“Tào tháo rượt” cũng chịu?
Phản ánh với phóng viên Báo PLVN, hàng trăm công nhân bức xúc cho biết: Vào lúc 11 giờ trưa hôm qua, chị V - một nữ công nhân lâu năm trong khi đang làm việc không hiểu do ăn uống thế nào mà bị “tào tháo rượt”. Trong tình cảnh “khó xử” này, chị V không thể “nín” được và buộc phải chạy thẳng ra nhà vệ sinh để “giải quyết”. Nhưng khốn khổ là người gác cửa nhà vệ sinh ngăn lại và không chịu cho chị… “đi”.
Theo giải thích của anh này, công ty đã có quy định từ lâu, trong một ngày công nhân chỉ được đi vệ sinh đúng vào hai thời điểm: Sáng từ 9h30 đến 10h30 và chiều từ 14h đến15h. Ngoài hai thời điểm trên, thời gian còn lại công ty đóng cửa xưởng, ai muốn đi cũng không giải quyết. Chiểu theo quy định, chị V đã đau bụng chậm mất 30 phút so với “giờ vàng”.
Trong trường hợp này, nữ công nhân nếu không cố “nín nhịn” thì chỉ còn cách “vãi” ra quần. Kiểu quy định tai quái và rất thiếu tình người này của công ty khiến hàng trăm công nhân không ai chịu nổi và họ đồng loạt ngừng việc phản đối.
Các công nhân kể, vụ việc chị V cũng chỉ là “giọt nước làm tràn ly”. Từ nhiều tháng qua, công nhân đã thường xuyên phản ánh về chuyện vệ sinh nhưng công ty cứ ỳ ra. Đã vậy, trong 2 giờ đó, để được đi vệ sinh, công nhân lại phải xếp hàng xin cấp thẻ để đi vệ sinh như thời… tem phiếu, ngoài ra phải ghi rõ họ tên, thời gian đi vào sổ.
Đáng nói, mỗi chuyền (gần 100 người) nhưng chỉ được cấp đúng 3 cái thẻ, người đến trước có thẻ, người sau chỉ có nước chắp tay cầu cho người đi trước mau mau trở ra! Ngoài ra, cả công ty chỉ có khoảng 10 nhà vệ sinh thì gần như đều bị hư hỏng, thiếu nước thường xuyên. Tình cảnh này khiến hàng loạt công nhân nữ không dám uống nước, bởi lo sợ uống nước vào lại phải… đi tiểu.
Vi phạm quyền con người
Trao đổi với phóng viên về việc này, Luật sư Trần Mạnh Thắng (TP.HCM) khẳng định, việc hạn chế nhu cầu đi vệ sinh của công nhân là vi phạm nhân quyền. Nếu công ty quy định khống chế 3 thẻ vệ sinh cho gần 100 công nhân là vi phạm pháp luật, không cơ quan quản lý nhà nước nào được phép phê duyệt bản nội quy sai trái này.
Đáng nói, ngoài quy định về thời gian đi vệ sinh, công ty này còn nghĩ ra đủ trò khác như quy định phạt “thẻ vàng”, “thẻ đỏ” đối với công nhân như… cầu thủ bóng đá. Anh M - một công nhân lớn tuổi nói: “Từ 7h30 công ty mới bắt đầu làm việc nhưng mới 7h20 là bảo vệ đã đóng cổng, công nhân đi sau 7h20 sẽ bị đuổi về và trừ ngày công, tiền chuyên cần, bậc thợ. Còn nếu bị phạt 2 thẻ vàng sẽ tương đương một chiếc thẻ đỏ, và khi đó bị cho nghỉ việc. Họ đã ăn gian 10 phút của công nhân mà còn phạt ngược lại chúng tôi”.
Tại buổi làm việc với ông Cho Myung Hoan - Giám đốc Công ty chiều 12/3, các cơ quan chức năng quận 12 đã yêu cầu thực hiện một số yêu sách của công nhân. Thế nhưng hầu hết công nhân không tin ông Cho Myung Hoan sẽ thực hiện, vì ông này đã thất hứa rất nhiều lần.
Tại buổi hòa giải sáng 13/3, các công nhân tỏ ra rất bức xúc với cách xử lý của ông Trần Thanh Thọ - cán bộ Phòng Lao động Thương binh và Xã hội quận 12. Bởi, trong bối cảnh đang căng thẳng, ông Thọ lại hòa giải kiểu “đổ dầu vào lửa” khi khẳng định cuộc nghỉ việc của công nhân là bất hợp pháp, nếu công nhân không đồng ý thì làm đơn nghỉ làm… khiến nhiều người bức xúc.
Trao đổi với phóng viên về những quy định tai quái kể trên, nhiều chuyên gia lao động cho rằng, việc khống chế người lao động đi vệ sinh phản ánh sự yếu kém trong nghệ thuật quản lý, thể hiện sự hà khắc với công nhân. Những năm sau đổi mới, khi đất nước tập trung thu hút đầu tư, có một số doanh nghiệp cũng đã áp dụng kiểu quản lý này, tuy nhiên đã bị “tuýt còi” nên phải dẹp bỏ.