Đổi mới sáng tạo

(PLVN) - “Tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hoá đất nước; phát triển mạnh mẽ kinh tế số, phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi của người dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái”, đây là mục tiêu tổng quát được xác định tại Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Tọa đàm “Đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp dẫn đầu, vai trò dẫn dắt hướng đến nền kinh tế số” diễn ra mới đây.
Tọa đàm “Đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp dẫn đầu, vai trò dẫn dắt hướng đến nền kinh tế số” diễn ra mới đây.

Thực hiện Nghị quyết này, ngày 31/12/2020, Chính phủ ban hành Chiến lược Quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đến năm 2030 với những quan điểm, mục tiêu và giải pháp mang tính chiến lược, tổng thể, dài hạn nhằm nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội trên các lĩnh vực của đời sống.

Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam được thành lập, đến nay đã quy tụ được hơn 1.000 thành viên và thiết lập được 5 văn phòng mạng lưới tại 4 quốc gia Mỹ, Đức, Nhật và Australia. Đồng thời, “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025” nhằm thay đổi quy trình công nghệ, sản xuất, quản lý vận hành doanh nghiệp trên nền tảng số với mục tiêu nâng cao năng lực sản xuất và sức cạnh tranh của doanh nghiệp, tối thiểu 100.000 doanh nghiệp được hỗ trợ về chuyển đổi số đến năm 2025 cũng đã được thiết lập.

Có thể nói, từ nghị quyết, chính sách “Đổi mới sáng tạo Việt Nam” ra đời không chỉ là khát vọng mà đang trở thành hành động.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng nói “Thể chế - Thể chế - Thể chế”, nhấn mạnh thể chế là yếu tố quyết định cho sự tăng trưởng đột phá của đất nước. Làm thế nào để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo hơn nữa để đưa nền kinh tế đất nước vững bước tiến lên? Làm sao để tài nguyên đổi mới sáng tạo trở thành một tài nguyên mới và vô tận cho sự phát triển bền vững? Làm sao để Việt Nam tránh được các bẫy thu nhập trung bình, bẫy lao động giá rẻ, bẫy gia công giá trị thấp và thậm chí cả bẫy rác thải công nghệ? Làm sao để không ai bị bỏ lại phía sau trên con đường phát triển? Làm sao để tạo ra tăng trưởng bao trùm hơn nữa để mọi người dân thoát nghèo, để giảm nghèo đa chiều bền vững?

Đây là một số câu hỏi trong nhiều câu hỏi lớn của đất nước, mục đích cần phải giải quyết của khát vọng “Đổi mới sáng tạo”.

Còn hai tuần nữa Đại hội lần thứ XIII của Đảng khai mạc. Sau khi Đại hội kết thúc, Nghị quyết của Đại hội phải ngay lập tức đi vào thực tiễn đời sống xã hội. Cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp với sự kiên định và nhất quán trong thực hiện mục tiêu xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là những vấn đề lớn, phải được quyết đáp thì “Đổi mới sáng tạo” mới hiệu quả, lan tỏa trong xã hội.