Bị “cướp” giới tính - đó là nỗi đau của không ít đứa trẻ khi bị chính người thân yêu của mình hay bị môi trường xã hội gây nên. Hệ quả, những đứa trẻ ấy bị tổn thương tâm hồn và cuộc đời luôn ám ảnh câu hỏi: Mình thực sự thuộc giới tính nào?.
Việc “can thiệp” vào giới tính trẻ dễ dẫn tới lệch lạc đồng tính luyến ái sau này. Ảnh minh họa. |
Thèm có con gái nên bắt con trai mặc váy
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Thông (40 tuổi) đã có 3 cậu con trai nhưng vì luôn mơ ước có cô con gái “chấy rận” nên hai người quyết đẻ thêm. Thấy vợ có tin vui, ngay lập tức, ông Thông đã đặt tên con là Trúc Diễm khi thai chỉ mới 2 tháng tuổi với hy vọng mình vợ sẽ đẻ ra con gái. Cả quãng thời gian vợ mang thai, ông không cho vợ đi khám để biết giới tính mà ngày đêm cầu trời cho mình được... như ý. Dường như, lời khẩn cầu ấy không thấu trời xanh nên bà Ngà trở dạ, vẫn đẻ một cậu con trai.
Không “đầu hàng” số phận, ông Thông vẫn quyết giữ lại tên Trúc Diễm để đặt con con trai mình và tuyên bố với vợ: “Trời không cho tôi con gái thì tự tôi sẽ “nhào nặn” nó thành con gái!”. Nói là làm, ngay từ khi Trúc Diễm chào đời, ông Thông đã mua rất nhiều quần áo, tã lót sơ sinh toàn mầu hồng xinh xắn.
Không những vậy, tất cả đồ dùng của con trai mình, ông đều sắm sắc màu đầy nữ tính. Ông cấm vợ không được cắt tóc con mà phải để dài. Vì ông luôn coi Diễm là con gái nên ông cưng nựng con hết mức. Ba người anh mà động vào “công chúa” khiến “con bé” khóc là y như rằng ông mắng mỏ, đánh đập ngay. “Con bé” thấy bố bênh, càng được đà làm nũng, khóc nhè. Tính nam của Trúc Diễm được bố thay thế bằng yểu điệu thục nữ.
Cứ thế, Trúc Diễm cứ lớn lên trong sự “uốn nắn” giới tính của bố. Ông cấm Diễm không được chơi trò chơi của con trai mà phải chơi búp bê, may vá. Có lần, bé chơi đá bóng cùng các anh trai, ông Thông đi làm về bắt gặp và quát tháo ầm ĩ cả nhà khiến bà Nga và các con sợ chẳng ai dám ho he. Là đứa trẻ nhút nhát, từ lần đó, Diễm không bao giờ dám chơi trò đá bóng, bắn súng...
Thấy “con gái” càng lớn càng trở nên nữ tính, ông Thông mừng ra mặt và lấy làm hãnh diện vì mình đã “nhào nặn” giới tính cho con thành công. Nói về Trúc Diễm, khi bé đi học lớp 1, khi phải mặc những quần áo con gái, bị bạn bè chê cười, Diễm xấu hổ và càng nép mình với thế giới xung quanh. Diễm ít chơi với bạn bè cùng lứa vì những trò chơi của bạn trai không được chơi, những trò chơi của bạn gái thì chẳng ai cho chơi cùng.
Sự cấm đoán, thúc ép của bố khiến Diễm dần dần quên mình là một người con trai cho tới ngày Diễm có cảm tình với bạn gái lớp 10 cùng tuổi. Diễm thấy mình phải trở thành nam giới như trời định. Diễm về nhà khóc xin ông Thông đừng bắt mặc quần áo con gái và trả lại giới tính cho mình. Không những không nghe con, ông Thông trừng mắt: “Từ giờ cho lúc tao chết, thì mày vẫn là con gái của tao, không được thay đổi. Nếu không tao sẽ từ !”. Vốn bản tính nhút nhát, trước sự đe nẹt, dọa nạt của bố, càng lớn, Diễm càng sống khép kín, câm lặng, buồn bã, mắc bệnh trầm cảm lúc nào chẳng hay.
Kế hoạch biến nữ thành nam của ông tộc trưởng
Cũng cùng cảnh bị “tráo” giới tính, bé Quang Mạnh cũng đau khổ không kém. Bố Mạnh - ông Quang là trưởng của dòng tộc khá giả. Sức ép phải có con trai nối dõi tông đường, gánh vác cơ nghiệp của họ mạc khiến ông Quang rất lo lắng. Ông sinh hai người con trước đều là gái, đến đứa thứ ba cũng là gái khiến ông bực tức. Ông đặt tên con gái thứ ba là Quang Mạnh để nó có thể giúp ông làm tròn nhiệm vụ của trưởng dòng họ.
Trong buổi giỗ Tổ họ, trước đông đủ họ hàng, ông Quang đứng lên hùng hồn phát biểu: “Tôi là trưởng họ nên tôi biết mình phải làm gì với họ này. Tuy tôi không sinh được con trai nhưng tôi quyết sẽ “dưỡng” bằng được Quang Mạnh trở thành một người con trai thực sự và cháu sẽ có đủ trách nhiệm để gánh vác công việc của họ tộc này”. Mọi người nghe vậy xôn xao bàn tán nhưng lệ của họ, khi Trưởng tộc đã quyết thì tất cả mọi người phải răm rắp nghe theo.
Ông Quang bắt đầu vạch ra kế hoạch “biến nữ thành nam”. Bắt đầu từ hình dáng ăn mặc, đi đứng nói năng, bé Mạnh phải thật nam tính. Ông Quang ngày đêm rủ rỉ với “con trai” là: “Vì yêu mến con nên bố muốn con là con trai bố. Con cố gắng nhé. Sau này, con sẽ “chống gậy” cho bố. Con sẽ là trụ cột nhà này, trụ cột dòng họ này. Tất cả cơ nghiệp này bố mẹ sẽ trao cho con”.
Mẹ của bé luôn ngăn cản việc đó nhưng ông Quang trừng mắt dọa: “Tôi đang bị bệnh tim, lại huyết áp, nếu bà và con không nghe lời tôi, tôi ức mà chết thì đừng có trách!”.
Được bố “lái” giới tính ráo riết nên cô bé Mạnh ngày càng trở nên trái tính với cách đi đứng ngang tàng và lời nói cục súc. Gặp ai, Mạnh cũng đòi chửi, đánh. Thấy vậy, ông Quang còn mừng và khuyến khích: “Đàn ông phải như thế thì ra cuộc đời mới không bị ai bắt nạt”.
Sống đúng giới tính là quyền luật định của trẻ
Bà Minh Nga (Trung tâm Tư vấn Gia đình Hà Nội) cho rằng: “Hiện nay, có một số bậc phụ huynh do sự kém hiểu biết, tính gia trưởng, thích áp đặt đã bắt con cái phải theo sự suy nghĩ, sở thích của mình. Việc “lái” giới tính của con đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới tâm hồn và thể xác trẻ. Trẻ không được sống vô tư, không được sống đúng giới tính của mình và cả quãng đời tuổi trẻ bị ám ảnh chuyện giới tính. Đây là hành vi bạo lực tinh thần trẻ nhỏ của một số phụ huynh. Họ cần phải nghiêm túc nhìn nhận vấn đề và chấm dứt việc “uốn” giới tính của con theo ý muốn của mình. Hãy để trẻ được sống đúng với giới tính. Đó là quyền luật định của trẻ, không ai được xâm phạm”. |
Thùy Dương