Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng Hiếu Trường (Công ty Hiếu Trường) được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp giấy phép khai thác cát sỏi số 997/GP-UBND ngày 19/4/2019 tại suối Hòa Khê, xã Nam Hòa và xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, diện tích khai thác 38,6ha, công suất khai thác 24.000m3 cát sỏi/ năm. Công ty TNHH Lãng Hoa (Công ty Lãng Hoa) được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp giấy phép khai thác cát sỏi số 2136/GP-UBND ngày 16/10/2013 tại suối Ngòi Chẹo, xã Nam Hòa và xã Linh Sơn, huyện Đồng Hỷ, diện tích khai thác 20,5ha, công suất khai thác 15.000m3 cát sỏi/ năm.
Cả hai doanh nghiệp đều được cấp phép khai thác bằng phương pháp lộ thiên, dùng gầu cuốc, phà nổi kết hợp với máy xúc gầu ngược bốc xúc cát sỏi trên diện tích được cấp phép, sau đó vận chuyển cát sỏi về nơi tập kết để phân loại bán ra thị trường.
|
Bãi tập kết của Công ty Hiếu Trường bị đào, cuốc xung quanh với diện tích hàng nghìn mét vuông |
|
Dây chuyền nghiền sỏi của Cty Lãng Hoa xây dựng trái phép trên bãi tập kết |
Tuy nhiên, theo người dân địa phương phản ánh, Công ty Hiếu Trường và Công ty Lãng Hoa không khai thác cát sỏi theo phương pháp được cấp phép mà lại xây dựng thêm dây chuyền sàng tuyển, nghiền sỏi ở bãi tập kết, sau đó vận chuyển cát sỏi về bãi cho lên dây chuyền, phun nước để sàng tuyển, những viên sỏi được lọc riêng cho vào máy nghiền thành cát.
|
Dây chuyền nghiền sỏi thành cát của Cty Lãng Hoa |
Ông N.T.T, một người dân sống trong khu vực cho biết, dây chuyền nghiền cát sỏi của hai doanh nghiệp gây ra tiếng ồn lớn, xả thải trực tiếp ra suối gây ô nhiễm môi trường. “Hiện nay giá dầu, giá điện tăng cao, giá cát thì rẻ mà công ty đi sàng tuyển, nghiền cát vậy thì không có lãi. Chúng tôi thấy dây chuyền sàng tuyển giống như đãi cát sỏi để tìm vàng”, một người dân hoài nghi.
|
Đào cuốc, khai thác sai vị trí |
Trên cơ sở phản ánh của người dân, qua quá trình tìm hiểu PV xác định Công ty Hiếu Trường có 2 dây chuyền sàng tuyển tại xã Nam Hòa và xã Văn Hán, Công ty Lãng Hoa có 1 dây chuyền sàng tuyển tại xã Nam Hòa. Các dây chuyền sàng tuyển đều có công suất lớn, được xây dựng tại bến bãi tập kết. Bến bãi tập kết của hai Công ty có diện tích hàng nghìn mét vuông, nhiều chỗ bị cày xới, cuốc sâu.
Mỗi khi máy xúc, máy nghiền hoạt động phát ra tiếng ồn rất lớn, nước tuyển rửa cát sỏi được hút từ suối, ao tự đào rồi xả thẳng trực tiếp ra môi trường. Công nhân không được trang bị bảo hộ lao động theo quy định. Bãi tập kết cát sỏi cũng không có hệ thống cân, camera giám sát để quản lý sản lượng đầu ra. Tiềm ẩn nguy cơ khai thác, vận chuyển chuyển vượt sản lượng, khai báo gian dối, trốn thuế, phí gây thất thu ngân sách nhà nước.
|
Dây chuyền sàng tuyển xả thải không qua xử lý |
|
Xả thải trực tiếp ra môi trường |
Việc Công ty Hiếu Trường và Công ty Lãng Hoa tự ý thay đổi phương pháp khai thác, không lắp đặt hệ thống giám sát sản lượng, gây ô nhiễm tiếng ồn, xả thải gây ô nhiễm môi trường, tự ý đào cuốc, cày xới tại bãi tập kết làm hủy hoại môi trường đất… là những hành vi có dấu hiệu vi phạm các quy định trong Luật Đất đai, Luật Khai thác khoáng sản, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước; Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản; Thông tư số 61/2017/TT-BTNMT ngày 22/12/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định quy trình, phương pháp xác định và các biểu mẫu thống kê sản lượng khoáng sản khai thác thực tế...
Tình trạng nêu trên đã tồn tại nhiều năm nay, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người dân, gây bức xúc trong dư luận xã hội nhưng không bị các cơ quan quản lý Nhà nước tỉnh Thái Nguyên xử lý. Điều đó dẫn tới sự hoài nghi về tính nghiêm minh trong quá trình thực thi pháp luật của các cơ quan có thẩm quyền tỉnh Thái Nguyên.
Để rộng đường dư luận PV đã liên hệ với các cơ quan ban ngành tỉnh Thái Nguyên nhưng đến nay vẫn chưa nhận được sự phản hồi. Báo PLVN đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, xác minh làm rõ những nội dung người dân phản ánh.
Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.