Đổi thay ở Cây Da Sà - một thời khét tiếng tội phạm, ma túy

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - “Nhứt Da Sà, nhì Tôn Đản, thứ ba Mả Lạng” là câu nói về những khu vực khét tiếng giang hồ Sài Gòn. Da Sà ở đây là khu vực ngay ngã tư đường Bà Hom - An Dương Vương (phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) từng là điểm nóng về tội phạm, ma túy...
Khu vực Cây Da Sà ngày nay là phố xá đông đúc, nhộn nhịp.
Khu vực Cây Da Sà ngày nay là phố xá đông đúc, nhộn nhịp.

Ngày xưa, để nói về những khu vực khét tiếng giang hồ Sài Gòn, người ta có câu: “Nhứt Da Sà, nhì Tôn Đản, thứ ba Mả Lạng”. Da Sà ở đây là khu vực ngay ngã tư đường Bà Hom - An Dương Vương (phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân), từng được biết đến là vùng đất dữ khi là địa bàn của các tay anh chị, của tệ nạn ma túy. Về sau, nhiều thứ đã đổi thay, khu vực này vắng bóng tệ nạn, cuộc sống yên bình.

Nổi danh trong giới giang hồ

Trong ký ức của những bậc cao niên ở khu vực Cây Da Sà, địa danh này bắt nguồn từ việc ở đây từng có một cây cổ thụ rợp bóng mát tuổi đời hàng trăm năm. Những năm giữa thế kỷ 20, khu vực Cây Da Sà chỉ là cái xóm nhỏ thưa thớt dân cư, với những con đường đất nhỏ nắng thì bụi bặm, mưa lại sình lầy. Ngay ở con lộ lớn qua xóm (đường Bà Hom hiện nay), lác đác nhà cửa mà đa phần nhà tranh, nhà lá.

Dân cư đa phần là lao động nghèo nên thời bấy giờ, người dân Cây Da Sà tính tình hồn hậu chân chất, cuộc sống khó khổ nhưng khá thanh bình. Mọi thứ thay đổi khi những năm 1954, xóm Cây Da Sà dần đông dân, trong đó có cộng đồng người Hoa, dân tộc Nùng từ biên giới Việt - Trung đến đây sinh sống. Sau đó một thời gian, khu Cây Da Sà bắt đầu nổi danh trong giới giang hồ Sài Gòn.

Những ngày đầu đến xóm nghèo Cây Da Sà, người Nùng sinh sống làm nông nghiệp, trồng lúa và hoa màu, làm các công việc lao động chân tay. Họ người gốc miền núi, có sức khỏe rất tốt, làm năng suất gấp đôi lao động khác ở đây, tuy nhiên cuộc sống vẫn nghèo khó. Những cư dân mới lúc bấy giờ nhận được sự giúp đỡ của những đại gia người Hoa vùng Chợ Lớn và đồng hương từ các nơi.

Từ một nguồn tài trợ, những dãy nhà xây tường gạch, mái tôn, kích cỡ bằng nhau với chiều ngang 40 m, sâu 4 m được xây dựng nên. Mỗi dãy nhà phân đều cho các hộ dân, họ tự che chắn thành những căn phòng riêng bằng gỗ, vải. Trong dãy nhà này, nhiều thứ người ta phải dùng chung như bếp nấu ăn, nồi chảo, nhà vệ sinh. Nhà nào có chuyện gì cả dãy nhà, cả xóm biết, vấn đề của một người cũng là vấn đề của cả tập thể.

Trong khốn khó lúc bấy giờ, người Nùng ở xóm sống đùm bọc, đoàn kết, từ miếng cơm manh áo, công việc hàng ngày thậm chí cho đến việc giải quyết mâu thuẫn, đánh nhau. Người bên ngoài nếu đụng đến một người ở đây thì giống như khiêu khích cả xóm. Hơn nữa là sức mạnh cơ bắp, độ liều lĩnh, lỳ đòn của đàn ông xóm này cũng không phải dạng vừa, khi nhiều người từng là lính biệt kích, nhảy dù vì từng đi lính theo lời kêu gọi của Vòng A Sáng – tướng lĩnh quân đội của chính quyền Việt Nam Cộng hòa.

Chợ Cây Da Sà mới được xây dựng để người dân kinh doanh buôn bán.Chợ Cây Da Sà mới được xây dựng để người dân kinh doanh buôn bán.

Sau những trận đánh nhau, những lần đụng độ đâm chém, các băng đảng giang hồ Sài Gòn dù mạnh đến mấy cũng phải ớn lạnh khi nhắc đến khu Cây Da Sà. Thậm chí những ông trùm một thời như Đại Cathay, Tín Mã Nàm, Lâm Chín Ngón cũng không dám gây sự với dân xóm này. Đó là chưa nói đến việc giang hồ Cây Da Sà thời bấy giờ còn nhận được sự bảo kê của Vòng A Sáng.

Những người gốc miền biên viễn ban đầu đi làm thuê kiếm sống một cách lương thiện nhưng dần về sau, khi đã có tiếng tăm trong việc đâm chém và có chỗ nhờ cậy là Vòng A Sáng, thêm thói quen nhiều đời sử dụng thuốc phiện đã khiến họ dần chuyển sang nghề bán thuốc phiện. Thuốc phiện ở đây được lấy từ các nguồn cung ở Lào. Kho dự trữ thuốc lúc nào cũng đầy ắp, không lo đứt hàng.

Các trùm thuốc phiện Cây Da Sà chẳng những bán thuốc phiện cho các khu vực bên ngoài mà còn phục vụ khách hút thuốc phiện ngay tại xóm. Dân tại xóm - những người Nùng vốn quen với thuốc phiện từ hồi ở vùng biên giới, trở thành những khách hàng đầu tiên. Về sau, dân nghiện các nơi lũ lượt tìm về đây đắm chìm trong làn khói thuốc và những cơn phê.

