Đồng bào Tày “giữ lửa” nhịp xòe trên cao nguyên trắng

(PLO) - Cũng chẳng biết từ bao giờ mà điệu xòe của đồng bào vùng cao dân tộc Tày ở xã Tà Chải - Nà Hối (Bắc Hà - Lào Cai) lại quyến rũ như vậy. Cứ đến ngày hội là bà con nơi đây lại tụ tập nhau, thể hiện các điệu múa xòe để bảo tồn bản sắc văn hóa cho dân tộc. 
Đội xòe ở Nà Hối chụp ảnh lưu niệm với khách du lịch Pháp
Đội xòe ở Nà Hối chụp ảnh lưu niệm với khách du lịch Pháp
Với họ, xòe là để cây lúa thành bông, cây ngô thành bắp, trai gái thành đôi; xòe là để quên đi những nhọc nhằn, vất vả trong lao động sản xuất hàng ngày.
Điệu xòe quyến rũ lòng người
Lần theo âm vang của tiếng xòe xưa, chúng tôi tìm về xã Tà Chải, mảnh đất từ lâu đã nức tiếng với các điệu xòe cổ đậm đà bản sắc dân tộc. Ông Lâm Văn Vương (70 tuổi) ở Na Pác Ngam kể: “Múa xòe có nhiều điệu lắm, ở mỗi điệu đều có những nét đặc trưng riêng biệt nhưng tất cả đều gắn chặt với đời sống lao động sản xuất của đồng bào vùng cao. 
Thông dụng nhất vẫn là điệu xòe vòng, bởi họ say trong tiếng nhạc bổng trầm, nó còn gắn kết tình cảm, cũng qua những lần cùng chung vui lễ hội, nam nữ có thể tự do tìm hiểu, nhiều đôi vì mến nhau nên đã thành vợ chồng”.
Theo ông Vương, hiện trong các bản làng của người Tày thuộc xã Tà Chải vẫn còn lưu giữ rất nhiều điệu xòe cổ như xòe khăn, xòe đập lúa (phạt khẩu), xòe chiêng (pa nhăm pa), xòe mò cá (pi-a), xòe nón, xòe quạt... Tất cả các điệu xòe này đều được các nghệ nhân kết hợp với cây đàn tính. 
Khi tiếng đàn tính cất lên, trai gái trong các bản làng lại hòa chung cùng nhịp bước của vòng xòe, họ nắm tay, trao cho nhau nụ cưới và ánh mắt… Trai làng, gái bản họ tình tứ suốt cuộc xòe khiến ai cũng vui như trẩy hội, và tiếng nhịp xòe cũng chính là tiếng lòng của dân tộc. 
Khi hỏi các cụ già xòe có từ bao giờ thì không ai trả lời được. Ông Vương bảo: “Từ lúc tôi lớn lên, các điệu xòe ở trong bản này đã có rồi. Cứ đời này rồi đời sau, họ lại truyền múa xòe cho các thế hệ con cháu của mình. Xòe đã gắn bó mật thiết với đời sống văn hóa và sản xuất của đồng bào rồi. 
Xòe ở đây đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu được đối với đồng bào vùng cao trong huyện Bắc Hà. Bởi qua những điệu xòe nó còn góp phần gắn kết các dân tộc xích lại gần nhau hơn”. 
Chính vì xòe đã gắn liền với máu thịt của đồng bào nên điệu The - múa xòe ở vùng cao nguyên trắng (vùng đất đá khô cằn) đã được vinh dự công nhận là Di sản phi vật thể cấp quốc gia. 
Điều này sẽ có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong đời sống văn hóa của đồng bào; đồng thời nó sẽ là cơ hội để chính quyền cùng bà con nhân dân bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Quan trọng nhất vẫn là hướng đi đột phá trong việc khai thác tiềm năng, tạo hướng phát triển văn hóa du lịch trên địa phương.  
Ông Vàng Văn Khương - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tà Chải cho biết: “Xã Tà Chải tự hào về những tấm gương nghệ nhân của những làn điệu xòe như ông Vàng Văn Pao thôn Na Pác Ngam, bà Vàng Thị Tiều, ông Lâm Văn Lù thôn Na Kim… Đây là những lớp nghệ nhân đã nhiều năm gắn bó với điệu xòe truyền thống, và họ cũng đang tích cực truyền lửa đam mê cho các thế hệ trẻ để điệu múa sẽ không bị mai một. 
Ở Tà Chải xòe còn góp phần gắn kết các cộng đồng dân tộc xích lại gần nhau hơn
Ở Tà Chải xòe còn góp phần gắn kết các cộng đồng dân tộc
xích lại gần nhau hơn
 
