Độc đáo bức tượng nhục thân lưu giữ tại Chùa Đậu

(PLO) - Chùa Đậu lưu giữ hai kỉ lục Phật giáo Việt Nam: Nơi có tượng nhục thân Vũ Khắc Minh từ thế kỷ thứ XVII đầu tiên ở Việt Nam và sở hữu cuốn sử chùa bằng đồng xưa, nhiều trang nhất Việt Nam.
Nhục thân thiền sư Vũ Khắc Minh

Độc đáo kiến trúc hai Tam bảo

Chùa Đậu  nằm ở làng Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, Hà Nội. Chùa  còn có tên gọi khác nhau như: Thành Đạo tự, Pháp Vũ tự, Chùa Vua, Chùa Bà, Chùa Đậu.

Mảnh đất nhà chùa này cũng từng là nơi hiển thân của Bồ tát Pháp Vũ. Thông qua đó, gắn liền với nhiều câu chuyện linh thiêng. Bằng chứng là trước đây vua, chúa thường hay đến lễ Phật cầu mong “quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa”. Những người theo con đường học vấn cũng đến đây cầu mong công danh rạng rỡ. Người dân đến cầu mong được cây cối tươi tốt, mùa màng bội thu.

Dựa vào ghi chép trên “cuốn sách Đồng” hiện còn lưu giữ tại chùa, chùa có từ thời Sỹ Nhiếp, tức được xây dựng từ những năm 200- 210 sau công nguyên. Cũng trong cuốn sách này ghi nhận Phật giáo Việt Nam tiếp thu tinh hoa Phật giáo Ấn Độ, nhưng vẫn mang bản sắc riêng của dân tộc. Theo văn bia dựng năm Dương Hòa thứ 5, chùa được tôn tạo vào thời Lý (thế kỷ XI).

Tam quan chùa Đậu

Chùa Đậu được xây dựng theo lối kiến trúc “nội công ngoại quốc”. Tam quan chùa có hai tầng, tầng trên là gác chuông có treo quả chuông đúc năm Cảnh Thịnh thứ 9 (1801), thời Tây Sơn. Mái của gác chuông là những lối kiến trúc cổ với hai tầng tám mái, trên có khắc hình rồng, hoa lá.

Hai bên Tam bảo là hai dãy hành lang song song thờ 18 vị La Hán, đằng sau tam bảo là nhà thờ Tổ. Điều đặc biệt trong kiến trúc chùa Đậu chính là có hai Tam bảo - tức là một chùa mà là hai chùa. Tam bảo chính thờ Bồ tát Pháp Vũ: nơi nhà vua cùng các quan đến cầu nguyện lễ bái. Còn một ngôi Tam bảo nhỏ hơn chỉ dành cho dân thường tới lễ bái. Vào các ngày mùng 8, 9, 10 tháng Giêng hàng năm người dân mới được dâng lễ ở ngôi Tam bảo chính.

Hiện trong chùa còn lưu giữ khá nhiều bia đá được xác định niên đại có từ khoảng thế kỷ XVI. Trong chùa cũng có nhiều viên gạch có từ thời nhà Mạc, chiếc khánh đồng đúc năm 1774, hai tấm biển gỗ sơn son thiếp vàng khắc bài thơ nôm  của chúa Trịnh Căn (1682 – 1709) và Trịnh Cương (1709 – 1729). Đến thời hậu Lê chùa được ghi nhận “Đệ nhất đại danh lam”.

Độc lạ bức tượng nhục thân

Gắn liền với ngôi chùa Đậu nổi tiếng này du khách còn được chiêm ngưỡng nhục thân của hai nhà sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường điển hình cho loại hình “Thiền táng” mà không phải nơi đâu cũng có.

Hai thiền sư có cùng một cách thức tu hành. Cùng có vào khoảng thế kỷ XVII sau một khoảng thời gian tu hành đã xây cho mình tịnh thất (hay là cái am). Trước khi vào Ngài đã dặn đệ tử sau 100 ngày không thấy tiếng gõ mõ, tụng kinh bên trong thì hãy mở ra. Nếu thấy thi thể còn nguyên vẹn thì dùng sơn ta bả lên người. Đúng như lời thầy dặn, đệ tử của thiền sư vào thấy thân thể nguyên vẹn nên cứ theo lời thiền sư dạy trước khi viên tịch. 

