Dòng họ lập kỷ lục 5 đời tiến sĩ

(PLVN) - Năm đời liên tiếp trong gia đình có 5 người đỗ tiến sĩ là bảng thành tích vang danh của dòng họ Ngô ở Nghệ An. Không chỉ là dòng họ khoa bảng nổi danh sử Việt, đây là dòng họ đầu tiên trong cả nước được hưởng vinh hiển “phụ tử đồng khoa”. Sự kiện này được ghi danh Kỷ lục Guiness Việt Nam với nội dung: “Cha con cùng đỗ tiến sĩ lần đầu tiên trong một khoa thi”.
Ông Ngô Sỹ Ngọ giới thiệu bảng thành tích của dòng họ

Dòng họ khoa bảng  

Nằm sát quốc lộ 7A, đoạn qua địa phận xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu (Nghệ An), quần thể đền thờ dòng họ Ngô Lý Trai cổ kính, trang nghiêm. Quần thể đền thờ và lăng mộ ba tiến sĩ Ngô Trí Tri, Ngô Trí Hòa và Ngô Sỹ Vinh được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1992. Trong đền thờ còn giữ nhiều sắc phong mà triều đình các thời kỳ ban tặng. Trải qua bao biến cố lịch sử, hai nhà thờ và cây thị cổ thụ hơn 400 năm vẫn còn nguyên vẹn.

Theo gia phả dòng họ, cụ Ngô Công Định (Ngô Định) quê ở Bắc Ninh vào Nghệ An lập nghiệp cuối thế kỷ XV. Bà thủy tổ của dòng họ là Chu Thị Bột đem toàn bộ gia sản ban cho người nghèo, không còn gì để lại cho con cháu. Do vậy, khi bà và chồng qua đời, hai con Ngô Ngọc và Ngô Định rơi vào cảnh nghèo khổ. Anh cả Ngô Ngọc được người cậu nhận nuôi ăn học ở quê nhà, Ngô Định được một người quê Đông Thành (Nghệ An) nhận làm con nuôi. Sau này, bố nuôi về hưu, đưa Ngô Định đi theo vào định cư ở đất Lý Trai (nay thuộc xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu) lập ra dòng thứ họ Ngô, được gọi là họ Ngô Lý Trai.

Nhắc đến người thầy nổi tiếng của dòng họ Ngô Lý Trai, phải kể đến cụ Ngô Trí Trạch (SN 1509). Ông là người có công dạy dỗ nhiều học trò đỗ đạt, làm quan to trong triều.  

Sử sách ghi lại, chính những thầy giáo Nho học của dòng họ Ngô là người khởi phát truyền thống khoa bảng dòng họ, làm rạng danh vùng đất học. Nối tiếp truyền thống khoa cử của cha ông, năm Bính Tuất Phúc Thái thứ 4 (1646), con trai thứ của Ngô Trí Hoà là Ngô Sỹ Vinh đỗ Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Ba cha con, ông cháu cùng đỗ Tiến sĩ đã được nhà vua tặng bảng vàng “Tam đại Tiến sĩ”. 

Tiếp nối vinh quang dòng họ, năm 33 tuổi, Ngô Công Trạc, cháu năm đời của Ngô Trí Tri đỗ Đệ Tam giáp Tiến sĩ khoa Giáp Tuất (1694). Tiếp đến các đời sau có hai anh em là Tiến sĩ Ngô Công Trạc (1694), Ngô Hưng Giáo (1710). Dòng họ Ngô ở làng Lý Trai gần như là dòng họ duy nhất được ban tặng “Nhất môn ngũ đại đại khoa”.  

Nhà thờ dòng họ có bề dày truyền thống hiếu học

Kỷ lục Guiness “phụ tử đồng khoa”

Trong quá trình sống và làm việc, Ngô Trí Tri nổi tiếng vì đức thanh liêm chính trực. Về hưu, ông tiếp tục mở trường dạy học, đào tạo nhiều học trò xuất sắc… Ngô Trí Tri mất năm 1628, hưởng thọ 91 tuổi. 

Người dân còn lưu giữ hàng loạt giai thoại về lòng nhân từ, tài chữa bệnh đến trí tuệ sắc sảo của cụ. Có cha là tấm gương, Ngô Trí Hòa ngay từ nhỏ nổi tiếng thông minh, hiếu học và có tài đối đáp. Sáu tuổi đọc sách, bảy tuổi làm thơ, 15 tuổi giỏi văn chương, tên tuổi vang lừng. Người đương thời gọi ông là thần đồng, thường được ngồi với cha đàm đạo về văn chương, đạo lý. Sự xuất sắc ấy báo hiệu sự thành đạt lớn. 

