Độc đáo mứt rong hồng vân
Nằm sát cạnh bờ biển, thôn Thái An (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận) được thiên nhiên ưu đãi nguồn rong biển dồi dào. Đây là nguyên liệu chính đề người dân địa phương chế biến thành nhiều món ăn thơm ngon bổ dưỡng, trong đó nổi bật là mứt hồng vân.
Theo người dân thôn Thái An, từ lâu người dân ở đây đã phát hiện ra mùi vị thơm ngon và tính chất bổ dưỡng của rong hồng vân nên đã làm mứt. Hầu hết người dân thôn Thái An đều biết nấu mứt rong hồng vân. Trước đây, trong thôn có hơn 60 cơ sở lớn nhỏ sản xuất mứt rong hồng vân nhưng hiện tại chỉ còn hơn 10 hộ làm mứt này để bán cho khách du lịch.
Trước đây, người dân thôn Thái An chỉ làm mứt dùng trong gia đình. Tuy nhiên, khoảng hơn 10 năm trở lại đây, nhận thấy mứt rong hồng vân tiêu thụ tốt nên một số hộ dân ở Thái An đã đầu tư cơ sở sản xuất.
Cơ sở mứt Tùng do chị Võ Thị Tùng xây dựng hơn 10 năm qua đã thu hút được nhiều du khách mỗi khi ngang qua. Theo chị Tùng, quy trình làm mứt hồng vân không khó nhưng đòi hỏi công phu và kỹ lưỡng. Rong lấy từ biển về được rủ sạch phơi khô, giặt trắng, trước khi nấu phải nhặt và rửa lại thật sạch rồi ngâm cho nở, sau đó nấu và đánh cho nhuyễn rồi cho gừng, đường vào đánh tiếp. Sau khi trộn đều, bột được múc ra khay với độ dày khoảng 20mm, đem phơi khô trong thời gian từ 6 - 7 ngày, rồi cắt thành lát đem phơi và đóng hộp bảo quản.
|
Rong hồng vân sau khi được chế biến. |
Cách đây hơn 10 năm, chị Lê Thị Mỹ Hạnh quyết định đầu tư sản xuất mứt rong hồng vân, với tâm nguyện góp phần gìn giữ và giới thiệu nghề truyền thống độc đáo của vùng quê Thái An đến các tỉnh trong nước. Mứt của cơ sở chị Hạnh vẫn làm theo phương pháp truyền thống nhưng đặc biệt chú ý khâu vệ sinh và bảo quản nên được nhiều người tin dùng. Hiện nay, sản phẩm mứt rong hồng vân của cơ sở chị được tiêu thụ rộng rãi tại nhiều địa phương trong nước.
“Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, mứt rong hồng vân được biến tấu với các nguyên liệu mới lạ như: lá dứa, hoa đậu biếc, lá cẩm… tạo màu sắc, mùi vị hấp dẫn hơn. Do sản xuất bằng phương pháp thủ công, phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết nên trung bình cơ sở sản xuất khoảng 75kg mứt/tuần, với giá bán dao động từ 120.000 - 130.000 đồng/kg”, chị Hạnh chia sẻ.
Người dân địa phương cho biết, mứt rong hồng vân có vị ngọt thơm ngon của bột rau, đường và gừng tươi, vị mặn mòi của biển khơi lại giàu khoáng chất, có thể hỗ trợ chữa được nhiều loại bệnh, nhất là bệnh bướu cổ do chứa nhiều i-ốt.
Chị Nguyễn Thị Thu Trang - du khách đến từ tỉnh Lâm Đồng chia sẻ: “Mỗi lần đến Ninh Thuận, tôi đều tìm đến thôn Thái An mua mứt rong hồng vân về thưởng thức và làm quà cho người thân. Mứt này rất ngon và rẻ, đặc biệt có nhiều can-xi và i-ốt nên có lợi cho sức khỏe, nhất là đối với những người sống xa biển như chúng tôi”.
Ông Nguyễn Hải Đăng - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hải cho biết: “Nghề làm mứt rong hồng vân là nghề truyền thống có từ lâu đời đối với người dân vùng bãi rạng. Đây là nghề riêng có của địa phương đem lại thu nhập đáng kể cho người dân. Hiện nay, chính quyền đang gắn kết với các điểm du lịch vườn nho ở địa phương để giới thiệu sản phẩm đặc thù này đến du khách”.
Từ loại rong biển đặc thù của quê hương, người dân thôn Thái An đã sáng tạo, chế biến thành loại mứt mang hương vị riêng biệt của vùng đất “nắng gió”. Thiết nghĩ, để giúp người dân có thêm thu nhập từ nghề làm mứt, các ngành chức năng cần đưa ra giải pháp căn cơ, từng bước tìm đầu ra, xây dựng thương hiệu ẩm thực đưa mứt rong hồng vân có chỗ đứng trên thị trường.
