Tỷ lệ uống rượu ở nam giới người dân tộc trên 70%
Tại hội thảo chia sẻ thông tin về tình hình sử dụng rượu, bia ở vùng dân tộc thiểu số (DTTS) do Ủy ban Dân tộc phối hợp với Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam tổ chức mới đây, Thạc sĩ Trần Quốc Bảo - Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã thông tin về tình hình sử dụng rượu, bia trong các nhóm đồng bào DTTS theo đó, tỉ lệ uống ở mức nguy hại ở vùng DTTS đang gia tăng qua các năm. Đặc biệt, ở vùng DTTS, tỉ lệ sử dụng rượu, bia ở cả nam và nữ luôn cao hơn so với dân tộc Kinh.
Theo nghiên cứu của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, tỉ lệ uống rượu ở nam giới người dân tộc Nùng là 76,2%; dân tộc Dao là 80,8%, dân tộc Mường là 84,1%; dân tộc Tày là 85,7%. Trong khi đó, rượu, bia là chất nguy hại với sức khỏe, có thể gây rối loạn thần kinh, gây ung thư, bệnh tim mạch, đái tháo đường, bệnh tiêu hóa, tổn thương hệ miễn dịch.
“Rượu, bia đang từng ngày góp phần làm tăng các nguy cơ mắc bệnh mạn tính (ung thư, tim mạch), gây tổn thương cấp tính hoặc lâu dài về thể chất (tổn thương gan, xơ gan, bệnh tim mạch…), hay tâm thần (trầm cảm, loạn thần…). Đặc biệt, tai nạn do người sử dụng rượu, bia gây ra luôn nằm trong số những tai nạn thảm khốc nhất” - Thạc sĩ Bảo chia sẻ.
Ở khía cạnh xã hội học, bà Vũ Thị Minh Hạnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế, Bộ Y tế, thông tin thêm một điều rất đáng lưu ý là người DTTS hiện nay có tỉ lệ sử dụng rượu, bia cao hơn người dân tộc Kinh, do vậy, họ phải chịu ảnh hưởng của rượu, bia mạnh hơn.
Bà Hạnh cho rằng, nếu chúng ta không kiểm soát vấn đề này, thì bất bình đẳng xã hội ở khu vực này ngày càng gia tăng, bởi phụ nữ, trẻ em, những người có trình độ học vấn thấp thường rơi vào nhóm người DTTS.Tình trạng sử dụng rượu, bia đang có xu hướng trẻ hóa ở vùng DTTS mà theo bà Vũ Thị Minh Hạnh thì não bộ của con người chỉ thực sự phát triển một cách đầy đủ khi 25 tuổi.
Nếu sử dụng rượu, bia trước độ tuổi này sẽ tác động đến trí tuệ, sức khỏe tinh thần, hệ thần kinh của các em sau này. Trong khi đó, một số phong tục, tập quán của đồng bào DTTS cho trẻ em uống rượu và tiếp xúc với rượu từ rất sớm.
Ở khía cạnh khác, việc lạm dụng rượu, bia không chỉ có những tác động tiêu cực đến vấn đề sức khỏe, vấn đề xã hội, mà còn có mối quan hệmật thiếtvới tình trạng nghèo đói.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Hoàng Anh - Giám đốc Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam: “Qua nghiên cứu ảnh hưởng của việc sử dụng rượu, bia tới đói nghèo ở Việt Nam từ 9.400 gia đình, chúng tôi nhận thấy các gia đình sử dụng thường xuyên rượu, bia ở Việt Nam đều tập trung ở vùng nông thôn, vùng khó khăn và vùng DTTS. Nghiên cứu của chúng tôi cũng cho thấy, chi tiêu cơ bản (thực phẩm, y tế và giáo dục) ở các hộ có người uống rượu, bia luôn thấp hơn so với các hộ khác ở hầu hết các nhóm chi tiêu”.
Bản không rượu bản sẽ thoát nghèo
Như đã nói trên, vì một số phong tục, tập quán người DTTS phải uống rượu và tiếp xúc với rượu từ rất sớm và vì thế họ phải chịu ảnh hưởng của rượu, bia mạnh hơn. Con số tỉ lệ uống rượu ở nam giới ở các DTTS đều trên 70%, có nghĩa là cứ 10 người chỉ có 3 người không hoặc ít uống. Nhưng điều đó không có nghĩa là sẽ không có những người DTTS không ý thức được tác hại của rượu bia và biết từ chối thói quen uống rượu.
Điều này đã được minh chứng tại xã Khun Há, huyện Tam Đường tỉnh Lai Châu khi những năm gần đây, để góp phần xây dựng đời sống văn hóa mới, đồng bào dân tộc Mông ở xã đã vận động lẫn nhau là không lạm dụng rượu, bia, cùng nhau xây dựng bản văn hóa, bản không rượu, bia.
Nhờ đó, tại địa phương gần như không xảy ra các vấn đề về bạo lực gia đình, an ninh trật tự, gây rối trật tự công cộng.
Mức độ tiêu thụ rượu bia của người VN - số liệu năm 2018. |
Cụ thể, bản Lao Chải 2, xã Khun Há có 62 hộ với 374 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Mông. Những năm gần đây, được các cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động về việc xây dựng bản văn hóa, nhân dân trong bản ngoài việc cùng nhau góp công, góp tiền để xây dựng đường giao thông nội bản; trồng hoa, cây cảnh tạo cảnh quan, vệ sinh môi trường..., còn bảo nhau cũng như giáo dục, khuyên dạy con cháu không sử dụng rượu, bia trong sinh hoạt, ăn uống hàng ngày.
