Điều gì quan trọng nhất trong một đời người?
Nếu cứ 10 năm được tính là một ngưỡng, thì đời người có tất cả 7 ngưỡng.
Đó là 10 tuổi, con trẻ đã biết nhận thức, hiểu chuyện hơn, bắt đầu chập chững vào đời. 20 tuổi, bắt đầu thanh xuân. 30 tuổi, người ta đã lập gia đình và xây dựng sự nghiệp, đã trở thành cha mẹ, thậm chí có người còn có rất nhiều kinh nghiệm về cuộc sống gia đình.
40 tuổi, không còn nghi hoặc, dù có buông ra bao lời bóng gió, rốt cuộc người khác cũng không thể thay thế sống hộ cuộc đời của chúng ta. 50 tuổi, hiểu mệnh trời, không còn cảm thấy điều gì kỳ lạ, đã nếm trải hết thảy những chuyện thành bại thị phi, không còn căm phẫn bất bình, đã có thể thảnh thơi ngắm hoa nở, hoa tàn trước sân.
60 tuổi, coi nhẹ chuyện đời, coi nhẹ mọi thứ, mở lòng với tất cả, bởi chỉ có đối đãi với sức khỏe tâm thân của mình bằng một tâm thái bình hòa mới là phương thuốc kỳ diệu nhất cho tuổi già. 70 tuổi, nhân sinh xưa nay hiếm, cũng là lúc nửa đôi chân đã đặt vào quan tài nên những phiền muộn, âu lo trên thế gian đã không còn liên quan tới bản thân mình nữa. Ngay cả với những chuyện náo nhiệt, muôn màu trong đời cũng chỉ là mỉm cười cho qua trước mắt, còn màng chi thế sự, chuyện đời.
Con người thế gian, hầu như ai cũng dành thời gian và tâm sức để theo đuổi điều mà bản thân mình cho là quan trọng nhất. Thậm chí có người dành cả cuộc đời để theo đuổi mục đích cuộc đời mà mình tâm niệm. Nhưng suy cho cùng, điều gì mới là quan trọng nhất đời người?
Nhà Phật có câu, đời người vô thường. Danh, lợi, quyền, tình trong đời người đều là những thứ khó có được lâu dài. Danh, lợi, tình nơi thế gian chỉ giống như mây khói qua đường, giống như trăng trong nước, hoa trong gương, sinh không mang theo đến, chết không mang theo đi.
Chỉ có nhân phẩm quyết định thiện, ác mới là thứ quan trọng nhất đời người. Bởi nó quyết định thiện, ác một đời người, nên nó sẽ quyết định hết thảy duyên, nợ, hết thảy phúc, đức của một đời này và thậm chí cả của những đời sau. Nơi thế gian này, chỉ có nhân phẩm là thứ đáng giá nhất mà một người cần theo đuổi.
Nhân phẩm của một người là tốt thì đó chính là người tốt. Và cho dù họ có rời khỏi nhân gian đi nữa thì danh tiếng tốt đẹp, những bài học hay đạo lý mà họ để lại vẫn sẽ lưu danh thiên cổ. Nhạc Phi thời nhà Tống lưu danh muôn thuở bởi lòng kiên trung của mình. Phạm Trọng Yêm thời Bắc Tống để lại cho người đời sau tinh thần “lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ”…
Trái lại, người có nhân phẩm không tốt thì chính là một người xấu. Gian thần Tần Cối nhà Tống, dù đã chết ngàn năm vẫn để tiếng xấu muôn đời. Thậm chí, ở trước mộ của Nhạc Phi, người ta để mấy bức tượng sắt thô của Tần Cối và vợ ông ta đang quỳ gối, quây trong hàng rào sắt, vai ngực lột trần, tay trói sau lưng, để đó cho người thế gian thóa mạ và phỉ nhổ.
“Tôi dễ dàng hơn cậu một chút!”
Nhân nói về câu chuyện nhân phẩm của đời người, xin kể bạn nghe câu chuyện của William James – ký giả của tờ báo nổi tiếng New York Times. Câu chuyện đã vang danh trên toàn thế giới với tựa đề “Tôi dễ dàng hơn cậu một chút!”.
Để tìm hiểu cuộc sống của người vô gia cư, William James đã giả nghèo sống với người vô gia cư. Anh cải trang thành một người lang thang, nghèo khổ và què một chân. Anh đã trà trộn và sống với những người vô gia cư ở Miami, một thành phố ở tiểu bang Florida, Hoa Kỳ khoảng nửa năm.
Ngay ngày đầu tiên, nhìn thấy James tàn tật, ăn mặc rách rưới và bẩn thỉu, từ trong đáy mắt của những người vô gia cư này đã lập tức biểu lộ ra một sự quan tâm; một người đàn ông trong nhóm đã bước đến, đưa cho James một cây gậy gỗ và nói với anh rằng: “Người anh em, hãy cầm lấy nó, như thế sẽ thuận tiện hơn nhiều”.
James đưa tay đón lấy cây gậy, dùng tay vuốt ve cây gậy này hết lần này đến lần khác, trong lòng không khỏi cảm kích. Đúng lúc đó, một bóng dáng loang loáng phản ánh trên mặt đường, dáng đi không bình thường, ngẩng lên nhìn, trong lòng James cảm thấy như bị cái gì đó thiêu đốt: người đàn ông đưa gậy lúc nãy đang đi cà nhắc…
Trong một lần trông thấy James bước đi khập khiễng một cách vất vả để lật tìm phế liệu, một anh chàng thanh niên da đen với hàm răng trắng bóng đã bước đến, vỗ nhẹ lên vai của James, đưa cho anh túi phế liệu và nói: “Này người anh em, anh hãy đi sang bên cạnh nghỉ ngơi một chút, túi đồ phế liệu này anh hãy cầm lấy đi!”.
