Đoạn đường “khốn khổ khốn nạn”
Đoạn đường Quốc lộ 51 từ Ngã ba Vũng Tàu về Long Thành là tuyến đường huyết mạch nối TP.Biên Hòa với Vũng Tàu nhưng nhiều năm nay bị xem là con đường “đao phủ” đối với người đi đường. Ngay cả những người thường xuyên lưu thông trên tuyến đường này, dù biết chắc đoạn nào bị rải đinh vẫn không thể tránh được nạn “đinh tặc”.
Theo người dân sống dọc quốc lộ, vào khung giờ từ khoảng 22h tối đến 6h sáng hôm sau, đặc biệt những ngày cuối tuần, lễ, tết là thời điểm “vàng” mà bọn “đinh tặc” hoành hành. Chuyện xe đang chạy cán phải đinh tự ngã xuống đường xảy ra vô số, người gặp nạn cũng thường xuyên như cơm bữa.
Trước tình trạng trên, thời gian trước, có một người trong vùng lấy xe hơi của mình làm xe cấp cứu rồi lập ra đội cứu hộ khẩn cấp để giúp đỡ những người bị tai nạn trên đường đến bệnh viện nhanh nhất có thể. Tuy nhiên, gần 1 năm nay chiếc xe “cấp cứu” hết hạn sử dụng nên nhóm cứu nạn phải giải tán chuyển sang hoạt động từ thiện khác.
Những điều trên giải thích vì sao, chỉ một đoạn đường chưa tới 10km nhưng tiệm vá, sửa xe lại mọc lên như nấm sau mưa và đều rất “ăn nên làm ra” mặc dù ban ngày thi thoảng mới có khách.
Không chỉ vậy, theo người dân địa phương, cách kinh doanh của nhiều tiệm sửa xe trên đoạn đường này rất “sang chảnh” như: không làm ban ngày chỉ hoạt động vào ban đêm, sáng sớm và những ngày cuối tuần, lễ, tết.
Một số tiệm còn hoạt động theo kiểu của các đại lý bảo hành xe chính hãng, nghĩa là chỉ thay phụ tùng, ruột, vỏ mới chứ không nhận vá, sửa chữa. Như vậy, dù xe máy chỉ bị cán một lỗ nhỏ, hoặc bộ phận nào đó bị hỏng hóc thì người đi đường cũng phải bỏ tiền trăm, thậm chí tiền triệu để thay thế bằng phụ tùng mới.
Cũng theo người dân địa phương, dù kinh tế những gia đình này phụ thuộc hết vào tiệm sửa xe bé tẹo nhưng họ vẫn sống dư dả, hứng lên là cả nhà kéo nhau đi du lịch đến 3-4 ngày liền mà không phải suy nghĩ.
“Khắc tinh” của đinh tặc
Tưởng sẽ không tránh nào tránh được hiểm họa “đinh tặc” bởi chúng ở “trong tối” còn người đi đường ở “ngoài sáng” thế nhưng thời gian gần đây những người lưu thông qua đoạn đường này đã phần nào có thể an tâm khi những “chông gai” trên đường đã được một nhóm thanh niên hành động vì cộng đồng, “khắc tinh” của “đinh tặc” dọn dẹp sạch sẽ.
Trưởng nhóm là một thanh niên tuổi đời còn trẻ nhưng đã có “thâm niên” 3 năm làm công việc “vác tù và hàng tổng” lượm đinh, vá xe miễn phí trên đoạn đường kinh hoàng này. Hai năm gần đây, công việc của Lợi được nhiều thanh niên sống trong xóm ủng hộ, tham gia tình nguyện hút đinh cùng rồi lập thành một nhóm.
Gần đây, qua trang mạng xã hội facebook, hoạt động thầm lặng của các anh còn được nhiều người biết tới, ủng hộ rất nhiệt tình. Có nhiều thanh niên ở tỉnh thành lân cận cũng không quản ngại đường xa vượt hàng chục cây số xuống Đồng Nai đi lượm đinh, vá, sửa xe cho người đi đường cùng nhóm.
