Sẵn vốn tri thức được đào tạo vượt trội so với chị em cùng giới, lại sớm được ảnh hưởng của chốn đô hội có nhiều hơi hướng Tây phương, Đạm Phương nữ sử thông qua hoạt động báo chí, viết nhiều bài mà phát động chị em “đứng lên”.
Hoạt động cho nữ công, nữ quyền
Trong tư tưởng của Đạm Phương nữ sử, bà mong muốn góp phần xây dựng nên một xã hội văn minh, tiến bộ, có sự bình đẳng giới, giảm thiểu sự thiệt thòi cho chị em phụ nữ. Ở đó, nam cũng như nữ sống có đạo đức, có kỷ cương, có trách nhiệm và làm đúng bổn phận của mình.
Nhìn thấy thực tế thân phận phụ nữ trong xã hội còn mang đậm nét phong kiến với ảnh hưởng của Nho giáo ràng buộc chị em trong “Tam tòng, tứ đức”, suốt ngày quanh quẩn việc gia đình, không được coi trọng, bà hoạt động nhiều hơn để những mong giải phóng chị em, trước hết là về sự nhìn nhận xã hội và ý thức chị em về vai trò của giới mình.
Để thay đổi quan niệm xã hội, ngòi bút của bà trên báo chí hướng về việc giải phóng phụ nữ, trong đó làm sao để xây dựng được lối sống tốt đẹp ngay từ trong gia đình ra tới xã hội. Những bài báo ấy, sau này được tập hợp thành những sách giáo dục rất hữu ích cho chị em và gia đình, hạt nhân của xã hội.
Muốn tiện dụng cho chị em trong việc học hỏi, đọc sách mà thẩm thấu những điều hay bà muốn truyền đạt, nên trong thời gian điều hành Nữ công học hội, bà đã biên soạn, chỉnh lý các bài giảng và xuất bản tại Huế 3 tập sách cùng tên “Nữ công thường thức” trong các năm 1928, 1929, 1931.
Một việc làm rất đáng quý của Đạm Phương nữ sử để hiện thực hóa việc đòi quyền lợi cho giới quần thoa, nâng cao vai trò của chị em trong đời sống, trong xã hội, ấy là bà sáng lập nên Nữ công học hội tại Huế, trực tiếp làm Hội trưởng. Nữ công học hội đã lan tỏa nhiều nơi trên đất Trung Kỳ với dấu ấn lớn của người sáng lập.
Ngay trong gia đình, bà đối đãi công bằng như chị em với người vợ sau của chồng là bà Hồ Thị Lệ, lại còn bắt bà Lệ phải học chữ quốc ngữ để mở mang đầu óc. Con gái bà, được cho đi học hành đến nơi đến chốn.
Sau này con gái lớn Nguyễn Khoa Diệu Nhơn là một trong những nữ sinh đầu bằng Thanh chung đầu tiên ở đất Trung Kỳ rồi đi dạy học trường Đồng Khánh; còn cô con gái Nguyễn Khoa Diệu Duyên thì học trường Nữ hộ sinh quốc gia tận Hà Nội. Rõ là bà đã thực hành nữ quyền ngay trong xã hội thu nhỏ, ấy là gia đình ba, một cách rất hữu ích.
Sách Giáo dục nhi đồng |
Nghiệp báo chí cho chị em
Nói về sự nghiệp múa bút trên báo chí của Đạm Phương, kể cũng sớm lắm, vì bà khởi đầu viết báo từ những năm cuối thập niên đầu tiên của thế kỷ XX (1918-1919), và nghiệp báo phát triển mạnh trong những năm 1922 đến gần cuối 1926. Từ đó về sau, bài viết của bà thưa dần, chỉ viết bài theo đơn đặt hàng của các tờ báo bà từng cộng tác.
Dĩ nhiên là việc ấy có căn nguyên, bắt nguồn từ thực tế bà hoạt động nhiều hơn cho nữ công, nữ quyền, lại thêm việc bà chăm chú nhiều hơn vào việc chỉnh lý, sửa chữa những bài báo đã viết để xuất bản thành sách mà phát hành rộng rãi.
Riêng về bút danh Đạm Phương nữ sử, vốn nữ sử xưa kia chỉ những người phụ nữ có học thức, được xã hội tôn trọng, được làm nữ quan trong cung, hay chép việc nội cung. Từ chốn khuê môn, bà từng giữ chức nữ quan và dạy cho các công chúa, cung nữ học hành, nên sau bà lấy tên Đạm Phương nữ sử mà ký tên các bài báo của mình.
