Để chở bà nội trợ thoát khỏi cơn mưa khi rời chợ Trà Cổ, anh Tư Bé và chiếc xe thồ cũ kỹ của mình cố sức trồi lên con dốc cao. 5 phút sau, anh quay lại ngã tư 125 quen thuộc để chờ khách. Lúc này, mồ hôi đã hòa trong nước và hơi thở bốc khói. Anh Tư Bé hổn hển nói: “Chỉ 3 ngàn đồng cho đoạn đường 1km. Muốn có 30 ngàn đồng tui phải chạy 20 km cả đi lẫn về. Đời người xe đạp thồ bĩ cực lắm mấy anh ơi”.
Hơn 30 gã xe đạp thồ co ro nơi bến đậu Km 125 (chợ Trà Cổ, thị Trấn Tân Phú, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) từng bị cuộc sống quăng quật đến khô gầy vóc dáng, chân tay in vệt vài hình xăm. Nay đang ở đoạn cuối của tuổi ngũ, lục tuần họ vẫn phải dốc sức cùng chiếc xe đạp thồ dài thườn thượt, cũ kỹ nhưng rắn chắc để tranh dành cơm áo với các tài xế hon đa ôm, taxi, xe buýt.
Đời thồ
Cơn bão số 4 liên tiếp tạo ra những cơn mưa rào xuống mặt đường Km 125, bác xe thồ Châu Tững (63 tuổi) vội tấp chiếc xe đạp vào vệ đường, bước vào quán chị Duyên trú mưa và đợi khách. Rót li trà nguội lạnh vào chiếc cốc được chủ quán bày sẵn đãi miễn phí dành cho những người xe thồ, ông Châu Tững cho biết, 40 năm trước, khi lần đầu tiên ông sắm được chiếc xe đạp (trị giá nửa chỉ vàng) để ra ngã tư Km125 này hành nghề xe đạp thồ và chờ người ta gọi tên đi bán sức lao động với đủ thứ nghề như bốc vác, phụ hồ, đào đất….
|
Ông Châu Tững với "thế võ" “vòng xoay bánh xe” nuôi 2 con học đại học. |
Ông Châu Tững thổ lộ, ông cứ tưởng rằng đời ông sẽ lên hương khi xe đạp là phương tiện duy nhất để người ta đưa đón khách. Nào ngờ, dù ham công, tiếc việc, sức ông chỉ đủ kiếm tiền lo các con ăn học và dựng cho vợ mái nhà nhỏ .
Bà Hai Năng (một khách quen của giới xe đạp thồ chợ Trà Cổ) cho biết, do xe đạp thồ không phải mất tiền xăng, giá lại rẻ và được người đứng tuổi chở nên người già như bà rất yên tâm. Hơn nữa, ngoài việc chở người, họ sẵn sàng đảm nhận làm tất cả công việc nặng nhọc, lại không so đo tính toán thiệt hơn nên giới tiểu thương chợ Trà Cổ rất có cảm tình với cánh xe thồ. |
Nhắp ngụm trà cho thanh giọng, ông Châu Tững chỉ vào chiếc xe đạp thồ thứ 10 thay cho chiếc xe thứ 9 vừa rệu rã được ông vất vào xó bếp, nói: “4 giờ sáng tui đã đạp xe ra đây chở khách, thồ hàng hoặc đi bốc vác nông sản thuê cho người ta. Quần quật mãi đến 6 giờ chiều thì tui tà tà đạp xe về nhà ở ấp 1, xã Phú Hòa. Sau khi cơm nước xong, tui chỉ cho phép mình nghỉ ngơi chốc lát, rồi ra sân luyện võ cho tụi nhỏ trong vùng”.
Ông Châu Tững đưa cặp mắt sâu hoắc, khắc khổ nhìn những giọt nước lăn tròn trên cánh dù che mưa ví von: “Bạn thồ tụi tui như những giọt nước lăn lóc giữa dòng người và xe cộ ngược xuôi. Cứ vậy, chúng chảy thành dòng, chui tuột vào cống rãnh, thấm vào lòng đất hoặc đổ ra sông suối. Chỉ có những bà nội trợ, hàng xén già quen ngồi xe thồ mới thấu hiểu sự cơ cực của chúng tôi…”.
“Ông ra vựa trái cây bà Năm Ú, chở dùm tui cần xế trái cây liền nghen. Tui đang cháy hàng đó”, giọng chợ búa phát ra từ chiếc điện thoại di động của ông Châu Tững nghe chan chát giữa cơn mưa rào. Tuy vậy, ông Châu Tững vẫn mềm như lau sậy trả lời: “Dạ. Thím Tư cho tui 10 phút nghen. Tui sẽ giao hàng đúng hẹn đó”.
