hôm nay. Bố mẹ sẽ làm tốt phần việc của mình để thực hiện điều đó, không chỉ vì chúng ta yêu con, mà còn bởi chúng ta có trách nhiệm với tất cả những đứa trẻ của thế hệ sau này”.

Đọc thêm