Huấn luyện
“Chó nghiệp vụ” là khái niệm nói chung. Có thể phân loại chi tiết thành chó chiến đấu, chó cứu hộ cứu nạn, chó tìm kiếm ma túy thuốc nổ… Ngay khi nhập học trường Huấn luyện chó nghiệp vụ, mỗi chiến sĩ được cấp một chú chó. Toàn bộ quá trình học tập, nhà trường đào tạo chiến sĩ trở thành huấn luyện viên (HLV), còn chiến sĩ thực hành huấn luyện cho chú chó của mình trở thành chó nghiệp vụ. Hai “thầy trò” cùng tốt nghiệp một lúc, được phân đi các đơn vị.
Chó được chọn để huấn luyện thành chó nghiệp vụ thường là giống chó béc giê vì dáng to, tai và mũi thính, không tin người lạ, phản ứng tự vệ rất mạnh, dũng cảm khi chiến đấu, dễ thích nghi với khí hậu, dai sức khi làm việc, dễ bảo khi huấn luyện, kiềm chế tốt những phản xạ có điều kiện đã được huấn luyện.
Tùy theo sở trường mỗi con mà chúng sẽ được đào tạo chuyên ngành khác nhau. Con sở trường tấn công được huấn luyện thành chó chiến đấu; con sở trường về mùi được huấn luyện thành chó tìm kiếm ma túy, thuốc nổ… Sau khi tốt nghiệp, “thầy trò” được phân đi các đơn vị.
Khi nói về các chú chó của mình, trung úy Trần Công Khanh, thiếu úy Phan Thanh Thuận, HLV chó nghiệp vụ đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh) gọi thân mật là “đệ”.
Chăm chó khá công phu. Đầu tiên là khu nuôi nhốt. Nơi nuôi nhốt phải chọn kỹ lưỡng với các tiêu chí: Không khí trong lành, tách biệt dân cư, che chắn tầm nhìn. Nếu nuôi nhốt trong điều kiện không khí có mùi tạp sẽ ảnh hưởng không tốt đến khứu giác chó.
Về ăn uống, khẩu phần ăn của chó nghiệp vụ phải đầy đủ gạo tẻ, rau xanh, gan lợn, trứng vịt lộn, sữa, cá và một số vitamin B, C, dầu cá, khoáng vi lượng. Những đồn biên phòng ở xa chợ như đồn Phước Chỉ (Tây Ninh) thì việc chế biến thức ăn cho chó cũng khá vất vả.
Việc ăn uống của bộ đội do anh nuôi chăm sóc. HLV ăn cơm anh nuôi, nhưng chính HLV phải là “anh nuôi” của chó. Chú chó được giao cho HLV nào thì chính người đó phải chịu trách nhiệm về sức khỏe, khả năng tác chiến của chú chó đó.
Sự gắn bó giữa HLV với chó nghiệp vụ, nói gắn bó keo sơn thì cũng không quá lời |
Yêu thương
Chế độ chăm sóc dành cho chó khá nghiêm ngặt. Ở những đơn vị nhiều chó nghiệp vụ, các HLV còn hỗ trợ được nhau. Những nơi chỉ có một HLV thì một mình phải đảm đương tất cả. Ở đồn biên phòng Phước Chỉ, chó nghiệp vụ được phân xuống các trạm biên phòng. Khoảng cách giữa các trạm khá xa. Bộ đội các lĩnh vực khác, khi nghỉ phép, chỉ gửi cây súng lại cho đơn vị là có thể về nhà. Riêng HLV chó nghiệp vụ ở các trạm này không thể gửi chó cho ai.
Nếu có một người nào đó nhận lời chăm sóc chó giúp, thì người đó cũng chưa chắc đã làm nổi. Vì ngoài HLV, chó không tin người lạ nên không ăn đồ người khác đưa.
Chó một khi đã được giao cho HLV nào thì chỉ vâng lời duy nhất HLV đó. Và từ chỗ trung thành duy nhất như thế, mà sự liên thông cảm tình giữa người và chó cũng mật thiết hơn. Độ nhạy của chó rất cao, kể cả về mặt tâm lý. Trung úy Khanh cho biết hôm nào HLV có tâm sự không vui thì hôm đó chú chó sẽ ngoan ngoãn hơn để “thầy” bớt buồn.
