Dọc đường Tây Bắc

5 giờ sáng ngày một ngày cuối năm 2012, chúng tôi xuất phát từ trụ sở Bộ Tư pháp 60 Trần Phú trên chiếc xe 7 chỗ Pajero hiệu Misubishi, thực hiện một chuyến hành trình lên Tây Bắc.

5 giờ sáng ngày một ngày cuối năm 2012, chúng tôi xuất phát từ trụ sở Bộ Tư pháp 60 Trần Phú trên chiếc xe 7 chỗ Pajero hiệu Misubishi, thực hiện một chuyến hành trình lên Tây Bắc.

Xe trực chỉ Đại lộ Thăng Long, lúc này trời mới mờ sáng nhưng đã có khá nhiều xe đi trên tuyến đường này. Có cả xe đạp đua của các vận động viên tập luyện, xe máy chở cồng kềnh phóng như điên. Đại lộ này cấm xe đạp, xe máy lưu thông nhưng hẳn là chưa có Cảnh sát giao thông túc trực nên họ cứ đi. Xe chúng tôi đi với tốc độ 90 km/giờ mà thi thoảng thấy một chiếc xe vượt qua, chớp mắt chỉ còn thấy đèn đỏ lập lòe trong màn sương sớm, có lẽ họ phải phóng tới 140 km/giờ, không ai phạt họ cả. Cũng có xe đi chậm, nhưng khi xe chúng tôi xin vượt thì họ không bao giờ chịu nhường đường ngay, cứ trùng trình để chọc giận thì phải.

Ruộng bậc thang Tây Bắc
Ruộng bậc thang Tây Bắc

Vào địa phận tỉnh Hòa Bình, dù còn rất sớm nhưng đã thấy một tổ Cảnh sát giao thông làm việc, vài cái xe máy và một cái ô tô đã bị giữ ngay chỗ giáp ranh, không biết phạm lỗi gì. Đi qua đường tránh thành phố Hòa Bình, vượt dốc Cun mù sương, chúng tôi dừng lại ở Mường Khén ăn sáng. Phố nhỏ giữa hai trái núi cao ngất, cảnh vật yên bình, chủ quán tận tình mến khách, thi vị cảnh và người. Tiếp tục đi qua “Mai Châu mùa em thơm nếp xôi” (thơ Quang Dũng), cảnh sắc mỗi lúc một đẹp và khi lên đến cao nguyên Mộc Châu trên độ cao nghìn mét thì trở nên hoàn mỹ dưới ánh năng thu vàng, màu xanh mát mắt, vẻ trù phú hiện rõ.

Vào địa phận Sơn La, lái xe tỏ ra thận trọng. Cung đường này “khét tiếng” bởi sự nghiêm ngặt của Cảnh sát giao thông. Biển xanh, biển đỏ gì cũng bắt, chủ yếu là lỗi đè vạch và quá tốc độ. Đè vạch thì khó tránh khỏi, có khi chỉ tránh một hòn đá bất ngờ hiện ra trên đường (vô tình hay cố ý?) là “dính đòn” liền, đi vài trăm mét thể nào cũng bị Cảnh sát giao thông chặn lại.

Tuy nhiên, những chiếc xe tải và đặc biệt là xe khách vẫn ngang nhiên lấn đường đè vạch, thi nhau chạy. Có lẽ những chiếc xe này “ngoài vùng phủ sóng” của luật lệ giao thông hay đã “làm luật” trước rồi? Do lái xe thận trọng, chấp hành đúng luật lệ nên dù qua nhiều chốt kiểm soát giao thông, xe chúng tôi không bị dừng và yên ổn tới thành phố Sơn La, ăn trưa cùng các chị em ở Công đoàn Điện lực hết sức vui vẻ với kiểu uống rượu có tên “Mùa xuân trên đỉnh núi” theo nghi thức “mắt nhìn mắt, tay khoằng tay. Cùng nhau uống cạn chén đầy, chén vơi”.

Con đường dài gần 200 km từ Sơn La đi Điện Biên rất tốt. Lên đỉnh đèo Pha Đin, máy đo tự động trong xe chỉ độ cao 2.450 mét so với mực nước biển. Tại đỉnh đèo này có bán một thứ “đặc sản” là thớt gỗ nghiến, to nhỏ đủ loại. Đường đèo lên Điện Biên nhỏ, quanh co, gấp khúc nhưng vẫn có vạch phân làn. Thực tế là do đường quá nhỏ, chỉ cần vượt một cái xe máy thôi cũng phạm luật đè vạch rồi. Tuy nhiên do không có camera giám sát và Cảnh sát giao thông túc trực nên cánh lái xe cứ đè vạch vô tư. Kinh nhất là xe máy phóng vèo vèo, “ôm cua” lấn đường, rất dễ xảy ra tai nạn.

Từ Sơn la, bạn có thể ngắm những phụ nữ Thái đi xe máy với cái mũ bảo hiểm ngất ngư ở trên đầu vì tóc họ đã “tằng cẩu” rất cao. Tối, dừng lại ở thành phố Điện Biên, gặp đúng Hội thi truyền thông phòng chống HIV của Sở Y tế 15 tỉnh miền núi phía Bắc vừa kết thúc, chúng tôi được mời dự một bữa cơm dân tộc trên nhà sàn, tại Bản Mểm, lại được xem các cô gái Thái múa, hát. Du khách có thể mua gạo đặc sản Mường Thanh ngay tại nhà dân, mua đến đâu thì lấy thóc ra sát đến đấy, hương gạo thơm lừng. Nhà thơ cùng đoàn đã có ngay cảm tác: “Gạo vừa sát xong. Thơm hương Mường Thanh. Nơi máu trộn quân ta, quân Pháp. Đội múa bước ra. Có lẽ là từ hầm Đờ Cát. Áo chẽn nâng ngực cao. Váy quấn chặt mông nở. Rộng đồng bát ngát. Bung nở trời sao. Khèn vật vã. Sáo dặt dìu. Hoa ban dịu dàng đêm Tây Bắc”.

