Độc đáo đám cưới “trên mây”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cưới hỏi là một phong tục đặc sắc và vô cùng quan trọng đối với người H’Mông, người Thái, người Nùng… góp phần vào sự đa dạng bản sắc văn hóa các dân tộc tại vùng cao Tây Bắc. Nhiều người dân bản và du khách thích thú khi được tham gia đám cưới của các đồng bào dân tộc cùng mây núi, gió ngàn.
Đám cưới của người H’ Mông.
Đám cưới của người H’ Mông.

Mang đôi hạt cau khô để xin lá số của cô gái

Hôn nhân của người Nùng trải qua nhiều nghi lễ. Trước hết là lễ so tuổi, nhà trai mang sang nhà gái một đôi hạt cau khô để xin lá số của cô gái. Sau một tháng nếu nhà gái không trả lại đôi hạt cau thì coi như nhà gái đã ưng thuận, nhà trai sẽ đến hỏi lần thứ hai để hai gia đình định ngày đính hôn và thỏa thuận sính lễ.

Lễ đính hôn gồm một con lợn và một đôi gà sống thiến. Sau lễ đính hôn có thể một vài năm mới cưới, trước kia lễ vật đám cưới rườm rà có khi nhà trai phải mất một vài năm mới lo đủ. Đối với nhà gái cũng phải chuẩn bị nhưng nhẹ nhàng hơn nhà trai, cô gái chỉ phải chuẩn bị chăn màn, quần áo và một số đồ dùng. Lễ cưới thường được tổ chức vào mùa khô. Trước hôm cưới nhà trai mang lễ vật gồm thịt lợn, rượu, gạo… đến nhà gái theo yêu cầu.

Khi đi đón dâu nhà trai gồm có chú rể, phù rể, ông mối… Ông mối là người rất quan trọng. Bởi theo quan niệm của người Nùng đôi vợ chồng trẻ có hạnh phúc giàu có hay không phụ thuộc rất nhiều vào ông mối. Khi xuất hành đến nhà gái, chú rể thắp hương vái lạy trước bàn thờ tổ tiên rồi đi trước, tiếp đến là 2 cô đón dâu và cuối cùng là ông mối. Tới nhà cô dâu, chú rể làm lễ trình báo tổ tiên, sau đó mời trầu, mời thuốc tất cả họ hàng nhà cô dâu. Đoàn đưa dâu gồm một bà đưa dâu, một cô phù dâu, một cô mang theo tặng phẩm. Việc trải chiếu giường cô dâu đêm tân hôn nhất thiết chỉ bà đưa dâu mới được trải, đây là người đã được chọn lựa rất kỹ.

Trước khi về nhà chồng cô dâu phải mặc những bộ trang phục mới và đẹp. Cô dâu được trang điểm rất kỹ càng, phải chọn người biết chải tóc và đội khăn. Gia đình chuẩn bị một bó đuốc đang cháy đặt cạnh bên bếp lửa, cô dâu cúi xuống hai tay cầm bó đuốc đang cháy đẩy vào bếp, làm cho ngọn đuốc bốc cao… sau những thủ tục trên cô dâu ra cửa, phù dâu và những người trong đoàn đi theo, kể từ đây cô dâu không được nhìn ngoái lại.

Trên đường đi qua các đền miếu, ông mối vào thắp hương khấn vái. Nếu hai đám cưới gặp nhau giữa đường thì hai cô dâu mời trầu hoặc tặng nhau vật kỷ niệm và phải tránh nhau theo bên phải. Khi đến nhà chú rể bếp lửa phải được che kín không được cho cô dâu nhìn thấy. Bước vào nhà cô dâu thực hiện lễ báo tổ tiên để công nhận cô từ nay là con cháu trong gia đình.

Sáng hôm sau bà đưa dâu đại diện cho nhà gái làm lễ bàn giao và những hồi môn, tặng phẩm của nhà gái cho nhà trai. Sau ba ngày sẽ làm lễ lại mặt. Lễ vật gồm một đôi gà luộc chín, một khay xôi màu đỏ. Trong lễ lại mặt chú rể mới có thời gian làm quen với những người thân thích của cô dâu. Trong một vài năm đầu cô dâu về nhà bố mẹ đẻ vào những dịp có công có việc. Mỗi lần về anh em họ hàng bên chồng phải đích thân sang đón. Hiện nay đồng bào Nùng đã có rất nhiều tiến bộ trong việc cưới hỏi, thủ tục đám cưới đã giản đơn hơn rất nhiều, nhưng vẫn giữ được bản sắc và phong tục riêng.

