Ở đất Cảng, dịch vụ mà chạy, khâm liệm xác chết xuất hiện đến nay đã được hơn 10 năm. Ít năm trở lại đây, nghề mới thật sự “lên ngôi” và được người dân tôn trọng và cảm thông. Để biết rõ hơn về cái nghề “trần gian có một”, phóng viên đã tìm về cơ sở mai táng Phúc Ân, để chia sẻ với những con người đang âm thầm làm những công việc đầy nghĩa cử này.
Bén duyên với nghề
Phải mất một chặng đường khá dài từ Hà Nội về Hải Phòng, chúng tôi mới gặp được chị Nguyễn Thị Thu Hà, chủ cơ sở mai táng Phúc Ân tại Hải Phòng. Nhìn hình ảnh người phụ nữ đang cẩn thận chuẩn bị mọi vật dụng để chuẩn bị cho một đám hiếu mới ở tận ngoại thành Hải Phòng, chúng tôi phần nào hiểu được sự khó khăn, vất vả của cái nghề mang đầy tính tâm linh này.
Tiếp chuyện với chúng tôi nhưng đôi mắt chị vẫn không rời cuốn sổ kiểm tra lại những vật dụng cần thiết để mang đi khâm liệm cho một gia đình vừa gọi tới. Chị Hà cho biết: “Cái nghề này vất vả lắm, lúc nào các chị em ở cơ sở cũng được đặt trong tình trạng sẵn sàng, người dân gọi là bọn chị sẽ có mặt kịp thời, có vậy gia đình những người mất sẽ được yên tâm hơn”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, gia đình chị Nguyễn Thị Thu Hà được người trong nghề gọi là gia đình đi tiên phong. Nhưng thật ra cơ sở dịch vụ tang lễ Phúc Ân của gia đình chị mới chính thức hoạt động được hơn 4 năm nay, muộn hơn rất nhiều so với những cơ sở khác trên địa bàn thành phố. Người ta gọi thế bởi “ý tưởng” về dịch vụ này không ai khác chính là do vợ chồng anh chị nghĩ ra.
“Hơn 20 năm trước, việc lo ma chay cho người đã mất trong khu phố khá rườm rà, không mang tính chuyên nghiệp. Gia đình tang chủ tự đứng ra lo mọi thủ tục, quy trình từ khâm liệm đến mai táng nên rất bối rối mà tốn kém rất nhiều. Ý tưởng về nghề này là do một lần chồng tôi về miền Trung viếng đám hiếu một người bạn học được.
Trong đám hiếu người bạn của anh ấy, “ban tang lễ” của thôn thay mặt gia đình đứng ra lo toàn bộ các nghi lễ, từ khâm liệm đến mai táng. Khi lên làm tổ trưởng tổ dân phố, anh ấy áp dụng luôn mô hình ban tang lễ này”, chị Hà tâm sự.
Trong tổ dân phố có người mất, ban tang lễ sẽ đứng ra lo từ khâu trang trí, kèn, chiêng, trống rồi tắm rửa xác chết, khâm liệm... gia đình gia chủ chỉ phải đóng 20.000 đồng cho quỹ để ban tang lễ hoạt động. Khi mô hình này hoạt động, rất nhiều gia đình có chuyện buồn, sống ở các phường xung quanh cũng đến nhờ ban đứng ra giúp đỡ.
Chị kể: “Lúc anh nhà tôi đề xuất thành lập ban tang lễ, nhiều người dân trong khu phố không tán thành, vì không ai muốn động vào xác chết. Để ủng hộ chồng, cả gia đình tôi đều tham gia. Người làm công việc tắm rửa, khâm niệm cho những người mất không ai khác chính là chồng tôi và người em họ.Trong số những người mất ấy có không ít những người bị bệnh hiểm nghèo như xơ gan cổ trướng, HIV, ung thư phổi”.
Tiếp chuyện chúng tôi, nhưng ba chiếc điện thoại của chị đổ chuông liên tục, cuộc điện thoại từ những “đơn hàng” không hẹn trước, rồi chị gọi điện chỉ đạo bố trí, sắp xếp công việc cho “công nhân” đến “lo tang” cho gia đình người mới mất cứ liên tục.
Được biết, “ban tang lễ” mà chồng chị Hà thành lập cũng là “ban tang lễ” trong tổ dân phố đầu tiên ở Hải Phòng. Sau đó mô hình này được nhân rộng ra các xã, phường khác trên địa bàn thành phố. Rồi những cơ sở phục vụ lễ tang mọc lên như nấm.
Sau đám hiếu ông nội, hai vợ chồng chị bèn thành lập cơ sở dịch vụ tang lễ Phúc Ân. Nhiều người khi đó gọi anh chị là gàn dở, bởi chồng chị khi đó đang công tác tại UBND TP, còn chị làm chủ một xưởng may có mấy chục công nhân.
