Độc đáo đám cưới miền sông nước

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Nhắc đến miền Tây, thứ khiến ta nhớ đến không chỉ là hình ảnh chiếc áo bà ba, là văn hóa ẩm thực hay con người nơi đây mà còn là sắc màu độc đáo trong đám cưới của họ.
 Đám cưới rước dâu bằng thuyền hoa. (Hình minh họa)
Đám cưới rước dâu bằng thuyền hoa. (Hình minh họa)

Văn hóa cưới hỏi “có một không hai”

“Thuyền em đi trên sông trăng sáng/Cưới nhau về ta rước hội vui/Trên sông dài thuyền hoa giăng/Bao cô nàng miệng cười xinh xắn”… Mỗi khi nghe thấy những câu hát quen thuộc của bài “Thuyền hoa” vang vọng đâu đây là tâm trí ta lại gợi nhớ đến khung cảnh đám cưới miền Tây sông nước. Không biết từ bao giờ, hình ảnh trai tài rước gái sắc về trên chiếc thuyền hoa lại trở nên thân thuộc với những con người sinh ra và lớn lên tại nơi đây.

Văn hoá Việt Nam có thể chia thành 6 vùng chính (Tây Bắc, Việt Bắc, Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ), trong mỗi vùng lại chia thành các tiểu vùng nhỏ và mang những nét đặc sắc rất riêng biệt. Để nói về văn hoá mỗi vùng, bên cạnh đặc trưng về trang phục, ẩm thực, ngôn ngữ, tính cách,… thì lễ cưới hỏi là phong tục lâu đời không thể thiếu trong đời sống văn hoá của cả ba miền. Cũng vì thế mà nghi lễ cưới hỏi của mỗi vùng trên dải đất hình chữ S đều mang bản sắc riêng biệt mà không ở đâu có.

Đặc biệt, miền Tây Nam Bộ với đặc trưng vùng sông nước đã tạo nên những nét văn hóa cưới hỏi “có một không hai”. Theo truyền thống xưa, lễ cưới ở Nam Bộ cũng như miền Tây sẽ gồm có 6 lễ gọi là lục lễ, bao gồm: Lễ giáp lời, lễ thông gia, lễ cầu tân, lễ hỏi, lễ cưới và lễ phản bái. So với những vùng văn hoá khác, phong tục cưới hỏi truyền thống ở miền Tây Nam Bộ là một trong những nơi có nhiều nghi lễ chính nhất. Ngày nay cuộc sống hiện đại hơn, mọi thứ đều được tinh giản nên hầu như chỉ còn giữ lại ba lễ chính đó là lễ giáp lời, lễ hỏi và lễ cưới.

Lễ giáp lời tương tự như lễ dạm ngõ của vùng Bắc Bộ, đây là nghi lễ đầu tiên trong phong tục cưới hỏi miền Tây. Khi đó gia đình bên đàng trai sẽ đến nhà đàng gái để nói chuyện trực tiếp với ông bà thông gia. Thường thì câu chuyện sẽ vây quanh chuyện tuổi tác của hai con, bàn việc hôn nhân cũng như định trước giờ cưới.

Sau khi hai bên gia đình đã thống nhất “ngày lành, tháng tốt”, lễ hỏi sẽ được diễn ra vào ngày định sẵn. Lễ hỏi là một lễ quan trọng nhất định không thể thiếu trong phong tục cưới hỏi miền Tây. Đến lễ hỏi, nhà gái sẽ treo bảng lễ đính hôn hay lễ đăng khoa. Các lễ nghi sẽ diễn ra theo trình tự: ông thông lễ khai trình lễ y kỳ, trình lễ khai hòa để kiến gia tiên, trình lễ thượng đăng sau khi trưởng tộc nhà trai rót rượu, lễ bái gia tiên, lễ đỡ mâm trầu, trình lễ kiếu.