Quả nhiên, năm 18 tuổi, Ngô Trí Hòa thi đỗ Tứ trường khoa Nhâm Ngọ. Năm 1592, ông cùng với cha vào thi đình đã đỗ đồng khoa Tiến sĩ. Lúc vinh quy bái tổ, Vua Lê Thế Tông ban tặng cờ thêu 10 chữ: “Khoa danh thiên hạ hữu. Phụ tử thế gian vô”. Nghĩa là “trong thiên hạ có nhiều người đỗ đạt. Nhưng cha con cùng đỗ một khoa thế gia xưa nay hiếm”. 

Hai cha con được triều đình bổ nhiệm làm quan. Ngô Trí Hòa nhận chức Hàn Lâm viện kiểm thảo, phò giá có công được thăng chức thanh hình Hiến sát sứ Sơn Tây. Không lâu sau, ông được thăng Thượng thư Bộ Hình, năm 1606 làm Chánh sứ cống Minh. Lần đi sứ ấy, với kiến thức uyên bác, học rộng tài cao, ứng đáp nhanh giỏi, ông đã hoàn thành tốt đẹp sứ mệnh vua trao.

Ngô Trí Hòa còn là người biết đến với việc trình triều đình sáu điều trong “Khải điều trần” nhằm làm cho quốc thái dân an. Dù khải điều trần được nhà vua cho thi hành ở mức độ nhất định nhưng cuộc đời và sự nghiệp của Ngô Trí Hòa đã để lại cho đời sau một tấm gương đáng kính trọng về lòng yêu nước, yêu quê hương. Không chỉ có công với triều đình, ở quê nhà ông khai hoang mở rộng diện tích, thành lập khu dân cư, mở chợ Sy (Diễn Châu). 

Với bảng thành tích hiếm có, ngày 1/9/2013, dòng họ Ngô ở Diễn Châu được Tổ chức Kỷ lục Guiness Việt Nam ghi vào danh sách Guiness với nội dung: “Tôn vinh kỷ lục cha và con cùng đỗ tiến sỹ lần đầu tiên trong một khoa thi” dành cho cha là danh nhân Ngô Trí Tri và con là danh nhân Ngô Trí Hòa.

Một bảng xác nhận kỷ lục của dòng họ Ngô

Dòng họ khuyến học tiêu biểu toàn quốc

Kế thừa phát huy truyền thống hiếu học của các bậc tiền bối, dòng họ khoa bảng, trong những năm qua các thế hệ con cháu đã và đang ra sức phấn đấu và đã đạt được những thành công nhất định. 

Sau hơn 500 năm, họ Ngô có bốn vị tướng gồm: Ngô Trí Nhân (SN 1946, Cục trưởng Cục Tác chiến điện tử, Bộ Quốc phòng); Ngô Văn Sơn (SN 1956, Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin, Bộ Quốc phòng); Ngô Sỹ Quyết (SN 1959, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân) và Ngô Sỹ Hiền (SN 1958, Viện trưởng Viện khoa học Hình sự, Bộ Công an). 

Trong số những người thành đạt của dòng họ Ngô còn có ông Ngô Quang Xuân (SN 1949), thứ nam trong gia đình ông Ngô Trí Tài (ngụ xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu). Sau những năm được cử sang Liên Xô du học, ông được lựa chọn vào làm việc ở Bộ Ngoại giao từ tháng 10/1974, góp công trong quá trình đàm phán giúp Việt Nam gia nhập WTO. Sau này con gái ông là Ngô Phương Lan đã đạt danh hiệu Hoa hậu Thế giới người Việt đầu tiên vào năm 2007 được tổ chức ở Nha Trang.

Những năm qua các thế hệ con cháu dòng họ đã và đang ra sức phấn đấu thực hiện tốt các phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng gia đình văn hóa, gia đình hiếu học. Phong trào xây dựng “Dòng họ khuyến học tiêu biểu” được con cháu thực hiện trong nhiều năm liền. Hàng năm, ban khuyến học dòng họ đều tổ chức phát động các phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài rộng khắp đến các chi họ, các gia đình phấn đấu xây dựng “Dòng họ khuyến học tiêu biểu”, “Gia đình hiếu học”…

Ông Ngô Sỹ Ngọ (SN 1954), Phó ban thường trực hội đồng họ Ngô chia sẻ, số tiền đóng góp dù chỉ vài ngàn đồng mỗi hộ, nhưng đó là cách để nhắc nhở con cháu trong dòng họ thực hiện nghĩa vụ của mình. Qua đó tạo động lực cho con cháu phấn đấu, tiếp nối truyền thống của cha ông. 

Hiện nay, nhiều gia đình họ Ngô ở Nghệ An đã “phổ cập” đại học và truyền thống hiếu học vẫn đang được phát huy mạnh mẽ. Mới đây, dòng họ Ngô đã được Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam và UBTW MTTQ Việt Nam tặng Bằng khen và phần phưởng Cúp Vàng: “Dòng họ khuyến học tiêu biểu toàn quốc”.

Đọc thêm