Do thời gian hoạt động của “đinh tặc” vào khoảng 22h đến 6h sáng hôm sau nên thời gian làm việc của nhóm hút đinh cũng vào thời gian ấy. Trên xe hút đinh có ghi rõ hỗ trợ vá, sửa xe miễn phí vào ban đêm và số điện thoại đường dây nóng để mọi người dân tiện liên lạc. Tuy nhiên, vào ban ngày, khi có người dân cần giúp đỡ, các anh vẫn cố gắng sắp xếp để đến giúp.
Nói về lý do tình nguyện làm “người vác tù và hàng tổng”, Lợi trải lòng: “Cha tôi bị tai nạn giao thông qua đời sau nhiều tháng điều trị khiến gia đình rơi vào cảnh cùng quẫn. Tôi và em gái phải nghỉ học đi làm công nhân cùng mẹ nên tôi thấu hiểu nỗi đau ấy hơn ai hết. Bởi thế, khi chứng kiến cảnh người đi đường vì cán phải đinh mà gây ra tai nạn phải đi cấp cứu, hoặc mất một số tiền lớn, công sức cả ngày lao động để sửa xe, tôi rất đau lòng, quyết tâm góp sức nhỏ của mình giúp đỡ mọi người”.
Lợi kể, ban đầu anh nghĩ phải “tiêu diệt” cái xấu từ gốc rễ nên chỉ chú tâm theo dõi “đinh tặc” nhằm tố cáo lên chính quyền. Song vì không có kinh nghiệm, phương tiện nên Lợi chẳng thể phát hiện hay tiếp cận được đối tượng.
Không bỏ cuộc, cậu thanh niên trẻ liên lạc với nhóm hiệp sĩ đường phố ở Đồng Nai và Bình Dương nhờ trợ giúp và được đồng ý. Tuy nhiên, “đinh tặc” hành động vô cùng tinh vi, xảo trá, nên dù đã cố gắng theo dõi, mật phục nhưng vẫn không ai tìm ra chứng cứ phạm tội của chúng.
“Lúc ấy tôi cũng thất vọng, cũng buồn ghê lắm nhưng không có ý định bỏ cuộc. Tôi nghĩ, sức mình chưa thể làm được việc lớn thì làm việc phù hợp với khả năng như đi rà đinh, bớt được cái nào hay cái đó cũng là cách giúp được mọi người. Nghĩ là làm, sau khi xin chính quyền, tôi bỏ tiền túi mua vật liệu về chế tạo chiếc xe hút đinh, trên xe có ghi hàng chữ vá xe miễn phí.
|
Công việc thường xuyên của nhóm tình nguyện |
Hàng đêm, tôi đi rà dọc đoạn đường đối diện trạm công an giao thông QL51 và dốc 47 (đoạn giáp ranh giữa xã Tam Phước và Long Thành), mỗi đêm cũng thu được cả ký con ách rô (các mảnh kẽm được đinh tặc cắt theo hình quân bài ách rô rải xuống đường - PV) khiến nạn lủng (thủng PV) xe giảm hẳn”, Lợi kể.
Kết quả thu được ngoài dự đoán khiến Lợi vô cùng hồ hởi. Anh chia sẻ: “Khi tôi bắt tay vào làm công việc này, nhiều hàng xóm bảo là gàn dở nhưng tôi bỏ ngoài tai. Một số người thật tâm, lo tôi cướp cơm của “đinh tặc” sẽ bị trả thù còn đến tận nhà cảnh báo gia đình nhưng cả mẹ và tôi tâm niệm, ai cũng sợ thì làm sao giúp được người khác nên vẫn tiếp tục công việc. Nhờ vậy mà “gia tài” tôi có được bây giờ vô cùng to lớn không tiền bạc nào sánh được, đó là lời cảm ơn, nụ cười của những người đi đường và tình cảm quý mến của rất nhiều người”.
Ngày xưa, cứ khoảng 2 tuần, Lợi phải mua 500 ngàn nam châm mới thay cho cái cũ, nhưng sau này gần như những phụ tùng liên quan đến việc sửa chữa xe hút đinh đều được người dân cho tặng miễn phí. “Có được phương tiện tốt, mỗi đêm tôi rà được cả ký đinh”, Lợi nói. Nhờ những nỗ lực không ngừng vì lợi ích cộng đồng, 2 năm sau Lợi đã kêu gọi được một nhóm thanh niên có chung chí hướng lập thành đội chuyên đi hút đinh tình nguyện trên QL51.