Cuối cùng trang trọng nhất và đông vui nhất trong phong tục cưới hỏi miền Tây chính là lễ cưới và rước dâu. Lễ cưới hay đám cưới sẽ diễn ra ở cả hai nhà dâu rể, mọi thứ được chuẩn bị hết sức công phu và kỹ càng. Nhà gái sẽ treo bảng vu quy, còn nhà trai là bảng tân hôn, rạp cưới cũng được dựng lên hoành tráng trước sân nhà, đặc biệt là phần cổng cưới. Những nét đặc trưng của lễ cưới miền Tây truyền thống chính là hình ảnh dùng cây chuối, lá dừa, hoa cau hay cây tre để làm cổng và rạp, nhìn rất mộc mạc, đơn sơ nhưng lại vô cùng đẹp mắt.

Một trong những điểm độc đáo và thú vị sẽ nhớ ngay khi nhắc đến đám cưới miền Tây chính là lễ rước dâu. Đây là nghi thức hầu như vùng miền nào của Việt Nam cũng cử hành. Lễ rước dâu là nghi lễ đưa cô dâu từ nhà gái về nhà chồng. Nghi lễ này được tổ chức khá long trọng và cô dâu sẽ thường được rước bằng xe hoa.

Tuy nhiên, với đặc điểm địa lý sông ngòi chằng chịt, đời sống của người dân gắn liền với văn hoá sông nước, chợ nổi nên ngay trong lễ cưới hỏi cũng vậy. Trước kia vì giao thông chưa phát triển nên đoàn rước dâu thường di chuyển bằng đường thuỷ thay vì đường bộ cho tiện lợi. Chính vì thế thay vì rước bằng xe hoa thì miền Tây chủ yếu rước bằng ghe, phà hoặc xuồng.

Những chiếc tàu ghe, chiếc phà rước dâu được trang trí bắt mắt với hoa, bong bóng, ruy băng kết thành chiếc thuyền hoa đẹp mắt không kém gì xe hoa. Trên thuyền là đàng trai, đàng gái xúng xính áo quần, xanh đỏ tím vàng, ai ai cũng lộng lẫy không chỉ bởi vẻ ngoài mà còn bởi nụ cười rươi rói trên môi. Bên cạnh vẻ độc đáo của chiếc thuyền hoa, không khí rước dâu tại nơi đây cũng là thứ khiến nhiều người nhớ mãi. Trên đường đi rước dâu, cả đoàn sẽ bật nhạc, hát hò làm náo loạn cả vùng sông nước, không khí rất vui và sôi động.

Hai bên bờ sông, bà con làng trên, xóm dưới tụ tập ra xem đám rước dâu làm náo nhiệt cả một vùng sông nước mênh mông. Đây cũng là nét đẹp trong phong tục cưới hỏi miền Tây giống như câu nói của người xưa “Nhứt gia hữu sự, bá gia ưu”. Đó là ngoài họ hàng thì còn có bà con hàng xóm lại phụ giúp chuẩn bị tiệc cưới, đây cũng chính là nét đẹp trong phong tục cưới hỏi miền tây. Một đám cưới diễn ra thì giống như một ngày hội của cả làng cả xóm, mọi người đều tự nhiên trở nên tất bật chạy ra chạy vô, nói cười rôm rả.

Hình ảnh chiếc thuyền hoa rước dâu đã trở nên quen thuộc với người miền Tây từ bao giờ. Hình ảnh ấy đẹp đẽ và lãng mạn theo cách riêng mà chỉ đám cưới miền sông nước hiền hoà mới có. Chả thế mà hình ảnh thuyền hoa nói riêng và phong tục cưới hỏi miền Tây Nam Bộ nói chung cứ thế len lỏi vào những sản phẩm nghệ thuật đặc sắc như âm nhạc, phim, kịch,…

Trân quý nét đẹp văn hóa truyền thống

Là một người sinh ra và lớn lên ở miền Tây sông nước, anh Văn Tuấn (37 tuổi, Kiên Giang) đã quá quen thuộc với hình ảnh rước dâu trên dòng sông thơ mộng trước nhà. Anh có một niềm yêu thích đặc biệt với vẻ đẹp đơn sơ nhưng độc đáo mà phong tục cưới hỏi miền Tây mang lại. Thế nhưng, đến khi làm kinh doanh các dịch vụ cưới hỏi, nhiều lúc anh nghĩ rằng theo thời gian xã hội phát triển, phong tục cưới hỏi miền Tây sẽ mất dần.