Chị tâm sự: “Lúc bán xưởng may đi tôi chỉ nghĩ đơn giản, ngày trước tôi lo tang lễ cho người mất như là lo cho người nhà mình, giờ tôi mở dịch vụ này vẫn sẽ làm như vậy. Như thế gia đình mất người thân cũng được an ủi, người ra đi cũng cảm thấy thanh thản phần nào”. Nhờ uy tín phục vụ và từ những hạt nhân đầu tiên là những người thân trong gia đình, giờ cơ sở của chị tạo công ăn việc làm cho hơn 20 lao động, với mức thu nhập trung bình 6 triệu/tháng.
Làm việc vì chữ “tâm”
“Có lẽ chẳng nghề nào giống nghề này, không được phép lựa chọn. Vì có ai biết trước được mình chết. Có khi nửa đêm, gà gáy, bất kể giờ nào, ngày nào, dù mưa gió bão bùng, hễ nhà có người khuất gọi điện báo tin buồn là chúng tôi đến làm công việc của mình”, chị Hà chia sẻ.
Trong quan niệm của những người làm nghề như chị thì nghề “đưa tiễn những linh hồn” là nghề mang đầy ý nghĩa tâm linh, phục vụ người âm, làm cho người âm, nếu làm ăn lừa dối, thủ thuật thì hậu vận sẽ bị quả báo.
Chị Nguyễn Thị Thu Hà, chủ cơ sở mai táng Phúc Ân khẳng định: “Nếu dùng nghề để kiếm tiền thì không thể tồn tại được” |
“Cái nghề này không những không được lựa chọn việc làm, giờ làm, ngày làm mà chúng tôi cũng không từ chối bất kỳ một “ca” nào. Dù là người chết đường chết chợ, hay nghèo khổ đến giàu sang, mọi thủ tục, trình tự nghi thức vẫn giống nhau hết, không có sự phân biệt đối xử người này, người kia gì cả. Dù là dịch vụ kinh doanh nhưng ở đời với nhau, nghĩa tử là nghĩa tận nên tôi vẫn khuyên anh em trong cơ sở nhiệt tình làm việc như làm cho nhà mình”, chị Hà chia sẻ về đặc thù của nghề nghiệp có một không hai này.
Theo chị Hà, số người tham gia phục vụ một nghi lễ thường từ 15 đến hơn 20 người, chia thành các bộ phận khác nhau, gồm: 5 người trang trí, 5 thợ kèn, 1 người tổ chức, 2 người liệm, 8 người khiêng áo quan. Khi có người gọi đến chị sẽ trực tiếp chỉ đạo và cùng anh em người làm đến gia đình nhà có người mất.
Công việc được lập trình sẵn theo một quy trình cố định, từng bộ phận sẽ vào việc của mình. Đầu tiên thuộc về nhóm trang trí, đến giờ đã định, nhóm khâm liệm sẽ tắm rửa cho người chết, sau đó khâm liệm đưa vào hòm, công đoạn tiếp theo sẽ thuộc về nhóm lễ tang như đội kèn, trống, đội đón rước.
Trong nhóm phục vụ tang lễ thì nhóm làm công việc khó khăn, rùng rợn nhất là nhóm khâm liệm. Có những xác chết lành lặn thì còn đỡ, có những trường hợp người bị chết vì bị bệnh hiểm nghèo mùi tanh hôi bốc nên nồng nặc, những người làm nghề như chị vẫn đeo găng tay, khẩu trang cùng với quần áo bảo hộ vào để tắm rửa, làm sạch xác rồi mới cho vào hòm.
Theo tìm hiểu, người làm khâm liệm cũng đối diện với đầy rẫy nguy hiểm, nhất là việc phải thường xuyên phục vụ cho người chết do các loại bệnh truyền nhiễm như gan, phổi, HIV… Chính vì cái tâm với nghề nên nhà có tang muốn làm những điều cho người đã khuất chị vẫn vui vẻ chiều theo nguyện vọng của mọi người.
"Những người nghèo khó hay người không nơi nương tựa, chết trôi, chết đuối… chúng tôi vẫn ra lo cho người ta một cái tang lễ đầy đủ, chu đáo. Nghề nào chứ nghề này, nếu dùng nghề để kiếm tiền thì không thể tồn tại được” – chị khẳng định.
Trong cơ sở làm nghề “đưa tiễn linh hồn” của chị giờ tiếp nhận không ít những người lầm lỗi có công ăn việc làm để hoàn lương. Với chị Hà đơn giản chỉ là giúp đỡ người không mong người ấy trả ơn mà chị mong muốn khi làm cái nghề này, những người lạc lối sẽ trân trọng mình hơn. Và đấy cũng là những tài sản giá trị nhất mà người phụ nữ này có được. Như chị chia sẻ: “Cái ấy tiền tỷ đánh đổi cũng không thể có được”.