Độc đáo phong tục đón Xuân của người xưa

(PLO) - Để có một năm mới may mắn, bình an và hạnh phúc, ngay từ những ngày đầu Xuân, người Việt cổ xưa, ai nấy đều tuân thủ "nghiêm ngặt" những tập tục đã có tự ngàn đời.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Tục xuất hành và hái lộc
Quan niệm người xưa, xuất hành là lần đi ra khỏi nhà đầu tiên trong năm, thường được thực hiện vào ngày tốt đầu tiên của năm mới để đi tìm may mắn cho bản thân và gia đình. Trước khi xuất hành, người ta phải chọn ngày Hoàng đạo, giờ Hoàng đạo và các phương hướng tốt để mong gặp được các quý thần, tài thần, hỉ thần... 
Người xưa xuất hành thường hay đến các đền chùa bởi khi lễ bái trước trời Phật, thánh thần, đặc biệt trong dịp đầu năm, con người sẽ có cảm giác thanh thản tâm linh. Sau khi lễ bái, người Việt còn có tục bẻ lấy một cành lộc để mang về nhà lấy may, lấy phước. Cành lộc có thể là một cành đa nhỏ hay cành đề, cành si... những loại cây quanh năm tươi tốt và nảy lộc. Tục hái lộc ở các nơi đền, chùa ngụ ý xin hưởng chút lộc của thần, Phật ban cho nhân năm mới. Cành lộc thường đem về cắm ở bàn thờ. 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Tuy nhiên, việc hái lộc này chỉ nên mang tính tượng trưng. Ngày nay nhiều người hiểu nhầm tục lệ này, cho rằng càng hái những cành lộc to thì càng gặp được nhiều tài lộc. Vì thế, một số người đầu xuân năm mới đã khệ nệ mang vác những cành cây to về nhà; không chỉ làm hại cây xanh mà còn làm cho ý nghĩa tốt đẹp của tập tục bị lạm dụng. Cần hiểu rằng một cành lộc nhỏ, có lá xanh và cân đối là đã đạt yêu cầu; bởi cầu nhỏ mới được lớn, hái lộc theo kiểu phàm phu thì chỉ khiến các thế lực tâm linh thêm tức giận. 
Tục chúc Tết và mừng tuổi
Ngày xưa, sáng mùng một tết, con cháu tụ họp ở nhà tộc trưởng để lễ tổ tiên và chúc tết ông bà, các bậc huynh trưởng. Theo quanniệm, cứ năm mới tới, mỗi người tăng lên một tuổi, bởi vậy ngày mùng một tết là ngày con cháu “chúc thọ” ông bà và các bậc cao niên. Trong những ngày tết, những thân bằng quyến thuộc hoặc những người phải chịu ơn người khác thường đi chúc tết và mừng tuổi gia chủ; sau đó xin lễ ở bàn thờ tổ tiên của gia chủ.
Ngoài những lời chúc tết thông thường thì người Việt còn có phong tục đẹp được lưu truyền từ xưa đến nay, đó là mừng tuổi, mừng tuổi bằng lời nói và mừng tuổi bằng hiện vật, mà cụ thể là tiền mừng tuổi. Không ai mừng tuổi bằng hiện vật cồng kềnh khó mang như là mừng đám cưới, và nếu chỉ mừng tuổi bằng lời nói thôi cũng không hoàn toàn là mừng tuổi. 
Trước hết mừng tuổi chủ yếu là những người thân nói với nhau, trong gia đình thì con cháu mừng tuổi ông bà cao niên, rồi người cao niên lại mừng tuổi người dưới, mà ưu tiên nhất là những người bé tức tuổi thiếu niên và nhi đồng, với những lời tốt đẹp như hay ăn chóng lớn, học hành tấn tới, khỏe mạnh… 
Các cụ già mừng tuổi cho các con cháu thường là dùng những tờ giấy bạc thật mới, chưa có nếp gấp nào, và gồm nhiều loại tiền có mệnh giá khác nhau để ngụ ý rằng sang năm mới, tuổi mới sẽ có nhiều loại tiền như thế trong cuộc sống. Ông bà cao niên được mời ngồi lên chỗ trang trọng nhất trong nhà để các con cháu quây quần xung quanh mừng năm mới và mừng tuổi các cụ. Liền ngay sau đó là ông bà mừng tuổi lại cho con cháu, vừa là lời chúc tết vừa trao tiền mừng tuổi. 
Khách đến xông nhà chúc tết cũng thường chuẩn bị một ít tiền để mừng tuổi cho con chủ nhà và chủ nhà cũng đáp lễ, mừng tuổi cho con nhỏ của khách đi theo. Tiền mừng tuổi thường được để trong phong bao có màu đỏ gọi là “hồng bao”. Xuất phát từ điển tích xưa trong “hồng bao” có 8 đồng tiền (nghĩa là Bát Tiên hoá thân) được đặt dưới gối đứa trẻ để xua đuổi quỷ đến quấy nhiễu. Việc mừng tuổi tiền mới này chỉ là cần mang ý nghĩa tượng trưng, không nhất thiết phải tiền to, tiền nhiều mới có giá trị với người được mừng tuổi.
 