Những lò thuốc phiện khét tiếng Cây Da Sà lúc bấy giờ gắn liền những cái tên A Hào, A Lình, Vòng A Chảy... Trong đó, Vòng A Chảy với việc tự nhận mình là người của Vòng A Sáng, cùng những mối quan hệ với người trong quân đội nên không ai dám động đến, dù là các băng đảng giang hồ hay thậm chí là cảnh sát quốc gia lúc bấy giờ. Có lẽ cũng vì đi quá giới hạn trong việc làm ăn, xâm phạm lợi ích của những ông trùm khác mà năm 1965, Vòng A Chảy bị sát hại một cách bí ẩn.

Những năm 1970, nơi này thêm nhiều lính tráng tụ về. Họ vốn thạo súng đạn và liều mạng, giang hồ Cây Da Sà chẳng những giải quyết mâu thuẫn bằng dao rựa mà còn “nói chuyện” bằng súng đạn. Sau năm 1975, những người này phần di tản, phần ở lại thì đi kinh tế mới, dân cư thưa thớt hẳn. Những năm 1980, nhiều người trở về xóm cũ, tiếp tục cuộc sống nghèo khó, người làm thuê kẻ buôn bán ma túy. Sau khi Vòng A Sáng chết, thế lực che chở đã không còn, giang hồ ở đây thu mình lại, hoạt động kín đáo hơn.

Hồi sinh vùng đất dữ

Dù không còn làm mưa làm gió trong giới giang hồ như trước, nhưng những năm thập kỷ 80 của thế kỷ trước, Cây Da Sà vẫn nổi danh về đánh nhau cùng các tệ nạn xã hội gây nhức nhối. Thành phố lúc bấy giờ quyết liệt xóa bỏ tệ nạn ma túy, người nghiện bị tập trung đưa đi cai nghiện, tội phạm bị truy quét. Tuy nhiên, Cây Da Sà chỉ yên ổn một thời gian, sau đó thì tình hình bất ổn trở lại.

Thời bấy giờ, một vấn đề nan giải khác ở Cây Da Sà là cái nghèo. Bên cạnh những người đi theo con đường tệ nạn, phạm pháp, xóm này vẫn có nhiều người lương thiện, mưu sinh bằng mồ hôi sức lao động. Giữa những năm 1980, nhiều người ở xóm nghèo này rủ nhau làm bánh bò, bánh tiêu để kiếm sống qua ngày. Ngày nay, vẫn còn nhiều gia đình ở đây duy trì nghề này.

Đầu những năm 2000, tình hình trị an ở Cây Da Sà thực sự có chuyển biến khi trùm tội phạm Năm Cam và đồng phạm bị xử lý. Ngành chức năng thực hiện hàng loạt biện pháp để làm trong sạch địa bàn như đưa trinh sát về khu vực, lập các chốt kiểm tra tại các con hẻm, tuyên truyền người dân tham gia phòng chống tệ nạn. Cũng từ đó, tình hình ma túy khu này giảm hẳn, chợ ma túy Cây Da Sà khét tiếng gần như bị dập tắt.

Cùng với đó, đường sá được đầu tư xây dựng kiên cố, khang trang, khắc phục tình trạng ngập nước, nước sạch đưa đến từng hộ. Chính việc này giúp bộ mặt đời sống Cây Da Sà dần thay đổi. Lại thêm các khu công nghiệp lân cận được mở ra, tạo việc làm cho người dân khu này, cuộc sống bớt khổ hơn. Nhiều người trong xóm khi khởi nghiệp thành công đã nhiệt tình giúp đỡ, tạo việc làm cho bà con xung quanh, dìu nhau qua cảnh khó.

Cuộc sống ở Cây Da Sà hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn với hàng chục hộ thuộc diện nghèo và cận nghèo nhưng nếu so với thời 20 năm trước thì là một sự thay đổi lớn. Dân cư giờ đa phần là người lao động như làm bánh bò bánh tiêu, buôn bán lặt vặt trong chợ hẻm và làm công nhân, chạy xe ôm công nghệ. Khu chợ Cây Da Sà xưa kia khét tiếng buôn bán ma túy bị dẹp, giờ thành chợ bánh tiêu. Chợ Cây Da Sà mới được xây dựng ở gần đó, nhiều gia đình về đây buôn bán, làm việc.

Hình ảnh về một khu Cây Da Sà khét tiếng tội phạm và thuốc phiện, ma túy giờ chỉ còn trong quá khứ. Những gì người ta thấy bây giờ là phố xá tấp nập xe cộ. Những con hẻm sáng sủa chan hòa tình người, những gia đình với già trẻ lớn bé tụ nhau nhồi bột làm bánh bò, bánh tiêu. Xóm Cây Da Sà giờ cũng trở nên thân thiện hơn, nhiều người về đây ở trọ để đi làm cho các khu công nghiệp, cuộc sống văn minh từng ngày.

Về tình hình an ninh trật tự tại khu vực Cây Da Sà, Công an phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân (TP Hồ Chí Minh) cho biết, từ năm 2015 đến nay, số vụ phạm pháp hình sự nơi đây giảm rất nhiều. Các vụ án xảy ra được xử lý nghiêm, như hồi năm 2016, Sỳ Vĩnh Sáng (tức A Tày, SN 1961), cùng nhiều đối tượng mang dao kiếm đâm chém đối thủ trong Bệnh viện Quốc Ánh. Vì hành vi gây ra, năm 2017, Sáng bị tòa án tuyên phạt 8 năm 3 tháng tù...

Đọc thêm