James nghe xong, đứng ngẩn ra đó, như thể không tin vào tai mình: “Vậy làm sao được? Những thứ này cậu vất vả lắm mới lượm được mà!”. Người lang thang đó nghe xong, khẽ nhếch miệng cười, nói một cách rất vui vẻ: “Tôi dễ dàng hơn anh một chút”. Nói xong, liền quay người bỏ đi. James xách túi phế liệu đó, nhớ lại câu mà anh chàng da đen vừa nói khi nãy, trong tâm cảm thấy vô cùng ấm áp và cảm động.
Tới buổi trưa, trong lúc đang cảm thấy đói đói, một người đàn ông bị còng lưng trong nhóm đi đến trước mặt James, đưa cho anh hai ổ bánh mì và nói: “Này người anh em, hãy ăn đi!“. James nghe xong, cảm thấy có chút ngại ngùng: “Nếu anh cho tôi, thế thì anh ăn gì đây?”. Người đàn ông nghe xong, khẽ nhếch miệng cười, nói: “Tôi dễ dàng hơn cậu một chút!”. Nói xong, liền lảng sang bên cạnh bỏ đi. James cầm hai ổ bánh mì trong tay, nước mắt lã chã rơi, phải rất lâu sau đó mới bình tĩnh lại được….
Đến tối, James cùng vài người vô gia cư rủ nhau rúc dưới chân cầu. Nhìn thấy James ngủ ở nơi ngoài rìa chân cầu, một ông lão đầu tóc bạc trắng chầm chậm đi đến, vỗ nhẹ vào vai anh rồi nói: “Này người anh em, cậu hãy đến ngủ ở chỗ tôi, ở đó thoải mái hơn một chút”. James nghe xong, cảm thấy nghi hoặc nói: “Nếu tôi ngủ chỗ ông, thế thì ông ngủ chỗ nào?”. Ông lão đó nghe xong, nhoẻn miệng cười, nói: “Tôi dễ dàng hơn cậu một chút!”.
Lại là “tôi dễ dàng hơn cậu một chút!“, James nghĩ, những người vô gia cư sống ở giai tầng thấp nhất trong xã hội này, tuy cuộc sống vô cùng gian khổ, thế nhưng khi họ nhìn thấy người khác khó khăn, đều luôn chìa tay giúp đỡ, họ luôn thấy bản thân mình có một phương diện mạnh hơn người khác. James sống chung với những người vô gia cư này hơn nửa năm, trong khoảng thời gian hơn nửa năm đó, sớm chiều ở chung đã khiến anh sinh ra tình cảm thân thiết sâu sắc…
Không lâu sau đó, James có một loạt bài viết trên trang New York Times với tiêu đề: “Tôi dễ dàng hơn cậu một chút.” Loạt bài báo đã gây sự chấn động lớn đối với trái tim và tâm hồn hàng triệu độc giả thân thiết của tờ báo.
Bài báo gây chấn động |
Hàng triệu độc giả của tờ báo danh tiếng hàng đầu thế giới bàng hoàng nhận ra, sự rách rưới, bẩn thỉu, tàn tật hay nghèo khó, không ngăn cản con người trở nên tôn quý và cao cả. Và không cần phải giàu có bạn mới có thể trao đi tình yêu thương, nỗi đồng cảm, thậm chí cả một chút vật chất vốn không có mảy may giá trị gì đối với hầu hết mọi người, như là một cây gậy mà James đã từng được nhận.
James đã viết trong loạt bài gây chấn động của mình rằng: “…Và chúng ta, những con người chắc chắn giàu có hơn rất nhiều những người vô gia cư khốn khổ, lại thường là những kẻ kêu ca, than phiền nhiều nhất về số phận.
Thực ra cuộc đời sẽ đơn giản và hạnh phúc hơn rất nhiều nếu chúng ta có thể nói “Tôi dễ dàng hơn cậu một chút” với bất kì ai đó mà bạn gặp trên đường đời. Bởi vì như những người vô gia cư kia, bạn luôn có thể nói câu nói đầy cảm hứng đó ngay cả khi bạn không có gì cả, ngoài một trái tim”.
Vĩ thanh
Tôi không có của riêng mình những câu chuyện vĩ đại của James để kể, nhưng tôi cũng có một kỷ niệm nho nhỏ.
Đó là một lần trên một con đường cheo leo, mỏi mệt để lên một ngôi chùa trên đỉnh núi cao. Tại chỗ dốc nhất, tôi thấy một bệ xi măng đổ đơn sơ và trên đó có nét chữ hẳn đã được khắc hằn vào xi măng từ khi còn ướt vọn vẻn hai chữ: “Để ngồi”.
Người đàn bà trung tuổi hay hành hương thăm ngôi chùa này cho biết, cái ghế xi măng đó đã có từ lâu lắm rồi và người làm ra nó cũng không giàu có gì. Nhưng khi láng giềng hỏi sao anh ta lại đi làm cái việc bao đồng trên sườn núi chẳng ai hay đó, có vị khách nào leo núi yêu cầu đâu, bản thân cũng sẽ chẳng được dùng nhiều, thì chỉ có một câu trả lời đơn giản: “Leo đến đây, tôi mệt, muốn ngồi nghỉ, chắc nhiều người cũng vậy”.
Thế đấy, ngay cả khi bạn chẳng có gì cả ở cuộc đời này thì bạn vẫn có một trái tim…