Đau thương dồn dập
Ông Tư sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở tỉnh Quảng Nam. Trong khi bạn bè cùng trang lứa đã yên bề gia thất thì ông vẫn mải miết kiếm tiền mưu sinh, phụ giúp gia đình. Năm 27 tuổi, duyên số đưa ông đến với bà Đoàn Thị Đức (SN 1944).
Thời đó, ai cũng nói ông Tư và bà Đức là một cặp trời sinh, xứng đôi vừa lứa. Dù gia cảnh có phần khó khăn nhưng ông Tư được tiếng là một người có đức tính cần mẫn, thương người, không ngại giúp đỡ hàng xóm láng giềng những lúc khó khăn, hoạn nạn.
Sau ngày cưới, họ hàng hai bên đều chúc mừng cho đôi bạn trẻ sẽ có cuộc sống hạnh phúc, no ấm. Nhưng không ngờ tai ương lại ập đến. Năm 1968, trong một lần đi xe thồ, ông Tư bị tai nạn giao thông gãy chân phải. Vì không có điều kiện chữa trị và băng bó cẩn thận nên sau đó chân đã bị nhiễm trùng. Để bảo vệ tính mạng, ông Tư đành chấp nhận để cho các bác sĩ cưa bỏ một bên của mình.
Mất một thời gian dài nằm điều trị, thời gian sau đó, vì thiếu một chân nên ông Tư không thể làm được những công việc nặng nhọc. Hàng ngày, ông chỉ quanh quẩn bên gia đình, chăm con cho vợ lo việc ruộng nương. Khi đó, bao nhiêu khó khăn, vất vả đều đè nặng lên đôi vai gầy yếu của bà Đức. Ông Tư nhìn vợ vất vả mà nước mắt cứ chảy dài trên đôi mắt hõm sâu.
Nỗi day dứt trong ông nhân lên gấp bội khi ông để mất đứa con trai mới hơn 10 tuổi trong vụ hỏa hoạn vào năm 1971. Do đôi chân yếu ớt, bản thân lại bị ngọn lửa khống chế nên chỉ cách nhau một khoảng nhưng ông không thể lao tới cứu con. Giơ cánh tay toàn sẹo, gầy guộc của mình lên, ông Tư bàng hoàng chưa thể quên nỗi ám ảnh về khoảnh khắc chứng kiến đứa con trai của mình quằn quại trong biển lửa.
Đau thương, mất mát của hai vợ chồng ông Tư chưa dừng lại ở đó, thần chết tiếp tục cướp đi đứa con thứ hai của ông bà. Đứa nhỏ xấu số ấy qua đời vì bị chó dại cắn. Nhớ lại quá khứ, giọng ông Tư lạc đi, ông không thể nói nên lời được nữa. Đắng cay hơn, tai họa lại tiếp tục giáng xuống gia đình ông, khi người con thứ ba của ông bà lại cũng qua đời trong một tai nạn giao thông.
Ông Tư kể lại quá khứ đau thương |
Bản thân phải đi trên một chiếc chân giả ông cam lòng nhưng trong một thời gian mà ông bà mất đi 3 người con thì thật bi đát. Thời gian và tuổi tác cùng sự đau thương làm tâm can ông tê tái, người đàn ông đáng thương gầy guộc đi vì bao đau thương cả thể xác lẫn tinh thần. Nhìn lên bàn thờ, ông buồn bã chỉ cho chúng tôi hình ba người con đều đã khuất khi chưa đầy 15 tuổi.
Ông Tư tâm sự: “Khi ấy, tôi đã từng nghĩ là một người đàn ông mà mình không thể làm được gì hơn, nhiều khi chỉ muốn chết đi cho xong nhưng nghĩ đi nghĩ lại, tôi biết phải tiếp tục chiến đấu với số phận nghiệt ngã bởi vì bên cạnh tôi còn có vợ và đàn con nheo nhóc”.
Năm 1973, để quên đi những đau thương ông Tư quyết định cùng vợ và 4 đứa con (3 trai, 1 gái) vào huyện Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk) sinh sống. Ông hi vọng nơi ở mới giúp ông vượt qua được những khó khăn và mất mát, thương đau trong quá khứ.
Nhặt rác nuôi vợ sống thực vật
Ở vùng đất mới, ông Tư dựng một chiếc quán nhỏ để bán hàng tạp hóa, kiếm tiền trang trải sống qua ngày. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông bà không lo cho các con được học hành đến nơi đến chốn. Thế rồi, những người con của ông cũng có gia đình, ra ở riêng nhưng cũng đều khốn khó nên không mong nhờ vả được gì. Sớm tối chỉ có hai vợ chồng già lủi thủi chăm lo cho nhau.
