Đã nhiều lần sang thăm và làm việc trên đất nước Triệu Voi, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được tháp tùng Trung tướng Võ Trọng Việt, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) (nay là Thượng tướng Võ Trọng Việt, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) đi công tác vào đúng dịp Tết cổ truyền Bun Pi May của người Lào.
Tuy đã được dự nhiều lễ hội nhưng trong lòng trào dâng một cảm xúc dạt dào khó tả bởi đang được trải nghiệm những điều thú vị nhất trong đời làm phóng viên của mình.
Thấy tôi háo hức chứng kiến những trò vui trong buổi lễ, Trung tá Chăn Ty, một cán bộ thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Sê Kông, Lào đã từng học nhiều năm ở Việt Nam liền giới thiệu về Tết cổ truyền của mình.
Bằng chất giọng Việt Nam lơ lớ, anh ôn tồn giải thích, cũng giống như ở Việt Nam, Tết cổ truyền Bun Pi May của các bộ tộc Lào (lễ hội năm mới) hay Lễ hội Hốt Nậm (Té nước), là dịp để bà con cầu mong cho cuộc sống hạnh phúc, ấm no.
Theo truyền thống và nghi thức cổ truyền, cứ vào ngày 14/4 hàng năm là ngày mở hội Bun Pi May, làm phúc trong năm mới. Trong những ngày Tết, nhân dân các bộ tộc Lào từ những bản làng xa xôi đến phố đông người đều đổ về các chùa, mang theo âu bạc đựng đầy nước ướp hoa thơm để tắm mát cho tượng Phật.
Người ta té nước cho nhau thay cho lời chúc năm mới tốt lành, bình an và gặp nhiều may mắn. Người người cầu mong năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống no đủ, đất nước thanh bình, thịnh vượng.
Trong lễ hội này, người dân Lào và cả khách du lịch nước ngoài, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo đều cùng hưởng niềm vui, niềm hạnh phúc của một ngày hội thực thụ. Người được té nước nhiều, áo quần ướt đẫm, càng sung sướng vì tin rằng mình sẽ gặp nhiều may mắn trong năm, đồng thời cũng như sự minh chứng là mình được nhiều người yêu mến.
Ngày đầu năm, ngoài tục vẩy nước, té nước còn diễn ra nhiều trò chơi dân gian gắn với sông nước, trong đó nhộn nhịp nhất là các cuộc đua thuyền. Hầu như tỉnh nào cũng mở hội đua thuyền. Mỗi vùng đều có các loại thuyền đua khác nhau, trang trí rực rỡ và độc đáo.
Nhiều nhất là thuyền rồng, có thuyền độc mộc khoét từ một thân cổ thụ quý từ trên rừng già, có thuyền sơn son thếp vàng và khảm xà cừ những hoa văn lạ mắt.
Nhiều gia đình trong những ngày này lại ra sông thả cá. Ngày hội thả cá trên sông cũng tấp nập không kém các trò vui khác. Dân Lào coi việc phóng sinh cá trong ngày Tết, để ước vọng quê hương mình trù phú, trên cánh đồng lúa thơm, dưới sông nước đầy cá béo.
Nhưng có một lễ hội được đông đảo người Lào tham gia trong ngày Tết cổ truyền Bun Pin May là lễ hội rước nữ Chúa Xuân. Theo tập tục có từ thời xa xưa. Nữ Chúa Xuân, chính là nàng Xẳng Khản-một trong bảy người con gái của Thần bốn mặt, một vị thần có công đem những điều tốt lành cho dân Lào.
Theo đó, mỗi năm trước ngày diễn ra lễ hội, người ta thi hoa hậu để tuyển bảy cô gái đẹp người, đẹp nết, làm ăn chăm chỉ và giỏi giang trong cuộc sống. Ðến giờ hoàng đạo, đoàn rước nữ Chúa Xuân thật tưng bừng.
Một cô gái đóng Chúa Xuân một tay cầm gươm, một tay cầm vòng lửa cùng sáu người em gái xiêm y rực rỡ ngồi trên xe mui trần trang hoàng lộng lẫy.
|
Tác giả cũng được nhiều người dân Lào buộc chỉ cổ tay |
Trong lễ buộc chỉ cổ tay, tôi tình cờ gặp lại ông Thon Chăn Nháp Đa Hương là người đầu tiên của bản Đăk Tà Oọc Nọi, huyện Đắc Chưng, tỉnh Sê Kông được sang Hà Nội (Việt Nam) để nhận Huân chương Hồ Chí Minh do Chủ tịch nước trao tặng.
Sau khi thực hiện nghi lễ buộc chỉ cho tôi, ông bùi ngùi, xúc động nhớ lại kỉ niệm khó quên của đời mình: “Ngày 17/8/2013, tôi được đến Hà Nội cùng 50 người khác, vinh dự nhận Huân chương Hồ Chí Minh. Cảm giác rất xúc động, tự hào vì là người đầu tiên và duy nhất của bản Đắc Tà Oọc Nọi được nhận Huân chương cao quý này...”.