Tục thăm viếng
Người xưa có lệ những ngày năm mới, mọi người đi lại thăm viếng, chúc tụng lẫn nhau. Thăm viếng họ hàng là để gắn kết tình cảm gia đình, họ hàng. Lời chúc tết thường là sức khỏe, phát tài, phát lộc, gặp nhiều may mắn, mọi ước muốn đều thành công... Những người năm cũ gặp rủi ro thì động viên nhau tai qua nạn khỏi hay của đi thay người, nghĩa là trong cái họa cũng tìm thấy cái phúc, hướng về sự tốt lành. Đến thăm những người hàng xóm của mình, những gia đình sống gần với gia đình mình, chúc họ những câu tốt lành đầu năm mới. 
Những chuyến thăm hỏi này giúp gắn kết mọi người với nhau, xóa hết những khúc mắc của năm cũ, vui vẻ đón chào năm mới. Đến thăm những người bạn, đồng nghiệp, những người thân thiết với mình để chúc họ những câu tốt lành, giúp tình cảm bạn bè gần gũi hơn.
Ẩm thực ngày Tết
Bữa ăn ngày tết thường có nhiều món, đủ chất hơn và sang trọng hơn bữa ăn ngày thường. Vì vậymà người ta cũng thường gọi là “ăn tết”. Ngoài cơm, ngày tết còn có nhiều món ngon khác. Bánh truyền thống: bánh chưng, bánh dày, bánh tét... Đây là các loại bánh đặc trưng cho phong tục ăn uống ngày tết ở Việt Nam. 
Vài kiêng kỵ cần thiết trong ngày Tết
Cùng với tâm lý hào hứng đón xuân, người xưa cũng đề ra nhiều điều kiêng kị. Tục này xuất phát từ sự mong cầu những việc tốt đẹp trong năm mới, cầu điều lành, xua điều dữ. Việc kiêng kỵ được chú ý đầu tiên là chuyện xông nhà, xông đất. Kiêng người đến xông nhà kỵ với tuổi chủ nhà, hoặc những người trong năm cũ bị hoạn nạn, rủi ro như cháy nhà, mất của, bị kiện tụng, đau ốm, hoặc gia đình có tang, vợ chồng không song toàn, bất hòa... 
Trong ngày đầu xuân: kiêng không quét nhà, người Việt quan niệm đầu năm mới chỉ nhận về, không cho đi. Và, nếu quét nhà là quét đi những điều may mắn và của cải. Kiêng cho lửa (đỏ, may mắn), kiêng cho nước (may mắn, tiền bạc) trong ngày xuân, đặc biệt trong ngày mùng một tết kiêng làm đổ vỡ vật dụng, kiêng to tiếng, đánh chửi súc vật, kiêng va chạm tình cảm... 
Ngày xưa, các gia đình thường ăn tết đến ngày mùng bảy, đến khi làm lễ Khai hạ mới kết thúc. Ngày nay, người Việt ăn tết đến mùng ba, cùng lắm với những gia chủ không hợp với ngày mùng ba thì sang mùng bốn là làm lễ hóa vàng, đây là ngày cúng tiễn ông bà ông vải. Mọi gia đình làm cơm cúng gia tiên, rồi mang bao nhiêu vàng mã đã cúng trong ba ngày ra hóa. Cần chú ý, những vàng mã dành cho người mới mất trong năm qua thì được hóa riêng. Khi hóa, vẩy vào mấy giọt rượu cúng trên ban thờ đem xuống vì tục cho rằng làm như thế ở cõi âm các cụ mới nhận được vàng mã đó. 
Nhiều gia đình còn có hai cây mía đặt ở hai bên ban thờ. Hai cây mía sẽ được đem hơ trên đống tàn hóa vàng. Quan niệm dân gian cho rằng đó là vũ khí chống lại bọn quỷ dữ muốn cướp những đồ cúng lễ. Trong bữa cơm hóa vàng, con cháu tề tựu đầy đủ, thân mật và sau đó những ngày tết mới kết thúc. Tết là phong tục được truyền từ đời này sang đời khác. Trải qua hàng nghìn năm tồn tại, tết càng khẳng định vai trò không thể thiếu đối với người Việt, với những đặc trưng phong phú và đa dạng. tết mang một ý nghĩa to lớn đối với đời sống cộng đồng, góp phần phong phú thêm phong tục tập quán quê hương./.

Đọc thêm