Với số vốn ít ỏi, hàng hóa chỉ được vài món nên người đến mua đa phần là hàng xóm, họ đồng cảm với hoàn cảnh hai vợ chồng nên mua ủng hộ. Vì quán của hai vợ chồng nằm ngoài mặt đường, việc buôn bán phải chạy tới chạy lui, đôi lúc vội vàng bất cẩn nên bà Đức từng nhiều lần bị xe đang lưu thông trên đường va phải. Cuối năm 2014, bà Đức bị xe máy tông trúng người, vụ tai nạn lần này đã khiến bà nằm liệt tại chỗ, không thể đi lại được nữa.
Không gục ngã trước số phận, một lần nữa phải tiếp tục sống, ông Tư mua một chiếc xe đạp cũ làm phương tiện đi nhặt ve chai. Ông tâm sự: “Không làm thì không có cái ăn, sức khỏe tôi nay yếu lắm rồi, không làm được gì nữa đành phải nhặt nhạnh những thứ người ta bỏ đi, mong kiếm vài ngàn đong gạo. Cứ như vậy mà gần hai năm trôi qua rồi, vợ chồng tôi sống tạm bợ cũng qua ngày!”.
Ông Tư sử dụng xe đạp không giống những người bình thường, với một chiếc chân giả cộng thêm tuổi cao sức yếu, ông không thể lấy được thăng bằng nên phải tỳ vào chiếc xe đạp ấy mà di chuyển. Chứng kiến cảnh tượng đó, nhiều người không khỏi sự xót xa, động lòng.
Mỗi sáng thức dậy, ông Tư nấu sẵn một nồi cơm cho người vợ tàn phế, sau đó cùng chiếc xe đạp đi khỏi nhà đến khi mặt trời đã lên cao, nắng gay gắt, ông mới trở về. Trên đường về, ông Tư không quên ghé mua khi thì đậu hũ, cá khô, khi thì quả trứng về làm bữa trưa cho hai vợ chồng.
Bởi việc đi lại rất khó khăn nên hàng ngày ông Tư không thể đi được nhiều. Ngày nào kiếm được nhiều ve chai thì hai vợ chồng già còn có bữa tối khá khẩm, không thì ăn cơm với mắm muối qua ngày.
Trong nỗi buồn xót xa, bà Đức chia sẻ: “Số tôi vô phước, không được nhờ vả con cái vì chúng cũng túng thiếu. Nhưng dù sao sớm tối có ông nó chăm lo, tôi thấy hạnh phúc nhiều lắm. Phải nằm một chỗ thế này, vừa khó chịu, vừa thương mình bạc phận. Tôi thương tôi một thì thương ông Tư mười, bởi lẽ ông ấy cũng tàn tật, lại tuổi cao sức yếu rồi. Chẳng may, ông ấy có mệnh hệ gì thì già này cũng chẳng thiết sống nữa đâu”.
Cuối năm 2015, chính quyền địa phương đã trao tặng cho ông bà một căn nhà tình thương. Trong ngôi nhà này, ông Tư chủ yếu dùng để thờ cúng tổ tiên, nhang khói cho những người đã khuất, ngoài ra không có đồ đạc gì, chỉ có duy nhất một chiếc giường cũ, mà ông Tư nói dùng để “lỡ có tiếp khách”. Vợ chồng ông sinh hoạt ở túp lều lụp xụp bên cạnh là chính.
Ông Tư rong ruổi trên đoạn đường quen thuộc |
Tâm sự với chúng tôi bao nhiêu nỗi bất hạnh trong đời nhưng cuối cùng ông Tư đến nắm đôi tay người vợ, cười mãn nguyện, ông nói: “Ngay từ lần đầu gặp gỡ, tôi với bà ấy đã hứa hẹn sẽ gắn bó với nhau đến khi đầu bạc răng long, có sướng cùng hưởng, có họa cùng chia”. Đáp lại ông Tư, bà Đức cũng nở nụ cười không nói nên lời.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Văn Phúc, Thôn Trưởng thôn Phước Thọ 1 (xã Ea Phê, huyện Krông Pắk) cho biết: “Hộ gia đình ông Tư, bà Đức có hoàn cảnh bi đát, đặc biệt khó khăn trong thôn. Cả hai vợ chồng đều già cả, vợ bại liệt nằm một chỗ, bản thân ông Tư cũng tàn tật, con cái thì ông bà không nhờ cậy được gì, rất thương tâm!
Chính quyền địa phương đã vận động người dân quyên góp đồ dùng sinh hoạt như giường, chiếu, chăn màn, bàn ghế, gạo, mắm, muối để hỗ trợ. Các khoản phí thôn đều miễn cho ông bà không phải đóng góp. Nhưng đó chỉ là biện pháp tạm thời thôi, về lâu dài cần có sự giúp đỡ từ xã hội”.