Theo thống kê trong sách “Đạm Phương nữ sử (1881-1947)” thì Đạm Phương nữ sử có khoảng hơn 150 bài báo được đăng trong thời gian 1918-1926, tức là thời gian chứng kiến hoạt động báo chí thường xuyên nhất của bà khi cộng tác với “Nam Phong tạp chí”, “Hữu Thanh tạp chí”, “Trung Bắc tân văn”, “Thực nghiệp dân báo”…
Khi cộng tác báo chí, Đạm Phương nữ sử để lại tên tuổi riêng trên những báo mà bà cộng tác. Ví như trên báo “Trung Bắc tân văn”, bà giữ mục “Lời đàn bà”, hay trên “Hữu Thanh tạp chí”, giữ mục “Văn đàn bà”… Theo tìm hiểu của Nguyễn Khoa Diệu Biên và Nguyễn Cửu Thọ, thì đa phần bài viết báo chí của bà thuộc thể loại văn nghị luận: xã luận, xã thuyết, chuyên luận, chuyên khảo… Và bà dành phần lớn những bài viết về nữ giới, trong đó nhiều bài viết về đạo đức phụ nữ được tập hợp và in thành sách.
Một điều thú vị là trong không khí báo chí thời gian đầu thế kỷ XX, việc tranh luận trên báo chí diễn ra rất công khai, sòng phẳng và nhiều khi phát triển thành luận chiến để bảo vệ quan điểm. Không rời khỏi guồng quay ấy, nhà báo tôn thất cũng từng có những bài viết tranh luận trên báo chí. Tỉ như có lần bà đã tranh luận với tác giả NXT trên báo Trung Bắc tân văn ngày 2/5/1925 khi tác giả này phê phán khắt khe tư cách các cô giáo và nữ sinh trường Đồng Khánh.
Bà đã viết bài “Cái cảm tưởng đối với cô giáo và nữ học sinh cũng” cũng trên báo Trung Bắc tân văn vào ngày 15/5/1925 để phê phán nhận định thiên lệch, thiếu khách quan của ông NXT. Cuộc tranh luận này sau lôi cuốn sự tham gia của nhiều nhà báo khác nhau như Nhã Khanh, Bội Lan, Vũ Hương, Trần Hiếu Minh…
Sách Nữ công thường thức |
Trước tác nhiều thể loại
Điểm qua những sách bà viết, có “Giáo dục nhi đồng”, in lần đầu tại Nhà in Lê Cường, Hà Nội năm 1942 với số lượng 4.000 cuốn. Đây là sách khoa học giáo dục, trở thành sách “chỉ nam” trong nhiều gia đình để dạy con cái, đúc rút từ chính kinh nghiệm thực tế làm mẹ của bà.
Trước đó, bà đã xuất bản sách “Phụ nữ dữ gia đình” (chữ “dữ” được hiểu là cùng với), xuất bản năm 1928. Sau này tái bản, theo “Lược truyện các tác gia Việt Nam” cho biết, sách đổi tên gọi là “Gia đình giáo dục”. Sách này nêu rõ vai trò quyết định của gia đình, đặc biệt là người phụ nữ trong việc giáo dục con cái.
Ngoài ra, còn có sách “Giáo dục phụ nữ” nhưng mới ở dạng bản thảo, chưa kịp xuất bản thì Nhật đảo chính Pháp, rồi Cách mạng tháng Tám, bản thảo thất lạc và sách không ra đời được. Cùng chung số phận như “Giáo dục phụ nữ”, “Đạm Phương thi văn tập” gồm những bài văn, bài thơ đăng báo và nhiều bài chưa công bố của bà tập hợp lại định xuất bản, nhưng cũng vì hoàn cảnh lịch sử mà sau không xuất bản được.
Bên cạnh những sách trên, Đạm Phương nữ sử còn viết tiểu thuyết mang tên “Kim Tú Cầu”, được Nhà xuất bản Bảo Tồn, Sài Gòn in năm 1928. Báo Tiếng dân ngày 8/1/1928 khi giới thiệu, đã gọi đây là “Bi tình tiểu thuyết” bởi cốt chuyện về Ngọc Lan, Tú Cầu yêu nhau mà không đến được với nhau.
Thể loại tiểu thuyết còn chứng kiến một tác phẩm khác của bà với cuốn “Năm mươi năm về trước” xuất bản năm 1944, vạch trần những xấu xa của cuộc sống cung đình. Tiếc là sách bị kiểm duyệt, thu hồi và thiêu hủy.
Với 10.000 bản được in, “Hồng phấn hương thi” là một tác phẩm khác của Đạm Phương được xuất bản năm 1929, có số lượng in lớn. Kể ra, trước tác của bà không đồ sộ, nhưng chẳng phải ít, và đáng kể hơn, là ở mục đích cao đẹp cũng như sức lan tỏa của nó...