Để khuyên dạy con cháu không uống rượu, bia, trước hết ông bà, cha mẹ phải làm gương, khi bản thân mình không uống rượu, bia thì con cháu cũng sẽ học theo. Chính nhờ việc không uống rượu, bia mà bà con dân tộc Mông ở bản Lao Chải 2 có nhiều thời gian đi làm nương hơn, tập trung với công việc chăn nuôi, phát triển kinh tế hơn.
Qua đó, điều kiện kinh tế của nhiều hộ trong bản ngày càng phát triển, nhiều hộ không những có tiền xây nhà, mua sắm các đồ dùng đắt tiền như xe máy, tivi, tủ lạnh..., mà còn có tiền gửi ngân hàng, cho con cái đi học... Trong những năm trở lại đây, bản Lao Chải 2 có hơn 20 hộ thoát khỏi danh sách hộ nghèo.
Trả lời báo chí, ông Cứ A Sở - Chủ tịch UBND xã Khun Há cho biết, trên địa bàn xã Khun Há tỷ lệ người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc Mông sử dụng rượu, bia trong sinh hoạt rất là ít. Việc bà con không sử dụng rượu, bia trong sinh hoạt hàng ngày có tác động rất nhiều trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đây là một trong những thuận lợi trong phát triển kinh tế, góp phần vào việc nâng cao đời sống vật chất cũng như đời sống tinh thần của nhân dân trong việc xây dựng bản văn hóa.“Từ kết quả thực hiện chủ trương không sử dụng rượu, bia trong sinh hoạt, ăn uống hàng ngày chúng tôi thấy đây là một nét đặc trưng của địa phương, cần duy trì và phát huy.
Trong thời gian tới, định hướng của xã là tiếp tục nhân rộng mô hình này đến các bản khác để người dân nhận thức được tác hại của rượu, bia. Từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, giảm các tệ nạn xã hội liên quan đến rượu, bia xảy ra trên địa bàn” - Chủ tịch UBND xã Khun Há nhấn mạnh.
Phòng chống tác hại bia rượu phải đi cùng xóa đói giảm nghèo
Theo Bộ Y tế, tác hại từ việc sử dụng rượu, bia của người lớn đối với trẻ em được ghi nhận phổ biến hơn ở các hộ gia đình ở nông thôn, thu nhập thấp và có người sử dụng nhiều rượu, bia. Chi tiêu cho rượu, bia chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng chi tiêu của hộ nghèo và là nguyên nhân làm cho tình trạng nghèo đói tăng thêm.
Cụ thể, theo nghiên cứu độc lập của tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam, sự chênh lệch thể hiện rõ ràng nhất trong chi tiêu y tế và giáo dục ở các nhóm nghèo, hộ DTTS. Chi tiêu trên đầu người cho giáo dục và y tế ở các hộ có sử dụng rượu, bia chỉ bằng 48% và 60% so với hộ không có người sử dụng rượu, bia.
Theo báo cáo Tổng quan y tế 2015 của Bộ Y tế, Việt Nam chi bình quân tiêu thụ bia, rượu hơn 3 tỷ USD/năm (khoảng 1,8% GDP), bằng gần 3% thu ngân sách cả nước. Nếu số tiền mua rượu bia này dùng để mua sữa, thì trẻ em ở các hộ nghèo sẽ được uống khoảng 122 cốc sữa/năm thay vì 1 cốc/năm như hiện nay.
Cũng theo Bộ Y tế, phụ nữ và trẻ em, đồng bào dân tộc thiểu số đang là đối tượng gánh chịu tác hại từ việc sử dụng rượu, bia, trong đó người dân tộc thiểu số chịu hậu quả cao gấp 3 đến 4 lần so với người Kinh.
Để giảm thiểu thấp nhất hậu quả mà rượu, bia gây ra ở vùng DTTS, bà Phạm Thị Hoàng Anh - Giám đốc Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Namcho rằng, cần phải đẩy mạnh truyền thông về tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe và gánh nặng kinh tế của sử dụng rượu, bia đối với hộ gia đình, tập trung cho vùng nông thôn và DTTS. Việc phòng chống tác hại của lạm dụng rượu, bia cần được lồng ghép vào các chương trình bình đẳng giới và xóa đói giảm nghèo.
Còn theo ông Phan Văn Hùng - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết: “Thực tế, rượu từ lâu đã là một phần trong cuộc sống của người dân vùng DTTS. Hiện đã có nhiều văn bản, quy định về phòng chống tác hại của lạm dụng rượu, bia. Nếu từng cơ quan, làng xã, bản làng có thêm quy định, có hương ước của riêng mình, thì vấn đề phòng chống sẽ hiệu quả hơn”.
Theo ông Hùng, bên cạnh đẩy mạnh truyền thông, thông tin mạnh mẽ tác hại của rượu, bia ở vùng DTTS theo tinh thần của Luật Phòng chống tác hại rượu bia vừa được Quốc hội thông qua thì một vấn đề quan trọng là cần quản lý thị trường rượu, bia chặt hơn ở khu vực này. Đặc biệt là các loại rượu tự nấu, tránh tình trạng mua bán dễ dàng và tràn lan như hiện nay.