Lễ hội tạ ơn Giàng
Giàng trong tín ngưỡng của nhiều đồng bào dân tộc Tây Nguyên như Cơ Tu, Ê Đê... là tên gọi của vị chúa tể thần linh, là ông trời trong văn hóa của họ. Theo lời kể của nhiều già làng Cơ Tu ở tỉnh Quảng Nam, trước kia người đồng bào thường trồng lúa trên những đồi núi cao, quanh năm vất vả với việc tìm kiếm cái ăn, cái mặc. Cuộc sống của họ hoàn toàn phải dựa vào tự nhiên nên họ rất tin vào thần linh, đất trời. Người mà họ tôn kính nhất là Giàng. Trong tín ngưỡng của mình, người Cơ Tu rất sợ khi mắc tội với Giàng và nếu mắc tội sẽ bị Giàng phạt rất nặng.
Xuất phát từ tín ngưỡng đó mà người Cơ Tu đã hình thành nên những lễ hội phong phú mang đậm tính nhân văn, được truyền từ đời này qua đời khác. Trong số những lễ hội của người Cơ Tu thì lễ hội mừng lúa mới được xem là lễ hội quan trọng nhất trong năm của họ, thường được tổ chức vào tháng 7, tháng 8 (Âm lịch) hàng năm.
Người đồng bào Cơ Tu chuẩn bị lễ vật để cúng thần linh. |
Trong nông lịch của người Cơ Tu có một mùa gieo trồng thường với ba loại lúa gồm: Lúa Ba Trăng thu hoạch vào tháng 6 (Âm lịch), lúa Nhe thu hoạch vào tháng 8 (Âm lịch) và lúa mùa được thua hoạch vào tháng 9 (Âm lịch). Mỗi năm người Cơ Tu làm một mùa với ba loại lúa kể trên để gối vụ, thu hoạch từ tháng 6 – tháng 9 (Âm lịch).
Đến thời gian thu hoạch, Già làng sẽ triệu tập dân làng và tất cả những người già trong làng cử đi họp hội đồng tại nhà Gươil (nhà cộng đồng – nhà làng, nơi tổ chức các sinh hoạt chung của đồng bào Cơ Tu trong cùng một làng - PV). Già làng sẽ cử một vài người đi kiểm tra nương rẫy xem lúa đã chín vàng chưa để quyết định thời gian thu hoạch. Việc làm này cũng giúp các Già làng xem xét năm đó dân làng có được mùa hay không để tiến hành làm lễ tạ ơn Giàng cho phù hợp.
Việc tổ chức lễ mừng lúa mới tùy theo khả năng của từng làng, từng gia đình. Nếu như năm nào vụ mùa đạt sản lượng cao thì làng tổ chức giết trâu, mỗi gia đình sẽ sắp một con heo nhỏ, 1-2 con gà, cộng thêm cá ống, cá khô, các loại thịt rừng, rau rừng đem đến. Nếu năm đó làng hay gia đình nào thất thu thì nhà đó có gì đem đấy, không bắt buộc nhưng cũng không được quá sơ sài. Việc chuẩn bị đồ lễ không được tươm tất sẽ bị coi là mắc tội với Giàng và dân làng sẽ bị phạt. Điều này có thể khiến cho vụ mùa thất bát.
Tiếp đó, để chuẩn bị cho lễ hội, các nghệ nhân sẽ thử lại cồng, chiêng cùng các loại nhạc cụ để đảm bảo đúng âm, đúng điệu. Một người uy tín trong làng sẽ được cử đi mời khách tham dự lễ hội của làng mình. Nam thanh niên lo quét dọn nhà cửa, đắp sửa lại đường đi, sân làng, sắp xếp, trang trí nhà Gươl thật khang trang để đón khách quý. Để chuẩn bị Lễ hội, Người Cơ Tu sắp xếp, chỉnh lại các hoa văn, họa tiết và các con vật trang trí trong nhà Gươl. Bên các vách nhà Gươl hay những lối đối diện đều được trang trí những tấm dồ, tấm tút đẹp nhất như báo với thần linh, ông bà, tổ tiên biết tấm lòng thành của mình cầu mong cho buôn làng Cơ Tu luôn trường tồn… Những dụng cụ sản xuất được đưa vào Gươl để “báo cáo” với thần linh, Giàng về kết quả sản xuất suốt vụ mùa vừa qua.
Các mẹ, các chị chuẩn bị trang phục truyền thống, các loại gùi để sớm mai lên rẫy tuốt những gùi lúa chín vàng về cho làng. Mọi người trong làng ai ai cũng hăng hái góp sức để có được một lễ mừng lúa mới thành công. Lễ vật hiến tế quan trọng nhất của lễ hội là một con trâu to béo được dắt đến, buộc vào cột nêu bằng sợi dây mây đan kết bền chắc. Cột nêu X’nur dùng để cột con trâu đã được trang trí hoa văn với 3 màu chủ đạo là đen, trắng, đỏ thể hiện tính thẩm mĩ và nghệ thuật điêu khắc truyền thống người Cơ Tu. Con trâu trong đời sống của người Cơ Tu đóng một vai trò rất quan trọng. Con trâu được coi như là linh vật của người Cơ Tu và trong bất cứ nhà Gươl nào cũng có một hình tượng con trâu được điêu khắc trên tấm gỗ dày của lối vào chính nhà.
