Nằm lọt thỏm giữa tứ bề núi dựng, thung lũng Cù Bai buổi sớm mai như còn mơ ngủ trong màn sương ảo mờ. Miền biên viễn giáp đất bạn Lào này giờ rất khác, thay mới cho khuôn mặt xơ xác của 10 năm xưa…
Từ thị trấn Khe Sanh (Hướng Hóa), để đến được Cù Bai phải vượt 60 cây số đèo dốc gấp khúc của lộ mòn Hồ Chí Minh nhánh Tây. Đây là thung lũng thuộc địa phận 2 xã Hướng Việt và Hướng Lập. Biết có phóng viên lên với bản làng, bà con cứ dặn: “Đừng viết bà con phá rừng, bẫy thú nữa, Cù Bai giờ khác rồi...”.
Hồi sinh đại ngàn
Đến những năm đầu thập niên 2000, Cù Bai bị bủa vây bởi cái nghèo đói, lạc hậu. Đồng bào Vân Kiều nơi đây nào biết trồng rừng là thứ chi chi. Ai cũng nghĩ đơn giản: Phải tốn công trồng làm chi khi rừng nằm sát bên bản. Muốn dựng căn nhà sàn chỉ cần vác rựa vào rừng đốn gỗ. Nương rẫy trỉa ngô, vãi lúa vài vụ mà ít hạt, cứ đi tìm mảnh rừng khác mà phát cây đổ xuống rồi đốt đi làm rẫy mới, đợi cơn mưa về thì gieo hạt. Chẳng khó gì…
Cũng chính bởi cái quan niệm giản đơn tự bao đời ấy nên rừng già cứ dần bỏ chạy xa bản đi. Muốn có cái cây to làm cột nhà sàn phải cất công luồn rừng, lội suối cả mấy ngày, tìm đỏ mắt chưa ra. Loanh quanh tìm mảnh đất mới để phát đốt vãi lúa lại gặp đúng nơi trước đây người trong thung lũng đã canh tác. Rẫy mọc đầy cỏ tranh, sim mua nên hạt ngô, hạt lúa gieo xuống gặt lại ít hạt lắm. Con nước dưới suối cũng cạn dần đi. Thung lũng tan hoang chỉ còn trơ lại những nóc nhà sàn gồng mình đứng chịu hạn.
“Nhưng đó là chuyện của xưa rồi. Bây giờ đến các bản như: Xà Là, Trăng, Xa Đưng, Cà Tiêng, Tà Rùng… của xã Hướng Việt chúng tôi; rồi sang các bản: Cuôi, Tri, Xa Lỳ, A Xóc, Xê Pu, Tà Păng của xã Hướng Lập bên cạnh, mới thấy hết sự đổi thay căn bản trong đời sống đồng bào dân tộc Vân Kiều hôm nay” - ông Hồ Văn Lam - Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Việt say sưa giới thiệu với chúng tôi.
Hiện đồng bào ở thung lũng Cù Bai không còn chặt phá rừng làm nương rẫy nữa. Nhiều năm qua họ đã biết tận dụng đất trống đồi trọc để phủ xanh bằng những cánh rừng bời lời, xoan đỏ, trầm gió, keo tai tượng. Từ chỗ nuôi vài con gia súc để cúng bái, tang ma, cưới hỏi thì nay đồng bào đã biết chăn nuôi thành đàn trâu, bò, dê, lợn… bán để lấy vốn đầu tư nông cụ sản xuất, kinh doanh và xây dựng nhà cửa, mua sắm trang thiết bị cho đời sống sinh hoạt hàng ngày.
Theo Phó Chủ tịch Lam, bời lời đỏ (hay còn gọi là cây kháo thơm) được bà con xã Hướng Việt xem là cây “thoát nghèo”. Vỏ loại cây này chứa tinh dầu thơm nên có công dụng làm hương liệu, làm thuốc, keo dán và gỗ dùng để làm đồ gia dụng.
Từ một vài rẫy nhỏ, nay Hướng Việt đang sở hữu hơn 600ha bời lời đỏ. Nhiều hộ đồng bào Vân Kiều trở nên khá giả, giàu có với thu nhập khoảng 100 – 150 triệu đồng/năm khi biết kết hợp trồng bời lời đỏ và chăn nuôi như hộ ông Pả Liếp (bản Cà Tiêng), Hồ Văn Nam (bản Xa Đưng), Hồ Văn Thết, Hồ Văn Hinh, Hồ Văn Rôm (bản Tà Rùng). Những quả đồi trọc, khô khốc ở Hướng Việt, Hướng Lập đã được người Cù Bai phủ lại một màu xanh yên bình, trù phú.