Theo tục lệ của người Nùng, sau khi thiếu nữ Nùng nhận tín vật tình yêu, nhà trai mới được làm lễ dạm hỏi, và phải chờ đợi một thời gian mới được dẫn cưới và đón dâu.

Theo tục lệ của người Nùng, sau khi thiếu nữ Nùng nhận tín vật tình yêu, nhà trai mới được làm lễ dạm hỏi, và phải chờ đợi một thời gian mới được dẫn cưới và đón dâu.

Người H’ Mông hát “Xin mở cửa” để đón dâu

Người H’Mông thường tổ chức lễ cưới hỏi vào dịp này bởi quan niệm mùa xuân là mùa của vạn vật sinh sôi nảy nở, là lúc thời tiết đẹp và tươi sáng nhất. Theo phong tục của người H’Mông, hôn nhân phải đủ nghi lễ như dạm hỏi, ăn hỏi và lễ đón dâu, tất cả đều được tổ chức vào ngày lành, tháng tốt. Lễ dạm hỏi bắt buộc phải có hai ông mối thông thuộc các bài hát nghi lễ cưới xin, kết nối hai nhà để làm thủ tục dạm hỏi và hẹn ngày đón dâu. Đám cưới diễn ra trong hai ngày sau khi được thống nhất từ thầy cúng: Ngày lẻ tổ chức tại nhà gái và ngày chẵn tại nhà trai.

Cô dâu, chú rể mặc những bộ trang phục truyền thống mới và đẹp nhất. Sau khi trưởng họ thắp hương trên bàn thờ tổ tiên, trời đất, nhà trai lên đường đi đón dâu. Đám cưới người H’Mông bao giờ cũng có phù rể. Đoàn rước dâu thường không đông, bao gồm: Trưởng đoàn nhà trai, phù rể, chú rể và một vài người thân của cô dâu. Sau khi ông mối hát bài “Xin chiếc ô đen” và nhận từ tay trưởng họ túi vải, ô, đoàn đón dâu sẽ đến cửa nhà gái. Người ta quan niệm ô để che mưa nắng trên đường rước dâu, còn túi để dựng những vật dụng cần thiết của cô dâu khi về nhà chồng. Khi đến nhà gái, nếu thấy cửa đóng, ông mối sẽ phải hát bài “Xin mở cửa”. Thường thì gia đình cô dâu đã mở cửa sẵn sàng đón khách. Lời hát bài “Xin bàn ghế” của ông mối vừa dứt thì bàn rượu được bày ra và gia đình 2 bên cùng nhau uống rượu. Ông mối bàn giao đồ lễ cho nhà gái gồm thịt lợn, thịt gà, rượu ngô, mèn mén, cơm xôi, tiền mặt...

Cô dâu lúc này cũng đã chuẩn bị xong bộ trang phục truyền thống do chính tay mình may, ở trong phòng riêng, được mẹ đẻ căn dặn kỹ càng trước khi về nhà chồng. Sau khi nhà trai xin phép, phù dâu sẽ vào buồng và dắt cô dâu ra ngoài. Phù rể sẽ cùng chú rể quỳ lạy tổ tiên, vái lạy cha mẹ nhà gái trước khi rước dâu đi. Sau khi hoàn tất các thủ tục, cô dâu được anh em trong gia đình dắt tay ra cửa trao cho người đón đâu. Theo phong tục, khi cô dâu, chú rể đã ra khỏi cửa thì không được quay đầu nhìn lại nhà cha mẹ cô dâu nữa. Đoàn đón dâu đi đến nửa đường phải dừng chân nghỉ lại, bày đồ ăn, thức uống ra để ông mối làm lễ mời các vị thần.

Trước khi vào nhà trai, cả đoàn phải dừng lại trước cửa để bố của chú rể đón cặp vợ chồng. Trên tay ông cầm sẵn một con gà trống để làm phép, đưa sang trái và phải 3 cái để xua đuổi những điềm không may, đón những điều may mắn và làm lễ nhập gia cho cô dâu mới.