Nguy hiểm chực chờ
Lợi cho biết, đoạn đường “đinh tặc” hoành hành mạnh nhất là khu dốc 47 và đoạn đối diện trạm cảnh sát giao thông QL51. Thời gian “vàng” của chúng linh động từ 22h đến 6h sáng nhưng tùy từng ngày, từng đoạn đường số lượng đinh được rải sẽ nhiều ít, có chủng loại khác nhau.
Khu vực dốc 47, đinh được cắt hình ách rô bằng tay rất dài, mấu nhọn hai đầu móc lên khá cao. Loại đinh này có thể đâm lủng cả vỏ xe ô tô, rất nguy hiểm cho người đi đường. Loại này được rải nhiều vào những ngày cuối tuần, dịp lễ, tết còn những ngày bình thường thì ít hơn.
|
Hai loại đinh ách rô được “đinh tặc” rãi trên đường |
Khu vực giáp ranh và đối diện công an giao thông, đinh ách rô được dập bằng máy, kích thước ngắn hơn, khả năng “sát thương” thấp hơn nhưng lại được rải với số lượng lớn, tần suất dày đặc. Có đêm, anh em hút được hơn 2kg đinh ách rô.
“Những tiệm sửa xe liên quan đến bọn “đinh tặc” lại rất biết cách móc tiền người dân. Nếu đưa xe vào sửa mà không để ý, chúng sẽ kéo cho xăm rách toạc hoặc nhanh tay đâm thêm vài ba lỗ để thay ruột mới hay lấy thêm tiền vá. Giá vá, thay ruột cũng linh động dựa trên biển số xe người đi đường. Biển xe ngoại tỉnh chúng sẽ lấy giá cao hơn rất nhiều so với người đi xe biển số Đồng Nai”, Lợi cho biết.
Cũng theo lời trưởng nhóm hút đinh, không chỉ bắt chẹt khách vào sửa xe, những tiệm sửa xe bất lương còn nhanh tay, lợi dụng khách hàng không để ý phá một vài thứ trên xe khiến xe không thể nổ máy, nhằm vẽ vời ra bệnh, đổi những phụ tùng “chính hãng” nhưng bằng hàng lô như IC, buri…. “Với số lượng đinh rải trên đường và vô số mánh khóe, chiêu trò chỉ tính sơ sơ mỗi đêm chúng cũng “móc túi” người đi đường hàng chục triệu đồng”, Lợi cho biết.
Ít người biết, để có được sự quan tâm, chia sẻ của nhiều người như ngày hôm nay, Lợi đã suýt phải trả giá bằng tính mạng của mình. Thời gian đầu, Lợi làm một mình nên vừa phải hút đinh, vừa phải ra tín hiệu để phượng tiện lưu thông biết mà tránh né. Anh cũng ý thức được mình đang tự gây thù chuốc oán với bọn “đinh tặc”, những kẻ bất lương coi mạng người như cỏ rác nên luôn trong tâm thế đề phòng để bảo vệ mình.
Mỗi khi hút đinh trên đoạn đường nào, anh thường nhờ người dân ở đó bảo vệ mình khi cần thiết. Những lúc nhận được điện thoại nhờ giúp đỡ vá, sửa xe trong đêm khuya, anh chủ động hỏi chuyện để phân biệt người ngay hay kẻ gian.
“Tất nhiên, nhận diện gián tiếp qua điện thoại sẽ không tránh được sai lầm nên tôi thường nói người đi đường dắt xe tới một địa điểm hợp lý nhất như trụ sở công an hay những nơi đảm bảo an toàn mới đến sửa chữa. Nhờ vậy nên dù làm một mình nhưng tôi chưa từng bị “đinh tặc” tấn công”, Lợi cho biết.