Cuộc sống ổn định nhờ nuôi trồng rong biển
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tỉnh Ninh Thuận đã biết tận dụng lợi thế bờ biển được đánh giá có nguồn lợi hải sản phong phú và đa dạng để phát triển phổ biển thành các vùng nuôi trồng rong biển, giúp người dân ổn định cuộc sống.
Với những nhận thức đúng về rong biển là nguồn nguyên liệu quý, có giá trị kinh tế về y dược, thực phẩm, mỹ phẩm nên nhiều năm qua, Ninh Thuận đã chú trọng dành một khoản ngân sách để đầu tư cho việc nghiên cứu đa dạng thành phần loài, khả năng khai thác, nuôi trồng và chế biến rong biển nhằm giúp người dân sớm thoát nghèo.
Ngay từ năm 1993, Viện Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Nha Trang (thuộc Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã bắt đầu đưa rong sụn vào trồng thử nghiệm ở huyện Ninh Hải. Đến nay, rong sụn đã góp phần làm thay đổi cuộc sống người dân vùng biển Ninh Thuận và các địa phương lận cận.
|
Người dân ven biển Ninh Thuận có cuộc sống ổn định nhờ việc nuôi trồng rong sụn. |
Người dân ở huyện Ninh Hải cho biết, một năm thu hoạch rong sụn được 2 mùa. Năm vừa qua, rong sụn có sản lượng cao đạt bình quân từ 17 - 20 tấn/ha, giá rong nguyên liệu thu mua ở mức trung bình từ 35 - 40 nghìn đồng/kg, lợi nhuận người dân nhận được tương đối cao.
“Những năm trước mất mùa do ảnh hướng của thời tiết bất lợi khiến rong sụn chậm phát triển khi bị teo thân, cong nhánh. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, thời tiết thuận lợi, giá bán nguyên liệu tương đối ổn định nên người trồng rong sụn có lãi. Người ít thì thu hoạch bán được vài chục triệu, hộ nhiều thu nhập cả vài trăm triệu đồng. Người dân thường thu hoạch rong tươi, sau đó phơi khô để bán với giá cao hơn”, một hộ nuôi trồng rong sụn cho biết.
Với ngư dân các vùng biển ở Ninh Thuận, rong sụn hiện giờ không chỉ xóa đói mà còn giúp người dân đổi thay cuộc sống. Nuôi trồng rong sụn khá đơn giản. Sau khi mua giống về, bà con cứ phân đoạn rong giống có chiều dài từ 0,3 - 0,5m, rồi mang ra vùng biển và buộc chặt các đoạn rong giống với khoảng cách từ 0,2 - 0,3m vào giàn dây được cột chặt vào cọc gỗ đã cắm sâu dưới đáy cách mặt nước biển khoảng 1,5m.
Sau đó, để rong sụn sinh trưởng với môi trường biển tự nhiên trong thời gian từ 3 - 4 tháng thì thu hoạch, tùy theo tốc độ sinh trưởng của rong sụn. Ngoài nghề đi biển, nhờ thu nhập thêm từ nuôi trồng rong sụn, nhiều hộ đã cải thiện đời sống đáng kể.
Ưu điểm đặc biệt của rong sụn là có thời gian sinh trưởng ngắn và sớm cho thu hoạch. Đặc biệt, sau khi thả giống xuống biển nuôi khoảng 20 ngày, chùm rong giống sẽ phát triển lớn gấp 2 hoặc 3 lần chùm giống thả nuôi ban đầu. Lúc này, người nuôi có thể chiết giống ra thêm để tiếp tục mở rộng diện tích nuôi trồng mà không phải tốn thêm chi phí mua giống. Bình quân mỗi chùm rong phát triển tốt có thể đạt trọng lượng hơn 3kg nên chỉ từ 2 - 3 tháng là có thể thu hoạch.
Theo Chi cục Thủy sản Ninh Thuận, rong sụn sinh trưởng tốt khi được thả nuôi ở những khu vực ven biển có gió nhẹ hoặc yên tĩnh. Tùy theo cách nuôi trồng dày hay thưa của ngư dân khi thả cọc và căng dây làm giàn trên mặt nước biển nhưng bình quân thì từ 0,5 - 1 tấn giống/ha mặt nước biển.
Tổng chi phí đầu tư khoảng 15 triệu đồng/ha, rất thấp so với chi phí nuôi trồng các loại cây trồng khác nhưng rong sụn cho năng suất cao. Bình quân từ 15 - 17 tấn rong tươi/ha, nếu ở các vị trí trồng thuận lợi và chăm sóc đúng kỹ thuật sẽ đạt từ 25 - 30 tấn/ha.