Cổng cưới lá dứa - đặc trưng miền Tây theo phong cách hiện đại.

Cổng cưới lá dứa - đặc trưng miền Tây theo phong cách hiện đại.

Nhưng làm rồi mới biết không phải đám cưới nào cũng chạy theo xu hướng. “Ngày nay theo xu hướng hiện đại, nhanh gọn những loại rạp cưới, cổng cưới bằng sắt, trang trí hoa giả đủ màu lại được ưa chuộng hơn. Tuy nhiên, vẫn có nhiều gia đình lựa chọn kết hợp truyền thống và hiện đại, sử dụng rạp cưới, cổng cưới bằng các nguyên liệu tự nhiên nhưng được thiết kế kì công rất đặc sắc, khắc họa hình ảnh rồng phượng bắt mắt đậm chất miền Tây”, anh Tuấn chia sẻ.

Anh cũng cho biết thêm: “Đến nay, mặc dù cơ sở hạ tầng đã phát triển, đường lộ đã đến tận nhà nhưng nhiều bạn trẻ vẫn chọn rước dâu bằng những chiếc tàu, chiếc ghe mộc mạc, vừa độc đáo, thú vị vừa góp phần giữ gìn những giá trị văn hóa trong đời sống thường nhật. Tôi cảm thấy rất vui và tự hào vì dù có nhiều lựa chọn khác sang trọng hơn, hoành tráng hơn nhưng các bạn trẻ vẫn trân quý nét đẹp văn hoá truyền thống của ông bà ta ngày xưa để nó không mai một theo thời gian”…

Quả thật như vậy, thời đại bây giờ đám cưới của giới trẻ không chỉ dừng ở việc làm thế nào cho hoành tráng, đẹp đẽ nữa. Bên cạnh đẹp đẽ thì hôn lễ đậm bản sắc quê hương vẫn luôn được nhiều cô dâu, chú rể lựa chọn. Nhớ đến đám cưới được tổ chức tại quê nhà Kiên Giang của người đẹp Thuý An (Á hậu 2 Hoa hậu Việt Nam 2018) đã từng khiến cư dân mạng tấm tắc ngưỡng mộ. Hình ảnh lễ cưới được trang trí theo phong cách vintage với rất nhiều đồ dùng cổ xưa được đặt ở khu vực cổng cưới. Đặc biệt, đám cưới của nàng Á hậu còn khiến cư dân mạng thích thú khi nhà trai phải đi rước dâu bằng xuồng để băng qua sông.

Hay mới đây, hình ảnh đám cưới đậm chất miền Tây xưa được cô dâu Ngọc Yên chia sẻ lên mạng xã hội khiến ai cũng ấn tượng. Đám cưới của Ngọc Yên và chồng được tổ chức tại nhà riêng. Điểm đặc sắc ở đây chính là căn nhà mang đậm nét truyền thống miền Tây. Từ việc bày ban thờ lễ, trang trí đám cưới đến khung cảnh những cây dừa... đều mang đậm ấn tượng miền Tây sâu sắc. Đặc biệt, trong ngày cưới, vợ chồng Ngọc Yên lựa chọn áo nhật bình và áo tay chẽn mang đậm bản sắc Việt Nam. Thông qua những hình ảnh cô dâu chia sẻ mới thấy rằng nét đẹp văn hoá miền Tây vẫn độc đáo như thuở nào.

Miền Tây Nam Bộ không chỉ gắn liền với sông nước mà còn gắn liền với phong tục cưới hỏi độc đáo từ bao đời. Theo thời gian, mọi thứ dần thay đổi nhưng hình ảnh những đám cưới hỏi nơi đây vẫn mãi là “đặc sản” khiến người xa quê nhớ mãi không nguôi, người xứ khác lại thấy thương mến, thích thú…

Đọc thêm