Tuy vậy, Lợi cũng xác định không thể làm một mình mãi được. Thứ nhất, không ai lường trước được rủi ro. Thứ 2, càng đông người tình nguyện lượm đinh thì càng hạn chế được rủi ro cho mọi người nên một thời gian sau, anh thuyết phục những thanh niên trong làng tham gia công tác cùng mình.
“Ban đầu mọi người tham gia chỉ vì ngại tôi, nhưng khi đi làm, thấy được niềm vui, nhận được những lời cảm ơn từ nhiều người ai nấy đều hồ hởi. Người nọ kéo người kia, mấy tháng sau nhóm đã có hơn 10 thành viên”, Lợi chia sẻ. Dẫu vậy, mọi việc không phải lúc nào cũng suôn sẻ, nhất là khi phải làm việc trong đêm khuya, xe cộ đi lại tấp nập vô cùng nguy hiểm.
“Khoảng 1 năm trước, trong lúc đang rà đinh, tôi bị một người say rượu tông trực diện gãy xương sườn và bị thương rất nặng. May mà có anh em đi cùng đưa vào bệnh viện cấp cứu kịp thời nên không nguy hiểm đến tính mạng. Sau tai nạn đó, nhiều thành viên rút khỏi nhóm vì lo sợ hoặc vì sức ép từ gia đình, nhóm chỉ còn có 5 người”, Lợi kể.
Thậm chí, một số người thân của anh em đang bám trụ lại nhóm lo sợ con bị tai nạn đến tận nhà Lợi mắng vốn, bảo nếu con em họ xảy ra bất trắc sẽ có “chuyện”. “Nhiều gia đình dù cảm phục việc làm của tôi song thấy tôi đến nhà đều rất dè chừng, bóng gió này nọ vì sợ tôi kéo con, em họ đi hút đinh tình nguyện”, chàng đội trưởng nhóm vì cộng đồng chia sẻ.
|
Lợị chia sẻ với phóng viên về công việc và “chiến lợi phẩm” sau một đêm làm việc |
Dẫu vậy, người trẻ thường sống theo lý tưởng của mình. Bằng nỗ lực của bản thân, Lợi không chỉ thuyết phục được hàng xóm cho phép con em tham gia vào nhóm vì cộng đồng mà còn thu hút được sự quan tâm của dư luận và thanh niên khắp nơi tình nguyện tham gia hút đinh trên Quốc lộ 51.
Khi nhóm đủ đông, Lợi tách ra từng nhóm nhỏ đảm nhiệm từng công việc khác nhau để an toàn và đạt hiệu quả cao nhất như nhóm phân luồng giao thông, vá, sửa xe miễn phí, nhóm hút đinh. Riêng nhóm vá, sửa xe được đầu tư khá chuyên nghiệp để “đinh tặc” không có cơ hội “móc túi” người đi đường.
Trao đổi với phóng viên, ông Võ Cao Cường, chủ tịch UBND xã Tam Phước cũng thừa nhận đoạn đường trên thường bị các đối tượng xấu rải đinh. Chính quyền địa phương đã dùng nhiều biện pháp để ngăn chặn tình trạng trên nhưng vẫn chưa đạt được kết quả cao do “đinh tặc” hoạt động rất tinh vi rất khó phát hiện. “Trong thời gian tới, xã sẽ phối hợp với công an tuần tra bắt những đối tượng vi phạm”, ông Cường cho hay.
Thượng tá Nguyễn Văn Bằng, đội trưởng đội nguyên cứu chuyên đề cảnh sát Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, hoạt động của “đinh tặc” vô cùng tinh vi, rất khó phát hiện nên nhiều năm nay tình trạng rải đinh vẫn tiếp diễn. Việc triệt phá nạn “đinh tặc” không phải là không thể nhưng công an cần có thời gian để hành động.
Cảm phục hành động “mình vì mọi người” của Lợi và các bạn trẻ nhưng nhiều người dân cũng cho rằng, đã đến lúc các ngành chức năng cần vào cuộc, sử dụng nhiều phương pháp bởi dẫu sao việc rà đinh cũng chỉ là khâu “ngọn”, chừng nào còn chưa phá được cái “gốc” thì chừng đó người đi đường còn đối mặt với hiểm nguy, hệ quả cho xã hội là khôn lường./.