Làng vắng tanh ngày hè…
Chạy xe từ sáng sớm, chưa đầy nửa tiếng sau khi vượt một quãng đường bê-tông khá dài, chúng tôi có mặt tại thôn 3, xã Bình Giang (Thăng Bình, Quảng Nam). Từ đầu đến cuối làng, chúng tôi chỉ gặp toàn con nít vì người lớn đang “tha hương cầu thực” ở những thành phố lớn như Đà Nẵng, Hội An để hành nghề bán trái cây.
Cô Võ Thị Hoa kể cho chúng tôi nghe những tháng ngày bán trái cây dạo dầm mưa dãi nắng đầy cực nhọc. Cách đây hơn 10 năm, tổ 14 là một làng quê với hơn 70% hộ nghèo vì hạn hán, bão lũ thường xuyên xảy ra khiến kinh tế gia đình mỗi hộ càng gặp nhiều khó khăn.
Không từ bỏ nghị lực vượt lên số phận, một người mua trái cây ra bán tại các thành phố lớn, sau đó về truyền dạy kinh nghiệm cho chị em trong làng. Từ đó, nghề bán trái cây dạo dần trở thành nghề kiếm sống chính của nhiều hộ trong làng.
“Đội quân” bán trái cây dạo của làng thường đi từng đôi một để có thể đỡ đần nhau. Đa phần trong các cặp đôi ấy là vợ chồng. Cũng không giống nhiều nghề rong ruổi khác, nghề bán trái cây dạo thường đắt khách vào những ngày tuần tiết trong tháng. Vậy nên người Bình Giang thường rời làng trong 2 khoảng thời gian từ mồng 10 đến 15, và từ ngày 25 đến đầu tháng.
Hầu hết họ tập trung về chợ Cồn (TP. Đà Nẵng) từ mờ sáng để chọn những trái cây tươi ngon. Xe đẩy thì gửi nhà người quen. Còn nơi nghỉ ngơi, ăn uống của họ là trên lề đường, trong công viên, hoặc dưới bất kỳ bóng mát nào.
“Mấy chú nghĩ coi, bán lời nhiêu đồng mà thuê phòng trọ. Kệ, tụi cô ráng chịu cực xíu, dành dụm đồng nào hay đồng ấy về nuôi con ăn học. Thi thoảng cũng gặp bữa bị mấy chú trật tự bắt, bà con phải năn nỉ hoài mấy chú ấy mới tha cho.” - cô Hoa - một người bán trái cây dạo cho hay.
Chợ đầu mối trái cây của Quảng Nam |
Chú Phan Bá Hùng, người có thâm niên hành nghề bán trái cây chia sẻ: “Trung bình một ngày đi bán, trừ khoản chi phí thì cô chú kiếm được chừng 100.000 - 150.000 đồng. Còn nếu bán một mình như cô Hoa thì thu nhập ít hơn, 30.000 - 40.000 đồng là nhất”.
Ông Nguyễn Minh Nhạn, tổ trưởng tổ 18, thôn Bình Túy cho biết, tổ hiện có hơn 90 hộ với gần 300 nhân khẩu. Mà mỗi nhà có ít nhất 1 - 2 người đi bán trái cây, chiếm tổng thể xấp xỉ 70% lao động của tổ. Từ khi hành nghề này, số hộ nghèo đã giảm xuống còn cận nghèo, vài gia đình cố gắng làm ăn đã thoát nghèo 3, 4 năm nay như nhà cô Võ Thị Hoa, nhà chú Phan Bá Hùng. Dẫu gian nan nhưng mọi người ra đó đi buôn đi bán đùm bọc nhau mà sống, tôi thấy vui lắm.
Địa bàn hoạt động của “đội quân” bán trái cây dạo phân tán ở nhiều phường, quận trên thành phố. Người có điều kiện thì sắm xe đẩy, chứa được nhiều trái cây hơn, nhưng phải đi từ 2 người trở lên để còn phụ giúp qua lại. Người đi một mình thì chỉ cần một chiếc xe đạp, cột giỏ đằng sau yên, số lượng trái cây bán ít nhưng đạp xe sẽ linh hoạt hơn những người đẩy hàng.
Đồng tiền ước mơ
Dẫu phải dầm mưa dãi nắng vất vả ngoài đường để kiếm sống nhưng cô Hoa, chú Hùng chưa bao giờ có ý định sẽ cho con tham gia vào công việc của mình. “Mấy tháng cô không đi bán thì ở nhà làm ruộng. Hồi mô rảnh lại bắt xe ra Đà Nẵng bán trái cây, tranh thủ làm ngày, làm đêm để có tiền nuôi con ăn học. Cô không muốn mấy đứa lớn lên thất học rồi khổ sở giống cha mẹ mình”.
Nghề bán trái cây dạo đã góp phần cải thiện đời sống của nhiều gia đình |
Gương mặt dãi dầu của người phụ nữ bỗng sáng bừng lên khi kể về các con: “Thằng con lớn cô là Võ Văn Vinh năm vừa rồi thi đỗ 2 trường đại học lớn ở Đà Nẵng đó. Thằng bé là Võ Văn Dự đang theo học tại Trường THPT Tiểu La. Cháu hiền lành, ngoan ngoãn, anh Hai đi học xa nên ở nhà cháu tự giác phụ giúp mẹ nhiều việc từ nấu ăn, giặt giũ đến phơi thóc, giã gạo. Cháu nó đam mê học vẽ, ước mơ sau này là trở thành kỹ sư đó mấy chú à” - cô Hoa không giấu niềm hãnh diện khi nói về các con.
Cũng giống như nhà cô Hoa, gia đình chú Phan Bá Hùng là một trong những hộ thuộc diện gia đình văn hóa - tiên tiến của tổ. Những năm trước đây cả nhà vô cùng khốn khó bởi chỉ dựa vào mấy sào ruộng ít ỏi làm sao kinh tế có thể khá lên được. Nhưng với niềm tin, nghị lực, ước mong con cái có cuộc sống no đủ, chú cùng vợ đi làm thêm bằng nghề bán trái cây ở Hội An.
Thôn trưởng thôn 3, ông Phan Văn Tám nhận định: “Nghề bán trái cây là một nghề phụ song mang lại thu nhập cao cho người dân nơi đây vào khoảng thời gian dư thừa trong năm. Cũng từ đó, nhiều hộ đã thoát nghèo, có tiền nuôi con ăn học thành tài, làm rạng danh tổ, thôn. Mỗi năm tổ 18 lại có nhiều hoạt động ý nghĩa để hỗ trợ, vận động bà con chăm lo làm ăn, nhờ vậy mà mỗi năm có 4, 5 hộ không còn khó khăn nữa, cuộc sống có phần no ấm hơn. Tôi rất mừng và lấy làm tự hào vì sự tiến bộ trong công tác quản lý của tổ 18, hơn hết là sự lao động cần cù của những người dân nghèo”.
Tổ 18 đang đổi thay từng ngày nhờ nghiệp bán trái cây dạo. Rồi đây, những đứa con hiếu thảo, giỏi giang sẽ không quên những tháng ngày bố mẹ quần quật với công việc, trưởng thành bước vào đời bằng niềm tin, nghị lực vượt lên kiếp nghèo giống như những ông bố, bà mẹ tuyệt vời của chúng./.