Hơn 10 năm qua, vợ chồng anh Hà Tư Phước, chị Huỳnh Thị Hạc ở thôn Ia Rok, xã Chư H’Drông, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai đã tự nguyện tìm đến nhiều địa phương đón những người mắc bệnh tâm thần đi lang thang hoặc bị gia đình xích, nhốt trong nhà về nuôi dưỡng. 18 người hiện tại đang ở với gia đình anh Phước không còn hung dữ, không đi lang thang nữa và 5 người trong số đã hồi phục trở về đoàn tụ với gia đình .
Anh Hà Phước Tứ và chị Huỳnh Thị Hạc sống trong căn nhà đơn sơ nhưng có tấm lòng đầy thơm thảo. |
Những phận người hóa điên
Gia đình bà Nguyễn Thị Vân ở tổ 2, phường Thắng Lợi, thành phố Pleiku, tỉnh Gia lai, có một người con trai và 6 người con gái. Bất hạnh xảy ra khi Tạ Quốc Phong - con trai lên 20 tuổi của bà - tự nhiên phát bệnh điên, bỏ nhà đi lang thang. Có lần Phong lang thang vào rừng, bị công an nghi là rình ăn trộm bò nên bị nhốt hơn một ngày. Khi có người nhận ra Phong là hàng xóm nên báo cho gia đình bà đến đón con về.
Nhiều lần ra đường, Phong nhặt nhạnh những thứ rác rưởi cho vào mồm ăn rất ngon lành, rồi khi trở về nhà thì tính tình hung dữ, luôn đánh chửi bố mẹ đập phá tài sản.
Có người giới thiệu anh Hà Tư Phước ở thôn Ia Rok, xã Chư H’Drông, thành phố Pleiku tự nguyện đứng ra nhận giúp đỡ, nuôi dưỡng và chăm sóc người tâm thần không thu tiền, gia đình bà đã đem con trai đến nhờ giúp đỡ.
Hơn hai năm gửi con, thấy con khỏe mạnh và dần bình phục, bà Nguyễn Thị Vân, phấn khởi cho biết: “ Gia đình chú Phước tuy chẳng khá giả gì , nhưng thấy người ta như vậy chú nuôi dùm thôi. Kể từ khi vào ở với gia đình chú Phước đến nay con tôi biết nghe lời chú Phước, biết tự tắm rửa, lau dọn phòng ở sạch sẽ. Chứ còn về nhà tôi nó muốn đi đâu là đi, rồi đập phá hết ”
Những người điên đang được anh Phương nuôi dưỡng |
Bất hạnh hơn là gia đình bà Nguyễn Thị Si, ông Trương Văn Sơn ở làng Pleiku Dó, phường Yên Đổ. Cả gia đình có 4 người con thì 7 năm trước sau một trận ốm hai người con trai lớn bị đổ bệnh và bỗng dưng chửi mắng bố mẹ, đập phá tài sản, cởi quần áo đi lang thang ngoài đường. N
hà tuy nghèo, nhưng vì mong con khỏi bệnh nên gia đình tìm khắp nơi chạy chữa lo lắng thuốc thang cho con. Chạy chữa nhiều năm nhưng bệnh tình của con không hề thuyên giảm, cuộc sống gia đình bà vốn đã khó khăn nay càng trở nên túng quẫn. Quá sợ hãi, gia đình phải dùng xích để cột mỗi con một bên hông nhà.
Đầu năm 2011, gia đình bà Si đã đem người con lớn là Trương Xuân Đông nhờ anh Hà Tư Phước nuôi giúp. Sau 7 tháng được gia đình anh Phước chăm sóc cùng với những người bạn cùng cảnh ngộ, giờ Trương Xuân Đông đã biết tự tắm rửa, tự ăn cơm và biết ra vườn cà phê nhặt cỏ giúp cho anh chị Phước rồi.
Chuyện của “nhạc sỹ” điên
Cùng ở với gia đình anh Phước còn có Phạm Chí Nghĩa. Anh Phước bảo, Nghĩa là người hết sức đặc biệt ,biết đánh đàn ghi ta và hát rất hay. Từ ngày về ở với anh, Nghĩa đã sáng tác được 6 bài hát ca ngợi vẻ đẹp của con Sông Đà, ca ngợi mảnh đất Pleiku hiền hòa thương mến, ca ngợi những con người hiền hòa, chất phác.
Mỗi bài hát Nghĩa đều đặt cho một cái tên rất cụ thể như “Người đẹp thôn Ia Rôk, Huyền thoại Pleiku, Đừng gọi chú bằng anh, Tình mẹ bao la, Ơi Sông Đà yêu mến…”. Trước khi hát, Nghĩa cũng không quên giới thiệu về nội dung và hoàn cảnh ra đời các“ca khúc” của mình. Bản thân anh Phước cũng thuộc nằm lòng những bài hát do Nghĩa sáng tác.
Tôi hỏi quê Nghĩa ở đâu? Khi thì Nghĩa bảo quê mình ở mảnh đất Thái Bình , khi Nghĩa bảo quê mình ở tận Kiên Giang, xa lắm, lúc lại bảo mình ở thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Rồi ở quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh ….
