Độc giả, nhà quảng cáo sẽ thúc đẩy hình thành “tòa soạn hội tụ”

(PLO) -Dịp 21/6 năm nay, PGS.TS Đinh Thị Thúy Hằng - Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam) đã trò chuyện với PLVN về một số kinh nghiệm trong công tác đào tạo báo chí; áp lực của công nghệ thông tin đối với sản phẩm báo in và sự cần thiết của khái niệm “tòa soạn hội tụ” trong đời sống báo chí ngày một sôi động như hiện nay.
Đinh Thị Thúy Hằng
Đinh Thị Thúy Hằng

Thực hành nhiều chưa chắc đã tốt

-PV: Thưa bà, với cương vị là người làm công tác đào tạo nghiệp vụ báo chí và đồng thời cũng là nhà báo, bà thấy thực tiễn của đời sống báo chí hiện nay với thực tế đào tạo có gì bất cập? 

Nhìn chung, báo chí luôn đóng một vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Rất nhiều vấn đề được báo chí phản ánh đã làm thay đổi có lợi hơn cho cộng đồng và mọi người dân.

Bên cạnh đó, có những bài báo cũng không  mang lại gì cho người đọc cả về thông tin, nhận thức cũng như những giá trị tri thức.

Tôi cho rằng công tác đào tạo, bồi dưỡng báo chí luôn gắn chặt với thực tiễn hành nghề, nó giúp cho các nhà báo có một khung lý thuyết và một chuỗi các công cụ để họ bước vào công tác nghiệp vụ sáng tạo.

Tuy nhiên, nhà báo vận dụng kiến thức và kỹ năng được đào tạo như thế nào còn phụ thuộc vào từng cá nhân mỗi người và môi trường họ ra làm việc. 

Các cơ sở đào tạo báo chí hiện nay đã luôn cố gắng gắn lý thuyết và  thực hành, đôi khi quá nhiều thực hành, điều này cũng không tốt. Người làm báo cần phải có một khung tri thức rộng, hiểu và đánh giá được từng vấn đề xảy ra như thế nào để đưa tin cho tốt. Còn lại việc kỹ thuật đưa tin không quá khó, giống như người thợ vậy, làm nhiều khắc quen.  

Không cơ quan báo chí nào được coi mình là “vua”

-PV: Hiện nay, trong đào tạo đang lấy người học là trung tâm, đào tạo theo nhu cầu của xã hội. Trước những thay đổi của đời sống báo chí như hiện nay, theo bà, công tác đào tạo đã phúc đáp được những yêu cầu của thực tiễn?

Như đã nói ở trên, các cơ sở đào tạo báo chí như Học viện Báo chí và Tuyên truyền đào tạo bằng cấp báo chí, còn Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam) bồi dưỡng nghiệp vụ cho nhà báo, có cùng mục đích duy nhất là tăng cường kiến thức và kỹ năng cho các nhà báo, để rồi nhà báo sẽ mang lại những tin, bài bổ ích phục vụ cho công chúng. 

Các cơ sở đào tạo này đã làm tất cả vì người học trên 3 điểm chủ chốt:  giảng viên, nội dung chương trình và môi trường thực tập bao gồm trang thiết bị giảng dạy, thư viện và thời gian thực tập ở bên ngoài. 

Ngày càng có nhiều giảng viên học tập ở nước ngoài về, có kiến thức và phương pháp tiếp cận mới; có kinh nghiệm chuyên môn. Học viện Báo chí và Tuyên truyền thường xuyên mời giảng viên nước ngoài đến giảng dạy cho sinh viên.

Chương trình đào tạo được xây dựng dựa trên sự tham khảo và góp ý của chuyên gia nước ngoài. Trang thiết bị thực tập sẵn sàng, sách rất nhiều. Nếu như có hạn chế thì chính là sự hợp tác của các phóng viên đi trước, các cơ quan báo chí đối với sinh viên thực tập. Nhiều sinh viên phản ánh là họ ít được sự quan tâm, chỉ bảo tận tình của cơ quan nơi các em thực tập.

Báo điện tử.
Báo điện tử.

-PV:  Theo quan niệm trước đây, báo in được coi là báo gốc nhưng ngày nay báo điện tử tỏ ra lấn lướt, làm “lu mờ” vai trò của báo in?

Sự phát triển của công nghệ thông tin trong hai thập kỷ qua dẫn đến thay đổi cách làm báo, cách hưởng thụ báo, và không cơ quan báo chí nào, kể cả truyền hình được coi là “vua” của các loại hình báo chí ở thế kỷ 20, có thể cưỡng lại được sự phát triển của công nghệ số.

Báo điện tử hay còn gọi là báo mới (new media) đang lấn át báo in, và dẫn đến sự đóng cửa của một số tờ báo có tiếng trên thế giới, như chúng ta đã nghe thấy.

Khi nào phải nghĩ tới một “tòa soạn hội tụ”?

-PV: Thưa bà, hiện nay, khái niệm “tòa soạn hội tụ” đã xuất hiện khá sớm ở các nước có nền báo chí phát triển, tuy nhiên ở Việt Nam, cơ quan báo chí áp dụng mô hình này chưa nhiều, vì sao vậy thưa bà?

Đã có một số cơ quan báo chí của Việt Nam áp dụng mô hình “toàn soạn hội tụ”. Còn nhiều cơ quan chưa áp dụng và cũng có nhiều lý do tại sao không làm, mỗi cơ quan một hoàn cảnh.

Tuy nhiên, theo tôi một khi các cơ quan báo chí phải tự chủ hoàn toàn về kinh tế và trong môi trường cạnh tranh lành mạnh, họ sẽ cần phải chú ý đến nội dung của tờ báo mình, nghĩ đến độc giả, nghĩ đến nhà quảng cáo…

Lúc đó họ sẽ phải có bài toán làm thế nào để có nội dung hay nhất, lan tỏa được nhiều người đọc nhất, bộ máy làm việc hiệu quả nhất. Có thể đến lúc đó, họ sẽ cần xây dựng một tòa soạn hội tụ.  

PV: Cảm ơn bà!

 Báo mới lấn át báo in

“Sự phát triển của công nghệ thông tin trong hai thập kỷ qua dẫn đến thay đổi cách làm báo, cách hưởng thụ báo, và không cơ quan báo chí nào, kể cả truyền hình được coi là “vua” của các loại hình báo chí ở thế kỷ 20, có thể cưỡng lại được sự phát triển của công nghệ số.

Báo điện tử hay còn gọi là báo mới (new media) đang lấn át báo in, và dẫn đến sự đóng cửa của một số tờ báo có tiếng trên thế giới, như chúng ta đã nghe thấy.”, TS. Đinh Thị Thúy Hằng - Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí.