Đời cửu vạn vác hàng trốn thuế thâu đêm vùng biên

(PLO) - Nửa đêm, trong khi nhiều người đang ngon giấc thì ở những cột mốc vùng giáp biên của tỉnh Cao Bằng, lối mòn chênh vênh bên vách núi, đội quân bốc vác vẫn lầm lũi với những bao tải gạo đè nặng trên vai…
Vác hàng lên bậc giật cấp
Vác hàng lên bậc giật cấp

Đêm không ngủ…

Sau mấy lần hẹn cuối cùng tôi cũng được Nông Văn Bang người xã Đoài Côn, Trùng Khánh, Cao Bằng dẫn đến huyện biên giới Hạ Lang nhập vào đội quân bốc vác. 4 giờ chiều, chúng tôi đang ngồi uống nước tại một quán nhỏ ở chợ Bằng Ca (xã Lý Quốc, Hạ Lang) thì Bang nhận được điện thoại của Thắng (người giao nhận hàng kỳ cựu miền biên ải) thông báo “5 giờ hàng sẽ ra được, mốc 46”.

Trả tiền chủ quán, chúng tôi ngồi lên con xe win thẳng mốc 46. Đoạn đường dài 6 km nhưng chúng tôi phải mất gần nửa giờ mới đến nơi. Nhiều đoạn đường cấp phối chưa được trải nhựa, xe bo (xe trung chuyển hàng từ khu vực Bằng Ca vào mốc) đi nhiều tạo thành hai vệt lõm sâu. Mỗi khi xe bo qua đây vào ngày mưa, bánh ngập trong ổ trâu ổ voi, chạm cầu không lên được phải sang hàng cho xe khác.

Người đi xe máy qua đây phải vững tay lái, quan trọng hơn là phải thuộc đường nếu không muốn cả người và xe thành “trâu đằm”  ở những vũng nước bùn đất đỏ quạch. Mắt tập trung, giữ vững tay lái, Bang vừa nói với tôi “đến đó anh phải nhập vai tốt đấy, để lộ sẽ nguy hiểm đấy”. Tuy “hoa tiêu” không nói nhiều, nhưng ở biên giới luôn tồn tại những điều không ngờ.

Còn 1 km nữa mới đến điểm “ra hàng, ăn hàng” nhưng những chiếc xe bo đã đỗ đầy cạnh đường đi, người đi xe máy phải lách qua khe đường hẹp rất khó đi. Càng đến gần mốc, xe bo đỗ ken đặc, dưới gầm xe, trên gương xe treo lủng lẳng quần áo. “Nhiều ngày hàng không ra được, lái xe phải túc trực, tắm, giặt, ăn uống ngủ nghỉ ở đây cả tuần”. Đường lên điểm ra hàng đi qua chân núi, hai bên xe máy của đội quân bốc vác dựng san sát. Khi có hàng ra đều những chiếc xe máy để phơi mưa phơi nắng từ ngày này sang ngày khác.

Mốc 46 (mốc 860) ở Lũng Noa, xóm biên giới Lũng Thoang, xã Lý Quốc có 2 điểm ra hàng. Một đường xe bo đỗ cách mốc chỉ vài mét, người vác đi lên núi qua hơn 200 bậc giật cấp. Một đường khác đi vòng lên chân núi, xe bo lùi lên sát mấy trụ bê tông phía Trung Quốc dựng lên để ngăn xe chở/nhận hàng qua lại giữa 2 nước. Người vác chỉ vác một đoạn đường chưa đầy ba mươi mét. Đây là địa điểm ra hàng chui nên lực lượng chức năng phía Trung Quốc thường xuyên truy đuổi khiến hàng ra không được đều, nhiều lái xe túc trực cả tuần vẫn chưa trả được hàng.

Trong vai một anh cửu vạn, chúng tôi cũng tham gia vác một bao gạo loại 25 kg đi lên bậc giật cấp. Khi lên đến nơi được người trả hàng đưa cho một tấm thẻ. Quay lưng để người trên xe ba bánh đỡ lấy bao gạo, tôi thở không ra hơi, lưng áo ướt đẫm mồ hôi. Trong khi ngồi uống nước lọc do phía chủ hàng Trung Quốc đem đến cho đội quân bốc vác, chúng tôi đã có cuộc làm quen với anh Bàn Văn Khuyên, dân tộc Dao ở huyện Nguyên Bình (Cao Bằng).

Đội bốc vác của Khuyên gồm 17 người đều cư trú ở các xã trong huyện Nguyên Bình. “Bọn em làm cửu vạn được gần năm rồi, ở nhà công việc ít, kiếm đồng tiền khó lắm. Chỗ nào ra được hàng, chủ gọi là bọn em đi. Mình là người làm thuê mà đâu có quyền lựa chọn, chỗ nào có hàng, bốc xong được chủ trả tiền là được. Nhưng em thích nhất là ra hàng mốc 46, lên cầu thang, mỗi bao được 1 tấm thẻ (mỗi thẻ được trả 3tệ), người có sức khỏe vác mỗi lần 3 bao được 9 tệ”. Ban ngày lực lượng chức năng Trung Quốc thường tổ chức chặn không cho nhập, hàng ra ban đêm nhiều hơn.

Đội bốc vác của Khuyên vác gạo cả ngày lẫn đêm, chỉ tranh thủ những lúc hàng không ra được nghỉ ngơi trong chốc lát trên những tảng đá phẳng trên đường vào mốc. Ngày nào hàng ra nhiều những cửu vạn có thể bỏ vào túi 250-300 tệ (khoảng 825.000- 1 triệu đồng). Nhiều cặp vợ chồng cùng nhau bốc vác mỗi ngày bỏ túi 1-2 triệu đồng. Mỗi tháng 1, 2 lần họ đem tiền về nhà cho bố mẹ, các con chi tiêu hàng ngày, ăn vội bữa cơm lại quay lại mốc tiếp tục công việc của một cửu vạn.

Qua tìm hiểu của chúng tôi ở những mốc ra hàng có gần chục đội “bốc vác Mán”, đội ít có chục người, đội nhiều có tới ba mươi người, họ đến từ các huyện Nguyên Bình, Bảo Lâm, Bảo Lạc (Cao Bằng). Cũng có người dân tộc Dao đến từ tỉnh Bắc Cạn, Hà Giang, nhưng ngôn ngữ liên thông họ nhanh chóng làm quen và nhập vào đội cửu vạn. Họ chia nhau ra trọ, lấy số điện thoại của nhau, khi hàng ra được, chủ hàng gọi họ sẵn sàng lên đường đi vác hàng thâu đêm. Họ trọ trong những ngôi nhà được người dân dựng lên cho thuê, mỗi ngày phải trả 10-15 nghìn đồng/người.

Nhưng hiếm khi những người bốc vác ở chỗ trọ, họ chủ yếu có mặt ở các mốc ra hàng. Ban ngày dân các làng quanh mốc cũng tham gia bốc vác. Có ngày ở mốc 46 có tới gần 200 người tham gia bốc gạo. Mỗi xe bo 16 -18 tấn, mỗi tấn 25 tệ đem chia mỗi người chỉ được 3-5 tệ. Đội bốc vác Mán ít khi vác hàng tính theo tấn, trừ khi không có người bốc họ mới tham gia. Ban đêm những người bốc vác bản địa về nhà là lúc đội Mán tranh thủ kiếm tiền.

Khi mệt họ ăn bánh nướng, mỳ tôm, uống nước, tranh thủ nghỉ ngơi dăm ba phút lại bắt đầu luyện vai, chân. “Chỉ sợ hàng không ra được, chứ bốc cả đêm cũng không vấn đề gì, bốc ban ngày còn nắng nóng chảy nhiều mồ hôi anh ạ”. Anh Triệu Văn Pú người huyện Bảo Lâm cho biết.

Giao hàng lên xe ba bánh
Giao hàng lên xe ba bánh

Và những phận người…

Bên cạnh những đội cửu vạn dân tộc Dao, Mông lên tới hàng trăm người dải đều ở các mốc bắt đầu từ thác Bản Giốc (huyện Trùng Khánh) đến khắp các mốc huyện Hạ Lang. Tham gia vào đội quân bốc vác còn có những trí thức, giáo viên. Có không ít giáo viên tham gia bốc hàng kiếm thêm, buổi sáng lên lớp, buổi chiều vác gạo. “Em mới vào ngành, lương giáo viên mỗi tháng vài triệu đồng trong khi phải chi tiêu đủ thứ làm sao đủ. Phải tranh thủ làm thêm thôi anh ạ”. Nông Văn Long, giáo viên ở huyện Hạ Lang cho biết.

Những người như anh Long, tháng có lương còn tham gia vào việc bốc hàng kiếm thêm ngoại tệ. Nhập vào đội quân bốc hàng lặng lẽ miền biên ải còn có những cử nhân tốt nghiệp đại học, do số phận không may mắn đành tham gia bốc vác, bán sức lao động kiếm tiền.

Dương Văn Thăng người huyện Hà Quảng (Cao Bằng) vốn là cử nhân ngữ văn trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, anh từng vào Nam ra Bắc, từng đứng trên bục giảng, nhưng không vào được biên chế Thăng về nhà làm… nông dân và lấy vợ sinh con. Vợ Thăng người Hạ Lang, khi có hàng Thăng thường về nhà vợ tham gia bốc hàng, khi bốc gạo, khi bốc hàng đông lạnh.Thăng không muốn ai biết đến anh vốn là một cử nhân.

Khi chúng tôi khơi lại những năm tháng trên ghế giảng đường, Thăng có vẻ phấn chấn, anh cho biết: Hồi học phổ thông và khi học đại học mình luôn đạt thành tích học sinh giỏi. Bằng tốt nghiệp của mình cũng đạt loại giỏi. Nhưng có lẽ cái số của mình không thể trở thành một công nhân viên chức nhà nước nên giờ mới có mặt ở những mốc tham gia bốc vác đội nắng dầm sương kiếm những đồng tiền thẫm đượm mồ hôi.

Nhiều người nói với mình sao không tham gia ứng thi các đợt thi tuyển công chức, viên chức của tỉnh. Nhưng bây giờ bằng giỏi đã là gì đâu, học tài thi phận thôi, thi chỉ là hình thức, "chứ người ta đã sắp xếp chỗ cả rồi". Ở nơi này (chỗ ra, nhập hàng trốn thuế) có không ít cử nhân tham gia bốc vác đâu. Còn nhiều người cũng do hoàn cảnh đưa đẩy mà trở thành cửu vạn. Đơn cử như anh Nông Văn Linh – tốt nghiệp cử nhân ngành khoa học xã hội nhưng trong lúc chưa xin được công việc đúng chuyên môn đã chấp nhận đi làm cửu vạn để “lấy ngắn nuôi dài”.

Hay như anh lái xe Hoàng Văn Vịnh- vốn là một giáo viên, Vịnh chê lương giáo viên thấp nên đã làm đơn xin nghỉ công tác về nhà đem toàn bộ tài sản gia đình đi thế chấp ngân hàng vay 800 triệu đồng về mua con xe Dongfeng để chạy hàng. Vịnh chạy đủ các loại hàng từ gạo, đông lạnh, cát sỏi… miễn sao có người gọi là anh chạy. Làm cật lực hơn 2 năm Vịnh đã trả được hết số tiền vay ngân hàng, tích cóp được một khoản tiền.

“Tuỳ theo loại hàng và quãng đường vận chuyển dài hay ngắn mà số tiền kiếm được hàng ngày cũng khác nhau anh ạ. Trung bình mỗi ngày em cũng kiếm được vài triệu đồng. Nhưng chở gạo vào những ngày mưa phía bên kia không cho nhập hàng phải nằm một chỗ cả tuần, bạt biếc không tốt làm hỏng những bao gạo xếp ở hàng dưới mấy chục bao gạo bị thối mốc là lái xe phải chịu. Có người không chịu sắm bạt mới gặp mưa to “dính” cả chục bao gạo, coi như chuyến đó chở không công, thậm chí còn phải bỏ tiền túi ra đền. Đó là chưa kể đến xe bị hỏng hóc, nổ lốp lái xe phải bỏ tiền ra sửa chữa.Mà đi trên đường đá dăm thì lốp xe chịu được bao lâu”. Vịnh tâm sự.

Rời khỏi miền biên ải, hình ảnh những con người vai vác nặng, cởi trần, mồ hôi từ cằm nhỏ xuống ướt một vạt dưới chân cứ ám ảnh bước chân chúng tôi. Nhìn vào ánh mắt của anh Long, anh Thăng, anh Linh có một cái gì đó đượm buồn. Buồn cho những phận người không gặp nhiều may mắn trong bước đường đời.

Đọc thêm