Đối thoại với nông dân

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Cuộc đối thoại xanh màu hy vọng giữa Thủ tướng Chính phủ với nông dân Việt Nam diễn ra hôm qua, tại TP Sơn La. Chủ đề hẳn nhiên rất thời sự, đó là “Tiếp sức, hỗ trợ nông dân phục hồi, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững”.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại đối thoại.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại đối thoại.

Xin nhắc lại, dẫu đây là lần thứ 4 Thủ tướng đối thoại với nông dân được tổ chức, thế nhưng vẫn thu hút sự quan tâm của dư luận. Bởi, Hội nghị TW5 vừa bế mạc và là hội nghị đầu tiên trong nhiệm kỳ Chính phủ mới. Tại Hội nghị, 300 nông dân tiêu biểu đại diện cho hơn 10,2 triệu hộ hội viên nông dân cả nước, trong đó có 30 nông dân tiêu biểu trực tiếp được dự đối thoại. Nhiều nông dân có cơ hội đặt câu hỏi và đối thoại với Thủ tướng.

Năm 2021, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do tác động của dịch COVID-19 và sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu, song ngành nông nghiệp vẫn đạt được nhiều kết quả vượt bậc. Trong 4 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đã đạt gần 17,9 tỷ USD, tăng tới 15,6% so với cùng kỳ.

Trước khi Hội nghị diễn ra, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 1.600 câu hỏi là những đề xuất, kiến nghị, trăn trở gửi tới Thủ tướng, thể hiện sự quan tâm, mong chờ của nông dân đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những giải pháp, chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn hiện đại với một tầm nhìn đưa nông nghiệp Việt Nam nằm trong những nước dẫn đầu của thế giới.

Nông dân Việt Nam đang quan tâm điều gì? Trước hết, là nhóm giải pháp nhằm khôi phục sản xuất nông nghiệp sau dịch COVID-19, nhất là tình hình giá cả vật tư nông nghiệp đầu vào tăng cao ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Thứ hai là vấn đề đất đai và cơ chế để những người nông dân, hợp tác xã được giao đất lâu dài, ổn định sản xuất. Bên cạnh đó, là tình trạng “sốt” đất, trong đó có “sốt” đất nông nghiệp ở các địa phương. Thứ ba, thúc đẩy chuỗi liên kết giữa nhà nông - doanh nghiệp, đặc biệt phát huy vai trò của hợp tác xã nông nghiệp. Thứ tư, về vốn, tín dụng. Thứ năm, về môi trường ở nông thôn. Thứ sáu, về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, xây dựng hình ảnh người nông dân văn minh; thúc đẩy du lịch nông thôn, đảm bảo giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Thứ bảy, giải pháp để “ly nông nhưng không ly hương”. Cuối cùng là, các vấn đề biến đổi khí hậu, giữ rừng, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn...

Trước Hội nghị TW5 bàn về quản lý và sử dụng đất đai; nông nghiệp, nông thôn và nông dân, ngày 28/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 150/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nông nghiệp thực sự đang là “trụ đỡ” của kinh tế đất nước, đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước. Những người nông dân trên cả nước đã và đang đóng góp tần tảo, thủy chung. Cuộc đối thoại đã và đang mở ra hy vọng mới về sự thấu cảm, sẻ chia.

Đọc thêm