Đổi 100 USD phạt 90 triệu đồng: Thực thi luật pháp khiến dân lo âu, thấy vô lý thì luật đó cần bãi bỏ

(PLO) -  Việc xử phạt hành chính gần 100 triệu đồng đối với một người đàn ông nghèo khó, mang 100 USD đi đổi tiền đang khiến cộng đồng bức xúc. Phải chăng nhiều quy định luật pháp nó thiếu thực tiễn, gây khó khăn cho người dân và cần phải sửa đổi.
Tiệm vàng Thảo Lực nơi xảy ra vụ việc
Tiệm vàng Thảo Lực nơi xảy ra vụ việc

Anh Cà Rê mang tờ 100 USD (được người thân cho) đến tiệm vàng Thảo Lực ở phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, để đổi. Sau khi đổi, anh Cà Rê nhận số tiền gần 2,3 triệu đồng thì bị lực lượng chức năng kiểm tra, lập biên bản và tạm giữ số tiền trên.

Tiệm vàng Thảo Lực (thuộc Công ty TNHH MTV sản xuất thương mại Nhân Đạt Jewelry, nơi anh Cà Rê đổi 100 USD (2,3 triệu đồng)) đã nộp phạt 295 triệu đồng. Tiệm vàng này còn bị phạt bổ sung là tịch thu 100 USD (2,3 triệu đồng), 20 viên kim cương (hột xoàn) và 19.910 viên đá nhân tạo có giá trị gần 550 triệu đồng.

Căn cứ theo nghị định Điểm a, Khoản 3, Điều 24, Nghị định 96/2014 của Chính phủ thì việc xử phạt là đúng, nhưng cái đúng luật này khiến dân chúng sợ hãi, lo âu và cảm thấy thật bất công.

Vậy thì quy định đó cần phải sửa đổi ngay để phục vụ nhân dân, phù hợp với thực tiễn đời sống. Xây dựng Luật là bảo vệ con người chứ không phải làm cho con người lo lắng, bất an.

Nó không phù hợp vì sao? Vì một người dân nghèo như anh Cà Rê, được người thân cho 100 USD, anh chỉ nghĩ đơn giản là hết tiền mang đi đổi để chi tiêu.

Anh thợ điện chất phác chỉ cần nhanh gọn, tiện ích. Nhưng cuối cùng anh bị trưng thu 100 USD và xử phạt 90 triệu đồng.

Nhiều người cho rằng đây là một quyết định xử phạt máy móc, vô cảm và thiếu tình người. Nó còn thiếu công bằng, thậm chí vô lý.

Công bằng ở đây là chúng ta chứng kiến hằng ngày ở con phố Hà Trung, TP Hà Nội với hàng chục cửa hàng vàng bạc vẫn nườm nượp khách đổi ngoại tệ (không riêng với đồng USD), giá trị lên tới hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu USD mỗi ngày! Song chưa có trường hợp nào bị phát hiện, xử phạt từ trước tới nay.

Và việc đổi ngoại tệ luôn dễ dàng ở khắp mọi nơi từ Sài Gòn, Nha Trang, cho tới SaPa hay tại các cửa khẩu biên giới.

Từ đó, cộng đồng sẽ có sự so sánh là tại sao việc đổi tiền thản nhiên như vậy không bị xử lý, phải chăng các cán bộ này đã biết hoạt động của cửa hàng này và tiến hành "mai phục"  để bắt quả tang hay “giăng bẫy”? 

Anh Cà Rê đâu hiểu được nơi nào được phép đổi tiền, anh chỉ thấy tiện ích thì đổi thôi, bây giờ còn trưng thu, phạt gần 100 triệu đồng thì như vậy chưa cách ứng xử hợp lý của cán bộ với dân nghèo.

Luật pháp phải được xây dựng từ thực tiễn cuộc sống, nó là nguyên tắc để góp phần phát triển đất nước, tôn trọng con người. Đừng để người dân phải than “Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền”.