Đồng bằng sông Cửu Long: Công trình giao thông 'đội' vốn... vì cát

(PLO) - Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có nơi giá cát tăng từ 200 đến 300%, các công trình đầu tư của Trung ương và địa phương ở khu vực bị đội chi phí đầu tư. 
Đồng bằng sông Cửu Long giá cát xây dựng có nơi tăng gấp 2, 3 lần
Đồng bằng sông Cửu Long giá cát xây dựng có nơi tăng gấp 2, 3 lần

Thiếu cát... thêm tiền đầu tư

Cuối tuần qua, tại TP Cần Thơ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã có buổi làm việc với Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ (BCĐ TNB), các bộ liên quan và lãnh đạo các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL về công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông của vùng.

Ông Lâm Quang Thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, xảy ra tình trạng khan cát là do nguồn cung bị bóp lại thông qua việc ngừng việc cấp phép khai thác cát mỏ mới, các dự án nạo vét sông luồng lạch cũng tạm dừng. “Do đó, có nơi giá cát tăng từ 200 đến 300%, các công trình đầu tư của Trung ương và địa phương ở khu vực bị đội chi phí đầu tư. Để đảm bảo nguồn cát phục vụ các công trình kiến nghị cho các địa phương tự chủ việc cấp phép khai thác cát các dự án thông luồng, có đánh giá tác động môi trường nhưng không tham vấn cộng đồng vì việc sạt lở đất xuất phát từ nhiều nguyên nhân” - ông Thi đề xuất.

Cùng quan điểm, Bí thư Tỉnh uỷ Sóc Trăng - Nguyễn Văn Thể dự đoán, nếu Chính phủ không giải quyết được vấn đề cát và giá cát thì không có công trình nào triển khai nhanh được, sẽ dẫn tới ách tắc các công trình không chỉ năm nay mà nhiều năm tới. Cụ thể, nếu dự án Trung Lương – Mỹ Thuận, cát tăng đội giá từ 9.000 tỷ đồng lên 14.000 hay 15.000 tỷ đồng, Nhà nước nên chịu phần đội giá này thì nhà đầu tư mới an tâm thực hiện dự án.

Ông Sơn Minh Thắng, Phó trưởng Ban Thường trực, BCĐ TNB cho biết, nhiều công trình xây dựng giao thông đang bị ảnh hưởng vì thiếu cát san lấp mặt bằng. Đề nghị Chính phủ có chỉ đạo chung về giải pháp, vì nguồn cát không thiếu. Ông Thắng cho rằng các địa phương phải san sẻ cát cho nhau, nhiều nhất là hai mỏ cát ở hai tỉnh An Giang, Đồng Tháp. Cần nghiên cứu cát mặn có sử dụng được không, hay vấn đề vật liệu thay thế”.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Nhật đề xuất, Chính phủ cần sớm xem xét bổ sung nguồn vốn dự phòng của giai đoạn 2016-2020 nguồn ngân sách Nhà nước với kinh phí khoảng 1.500 tỷ đồng để triển khai hoàn thành 6 dự án đang thi công sử dụng nguồn vốn ngân sách; cũng như 22.645 tỷ đồng để triển khai khởi công mới 17 dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ trong vùng. 

Tìm ngay “vật liệu mới” thay thế cát 

Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, những năm qua vùng ĐBSCL được quan tâm đầu tư mạnh về cơ sở hạ tầng, giao thông phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội. Hệ thống hạ tầng giao thông khá đồng bộ cả đường thuỷ lẫn bộ góp phần thúc đẩy kinh tế sản xuất, góp phần quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng cuộc sống người dân.

Tuy nhiên, hệ thống giao thông vẫn còn một số lĩnh vực chưa khai thác triệt để, nhất là giao thông hàng không hiện khai thác rất thấp so với công suất đầu tư, như cảng hàng không quốc tế Cần Thơ và Phú Quốc. Bên cạnh đó, hệ thống 9 cảng biển khai thác cảng biển còn chưa tốt. Hệ thống cảng biển được đầu tư dư công suất, trong khi cảng than còn thiếu. Hệ thống đường thuỷ nội địa dày đặc nhưng chưa được phát huy lợi thế. 

Đặc biệt, chưa nâng cao chất lượng của hệ thống giao thông ĐBSCL để liên hệ với TP HCM. Việc triển khai đầu tư xây dựng chậm, việc thực hiện các dự án ưu tiên chưa đạt yêu cầu so với đòi hỏi, cụ thể những “nút thắt” dọc trục lớn nhất là tuyến cao tốc TP HCM đến Cần Thơ, nút thắt quốc lộ 60, nút thắt N2 Cao Lãnh, Trung lương… “Nhu cầu vốn đầu tư rất lớn nhưng việc đáp ứng lại rất ít chỉ khoảng 30%. Nhiều dự án lớn dở dang đang triển khai 26 dự án với tổng đầu tư 80 ngàn tỷ, nhưng vốn ngân sách chỉ khoảng 20 đến 30 ngàn tỷ. Các thủ tục thời gian đấu thầu, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình, tiến độ thực hiện, làm hạn chế…do đó phải tính toán để điều chỉnh, sửa đổi” - Phó Thủ tướng nói. 

Việc khai thác cát ảnh hưởng đến sói lở của dòng sông, ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân. Vì vậy, cần được kiểm soát chặt chẽ để vừa đảm bảo an toàn người dân nhưng đảm bảo phát triển kinh tế và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, việc thiếu nguồn cát để phục vụ xây dựng cần phải tập trung tháo gỡ.  Các bộ, ngành, các địa phương cần tập trung tháo gỡ những “nút thắt” chính về giao thông của ĐBSCL, đầu tiên là cao tốc TP HCM về Cần Thơ, quyết định việc kết nối vùng với TP HCM, vừa đối nội vừa đối ngoại. 

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục đề xuất nhưng vấn đề cần sửa đổi Luật Đầu tư công để tháo gỡ khó khăn về cơ chế chính sách; Bộ GTVT, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ NN&PTNT rà soát lại quy hoạch khai thác cát, sỏi lòng sông, cửa sông, luồng lạch cảng biển bổ sung, điều chỉnh quy hoạch cần thiết. Nghiêm cấm khai thác bừa bãi, “cát tặc”, phải xử lý nghiêm, nếu khai thác đúng quy định; Bộ Xây dựng cần nghiên cứu các vật liệu thay thế cát xây dựng và các vật liệu thay thế.