Anh Phước đỡ lời, nó không biết quê quán đâu. Hồi đầu năm tôi gặp nó lang thang ở khu vực Biển Hồ, thấy tội quá , tôi mang về nuôi.
Nghĩa nói, mình nhớ nhất là ngày mình sống ở thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Lúc ấy mình còn trẻ lắm. Lang thang được mấy ngày đói quá, mình đi xin ăn nhưng chẳng ai cho cả. Người ta bảo thanh niên trai tráng như thế này thì tự làm lấy mà ăn. Đói, khát , Nghĩa vơ một nắm cát bỏ vào mồm ăn ngấu nghiến và lấy nước biển để uống. Một lúc sau có người khách nước ngoài đi đến, Nghĩa liền chìa tay ra xin bằng tiếng Anh, họ cho 20 đô la ..
Tôi hỏi sao biết tiếng Anh? Nghĩa bảo, mình vốn là sinh viên trường Cao đẳng sư phạm Quy Nhơn khóa học 1988-1990, học được hơn một năm thì thấy đầu đau như búa bổ, các con chữ, con số nó cứ ẩn hiện trong đầu . Mỗi lần như thế Nghĩa lại đi lang thang, thấy đỡ đau hơn. Đi miết rồi đến với anh Phước đây. Giờ thì Nghĩa không muốn đi đâu nữa, muốn ở với anh Phước, chị Hạc thôi….
Không màng tới dư luận…
Ban đầu thấy anh Phước mang những người tâm thần, lang thang cơ nhỡ về nhà nuôi, đã có nhiều người đặt câu hỏi, chắc là gia đình phải nhận được tiền bạc của cải của những người điên và gia đình họ. Nhưng khi biết anh Phước bỏ tiền của gia đình để nuôi nấng, chăm sóc thì họ lại bảo rằng chính anh cũng là người tâm thần nặng nên mới làm thế.
Căn nhà anh Tứ xây để nuôi bệnh nhân. |
Rồi tất cả những người xung quanh dần xa lánh anh, phần vì thấy anh khác người, phần họ sợ những người do anh Phước đem về gây rối trật tự, thậm chí những lúc lên cơn không ai biết trước điều gì sẽ xảy ra.
Nhưng sau một thời gian dài, những người tâm thần vốn bẩn thỉu, hung dữ cũng trở nên sạch sẽ, hiền lành, biết nghe lời khi ở với anh.
Ngay cả bản thân chị Huỳnh Thị Hạc là vợ anh Phước cũng không ngần ngại chia sẻ: “Lúc đầu mình cũng rất sợ. Tại vì mình là phụ nữ mình thấy họ điên khùng mình cũng sợ. Nhưng mà dần dần thấy họ hiền thì mình cũng có tình cảm. Hàng ngày mình nấu cơm nước cho họ ăn. Lúc mình làm được thì cho họ ăn nhiều lên một chút, còn lúc khó khăn thì mình cũng bớt lại một ít. Mình nuôi nấng họ vì mình muốn họ bớt bệnh, về hòa nhập với cộng đồng”.
Trao đổi vấn đề này với bà Nguyễn Thị Minh Tâm, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai, bà Tâm cho biết:
“Việc ông Phước nuôi dưỡng người tâm thần theo đánh giá của chúng tôi là một việc làm rất tốt. Tôi nghĩ là trong xã hội không nhiều người làm được việc này. Bởi vì phải có một tấm lòng, phải có tâm đối với người bệnh thì mới có thể làm được. Nếu như chúng ta phát huy được mô hình này ra toàn xã hội thì rất tốt.
Khi ông Hà Tư Phước làm tất cả các thủ tục để thành lập cơ sở nuôi dưỡng người bị bệnh tâm thần theo mô hình xã hội hóa thì phía ngành cơ quan chủ quản chúng tôi sẽ hỗ trợ cho ông trong việc nuôi dưỡng người tâm thần, rồi kết hợp với bên y tế chữa bệnh cho họ nữa. Nếu làm được việc này thì người tâm thần ở cơ sở của ông Phước sẽ tốt hơn và đảm bảo được quy định. Người bệnh được nuôi dưỡng ở đó sẽ có nhiều cơ hội vừa được trị bệnh, vừa lao động sản xuất để phục hồi sức khoẻ”
Không chỉ nuôi dưỡng, chăm sóc những người có hoàn cảnh hết sức đặc biệt mà hàng ngày ngoài việc lái chiếc xe tải chở hàng có trọng tải hơn 3 tấn để mưu sinh, anh Hà Tư Phước còn luôn sẵn sàng thực hiện việc tắm rửa, mặc quần áo cho những người thiếu may mắn khi đã qua đời, và thu gom, lượm xác những người chết vì tai nạn giao thông, chết đuối trên địa bàn tỉnh. “Tôi đã làm việc này từ năm 1976 và tôi sẽ nguyện làm việc này cho tới hơi thở cuối cùng”- anh Tứ cho biết
Ngọc Anh