Cuộc thiên di lịch sử của đồng bào Dao
“Sén so quýa khói xiết chùn tậu/ Pham chùn lộ khói, pháy chùn biều/ Phấy chùm xoang choang khói nằm ngạn/ Pham chùm lo khói tụm chuông đầu”. Tạm dịch: “Ngày đi bảy thuyền cùng xuất phát/ Ba thuyền bị nạn, bốn thuyền qua/ Bốn thuyền thoát nạn về tới bến/ Ba thuyền dìm đáy biển Đông xa”. Những vần thơ trong tập thơ “Tăng chỉ hành - piềm tà hộ” nhắc nhớ cuộc thiên di lịch sử của người Dao từ hàng trăm năm trước.
Hành trình di cư của người Dao được nhà Lê tiếp nhận. Hàng nghìn đồng bào Dao đi bằng 7 sà lan lớn, vượt qua vịnh Bắc Bộ vào cửa sông Hồng lên Ba Hạc (nay là phường Bạch Hạc, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ). Từ đây đồng bào Dao chia nhau thành 3 tốp ngược dòng theo ba con sông lớn là sông Hồng, sông Đà và Sông Lô để lên rừng phá nương làm rẫy tìm kế sinh nhai.
Dẫn đầu cuộc thiên di này lần lượt là bà Đặng Thị Hành, Bàn Đức Hội và Triệu Thánh Thông. Nhớ ơn công đức của ba vị này mà nhiều cộng đồng người Dao ở huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình nói riêng và Việt Nam nói chung tôn thờ làm Thành Hoàng.
Trước khi bắt đầu hành trình vượt biển tới miền đất hứa, đồng bào Dao khi đó đã có giao hẹn, nếu thuyền nào cập bờ trước sẽ phải đi ở xa, trên cao và được làm anh. Khi đó, chiếc thuyền của đồng bào Dao Tiền do bà Đặng Thị Hành cập bến trước nên được ở vai anh đối với nhóm Dao Quần Chẹt do ông Bàn Đức Hội dẫn đầu.
Sau này đồng bào Dao Tiền ngược dòng sông Đà phân tán về các tỉnh Vĩnh Phúc, Hòa Bình. Còn nhóm đồng bào Dao theo ông Triệu Thánh Thông thì ngược dòng sông Lô di tản đi các tỉnh Tuyên Quang, Bắc Kạn, Thái Nguyên.
Trong cuộc đấu tranh sinh tồn đó, đồng bào phải đối mặt với những khó khăn khốc liệt, nguy hiểm luôn rình rập. Họ phải lựa chọn một cuộc sống du canh du cư, đối mặt với cảnh rừng thiêng, nước độc, chống chọi với sự chọn lọc thiên nhiên đầy khắc nghiệt.
Đồng bào Dao tâm niệm, để vượt qua được cuộc thiên di khốc liệt sinh tử ấy, họ đã nhận được sự phù hộ của tổ tiên. Do đó, họ rất coi trọng việc thờ cúng. Dù cuộc sống còn khó khăn nhưng ở bất cứ nơi nào người Dao đặt chân tới, vào những ngày lễ quan trọng trong năm,họ đều không bao giờ quên và luôn cố gắng dâng lên tổ tiên những sản vật tốt nhất.
Lễ vật độc nhất vô nhị
Ông Lê (Lý) Văn Sinh – một người con của đồng bào Dao Tiền, ở xóm Bương, xã Tân Pheo, huyện Đà Bắc kể rằng: “Khi tổ tiên của người Dao Tiền tới vùng đất này, rừng núi còn âm u, cây cối rậm rạp, các loài thú dữ nhiều vô kể. Họ thường xuyên phải chịu cảnh đói rét, thiếu thốn, bệnh tật. Các loại gia cầm không thể chăn nuôi được nhiều vì bị thú dữ ăn thịt.
