Độc đáo ý tưởng sản xuất giày từ bã cà phê và nhựa của hai chàng du học sinh Việt

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thời trang là một trong những ngành công nghiệp gây ô nghiễm nhất trên thế giới. Chính vì vậy, việc phát triển ngành thời trang bền vững trở thành một xu thế hiện nay, trong đó, ý tưởng sản xuất giày thể thao từ bã cà phê và chai nhựa của công ty khởi nghiệp Rens do hai du học sinh gốc Việt tại Phần Lan sáng lập đang thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Trần Bảo Khánh và Chu Hoàng Sơn với sản phẩm giầy làm từ bã cà phê của mình.
Trần Bảo Khánh và Chu Hoàng Sơn với sản phẩm giầy làm từ bã cà phê của mình.

Giày “trung tính carbon” đầu tiên trên thế giới

Mỗi năm, khoảng 6 triệu tấn chất thải cà phê được thải ra trên toàn thế giới. Tương tự các chất thải hữu cơ khác, chúng thường được xử lý bằng việc chôn lấp, tác động không nhỏ đến môi trường. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp thời trang cũng là một trong những ngành gây ô nhiễm nhất trên thế giới, gây ra 8 đến 10% lượng khí thải carbon toàn cầu, cao hơn cả lượng khí thải được tạo ra từ các chuyến bay quốc tế hay vận tải biển cộng lại. Những thải phát này chủ yếu liên quan đến việc sản xuất nguyên liệu thô, sản xuất hàng dệt và quá trình vận chuyển.

Điều này đã khiến nhiều hãng thời trang trên thế giới định hướng theo phát triển bền vững. Đây cũng là xu thế mà Công ty khởi ngiệp về thời trang Rens lựa chọn. “Những đôi giày làm từ bã cà phê tái chế có vẻ mới lạ đối với một số người nhưng chúng tôi tin rằng đây chỉ là bước khởi đầu của một cuộc cách mạng trong công nghệ và sản xuất hàng may mặc”, Chu Hoàng Sơn - nhà đồng sáng lập Công ty Rens nói với tờ The Guardian về ý tưởng độc đáo của công ty.

Rens được thành lập tại Helsinki vào năm 2019 bởi 2 thanh niên lớn lên ở Việt Nam rồi sang du học ở Helsinki (Phần Lan) là Trần Bảo Khánh (Jesse Tran) và Chu Hoàng Sơn sáng lập. Với hy vọng tạo ra một đôi giày thân thiện với môi trường và trung tính carbon đầu tiên trên thế giới, Khánh và Sơn đã tìm kiếm cách tái chế bã cà phê để tạo ra giày thể thao.

Loại giày làm từ bã cà phê và nhựa tái chế của Rens.

Loại giày làm từ bã cà phê và nhựa tái chế của Rens.

Theo lời Khánh, khi bắt đầu nghiên cứu, anh và cộng sự nhận ra rằng chỉ có 5% chất thải từ cà phê trên thế giới thực sự được tái chế. Chất thải cà phê là chất thải sinh học nhưng lại tạo ra khí metan gây ra hiện tượng hiệu ứng nhà kính gấp 32 lần so với CO2.

“Chúng tôi đã dành 2 năm để tìm kiếm chất liệu giày hoàn hảo nhất, sau nhiều thử nghiệm, cuối cùng chúng tôi đã tìm thấy nó. Đó chính là bã cà phê. Thế giới uống 2 tỷ cốc cà phê mỗi ngày và tạo ra hàng tấn chất thải. Đó là lý do vì sao chúng tôi chọn lấy bã cà phê, phần bỏ đi, trộn với những chai nhựa tái chế để sản xuất ra giày”, anh kể.

Với ý tưởng làm giày từ bã cà phê, trước hết, Rens thu mua chất thải cà phê từ các chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn ở trong khu vực và các chai nhựa đã qua sử dụng. Chất thải cà phê sau đó được xử lý rồi trộn với hạt nhựa tái chế theo một tỷ lệ nhất định để tạo ra một loại chỉ polyester tạo nên phần da chính của giày. Trung bình để làm một đôi giày Rens, cần 300g bã cà phê và 6 chai nhựa. Quá trình nghiên cứu này được thực hiện từ năm 2017, kéo dài 18 tháng. Năm 2019, startup này cho ra mắt mẫu giày “trung hòa carbon” đầu tiên và tiến hành gọi vốn cộng đồng trên trang Kickstarter.

