Điểm nhấn sân bay Long Thành
Theo quy hoạch phát triển đô thị của tỉnh Đồng Nai thì TP Biên Hòa nói riêng và tỉnh Đồng Nai nói chung có định hướng phát triển đô thị về phía Nam, hướng về Quốc lộ 51, các huyện Long Thành, Nhơn Trạch.
Đây cũng chính là vùng mà có thể sau này sẽ là một quỹ đạo các vệ tinh xoay quanh dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành) có tầm cỡ quốc tế. Sân bay Long Thành đang khởi động và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2025, khi vận hành sẽ phục vụ 100 triệu lượt hành khách, hơn 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.
Có sân bay Long Thành, Đồng Nai càng được kỳ vọng thêm những bước đột phá mới, đặc biệt hướng về vùng tam giác Biên Hòa - Long Thành - Nhơn Trạch.
Hiện trường dự án sân bay Long Thành đang gấp rút bàn giao mặt bằng. |
Trong quy hoạch phát triển vùng, chuẩn bị cho việc phát triển các KCN đô thị dịch vụ, tỉnh Đồng Nai dự kiến quy hoạch hơn 2.700 ha tại khu vực, xoay quanh các trục khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn (khu tái định cư nhường đất giải tỏa cho sân bay), các trục đường xung quanh sân bay, hệ thống đường kết nối các cảng biển, tuyến cao tốc, quốc lộ.
Ngoài ra, hàng loạt dự án hạ tầng, giao thông trọng điểm quốc gia khác cũng đã và đang được triển khai thực hiện tại khu vực, chắc chắn sẽ góp phần giúp Đồng Nai có thể tiếp tục "cất cánh", chẳng hạn như các tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu, Dầu Giây - Liên Khương…
Phối cảnh Dự án sân bay quốc tế Long Thành. |
Mới đây, khu vực ngã tư Dầu Giây, huyện Thống Nhất (giao giữa Quốc lộ 20, Quốc lộ 1, Tỉnh lộ 769 và cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây hướng về sân bay Long Thành) cũng đã được lên thị trấn; khu vực huyện Cẩm Mỹ đang được quan tâm phát triển từ khi dự án sân bay bước vào giai đoạn triển khai…
Công nghiệp không ngừng tăng trưởng
Năm 2020 cũng chính là mốc đánh dấu 25 năm Chính phủ ra quyết định thành lập Ban Quản lý các KCN tỉnh Đồng Nai để quản lý, điều hành các KCN trong tỉnh. Theo thống kê, từ một vài KCN nhỏ lẻ ban đầu, sau hàng chục năm phát triển, hiện Đồng Nai đã quy hoạch 35 KCN với tổng diện tích trên 12.000 ha, thu hút hơn 1.800 dự án vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư gần 30 tỉ USD. Thời gian gần đây, mỗi năm các KCN đều thu hút được trên 1 tỉ USD, riêng năm 2015 có tổng vốn đầu tư thu hút cao nhất với trên 2,3 tỉ USD.
Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh Đồng Nai, những lĩnh vực thu hút vốn FDI vào các KCN mà Đồng Nai hiện “chiếm lĩnh" là điện tử, công nghiệp hỗ trợ… Những nguồn lợi lớn nhất từ các KCN này là tạo việc làm, thu nhập ổn định cho trên 600.000 công nhân và đóng góp hơn 50% tổng nguồn thu ngân sách của tỉnh Đồng Nai. "Các dự án có ngành nghề, lĩnh vực công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường sẽ tiếp tục được ưu tiên" – một lãnh đạo Ban Quản lý các KCN tỉnh Đồng Nai cho biết.
Đồng Nai là một trong những địa phương phát triển công nghiệp sớm nhất cả nước. |
Ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, khẳng định từ lâu, tỉnh xác định có vị trí chiến lược trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nên luôn nỗ lực để là điểm đến hấp dẫn giới đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, Đồng Nai được đánh giá là một trong những thị trường thuộc vùng "vệ tinh" TP.HCM có sự phát triển nhanh và ổn định. Tại đây, có KCN Biên Hòa 1 - KCN lâu đời nhất Việt Nam, hiện đã "hoàn thành sứ mệnh lịch sử", đang được Chính phủ xem xét đưa ra khỏi quy hoạch.
"Qua thời gian, các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng tin tưởng vào môi trường đầu tư của Đồng Nai. Tuy nhiên, yêu cầu của các doanh nghiệp (DN) thì ngày càng lớn, do vậy, đội ngũ cán bộ làm công tác thu hút đầu tư mà trọng điểm là Ban Quản lý các KCN cần tiếp tục nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho DN" - ông Cao Tiến Dũng thông tin và cho biết để tiếp tục phát huy thế mạnh về công nghiệp, tỉnh sẽ có những cải thiện về môi trường đầu tư, thủ tục hành chính giúp DN, nhà đầu tư nước ngoài yên tâm sản xuất, kinh doanh.
Nhiều khu đô thị bứt phá
Lâu nay, tại tỉnh Đồng Nai, tiềm năng phát triển của 2 huyện Long Thành và Nhơn Trạch luôn được đánh giá cao vì có địa hình, địa thế rất thuận lợi. Trên thực tế, một thời gian dài, tỉnh Đồng Nai cố gắng thúc đẩy phát triển 2 huyện này.
Thế nhưng hiện tại, 2 huyện này đã thực sự có cơ hội bứt phá vì đang được đầu tư, phát triển đồng bộ về mọi mặt, với mục tiêu phát triển thành 2 đô thị lớn của Đồng Nai cũng như vùng Đông Nam Bộ. Tại đây, đang có hơn 300 dự án khu dân cư được quy hoạch để tập trung phát triển đón đầu các KCN và sân bay Long Thành.
Hệ thống giao thông hiện đại góp phần thúc đẩy Đồng Nai phát triển thịnh vượng. |
Trong đó, huyện Nhơn Trạch, ngoài hệ thống đường bộ kết nối với Quốc lộ 51, các tuyến cao tốc, còn có hệ thống đường thủy, cảng biển và cảng cạn phong phú. Nơi đây cũng đang dần hình thành một loạt khu đô thị thương mại, khu dân cư, thu hút hàng vạn người lao động khắp nơi đổ về sinh sống làm việc.
"Địa phương hiện có hơn 30 dự án hạ tầng lớn, nhỏ được triển khai, như đường 319 xuyên qua các KCN; các tuyến 25A, 25B và 25C, kết nối trực tiếp với 2 đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây và Bến Lức - Long Thành, kết nối sân bay Long Thành, nối hệ thống cảng biển, là những trục xương sống hạ tầng thúc đẩy phát triển chung… Đây được coi là tiền đề cho Nhơn Trạch phát triển" - lãnh đạo huyện Nhơn Trạch thông tin.
Còn theo lãnh đạo huyện Long Thành, địa phương này đã có nhiều dự án khu đô thị, khu dân cư với tổng vốn đầu tư lên đến hàng ngàn tỉ đồng.