Đâm trâu – nghi thức thiêng liêng nhất của Lễ hội mừng lúa mới của người Cơ Tu. |
Đối với người Cơ Tu không có gì sánh bằng một mùa rẫy bội thu, một mùa thua hoạch có được lúa đầy trong kho. Bởi vậy, khi vừa thu hoạch xong, làng sẽ mở Lễ hội mừng lúa mới, cảm tạ Giàng, đồng thời cầu mong những điều may mắn trong mùa lúa mới. Tuy nhiên, khi đã thu hoạch xong mùa thì phải cần trong thôn không có ai chết dữ, chết xấu thì già làng mới tập hợp tất cả đàn ông trong thôn lại để bàn chuyện ăn mừng lúa mới.
Linh thiêng Lễ hội mừng lúa mới
Sau khi chuẩn bị xong, vào ngày tổ chức Lễ hội, những mâm cúng tại nhà Gươl được dân mang đến. Trên mâm cúng tại Gươl bao gồm những lễ vật cơ bản sau: Một con heo; một con gà luộc; một tô xôi lớn, cơm tẻ được múc lên thau lớn; vài chén cốm; rượu cần nếp; rượu cần sắn hai ché; bánh cuốt; cơm lam; cơm ống; các loại thịt, cá.
Sau khi chuẩn bị xong mâm lễ thì già làng và những người tiến hành tham gia cúng tại nhà Gươl. Mười hai thiếu nữ, thanh niên mặc trang phục truyền thống Cơ Tu đứng trước cổng vào làng chào đón khách. Những người tham gia cúng phải mặc trang phục truyền thống của người Cơ Tu.
Vào lễ, mở đầu là lễ cầu an, già làng khấn rằng: “Ơ Giàng, ơ các thần sông, thần núi, thần đất, thần trời và các linh hồn người chết, những con ma trong rừng, trong núi... Hôm nay, dân làng mở hội đâm trâu để mừng một mùa rẫy, dân làng biết ơn giàng, các thần linh đã giúp đỡ dân làng, ban cho dân làng hạt lúa, hạt bắp về đầy nhà, đầy kho, dân làng không bị đau ốm, không bị chết xấu. Dân làng cầu mong Giàng, thần linh về dự với dân làng để biết được cái bụng của dân làng. Dân làng rất biết ơn Giàng, cúng con trâu, con gà, chén rượu cho Giàng để mùa rẫy tới được tốt đẹp như mùa rẫy này”.
Sau đó là nghi lễ già làng và các chủ gia đình làm phép dùng một tua tre chấm máu gà, máu heo đã chuẩn bị trước đó, tung nắm gạo tẻ khắp nhà và tung lên mái Gươl nơi thờ các đầu thú, chiêng trống khi đó được đánh lên.
Tiếp đó, một người già trong làng có khả năng hát lí giỏi sẽ hát một bài có nội dung tha thiết, cảm động, chứa đựng lời tâm sự với các già làng và quan khách đến tham dự.
Khi tiếng cồng chiêng vang lên rộn rã cũng là phần lễ kết thúc và phần hội bắt đầu. Đây là lúc dân làng nhịp nhàng tham gia điệu múa Tung tung – Ya yá - một hình thức kết hợp múa giữa nam và nữ. Dẫn đầu đoàn múa là các già làng, người thổi tù và, một số người đánh cồng chiêng, đánh trống; đàn ông hùng dũng trong điệu múa Tung tung với vũ khí trên tay như gươm, giáo và khiên mây, mô phỏng các động tác chiến đấu và đi săn, thể hiện tinh thần thượng võ của họ; phụ nữ nhẹ nhàng trong điệu Ya yá với đôi tay đưa ngang vai, cẳng tay gập vuông góc lên phía trên, bàn tay xòe rộng như chống đỡ bầu trời, thể hiện sự lao động bền bỉ và đấu tranh sinh tồn trước thiên nhiên.
Vũ điệu càng lúc càng dồn dập hơn cùng với những tiếng hú dài hùng tráng. Đó là lúc những già làng và trai làng cầm dụ (giáo) vừa nhảy múa vừa đâm vào con trâu trong tiếng reo hò của dân làng. Sau khi trâu chết, già làng cắt một miếng đuôi trâu ném lên chiếc phễu trên cột nêu, xin Giàng và thần linh tiếp nhận lễ vật của làng. Sọ trâu được mang vào và treo trên cột chính của ngôi nhà chung. Thịt trâu được xẻ ra, phần dành cho già làng tiếp khách quý ngay tại ngôi nhà chung, còn lại chia đều cho cả làng. Rượu cần, xôi nếp, thịt lợn, gà, trái cây… được mang ra, mọi người quây quần ăn uống, tâm tình, múa hát…
Đối với đồng bào Cơ Tu, Lễ hội mừng lúa mới là một trong những hoạt động văn hóa truyền thống quan trọng bậc nhất của người Cơ Tu ở Quảng Nam. Thông qua Lễ hội, nhiều già làng Cơ Tu muốn chuyển tới thông điệp chung tay bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa, đồng thời giới thiệu nét độc đáo của dân tộc mình đến với du khách tham gia. Lễ hội cũng là dịp để gắn kết, tăng cường hơn nữa tình đoàn kết giữa các làng bản trong huyện, trong tỉnh.