Nghề “độc”, lạ ở vùng cao
Những buổi chợ phiên ở thị trấn Quảng Uyên, Trùng Khánh cứ 5 ngày họp 1 lần. Một “luật bất thành văn” đã trở thành thông lệ là các buổi chợ đều lần lượt thay phiên nhau tổ chức. Khu chợ phiên nào cũng tấp nập người mua, kẻ bán, và ngồi riêng ở một góc chợ là những tay thiến gà vốn nổi tiếng, quen thuộc với người dân trong vùng.
Đây là một nghề gia truyền của một số gia đình dân tộc Tày, Nùng xuất hiện và tồn tại từ xa xưa.
Những người hành nghề thiến gà trống ở miền sơn cước không nhiều trong khi đó nhu cầu thiến gà trong vùng lại cao, chính vì vậy những gã thợ thiến gà chuyên nghiệp luôn bận rộn vào các buổi chợ phiên, trong túi lúc nào cũng rủng rỉnh tiền.
Hầu hết các gia đình đi chợ đều mang theo một hoặc vài con gà để bán hoặc thiến, thậm chí có cả đôi vợ chồng chở theo cả gánh lồng gà lớn đem đến thiến.
Chợ phiên thị trấn Quảng Uyên diễn ra vào các ngày 1, 6, 11,16, 21, 26 âm lịch trong tháng. Vào những ngày này, chợ thường nhộn nhịp, khắp nơi đổ về vui như hội bởi đây là trung tâm của huyện, có địa điểm bày bán rộng lớn.
Trong khu chợ bán gia súc, gia cầm thì bao giờ cũng xuất hiện những thợ thiến gà ngồi cạnh đó, chợ càng có đông người càng nhiều thợ hoạn lui tới bởi vậy sự cạnh tranh càng cao. Thợ hoạn nào càng nổi tiếng, uy tín và tay nghề cao thì càng được đông khách.
Mỗi con gà trống non chưa đầy 5 phút, thợ hoạn chuyên nghiệp đã biến chúng trở thành gà “thái giám”. Từ khắp nơi đổ xuống phía tây góc chợ Quảng Uyên, phiên chợ náo nhiệt với tiếng gà kêu và tiếng người gọi nhau í ới bằng tiếng dân tộc Tày, Nùng.
Không chỉ ở thị trấn Quảng Uyên mới có chợ thiến gà mà ngay tại chợ xã Thông Huề, chợ thị trấn Trùng Khánh, chợ Pò Tấu thuộc huyện Trùng Khánh cũng đều có những tay thợ thiến gà bản xứ. Trong số những thợ hoạn có tuổi, có thâm niên còn lác đác xuất hiện một vài thợ thiến gà trẻ tuổi, mới bước vào nghề chưa được bao lâu.
Theo những thợ hoạn lâu năm cho biết, không phải ai học cũng có thể làm được, nghề này đòi hỏi sự tinh tế và một chút năng khiếu cũng như am hiểu về gà. Nếu không đáp ứng được những yêu cầu này thì người theo nghề sẽ không thể trở thành thợ hoạn giỏi, thiến 10 con chết 4, 5 con sớm muộn sẽ không ai dám thuê nữa.
Vì thế, những thợ hoạn giỏi mới có thể tồn tại lâu năm và kiếm nhiều tiền từ nghề này.
Ông Nông Văn Tánh đang thiến gà. |
Làm giàu từ nghề cổ truyền
Một trong những thợ thiến gà nổi tiếng khắp huyện Trùng Khánh là ông Nông Văn Tánh (63 tuổi) ở xóm Nà Quang thuộc xã Đoài Côn. Hành nghề đã hơn bốn chục năm nay, hầu như buổi chợ phiên Thông Huề, Trùng Khánh nào cũng thấy ông xuất hiện.
Thiến gà vốn là nghề gia truyền của gia đình ông tồn tại từ nhiều đời nay. Khoảng bốn chục năm qua, không biết bao nhiêu con gà trống non tơ đã phải “qua tay” ông để được béo tốt, không còn “tơ tưởng” đến gà mái.
Cho đến nay, kỹ năng thiến gà của ông Tánh đã thành thục như bản năng, mọi động tác đều rất nhanh nhẹn, thoăn thoắt.
“Gian hàng” của ông Tánh nằm ngay bên vệ đường ở ngã tư chợ. Gà của khách đến trước thì được thiến trước, không có trường hợp ưu tiên, ngoại lệ. Ông bắt gà từ trong lồng ra và dùng dây buộc hai chân gà lại rồi cho nằm nghiêng.