Năm 2013 cũng là một năm khá đặc biệt với bản thân ông Thon Chăn Nháp Đa Hương cũng như dân làng. Cùng thời điểm ông được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, một niềm vui lớn khác đã đến với dân làng, khi bản Đắc Tà Oọc Nọi cũng lần đầu có điện thắp sáng do tỉnh Quảng Nam hỗ trợ kéo từ Việt Nam sang.
Bản Đắc Tà Oọc Nọi còn có nước sạch sử dụng, được BĐBP Quảng Nam hướng dẫn trồng lúa nước, cà-phê để phát triển kinh tế... Ông Thon Chăn Nháp Đa Hương còn được mời sang tận tỉnh Gia Lai-Việt Nam để học trồng cà-phê, sắn, chăn nuôi heo, bò, trồng sắn để về hướng dẫn lại cho bà con trong bản phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo...
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam (Việt Nam) và huyện Đắc Chưng, tỉnh Sê Kông (Lào) có chung 72km đường biên giới, với 30 cột mốc. Huyện Nam Giang có 3 dân tộc chính là Cơ Tu, Ve, Tà Riềng.
Tương tự như vậy, huyện Đắc Chưng có 4 dân tộc chính, trong đó người Tà Riềng chiếm 60%, Cơ Tu khoảng 21%, còn lại là người Ve và một số ít dân tộc khác. Hai địa phương có khá nhiều nét tương đồng về địa lý, dân tộc và bản sắc văn hóa.
Đắc Chưng là huyện nằm ở vùng Đông Bắc hẻo lánh thuộc tỉnh Sê Kông. Vùng đất này được xem là một trong những địa phương kém phát triển nhất của nước bạn. Cơ sở hạ tầng nghèo nàn, dân cư thưa thớt, tỷ lệ hộ nghèo rất cao, sinh kế chủ yếu là nông nghiệp du canh. Người dân Đắc Chưng sinh sống rải rác ở vùng biên thường xuyên phải đối mặt với thiên tai, dịch bệnh, thiếu đói triền miên.
Với tình cảm hữu nghị đặc biệt, từ nhiều năm nay Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Nam và UBND huyện Nam Giang đã có nhiều sự hỗ trợ, giúp đỡ thiết thực để không chỉ trong công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân Lào mà còn hỗ trợ nhiều mặt đời sống xã hội khác.
Còn nhớ, khoảng 5 năm về trước, trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, BĐBP tỉnh Quảng Nam (Việt Nam) đã không kể mưa to, gió lớn đứng ra làm cầu cho bà con người Lào qua dự Lễ kết nghĩa Bản - Bản của hai huyện Nam Giang - Đắc Chưng nói riêng và hai tỉnh Quảng Nam - Sê Kông nói chung. Có tổng cộng 8 cặp bản làng nằm dọc biên giới hai nước Việt Nam - Lào đã kết nghĩa với nhau thông qua sự kiện này.
Bản Đắc Tà Oọc Nọi chỉ là một trong 8 bản của Đắc Chưng kết nghĩa với 8 bản giáp biên của Nam Giang từ gần 5 năm nay. Từ chủ trương “Giúp bạn là giúp mình”, công tác kết nghĩa “Bản - Bản” được tiến hành khá đồng bộ và mang lại hiệu quả cao. Theo đó, hàng năm huyện Nam Giang đều tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ, thăm hỏi, tặng quà cho nhân dân Đắc Chưng.
Đặc biệt từ năm 2013 đến nay, mỗi năm huyện Nam Giang đều đặn trích kinh phí 200 triệu đồng, mua bò tặng cho nhân dân 8 cụm bản của huyện Đắc Chưng. Việc này, cùng với nhiều chương trình hỗ trợ thường xuyên khác, đã góp phần rất lớn giúp bạn đẩy nhanh phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Ông ALăng Mai, Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho biết, tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng hàng năm, cán bộ và nhân dân huyện Nam Giang vẫn dành một phần kinh phí để hỗ trợ, chia sẻ với những khó khăn của bà con các bộ tộc Lào để giúp họ nâng cao về đời sống, sản xuất.
Thời gian tới huyện Nam Giang tiếp tục hỗ trợ mua bò giống, mua gạo, muối, một số giống rau, giống cỏ để phát triển chăn nuôi, phát triển sản xuất đời sống của bà con nhân dân khu vực giáp biên của huyện Đắc Chưng...
Được biết, Quảng Nam cũng được đánh giá là một trong những địa phương hoàn thành sớm nhất trong công tác tăng dày, tôn tạo cột mốc biên cương của cả nước, có 60 cột mốc đã hoàn thành với chiều dài hơn 142km đường biên giáp ranh với tỉnh Sê Kông.
Trong thành tích chung đó, ngoài sự nỗ lực, cố gắng vượt qua khó khăn, gian khổ của các chiến sĩ Biên phòng, phải nói đến tinh thần hy sinh, sự sẻ chia của đồng bào các dân tộc sinh sống ở hai bên biên giới Việt Nam - Lào.