Sau khi cúp máy nhét vào túi quần, ông Châu Tững nhẩm tính thời gian giao nhận hàng cho cho chúng tôi hiểu: “Từ đây tui chạy tới vựa bà Năm Ú mất 3 phút, 2 phút nhận và cột hàng vào xe. 5 phút còn lại là từ vựa chạy vào chợ, và phải leo lên con dốc cao”. Giải thích xong, ông Châu Tững đội mưa, phóng lên chiếc xe đạp thồ, gồng lưng đạp cật lực và mất hút bởi một khúc cua.
Xóm thồ 125
Khi ông Châu Tững nhận được mối hàng hí hửng lên đường. Lúc này nơi quán nước chị Duyên chỉ còn lại anh Tư Bé, Ba Chao, Bảy Hùng đang tiu nghỉu nhìn mưa rơi. Chỉ tay vào chiếc xe thồ vừa chạy qua, anh Tư Bé rủ rỉ với chúng tôi:
“Gã đó là Hai Lộc, cũng là dân xe đạp thồ kì cựu ở đây. Trước kia, gã là dân xe tải, do bị vỡ nợ nên trôi dạt về đây tham gia nhóm xe đạp thồ với tụi này từ những năm 1980. Giờ gã cũng khổ cực như tụi tui, phải ở nhà trọ, vợ thì đi làm thuê, con thì tứ tán khắp nơi làm ăn. Trên 30 người chạy xe đạp thồ ở Km 125 này, chỉ có ông Châu Tững là sướng nhất khi có con học đại học”.
|
Những cuốc xe giá bèo nhưng đầy ắp niềm vui. |
Tư Bé vừa dừng lời, bạn thồ Ba Chao liền thẽ thọt: “Xóm thồ Km 125 trước kia có trên 70 người. Nay chỉ còn 30 người hành nghề. Xóm hiện có ba thế hệ. Thế hệ thứ nhất nay chỉ còn vài người, số còn lại chết vì bệnh tật, già cả.
Thế hệ thứ hai còn sót lại gồm những người kém nhạy bén, chậm chạp như chúng tôi do không có tiền sắm xe hon đa để chạy xe ôm hoặc lấy được vợ sướng để ở nhà chăm con, cơm nước.
Riêng thế hệ thứ ba toàn những người thất cơ lỡ vận, khi họ còn chút sức khỏe thì sắm xe đạp ra đây nhập bọn với chúng tôi để lây lắt qua ngày”.
Mưa thôi rơi, trời hửng nắng ấm. Tư Bé, Ba Chao, Bảy Hùng lần lượt lấy xe rời quán để rảo quanh chợ Trà Cổ, Quốc lộ 20 để tìm khách, tìm các mối chở hàng hoặc để được người ta gọi đi bốc hàng từ các xe tải vào kho. Và chúng tôi cũng bắt đầu rời quán để được bắt chuyện nhiều hơn với cánh xe đạp thồ ở đây.
Chân thấp, chân cao trên chiếc xe đạp thồ chờ khách nơi cổng chợ Trà Cổ, ông Trần Bánh không còn sức để dông dài tiếp chuyện chúng tôi. Chính vì vậy ông cộc lốc tỏ bày, rằng đời xe thồ nghèo nhưng không kém cỏi, luôn nhịn nhường nhau để sống.
Tuy tuổi cao sức yếu, ngày chỉ kiếm được vài chục ngàn đồng, ông vẫn không thể bỏ nghề, vì nó như cái nghiệp gắn với đời ông bởi một lẽ duy nhất: “Chân không còn sức để đạp thì vẫn cố bám mặt đường thồ hàng. Xe và người cứ bám lấy nhau mà sống cho đến ngày cuối cùng", ông Trần Bánh não nề tâm sự.
Chờ cho ông Trần Bánh vụt đi, chúng tôi bắt chuyện với một xe thồ khác. Gã xe thồ tên Bảy Na liền nhận ra chúng tôi là người quen lúc sáng khi đang tỉ tê chuyện với ông Châu Tững nên trải lòng:
“Người làm nghề xe đạp thồ luôn cần sự dẻo dai và bền bỉ. Chính vì thế, đội xe đạp thồ tại Km 125 phần lớn tại là những người có độ tuổi từ 50 trở lên. Trong thời buổi nhà nhà có xe máy, người người chạy xe máy nên những chiếc xe đạp thồ như chúng tôi ngày càng khan hiếm khách. Tuy vậy, với tiền công 3 ngàn đồng cho đoạn đường 1 km thì không có xe nào dám chở họ tới tận nhà”.
Đoàn Phú