Độc đáo quán cà phê 'gỡ khó' cho sinh viên

Mở quán nhưng không nhằm mục đích kinh doanh mà để làm địa chỉ “khuyến học”, hướng dẫn và bổ trợ thêm kỹ năng thực hành cho sinh viên ngành điện tử. Từ quán này, nhiều ý tưởng sáng tạo và đề tài nghiên cứu đã được nuôi dưỡng và hình thành...
Ông Nhan Thanh tận tình chỉ sinh viên thực hành tại quán Arduino
Ông Nhan Thanh tận tình chỉ sinh viên thực hành tại quán Arduino

Bồi bổ kỹ năng ứng dụng thực tế

Hơn 30 năm làm nghề thợ máy tại phòng Cơ Điện của Công ty CP Dược Hậu Giang, ông Nhan Thanh (54 tuổi, ngụ quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) hiểu được những khó khăn của sinh viên ngành điện tử, cơ khí, những người mới bắt đầu học và chập chững bước vào nghề kỹ thuật, điện tử. 

Đặc thù ngành này yêu cầu khả năng thực hành rất cao. Những vốn kiến thức lý thuyết ở trường vẫn chưa đủ đáp ứng yêu cầu khi vào nghề. “Trong nhiều năm làm việc, tôi gặp nhiều sinh viên, nhận thấy kiến thức của các em rất vững nhưng lại thiếu kỹ năng ứng dụng vào thực tế. Do đó, tôi ấp ủ ước mơ mở quán cà phê, đầu tư các dụng cụ điện tử để các em thực hành”, ông Thanh chia sẻ.

Vì vậy, ông đã mở quán cà phê Arduino (đường Lê Lai, phường An Phú, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), dành một nửa không gian để làm nơi cho sinh viên gặp gỡ, trao đổi, học tập.

Tại địa chỉ này, hơn 2 năm nay, sinh viên các ngành từ cơ khí, điện tử, tự động hóa đến công nghệ thông tin giao lưu, học hỏi với nhau. Ông Thanh cũng kết hợp 2 - 3 sinh viên để làm nhóm thực hiện ý tưởng, đề tài. Nếu gặp khó khăn hay có thắc mắc gì, đều được ông chủ quán tận tình hướng dẫn. Phòng thực hành được trang trí nhiều trang thiết bị. 

Ngoài chiếc máy in 3D do ông sáng chế, còn có nhiều dụng cụ, máy móc, những bộ lập trình điều khiển, bộ thí nghiệm về bo mạch điện tử... để các bạn trẻ tiếp cận thực tế và phát huy sáng tạo, từng bước hiện thực hóa ước mơ của mình. Bên cạnh đó, ông Thanh thành lập một câu lạc bộ tự động hóa, mỗi tháng chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm với các bạn trẻ vào 2 ngày đầu tháng và giữa tháng. 

Nhiều lớp sinh viên đã gọi ông Thanh với cái tên thân thương “chú Thanh”, hay “thầy Thanh”, bởi tâm huyết và đam mê của một người kì vọng vào lớp trẻ. 

Thầy dạy không lương

Trần Nhật Trường (SV Khoa Công Nghệ, Trường Đại học Cần Thơ) cho biết: “Do quá trình học trên lớp không có nhiều điều kiện để thực hành, các thiết bị lại có giá khá cao. Em tìm đến quán, được chú cho thực hành ngay trên các thiết bị. Hiện tại em đã tiến bộ hơn nhiều nhờ sự hướng dẫn nhiệt tình của chú Thanh và các anh chị đi trước”. 

Tương tự, Lê Hoài Giang (SV Trường Đại học Cần Thơ) cho rằng, nơi đây chính là môi trường tốt để học tập, thực hành. “Em đến đây thực hiện đồ án, không biết gì thì chú chỉ cái đó”, Giang chia sẻ.

Không biết bao nhiêu lần chủ - khách, thầy - trò mải mê với những mạch điện, kỹ thuật chế tạo đến tận khuya dù quán có quy định chỉ phục vụ đến 22 giờ. Trần Nhật Minh (SV Đại học Cần Thơ) thì chia sẻ: “Chú chỉ dạy cho tụi em tận tình lắm, ban ngày chú đi làm, tối chú mới về quán nhưng có hôm chú thức đến 11 – 12 giờ để dạy chúng em, có khi còn ngủ lại quán với tụi em luôn”.

Là người đi trước, ông Thanh không chỉ dừng lại ở việc chia sẻ kinh nghiệm mà còn mong muốn các em học xong vững tay nghề, có được việc làm ổn định sau khi ra trường. Ông cũng hy vọng sẽ có thêm nhiều người tiếp thêm động lực và khơi dậy đam mê nghề nghiệp, truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm cho các bạn trẻ. Ông Thanh nói: “Gặp những em nhiệt huyết, ham học hỏi tôi đem hết những kinh nghiệm của mình chỉ lại cho các em. Ở đây, tôi không có gì phải giấu nghề”. 

Có thể nói, với người thợ máy này, hiểu biết, sáng tạo khi được chia sẻ, tiếp nối sẽ ngày càng phát triển và giúp ích cho nhiều người, rộng hơn là đóng góp cho xã hội. Vì lẽ đó, ông không giữ lại gì cho riêng mình…   

Đọc thêm