“Bà con nay quên mất cái việc du canh, phá rừng làm rẫy rồi. Không còn nữa những quả đồi “chết” như năm nào. Ngày xưa lấy mất của rừng nhiều thứ rồi, giờ đồng bào phải trả nợ cho rừng thôi” - ông Pả Liếp đang trên đường từ rừng bời lời ra và nói với chúng tôi.
|
Chị Hồ Thị Phiên, người bản Cuôi đang chăm sóc rừng bời lời đỏ chuẩn bị cho thu hoạch vỏ |
Đất lành nở hoa
Những cánh rừng ở Cù Bai đã xanh trở lại, con nước mát lành từ suối nguồn đại ngàn đã tuôn chảy về lại với bản làng. Đồi núi khô khốc, cằn cỗi xưa đã đâm chồi, nở hoa. Đồng bào Vân Kiều nơi đây đang rục rịch chuẩn bị vào vụ lúa nước mới.
Ở xã Hướng Việt, do đặc thù địa hình đồi dốc nên diện tích thuận lợi để phát triển cây lúa nước ít, chỉ 33,773ha. Những năm gần đây, nhiều hộ đồng bào dân tộc Vân Kiều đã mạnh dạn tìm hướng nâng cao năng suất, sản lượng lúa nước trên cùng diện tích bằng việc cơ giới hóa các khâu cày ải và tuân thủ các quy trình kỹ thuật trong gieo cấy lúa. Nhờ vậy mà năm 2015, năng suất lúa nước trên địa bàn xã Hướng Việt đã cán mốc 3,5 – 4 tấn/ha/1vụ.
Điều vui hơn là việc đồng bào Vân Kiều ở Hướng Việt, Hướng Lập đã biết “tận dụng” đất đai để xen canh. Trên những diện tích trồng bời lời đỏ, bà con đã xen canh nhiều loại cây khác như sắn, dứa, ngô, chuối… Riêng Hướng Việt đang sở hữu hơn 141ha sắn, gần 38ha ngô và 15ha rau màu các loại.
Còn ông Hồ Xút - Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Lập thì khoe về xã mình rằng : “Người dân Hướng Lập cũng chẳng thua kém Hướng Việt trong việc vươn lên thoát nghèo bền vững từ trồng rừng, chăn nuôi trâu, bò, dê đàn và mở rộng diện tích trồng lúa nước đâu. Hộ giàu, hộ khá với vốn liếng trong tay tầm 300 – 400 triệu đồng ở xã bây giờ không hiếm nữa, nhiều người đang là triệu phú khi tuổi đời vẫn còn rất trẻ”.
Bời lời đỏ là giống cây có giá trị kinh tế cao, chỉ tính riêng giá bán vỏ bời lời đỏ khô hiện được các thương lái miền xuôi vào tận bản thu mua 12 nghìn/1kg. Cây bời lời đỏ rất thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của thung lũng Cù Bai. Những nơi khác phải mất 7 – 8 năm thì mới thu hoạch được vỏ nhưng ở Cù Bai thì chỉ từ 5 – 6 năm. Loại cây này hiếm khi gặp sâu bệnh, không tốn nhiều công chăm sóc và chi phí đầu tư chỉ ở mức trung bình.
Trước đây, hộ gia đình anh Hồ Văn Phiêu (45 tuổi) thuộc diện nghèo khó nhất bản. Khi đi chơi ở nhiều bản xa khác của huyện Hướng Hóa, anh Phiêu thấy những người tuổi cũng như mình nhưng kinh tế gia đình rất khấm khá, bám đất làm giàu ngay trên quê hương mình.
Nhiều đêm Hồ Văn Phiêu thức trắng, trăn trở làm sao thoát được cái nghèo. Rồi cơ duyên cho anh được biết về bời lời đỏ, anh quyết định vay vốn đầu tư để trồng. Bây giờ anh có trong tay 10ha bời lời đỏ và thu hàng năm khoảng 60 - 80 triệu đồng/ha.
“Nếu tuân thủ đủ quy trình trồng trọt và khai thác, sẽ thu lợi nhuận từ bời lời với thời gian kéo dài từ 25 – 35 năm. Cây này có điểm đặc biệt là thu hoạch gần như toàn diện. Vỏ cây, lá, hạt và đến khi không thể khai thác được nữa thì đốn để bán gỗ với giá từ 400 – 450 nghìn/m3” - anh Phiêu cho biết.
Cái nghèo, cái đói ở Cù Bai bây giờ, theo cách ví von hình tượng của Phó Chủ tịch Hồ Xút là bị “đẩy lùi vào tận rừng sâu, núi thẳm” lâu lắm rồi…