Lúc này, người làm mối sẽ trao cô dâu cho họ nhà trai. Cô dâu, chú rể lễ gia tiên. Cỗ tiệc ở nhà trai lúc này cũng đã được bày sẵn, trưởng họ nhà trai mời tất cả mọi người trong bản, gia đình nhà gái ở lại phá cỗ mừng dâu mới. Khách tới dự đám cưới diện bộ trang phục truyền thống và gửi những lời chúc cho đôi vợ chồng trẻ.

Người Thái dệt khăn piêu và nghi lễ “tằng cẩu”

Trong lễ cưới truyền thống của người Thái, nhà trai phải 3 lần làm lễ đi hỏi vợ. Lần thứ nhất gọi là lễ “chóm mia” (chạm ngõ). Lần thứ hai là lễ “khắt cằm kin khươi” (ăn hỏi); ở lần này, lễ vật mang theo chủ yếu là trầu cau. Lần thứ ba là lễ “tỏn mia” (đón vợ); vào ngày lễ này, nhà trai dậy sớm mổ bò, mổ trâu, chuẩn bị các lễ vật đem sang nhà gái bao gồm: lợn hơi, gạo nếp, rượu, gà, cá suối sấy khô bỏ trong giỏ nan đan hình mắt cáo. Cũng trong lễ “tỏn mia” nhà trai còn mang đến món cá chua và bánh chưng. Cá chua là món thể hiện sự khéo léo, tài giỏi của người con trai Thái. Cá - biểu tượng của thế giới nước và nước là môi sinh quan trọng hàng đầu của đời sống Thái. Cho nên, cá chính là nguồn sống, là biểu tượng ấm no, hạnh phúc của người Thái. Theo phong tục, đám cưới người Thái đều do nhà trai đứng ra lo liệu, tổ chức. Thậm chí, trong ngày ăn hỏi và cưới chính thức người phục vụ cơm nước cũng do nhà trai đảm đương hết.

Trong hôn nhân Thái, nếu cá là lễ vật bắt buộc của nhà trai thì chăn đệm lại là những đồ vật không thể thiếu của nhà gái. Theo phong tục Thái, khi đi lấy chồng, các cô gái Thái phải mang theo về nhà chồng ít nhất 4 đôi một số chăn đệm, gối, khăn đội đầu “piêu” tuỳ khả năng của mình. Tuy nhiên, tối thiểu mỗi cô dâu cũng phải mang về nhà chồng 4 đôi chăn đệm cùng một số gối nhất định. Với tục lệ này, các cô gái Thái phải chuẩn bị dệt vải, làm chăn đệm từ tuổi thiếu nữ thể hiện khéo léo canh cửi.

Và một nghi lễ không thể thiếu trong đám cưới truyền thống của người Thái, đó là lễ “tằng cẩu” (búi tóc ngược). Vào hôm làm lễ “tằng cẩu” nhà trai sẽ cử một đoàn sang nhà gái gồm những thiếu nữ trẻ đẹp và các thiếu phụ khỏe mạnh, tháo vát, thông thạo động tác búi tóc ngược cho cô dâu mới. Phía nhà gái cũng có số người tương ứng, trong đó có hai thiếu nữ làm phù dâu, thường là bạn thân của cô dâu. Đồ sính lễ búi tóc được bố mẹ chồng đưa sang thường gồm: hai búi tóc độn, châm cài tóc bằng bạc, vải trắng tự dệt, vải thổ cẩm, thắt lưng và tiền. Tặng phẩm của bố mẹ trao cho con gái trong lễ búi tóc gồm: vải trắng tự dệt, vải thổ cẩm, tiền, một cái lược, một bát nước lã...

Trong lễ “tằng cẩu”, người được chọn búi tóc cho cô dâu sẽ hát những lời dặn dò và chúc phúc cho cô dâu, chú rể: “Mái tóc dài, chải cho mượt. Búi ngược lên thành “tằng cẩu”. Từ nay về sau, người đã có chồng, nước không đổi dòng, lòng không đổi hướng…”.

Đọc thêm