Bởi vậy, chuột núi là thức ăn chính giúp họ sinh tồn. Vào các ngày lễ lớn trong năm như: lễ cầu mùa vào Rằm tháng 5, lễ ăn cơm mới sau vụ thu hoạch vào tháng 9 và lễ Tết Nguyên Đán đồng bào Dao Tiền đều dùng thịt chuột để làm lễ vật dâng lên tổ tiên”.
Thịt chuột gác bếp được sử dụng làm vật cúng lễ tổ tiên trong ngày Tết cổ truyền của người Dao Tiền. Ảnh: nguồn Báo Nghệ An |
Ngoài mâm cỗ ngày Tết vào đêm 30 (Âm lịch) có thịt chuột thì vào mùng 2 Tết, mỗi hộ trong bản Bương sẽ cùng mang lễ vật tới nhà thầy mo trong bản để cùng nhau ra Miếu dâng lên Thành Hoàng làng. Lễ vật gồm: 3 con chuột khô, một cái bánh chưng, một chai rượu, một mảnh giấy cầu đầu năm làm nương được mùa, làm tiền được tiền, nuôi gia súc, gia cầm không bị phá hoại. Làm lễ xong, các hộ dân sẽ ngả rượu, thịt chuột cùng nhau hưởng lộc.
Để có thịt chuột khô cúng lễ, vào tháng 11 –12 (âm lịch), khi đồng bào Dao Tiền gặt xong, người dân phải đi đặt bẫy chuột rừng bằng càm nứa. Sau khi đem chuột về, họ dùng nước sôi làm sạch lông, đốt rơm thui vàng. Chuột sẽ được mổ bụng, moi lòng và treo nơi gác bếp cho thịt khô lại rồi chế biến thành món ăn dùng dần. Chuột rừng nhỏ con nhưng thịt chắc, nấu rất nở.
Sau này khi đời sống đã phát triển, nguồn thực phẩm cung cấp cho bữa ăn đã đầy đủ, người dân không còn phải ăn thịt chuột để sống nữa. Trong các ngày lễ lớn như: lễ cầu mùa, lễ ăn cơm mới và Tết Nguyên đán, thịt chuột cũng dần được thay thế bằng các loại thực phẩm khác. Tuy vậy dịp Tết cổ truyền, đồng bào vẫn cố gắng có món chuột khô trong mâm cỗ cúng để tỏ lòng thành kính tổ tiên.
Ông Lý (Lê) Văn Sinh kể về phong tục dùng thịt chuột làm lễ cúng tổ tiên vào ngày Tết Nguyên Đán |
“Cúng thịt chuột trong ngày Tết, ngày lễ giờ đây không phải là điều bắt buộc, nhưng nếu bây giờ nhà nào có thịt chuột sấy khô để cúng sẽ là sang trọng và hiếm lắm. Ngày nay đời sống khấm khá hơn, chuột ít đi nên việc cúng tổ tiên bằng thịt chuột ngày càng bị mai một”, ông Sinh chia sẻ.
Chuột rừng khô được coi là đặc sản của đồng bào người Dao Tiền, chỉ được dùng trong các ngày lễ lớn hoặc nhà có khách quý. Chủ nhà chỉ cần gỡ thịt chuột xuống, thái miếng, rắc muối, ướp gừng cho thịt ngấm gia vị rồi băm nhỏ, đồ vào nồi xôi nếp nương. Vị thơm, dẻo của nếp nương hòa quyện cùng vị béo ngậy của thịt chuột là một trong những đặc sản của đồng bào Dao Tiền.
Ông Lý Văn Hịn (63 tuổi, Già làng xóm Bương) cho biết: Truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây" của dân tộc Việt Nam luôn được người Dao Tiền ở xóm Bương ghi nhớ. Giờ đây, cuộc sống đã khá giả hơn nhưng đồng bào Dao Tiền vẫn giữ tục lệ làm cỗ thịt chuột khô để cúng tổ tiên trong ngày Tết. Điều đó, giúp chúng tôi tự nhắc nhở bản thân và con cháu không quên thuở xưa đói rét.