Chiến dịch gọi vốn thành công nhất

Chỉ trong vòng 24 giờ, công ty khởi nghiệp Rens đã đạt được mục tiêu là huy động được 550.000 USD từ hơn 5.000 người ủng hộ. Chiến dịch gọi vốn thứ hai được thực hiện vào tháng 8/2021 và huy động thêm 350.000 USD, để sản xuất ra mẫu thứ hai, với tên gọi Nomad. Theo thông báo của Rens, công ty đã sử dụng nhựa polyester tái chế để tạo ra lớp màng giúp giày chống thấm nước. Nhờ đó, nó có khả năng chống nước và khử mùi, kháng khuẩn, chống trơn trượt, nhanh khô, bền và có 9 màu sắc khác nhau. Dây giày cũng được làm từ polyester tái chế.

Theo hãng tin Bloomberg, chiến dịch gọi vốn cộng đồng cho thời trang bền vững của Rens là chiến dịch thành công nhất ở Bắc Âu, được tài trợ nhiều nhất từ trước đến nay ở Phần Lan trên trang Kickstarter. Cho đến nay, Rens đã bán được 40.000 đôi giày trên toàn thế giới (chủ yếu qua các kênh bán hàng trên mạng), tái chế hơn 250.000 chai nhựa và chất thải từ hơn 750.000 tách cà phê.

Khi nói về ý tưởng thời trang bền vững của mình, Chu Hoàng Sơn cho biết: “Ngày nay, trên thị trường, các sản phẩm bền vững, bảo vệ môi trường ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy một vấn đề đó là các sản phẩm này không thực sự hướng tới giới trẻ. Chúng tôi cũng không thích thông điệp và cách tiếp cận khách hàng của các sản phẩm đó. Chúng tôi muốn trở thành một thương hiệu qua các sản phẩm bền vững, nhưng chúng phải tuyệt vời, có những công dụng thực sự hữu ích và mọi người có thể thực sự sử dụng”.

Tham vọng chinh phục thế giới

Cùng với định hướng thị trường nhắm vào giới trẻ, hai nhà sáng lập của Rens hiện có tham vọng thương mại toàn cầu cho sản phẩm của mình. Tạp chí thời trang Drapers của Anh cho biết, Rens hiện có khoảng 20 nhân viên và giao hàng trên khắp thế giới. Công ty cũng đang đàm phán với các nhà bán lẻ ở Anh và Mỹ để cung cấp giày tại cửa hàng và trên các trang bán hàng trực tuyến tại hai nước này. Theo AP, đi kèm với sự bền vững là cái giá khá cao. Hiện tại, một đôi giày của Rens có giá khoảng hơn 100 USD.

Những thành công ban đầu của giày thể thao làm từ nguyên liệu tái chế đã khiến công ty lên kế hoạch sản xuất các sản phẩm thời trang khác như quần áo, hướng tới phát triển một thương hiệu đồ thể thao bền vững theo đúng nghĩa của nó. “Chúng tôi cũng sẽ mở rộng phát triển sang các mặt hàng khác. Bất cứ sản phẩm nào chúng tôi làm, chúng tôi đều sẽ áp dụng cùng một công thức, đó là từ nguyên liệu phế thải. Đó có thể là chất thải từ cà phê một, hoặc có thể là một loại khác”, Bảo Khánh khẳng định.

Trong tiếng Scandinavia, Rens có nghĩa là “sạch sẽ và tinh khiết”. Khẩu hiệu của công ty này là “phát triển bền vững, không phải là mục tiêu dễ dàng đạt được, mà đó là một quá trình không ngừng nghỉ ”. Với ý tưởng độc đáo và thành công bước đầu nói trên, dự án khởi nghiệp sản xuất giày thể thao từ bã cà phê đã đưa hai nhà sáng lập của công ty vào danh sách 30 nhà khởi nghiệp thành công trước tuổi 30 của tạp chí Forbes.

Các xu hướng thời trang bền vững đầy hứa hẹn đang xuất hiện ngày càng nhiều. Ngoài Rens, nhiều công ty khác cũng đang tìm giải pháp cho vấn đề về ô nhiễm do tiêu thụ cà phê. Ví dụ, một công ty ở Anh là Bio Bean cũng đã biến chất thải cà phê thành gỗ để sử dụng làm nhiên liệu.

Theo Bio Bean, loại gỗ này vẫn thải ra khí carbon khi đốt cháy, nhưng ít tác động tới môi trường hơn so với việc chôn lấp chất thải cà phê. Hay startup Cupmena ở Ấn Độ cũng đã khởi động thành công dự án trồng nấm từ bã cà phê, biến chất thải này thành một loại phân bón hữu ích trong nông nghiệp. Bã cà phê cũng đã được công ty Kaffe Buono ở Đan Mạch chế biến thành mỹ phẩm và hương liệu cho thực phẩm.

Theo dự báo của Công ty phân tích thị trường Mintel có trụ sở tại Anh, việc các thương hiệu chuyển sang các quy trình và kế hoạch sản xuất bền vững để khuyến khích việc đem đổi lại những sản phẩm đã qua sử dụng có thể sẽ đem lại lợi ích trong tương lai.

Đọc thêm