Cách thiến gà hiện nay không giống như vài chục năm trước đây, rủi ro cũng giảm thiểu.
Thay vì rạch vào dưới bụng như kiểu truyền thống, ông rạch một đường nhỏ khoảng 3-4 cm dưới cánh phải của con gà sẽ tiết kiệm thời gian và ít rủi ro hơn. Sau đó, ông dùng một chiếc kim móc có gắn sợi chỉ luồn xuống dưới hai hòn “bảo bối” của gà trống rồi mới kéo lên một cách cẩn thận, từ từ cắt bỏ tinh hoàn bằng sợi chỉ một cách khéo léo. Tất cả chỉ diễn ra trong thời gian 5 phút.
Sau khi lấy từng hòn tinh hoàn ra ngoài, công đoạn cuối cùng chỉ cần khâu lại vết mổ rồi thả gà vào lồng. Chỉ vài hôm sau vết khâu sẽ nhanh chóng liền lại, chú gà sẽ hồi phục và phát triển béo tốt.
Ông Tánh cho biết: “Gà thiến xong, mỗi con chỉ lấy 5 nghìn đồng. Tuy nhiên số lượng gà đến thiến nhiều nên trung bình mỗi phiên chợ tôi thu được khoảng 200 – 300 nghìn đồng. Còn vào đợt giáp tết tôi kiếm trên 500 nghìn đồng/ngày.
Nhưng đây chỉ là số tiền ít ỏi so với việc bán những “hòn ngọc” cho các chủ quán ăn, nhà hàng. Càng thiến được nhiều gà thì “lộc” kê càng nhiều. Nếu một buổi sáng mà thiến được 100 con gà thì cũng tương đương 1kg tinh hoàn gà.
Một cân thì được nhiều lắm, đem giao cho nhà hàng cũng được giá tầm 700-800 nghìn đồng/kg. Món này là món khoái khẩu, xa xỉ của các dân nhậu, không phải có nhiều tiền là có thể mua được, mà phải có quan hệ quen biết và đặt hàng trước”.
Theo ông Nông Văn Cầm (68 tuổi) ở xóm Bản Khuông, xã Thông Huề - một thợ thiến gà có thâm niên chia sẻ: “Thông thường thì đi chợ phiên huyện Trùng Khánh, Quảng Uyên, Trà Lĩnh sẽ có nhiều người họp chợ nên cũng kiếm được nhiều hơn so với chợ phiên ở xã.
Thế nhưng, đối với cánh thợ hoạn chúng tôi không phải địa bàn nào cũng “lấn sân” được, với lại đường xa nữa nên cũng hơi bất tiện. Riêng tôi, chuyên hoạn ở chợ phiên Thông Huề thôi, còn thị trấn Trùng Khánh thỉnh thoảng mới lên vì đi khá xa mà tuổi đã già rồi.
Mỗi phiên chợ tôi cũng thu nhập vài trăm nghìn đồng, vừa đủ để duy trì cuộc sống, bởi đây là số tiền kiếm từ bên ngoài, còn công việc chính vẫn chủ yếu là làm nông nghiệp.
Những năm nay nhiều hộ gia đình nuôi nhiều gà để làm kinh tế, ngày càng có nhiều trang trại xuất hiện nên thu nhập từ nghề phụ này cũng rất ổn định”.
Theo ông Tánh chia sẻ, nghề thiến gà kiếm tiền “dễ như bỡn” đối với những người khéo tay, có cơ duyên nhưng lại rất khó với những ai cẩu thả, tính tình nôn nóng. Đã có nhiều người quyết chí theo học và hành nghề thiến gà nhưng đành phải bỏ cuộc giữa đường vì không thành công, thậm chí “phù thủy đền gà”.
Ông Lưu Hồng Sơn, Chủ tịch xã Thông Huề cho biết: “Đã từ lâu, ở chợ phiên Thông Huề bà con đã quen với cảnh các thợ thiến gà gia truyền hành nghề bên góc chợ. Có thời thì nhiều người lắm nhưng mấy năm nay chỉ có một, hai người làm nghề này.
Mỗi phiên chợ, nhất là vào dịp giáp tết, những thợ thiến gà bận rộn lắm, cuối buổi được vài cân kê gà, đây thực sự là một nguồn thu khá của các thợ hoạn ở miền núi”./.