Mặc dù áo dài Việt Nam đã có lịch sử hàng mấy trăm năm và rất phổ biến trong đời sống hiện đại nhưng đến nay, các giá trị gắn với áo dài vẫn chưa có được vị thế của một di sản văn hóa vật thể cấp quốc gia, đã có hiện tượng người nước ngoài sử dụng trang phục áo dài của dân tộc Việt Nam trong các sự kiện quốc tế. Đây là lo ngại được các đại biểu bày tỏ tại hội thảo tham vấn lấy ý kiến chuyên gia về lập Hồ sơ Di sản văn hóa phi vật thể liên quan đến áo dài do Đoàn Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam tổ chức.
Tôn vinh, định vị giá trị của Áo dài trong bản đồ di sản văn hóa Việt Nam là nguyện vọng của phụ nữ Việt Nam. Suốt một năm qua, dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Hội LHPN Việt Nam đã phối hợp với Bộ VH-TT&DL tích cực tổ chức các hoạt động sôi nổi, rộng khắp, huy động đông đảo cán bộ, hội viên, phụ nữ tích cực tham gia, hưởng ứng nhiệt tình như: Tuần lễ Áo dài dịp 8/3, đồng diễn, diễu hành, triển lãm, thi ảnh đẹp áo dài online... nhằm khẳng định, tôn vinh và lan tỏa giá trị, vẻ đẹp của áo dài.
Bà Bùi Thị Hòa – Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho biết, trong thời gian tới, với lòng tự hào, trách nhiệm và tình yêu đối với áo dài Việt Nam, Hội LHPN Việt Nam sẽ tiếp tục vận động, đề xuất, tổ chức các hoạt động nhằm tiếp tục tôn vinh áo dài Việt. Với tất cả những nỗ lực này, Hội LHPN Việt Nam mong muốn được góp phần công sức để các giá trị của Áo dài sẽ được đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và xa hơn nữa là Di sản văn hóa thế giới.
Có thể thấy việc các giá trị của Áo dài được công nhận là Di sản văn hóa sẽ không chỉ mang ý nghĩa về văn hóa mà còn là chính trị và kinh tế. Tuy nhiên, để hoàn thiện Hồ sơ Di sản Áo dài, nhiệm vụ chính vẫn phải là cơ quan quản lý Nhà nước, trong đó Hội LHPN Việt Nam là đơn vị đồng hành, thúc đẩy để tiến trình đó được diễn ra nhanh hơn.
PGS. TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Việt Nam đánh giá cao phần chủ động, tích cực của Hội LHPN Việt Nam trong việc khởi xướng dự án đưa Áo dài trở thành Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Ông cũng mong muốn Hội LHPN Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành với các cơ quan chức năng không chỉ trong việc đưa lập Hồ sơ Di sản Văn hóa phi vật thể liên quan đến Áo dài ở cấp quốc gia mà còn là được công nhận Di sản văn hóa thế giới.