“Giữ lửa” nhịp xòe ở Bắc Hà
Tìm đến gia đình ông Lâm Văn Lù (80 tuổi), nghệ nhân cao tuổi nhất của các điệu xòe ở xã Tà Chải, ông Lù cho Biết: “Múa xòe có một sức hút rất kỳ lạ, từ thuở niên thiếu tôi đã đam mê các làn điệu xòe của quê hương mình rồi. Bây giờ tôi chỉ mong sao có thêm sức khỏe để dạy cho các cháu những làn điệu xòe cổ và nó sẽ mãi nối tiếp nhau. 
Ngặt một nỗi, học xòe thì dễ, tuy nhiên lại rất ít người biết sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc, nếu học thì cũng phải có năng khiếu và thực sự đam mê”.
Niềm đam mê xòe bắt đầu từ khi ông Lù mới mười tám tuổi, ngày đó ông thường tham gia vào các lễ hội mùa xuân của bản. Tiếng nhạc và những cái nắm tay trong điệu múa xòe kết hợp với các động tác bước chân khiến ông Lù trở nên mê mẩn. 
Sau khi đi bộ đội về, ông Lù vẫn say điệu xòe của quê hương và theo đến bây giờ. Hiện ông Lù đã thuộc tất cả các điệu xòe và biết sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ của đồng bào Tày. Hiện sức khỏe của ông Lù đã yếu đi rất nhiều, nhưng những kỷ niệm xòe của tuổi thanh xuân cứ thế thôi thúc, gắn bó cho đến ngày hôm nay. 
Ông Vàng Văn Sương, nghệ nhân múa xòe xã Na Hối khẳng định: “Do điệu xòe xuất phát từ đời sống của đồng bào nên không dễ bị mất đi. Tâm niệm của chúng tôi là mong cho điệu xòe của đồng bào mình được nhiều người biết tới, điều đó sẽ tạo nền tảng cho lớp trẻ tự hào hơn và quyết tâm giữ gìn nó”. 
Theo ông Sương, bà con nơi đây rất tự hào, phấn khởi bởi điệu xòe truyền thống của dân tộc mình đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Ông Sương cùng bà con đều bộc lộ mong muốn bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống cho thế hệ trẻ. 
Ông Vàng Văn Khương - Chủ tịch UBND xã Tà Chải bộc bạch: “Việc múa xòe vinh dự được xếp hạng là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhất là khi Đảng ủy, chính quyền và nhân dân đang nỗ lực duy trì và giữ vững danh hiệu Xã đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của huyện. 
Hiện chúng tôi đã có kế hoạch bảo tồn các điệu xòe, tiếp tục duy trì và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc theo tinh thần Nghị quyết TW 5 khóa 8 về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
Theo ông Khương, hiện xã đang chú trọng vào việc xây dựng và duy trì các đội xòe tại các thôn bản, dòng họ, cụm dân cư, tiến tới bảo tồn, phát triển bản sắc văn hóa xòe gắn với “phát triển du lịch cộng đồng”. Hiện trên nhiều địa bàn huyện đã thành lập được đội xòe truyền thống. 
Ở xã Tà Chải, đến nay đã có 7/9 thôn thành lập được đội xòe, như các thôn Na Kim, Na Pác Ngam, Na Lo, Na Lang, Na Hô...
Thầy giáo Trần Ngọc Giang - Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở xã Na Hối cho biết: “Trong xã có hơn 80% đồng bào dân tộc Tày, chính quyền và địa phương đang khôi phục, bảo tồn các làn điệu xòe truyền thống, xã còn thống nhất với Ban Giám hiệu các trường học trên địa bàn mỗi tuần dành từ 1-2 tiết học ngoại khóa để tuyên truyền và dạy các em những điệu xòe cơ bản, do “giáo viên” là những nghệ nhân trong xã truyền dạy. Đây là một cách thiết thực để “phổ cập” xòe cho thế hệ trẻ". 

Đọc thêm