Aza Koonh là lễ hội truyền thống, Tết cổ truyền của dân tộc Pa Cô nói riêng và các dân tộc thiểu số huyện A Lưới nói chung nhằm đánh dấu thời điểm kết thúc của một năm làm việc cũ và mở ra một năm làm việc mới. Đây là một trong những nét tinh hoa văn hóa tốt đẹp, độc đáo được gìn giữ, phát huy và duy trì hàng năm.
Lễ hội thể hiện lòng biết ơn đến các vị thần linh |
Đây là lễ hội thể hiện lòng thành kính, biết ơn đến các vị thần linh điều hòa khí hậu cho mùa màng tươi tốt bội thu, tạ ơn đến các mẹ giống cây trồng, đặc biệt là mẹ lúa đã nuôi dưỡng lớp lớp con cháu từ thế hệ này đến thế hệ khác lớn lên và trưởng thành.
Lễ hội Aza Koonh có rất nhiều nghi lễ |
Lễ hội Aza Koonh có rất nhiều nghi lễ: Nghi lễ a xa a rah (lễ tẩy rửa), Kâl laiq (xua đuổi các linh hồn dữ), Cha chootq (lễ chuẩn bị), Ka coong tro (lễ mời mẹ lúa), lễ cúng Aza, lễ cúng cho Giàng Xứ (giàng sông, suối, gió, mây, lửa, đất, đường sá…), lễ Cha đooi âr beh (lễ ăn cơm mới), lễ giao mâm cỗ…
Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh TT- Huế cho biết, lễ hội Aza Koonh của người Pa Cô – Tà ôi là một trong những loại hình văn hóa đặc sắc và chính vì những giá trị đó mà Sở đã đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép thực hiện đề tài nghiên cứu bảo tồn và phát huy các giá trị của lễ hội này. Đây là một loại hình văn hóa thể hiện được nhiều giá trị ý nghĩa khác nhau, kể cả phần lễ lẫn phần hội.
Lễ vật cúng ngoài sân |
Aza Koonh cũng là lễ hội để khẳng định tình cảm gắn bó thiêng liêng, sống chết có nhau, no đói có nhau của làng bản. Ngoài mục đích tạ ơn các đấng thần linh, theo phong tục địa phương, lễ hội Aza Koonh còn là dịp để người dân ở các thôn bản ngồi quây quần bên nhau, trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm trong chăn nuôi, trồng trọt để giúp nhau phát triển kinh tế, qua đó tăng cường tình đoàn kết giữa các bản làng.