Sự thể hiện tâm tình rõ nét nhất có lẽ khi một trong hai bị bệnh. Khi chú chó bị bệnh vượt tầm kiểm soát, HLV phải đem về trại tập trung để chữa, giống như người ta đi bệnh viện. Tại “bệnh viện”, chó là “bệnh nhân”, HLV là “người nhà bệnh nhân”. Bác sĩ chỉ khám bệnh, kê toa, tiêm chích, phẫu thuật… còn chăm sóc là việc của HLV.
Trung úy Khanh ví von chăm chó như khi chăm con mọn. Tình yêu của HLV với chó sẽ khiến HLV âu yếm khi cho chó ăn, dỗ dành khi cho chó uống thuốc, vỗ về khi chó lên cơn đau.
Đến lượt “thầy” bệnh thì “trò” cũng cũng lo lắng hỏi thăm y như vậy. Thiếu úy Nguyễn Tuấn Dũng (đồn Phước Chỉ) kể: “Những lúc tôi bệnh phải nằm một chỗ thì chó cũng lăng xăng quẩn quanh bên cạnh. Lâu lâu chó lại ngửi hoặc liếm HLV một cái”.
Thiếu úy Đặng Hoài Nhân giải thích thêm: “Việc liếm và ngửi đó của chó không chỉ là một hành vi âu yếm. Đó là nó theo dõi tình hình sức khỏe HLV”. Anh cho rằng khứu giác của loài chó cho phép phát hiện và phân biệt trên 3.000 mùi và hơi khác nhau với mật độ một phần tỷ. Mồ hôi người lúc bệnh tiết ra sẽ khác lúc mạnh khỏe. Mà mùi HLV lúc mạnh khỏe thì chó quá rành rồi. Chỉ cần liếm thấy mùi mồ hôi ngày càng khác xa trạng thái lúc HLV khỏe mạnh, chó sẽ hiểu tình trạng “thầy”.
Chào kiểu chó nghiệp vụ |
Gắn bó
Cha mẹ sinh con, trời sinh tính. Con bạn sinh ra có thể không giống tính bạn. Nhưng chó nghiệp vụ lại khá giống tính chủ. Trung úy Khanh cho biết tính chủ nóng thì tính con chó cũng nóng, tính chủ đầm thì tính con chó cũng đầm. Thiếu úy Phan Thanh Thuận còn nói rằng: “Cứ nhìn hai con chó nghiệp vụ chơi với nhau thì biết quan hệ giữa hai HLV đó như thế nào. Nếu chúng chơi thân thì quan hệ đó tốt và ngược lại.”.
Sự tương thông tâm lý đạt đến mức đó thì mới có thể lý giải được tại sao “thầy trò” họ lại có thể phối hợp tác chiến tốt được. Thiếu úy Dũng kể có lần anh đem chó đi mật phục ở một bãi biển ở Hà Tĩnh. Phục cả đêm, phải chịu cái rét như cắt da mùa đông, lại phải chịu thêm cái rát như dao cứa gió biển tạt vào, chưa kể sự kích động ồn ào sóng vỗ, nhưng chó vẫn tập trung được vào nhiệm vụ theo đúng khẩu lệnh HLV.
Thiếu úy Nhân kể có mùa đông anh tăng cường cho một đơn vị ở tỉnh Sơn La. Thầy trò phải băng qua một “cây cầu” chỉ là một thân cây tròn, nhỏ vừa bàn chân người, lại cong queo. Loay hoay thế nào mà cả người lẫn chó lăn ùm xuống suối. Đi tác nghiệp nơi “thâm sơn cùng cốc” nên không có điều kiện hong khô sưởi ấm. Đêm đó “thầy trò” phải ôm nhau truyền hơi ấm cho nhau, cùng vượt qua đêm đông tê tái cao nguyên lạnh giá.
HLV tình cảm trò chuyện với “học trò” thậm chí cả khi chó đang ăn |
Sự gắn bó giữa HLV với chó nghiệp vụ, nếu nói là gắn bó như keo hoặc sơn thì cũng không quá lời. Thời gian HLV gắn bó với chó có khi nhiều hơn thời gian gắn bó với vợ con. Mỗi tuần bảy ngày, ngày nào HLV cũng chăm sóc và huấn luyện củng cố phản xạ thường xuyên cho chó. Công việc cứ thế diễn ra trong suốt cuộc đời binh nghiệp, gắn với những cuộc vào sinh ra tử, bảo vệ bình yên biên cương Tổ quốc.