Loài mai nở vào những ngày giáp Tết
Hà Nội không chỉ có đào thất thốn Nhật Tân mà từ nhiều năm nay, một thú chơi tao nhã của người xưa đã và đang trở lại. Đó là thú chơi nhất chi mai. Chúng tôi đến làng đào khi không khí Tết đã cận kề.
Anh Trần Tiến Dũng, chủ vườn Dũng Ngà ở Nhật Tân, Tây Hồ, Hà Nội cho biết, những gia đình trồng mai ở làng chỉ đếm trên đầu ngón tay, bởi không phải ai cũng có duyên với loài hoa được xếp vào hàng “quân tử” này. Do đó, ở làng đào, những nhà trồng mai sẽ có một phong cách riêng. Như anh Dũng là chuyên về dáng bon sai…
Chơi mai, hiểu về mai, người ta sẽ thấy cái hay cái đẹp, sự bền bỉ tới kì lạ của những cành nhất chi mai. Mai trắng kể từ khi ra nụ đến lúc tàn có 4 màu, từ nụ xanh chuyển qua nụ đỏ, khi nở hoa thì có màu trắng, đến khi gần tàn sẽ có màu tím, tựa như bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Đến khi cây ra lộc còn có thêm màu nữa.
Hoa, lá, nụ trên cây có số lượng vừa phải. Người chơi mai thường tạo thế theo sở thích của mình. Thân và cành mai nhỏ, giòn, rất khó tạo dáng. Bởi thế, khó nhất khi chơi mai trắng không phải là tạo dáng cây mà là ở công chiết giống và chăm sóc. Vậy nhưng một khi cây đã bén rễ thì sức sống rất mãnh liệt, trời càng lạnh cây càng phát triển.
Điểm đặc biệt của nhất chi mai chính là vụ hoa thứ nhất thường nở vào những ngày giáp Tết và kéo dài hết Tết Nguyên đán. Đến vụ hoa thứ 2, khi mai, đào bắt đầu tàn thì nhất chi mai lại đâm chồi nảy nụ bung nở hoa thêm một đợt nữa. Đợt hoa thứ hai kéo dài cho tới khi chớm hè mới tàn hết.
Trải qua những ngày đông lạnh giá, mai vẫn kiên cường sinh trưởng và trổ hoa trắng tinh khôi khi xuân đến tựa như bậc quân tử luôn giữ mình thanh cao, vì thế được người xưa tôn là “cây quân tử”.
Mai trắng tuy mang cốt cách ngay thẳng, kiên cường của người quân tử nhưng cũng mảnh mai, yêu kiều như hình bóng của người thiếu nữ. Thú chơi mai trắng rất cầu kỳ, đòi hỏi người chơi cần kiên trì, tỉ mẩn nên từ xưa chỉ có những bậc văn sĩ, cao niên mới có thú chơi này.
Mai đẹp là ở dáng cây, sắc hoa và ở cả bộ rễ. Cây mai lớn chậm, gốc xù xì, thân và bộ rễ có màu đen óng. Nhất chi mai có màu trắng tinh khiết, một bông thường có từ 5 - 6 lớp cánh nhỏ xếp chồng lên nhau, cá biệt có bông có đến 8 - 9 lớp cánh.
Nhất chi mai là loài ưa nước nhưng không chịu được úng, cũng không được để đất khô. Rễ mai nhỏ, yếu nên yêu cầu đất trồng phải thoáng để rễ phát triển. Cây trồng xuống đất thì dễ dàng chăm sóc hơn cây trồng trong chậu. Cây mai đặt ở nơi nhiều nắng gió, hoa sẽ to và dày. Nếu cây lá quá tươi tốt, hoa nhỏ và thưa. Cây mai cũng dễ bị chảy nhựa và sâu đục thân nên người trồng mai, chơi mai luôn phải chú ý.
Và nữa, nhất chi mai quý không chỉ ở sắc hoa thanh khiết, công chăm sóc, tạo thế công phu mà còn ở đặc tính nở hai hoa lần. Hoa nở lần đầu từ khoảng 25 âm đến rằm tháng Giêng. Sau đó, người chơi hoa lại tuốt lá, bấm cành sửa dáng cho mai tái nở. Mai nở lần hai vào khoảng tháng hai âm lịch.
Mai tái nở được coi là chính vụ với những cánh trắng bung tỏa rạng rỡ xen lẫn những chồi lộc xanh tươi. Năm nay, vườn Dũng Ngà đã chuẩn bị hàng trăm chậu mai trắng để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Các chậu mai với các thế “trực”, “song thụ”, “huyền”, “ngũ phúc”, “thác đổ”… có kích thước không mấy khác nhau.