Từ thành phố Điện Biên đến thủ phủ của tỉnh Lai Châu mới cũng gần 200 km nhưng có đoạn rất xấu, đang phá đá mở rộng đường. Có chỗ như ở Pa Tần, phải dừng lại chờ đến hai tiếng vì đá lớn chặn đường. Bù lại, trên hành trình này du khách được chiêm ngưỡng vẻ hài hòa giữa thiên tạo và nhân tạo ở Mường Lay, nhà sàn san sát cùng cao ốc hiện đại soi bóng xuống lòng hồ thủy điện xanh trong, bát ngát, nơi hợp lưu của mấy con sông. Tại Pa Tần, chúng tôi còn được xem một con cá mè nặng 17 kg, dân vừa bắt ở sông Nậm Na lên, bày bán ven đường. Dọc theo dòng Nậm Na, có đến vài cái thủy điện đang xây dựng gần sát nhau. Phải thế chăng mà có cán bộ địa phương tự hào rằng thế mạnh của Lai Châu là thủy điện?

Rồi khi trời ngả chiều chúng tôi xuống đèo vào địa phận thị xã Sơn La. Một con đường bốn làn rất rộng dẫn vào thị xã, những con trâu thản nhiên đi qua giao lộ dưới ánh nắng chiều. Con đường bằng phẳng, rộng rãi này tương phản với những đèo dốc quanh co, lởm chởm đá với ổ gà, những chiếc xe tải chở rất nặng, ì ạch leo dốc, tốc độ chỉ bằng người đi bộ. Cũng có những con đèo mà đường đã hoàn thiện, có vạch phân làn, biển hạn chế tốc độ. Trên những đèo đó, qua một khúc ngoặt, thể nào cũng có xe của Cảnh sát giao thông đón lõng, sẵn sàng phạt những trường hợp vi phạm.

Bữa tối cùng các bạn ở Sở Tư pháp Lai Châu, trong một đô thị đang xây dựng có vẻ bề thế, nguy nga, kiến trúc kiểu Pháp, kiểu Đức, Á, Âu có đủ. Tổng kết lại 2 ngày đi đường, vượt 700 cây số, qua nhiều cung đường mà đáng mừng là chúng tôi không phải chứng kiến một vụ tai nạn giao thông nào, dù nhỏ!

Sau khi làm việc ở Lai Châu, chúng tôi trở về Hà Nội bằng con đường khác. 100 km đường khá bằng phẳng, ít đèo dốc cao là tới Than Uyên – nơi có đặc sản gạo Xến Cù dẻo thơm, rất nên thưởng thức. Nghỉ lại một đêm nơi đây trong một nhà nghỉ tiện nghi. Thị trấn nhỏ, khá trù phú với nhiều sản vật địa phương, khí hậu trong lành và dân cư mến khách.

Sáng hôm sau, rời Than Uyên vài cây số là tới địa phận Yên Bái, huyện Mù Cang Chải. Ruộng bậc thang  nơi đây đã được tôn vinh là di sản văn hóa thế giới vừa qua mùa thu hoạch nên vẻ đẹp “hoành tráng” đã giảm phần đáng kể, tuy nhiên, không thể không nghiêng mình trước sự kỳ vĩ mà bàn tay lao động của con người qua rất nhiều thế hệ tạo nên.

Đèo Khau Phạ có lẽ cao nhất, màn hình trên xe hiện số 2.550 mét khi lên tới đỉnh, vài chục cây số đổ dốc quanh co rồi xuống huyện Văn Chấn, sau đó là vùng đất bằng phẳng của thị xã Nghĩa Lộ. Qua Nghĩa Lộ, tiếp tục là huyện Văn Chấn với chiều dài hàng trăm cây số, rồi vào huyện Tân Sơn thuộc tỉnh Phú Thọ. Qua Thanh Sơn, đến khu nước nóng nổi tiếng La Phù (Thanh Thủy), vượt cầu Trung Hà là địa phận Hà Nội. Chúng tôi chứng kiến vụ tai nạn đầu tiên sau 4 ngày trên đường là nơi giáp thị trấn Thanh Sơn, vừa có một trận mưa lớn, tại khúc cua một chiếc xe biển xanh 7 chỗ bị lật, nằm nghiêng bên vệ đường, hẳn là do trơn trượt, không ai trên xe bị thương.

Về đến cầu Phùng, có 4 chiếc xe bị đâm liên hoàn vẫn còn giữ nguyên hiện trường trên cầu, nơi đổ dốc phía bắc. Như vậy, cả chuyến hành trình chỉ ghi nhận hai vụ tai nạn.

Ấn tượng những cung đường Tây Bắc là đèo dốc trập trùng, cao vời vợi và cảnh đẹp kỳ thú non xanh, nước biếc của non sông gấm vóc. Du khách cũng có dịp thưởng thức đặc sản quê kiểng ở mỗi vùng miền đi qua như khoai Thuận Châu, tỏi hoặc xoài Châu Yên, gạo Xến Cù (Than Uyên), tám Mường Thanh, nếp Tú Lệ, miến dong Bình Lư (Tam Đường), cá suối Nghĩa Lộ. Và, có dịp vượt Cổng Trời trên đèo Ma Thì Hồ, chiêm ngưỡng Mường Lay cùng các địa danh nổi tiếng vùng Tây Bắc sẽ để lại những dấu ấn không phai.

Ghi chép của Bình Sơn

Đọc thêm