Theo lý giải, trong Phật giáo các vị thiền sư đắc đạo để lại xá lợi. Ở đây xá lợi nghĩa là đốt không cháy, ngâm trong nước không bị tan và không bị thời gian bào mòn. Có hai loại xá lợi là xá lợi toàn thân (các bộ phận toàn thân còn nguyên vẹn) và toái thân xá lợi (một bộ phận cơ thể).

Phật giáo ở một số quốc gia như Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản… cũng để lại những bức tượng toàn thân xá lợi. Như Trung Hoa có xá lợi của Đức Lục Tổ Huệ Năng hiện thờ tại chùa Nam Hoa – huyện Khúc Giang – tỉnh Quảng Đông. Ở Nhật Bản có xá lợi của Tổ Nhật Liên Bồ Tát và xá lợi của Tổ Truyền Giáo Đại Sư.

Còn ở Việt Nam có xá lợi Tổ Sư Từ Đạo Hạnh, Tổ Không Lộ Thiền Sư (Nguyễn Minh Không), Tổ giác Hải Thiền Sư, Tổ Đơn Điền Thiền Sư và hai pho toàn thân xá lợi của thiền sư Tự Đạo Chân (Vũ Khắc Minh), thiền sư Tự Đạo Tâm (Vũ Khắc Trường). Nhục thể hai vị thiền sư để lại thuộc toàn thân xá lợi. Hai nhục thể này nằm ở bên phải và bên trái của chùa được giữ nguyên trong tịnh thất cho đến năm 1980.

Đến năm 1983 nhục thân của hai Ngài được đưa về bệnh viện Bạch Mai chụp X – Quang, các nhà nghiên cứu còn thấy rõ xương cốt bên trong. Tuy nhiên chỉ có nhục thân của thiền sư Vũ Khắc Minh là chụp được X- quang. 

Nhục thân thiền sư Vũ Khắc Trường

Còn tượng thiền sư Vũ Khắc Trường năm 1893 một trận lụt lớn tràn vào am của thiền sư đã làm tượng hư hỏng nhiều, được con cháu của thiền sư dựng lại, tu sửa bằng vôi, cát, mật… có cốt bằng tre, gỗ bao bên ngoài nên ko thể chụp X- quang. 

Nhục thân của thiền sư Vũ Khắc Minh nặng 7kg, chiều cao khi ngồi là 57cm. Dựa vào thước phim chụp X- quang các nhà khoa học kết luận rằng, toàn bộ xương sườn, xương đốt sống đổ sập nằm gọn trong khoang bụng. Không có vết đục đẽo, không có hiện tượng hút ruột, hút óc, các khớp xương dính chặt nhau như thể tự nhiên. Các bộ phận như não, nội tạng vẫn còn nguyên trong nhục thân.

Để tìm hiểu về phương pháp lưu giữ nhục thể cho đến ngày nay người xưa đã dùng chất bồi là mùn cưa, giấy dó, sơn ta. Lớp sơn ta có màu cánh gián, bên ngoài cùng một lượt quang dầu. Năm 2003 lớp sơn bị tróc vỡ ra, nứt lớp sơn. Vì vậy lớp sơn này đã được sơn lại. Cùng với đó đưa nhục thân của hai thiền sư vào trong tủ kính chỉ có khí Nito để bảo quản.

Ngoài ra chùa Đậu cũng là nơi có cuốn sách ghi lịch sử chùa bằng đồng xưa nhất và nhiều trang nhất Việt Nam. 

Cuốn sách này được cất giữ cẩn thận, có 3 chìa khóa: 1 do sư trụ trì chùa giữ, 2 chìa còn lại do bên chính quyền cất giữ. Muốn xem tận mắt cuốn sách này phải được sự đồng ý của chính quyền cộng với sư trụ trì. Cuốn sách được làm với chất liệu bằng đồng, có 14 lá đồng ghép lại thành một cuốn sách có 24 trang cả bìa. Trải qua thời gian dài hàng thế kỷ nhưng cuốn sách này vẫn còn nguyên vẹn những nét chữ Hán khắc trên đó. Sách được Viện Hán Nôm đưa về dịch, thông qua đó biết được lịch sử của ngôi chùa. 

Đọc thêm