Giá cả của các chậu mai dao động từ 1 triệu đến hàng chục triệu đồng. Cây càng lớn tuổi, thế cây càng đẹp, giá càng cao. Càng về gần Tết, người đến vườn xem hoa và mua hoa càng tấp nập. Ngoài bán, các chủ vườn còn cung cấp dịch vụ thuê mai trắng với mức giá thấp hơn giá bán từ 500.000 - 1.000.000 đồng.
“Ai mà biết ngắm nhìn, sướng lắm”
Nhấp chén trà, nghệ nhân Đỗ Văn Lan, một trong những người đầu tiên trồng mai ở Nhật Tân chia sẻ, thú chơi nhất chi mai sâu đậm vào văn hóa người Việt. Thường thì chỉ những vùng sơn cước miền núi, giống mai mới phát triển tự nhiên tốt. Thế nên, ở đồng bằng, những gia đình giàu có mới có điều kiện chơi mai như dân gian vẫn nói: vua chơi lan, quan chơi trà, dân sĩ chơi cây si, đa, còn người dân chơi đào chơi liễu...
Bởi thế, theo nghệ nhân Đỗ Văn Lan, thú chơi nhất chi mai không mới mà từ thời cụ Nguyễn Du đã so sánh sắc đẹp của nàng kiều với cây chi mai. Giờ đây, khi kỹ thuật phát triển thì số lượng cây tăng lên cao, tính thương mai hóa, nên nhân dân bắt đầu chơi. Tuy nhiên, theo ông Lan, nhiều người còn chưa hiểu hết thú chơi này.
Theo ông Lan, mai là cây có hồn cốt. Nhất chi mai trồng đúng điều kiện thì nở 2 lần. Lần đầu tiên nở hoa bói ai mà ngồi ngắm nó được xem như điều hiếm có. Thời tiết càng đẹp, rét càng sâu thì độ ngân của hoa càng thắm. Có nhiều người chơi hơn chục năm nhưng còn giật mình khi thấy bông hoa mai có hai màu.
Cây mai đẹp thì phải đủ điều kiện ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm nhưng khi mới nở ra nụ thì đài bên ngoài màu vỏ đỗ xanh tươi rất đẹp, trong nó là màu son môi đỏ cờ… Nó sẽ giữ như vậy trong ba ngày, sang ngày thứ tư hoa sẽ bung mạ ra chuyển thành màu tím, hết tím hồng sẽ bay màu dần. Đến bảy ngày thì màu tím ra mép ngoài cánh hoa.
Và hay hơn nữa, mỗi bông mai hai bên có hai lộc, ra hết bông hoa đó thì chân lộc đó lại nảy ra hai nụ mới, cứ liên tiếp như vậy. Nếu cây không đủ điều kiện nuôi dưỡng tốt, khi mang vào nhà nó sẽ chỉ trắng bông như tuyết mà thôi. Nhiều người tưởng giống khác, nhưng thực ra nếu không có môi trường tốt thì không màu tím hồng và đỏ son ngay từ nụ.
Nghệ nhân Đỗ Văn Lan hồn hậu bày tỏ cảm xúc: “ Càng chơi mai càng thấy hay, thấy đẹp. Ai biết mà ngắm nhìn sướng lắm”.
Theo ông Lan, thời tiết năm nay mưa thuận, hầu như không phải tưới như mọi năm gió mùa khô. Đặc biệt, năm nay nhiệt độ xuống sâu nên cây có điều kiện ngủ đông, độ ngân càng tốt, mai sau nụ ra càng to, búp ra càng căng nhìn cây càng có hồn…
Sở dĩ ông Lan chuộng cây mai dáng tự nhiên bởi xưa đã từng uốn tỉa nhiều, nhưng giờ mọi người thích dáng cây tự nhiên, ít chịu tác động của con người. Hơn nữa, đó còn là sự hài hòa giữa thuyết âm và dương, thuận theo tự nhiên.
Tâm lý người chơi muốn thuận thiên, hạn chế tối đa uốn tỉa để người chơi cảm nhận. Do đó, ông Lan nếu có làm cây thế cũng làm thuận thiên như trong thế tự nhiên: trực, xiêu, hoành, thác đổ...
Hỏi ông Lan, để có một cành mai nhỏ chơi Tết cũng tốn tiền triệu, vậy có kén khách quá không? Người nghệ nhân đắm say với nhất chi mai bày tỏ, một nhành mai cũng nói lên mùa xuân nên không nhất thiết cần cây to, người xưa cũng chỉ cần một cành nhành mai trước sân nhà.
Hơn nữa, Tết giờ đã đủ đầy, mọi người chấp nhận những thú chơi “đáng đồng tiền bát gạo”, họ chấp nhận trả đồng tiền cao hơn vì cái đẹp, vì tinh thần Tết…