Đồng Tháp: Khởi nghiệp thành công nhờ mô hình nuôi rắn ri cá

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sinh ra và lớn lên tại xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, anh Trần Hoàng Phong (SN 1997) đã ấp ủ giấc mơ khởi nghiệp từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Sau khi tốt nghiệp, đi làm công ăn lương, làm hoài mà chỉ đủ ăn, không tiết kiệm được gì nên Phong quyết định về quê bắt đầu giấc mơ khởi nghiệp.
Anh Phong cho rằng rắn ri cá không cần tốn quá nhiều công sức để chăm sóc. (Ảnh: Nguyễn Thuận)
Anh Phong cho rằng rắn ri cá không cần tốn quá nhiều công sức để chăm sóc. (Ảnh: Nguyễn Thuận)

Phong kể lại, những bước đầu chập chững làm nông dân của Phong gặp nhiều thất bại. Những mô hình chăn nuôi ban đầu như gà, ba ba, cua đinh… đã “nuốt” hàng chục triệu đồng tiết kiệm của vợ chồng. Năm 2017, Phong quyết định đầu tư hết số vàng cưới để nuôi rắn ri cá. “Từ số vàng cưới được hơn 60 triệu đồng, tôi đầu tư xây hơn 40m2 chuồng trại với 300 con rắn giống”, anh Phong kể lại.

Theo anh Phong, rắn ri cá nuôi khá lâu mới thu hồi vốn do sau 18 tháng rắn mới trưởng thành, bắt đầu sinh sản. Trung bình mỗi con sau 12 tháng nuôi đạt trọng lượng hơn 1kg. Lứa đầu tiên anh xuất bán rất được giá, từ 400 - 500 ngàn đồng/kg rắn thịt, thu về hơn 100 triệu đồng.

Thấy được sự phản hồi tích cực của các nhà hàng, quán ăn, anh tiếp tục giữ lại một số rắn cũ và rắn con mới sinh sản để mở rộng mô hình. “Loài rắn này không cần tốn quá nhiều công sức để chăm. Bể nuôi rắn chỉ cần xây cao 1,5m, bên trong mực nước khoảng 20cm, thả lục bình cho rắn có chỗ trú ngụ. Thức ăn của rắn là những loại cá tạp nhỏ, giá rẻ, 3 - 4 ngày cho ăn một lần; khoảng 5 - 10 ngày thay nước một lần, khá nhẹ công”, anh chia sẻ.

Cận Tết, nhu cầu mua rắn của thị trường tăng cao, Phong liên kết các hộ nuôi rắn ri cá trong và ngoài tỉnh để đủ cung cấp ra thị trường; giúp tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho các hộ nuôi; góp phần thúc đẩy sự phát triển của chuỗi cung ứng.

Thành công với mô hình nuôi rắn ri cá, anh Phong còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm để giúp mọi người cùng làm, cùng kiếm thu nhập. Anh Phong cho rằng đã có gần 300 người theo mô hình nuôi rắn ri cá được anh hỗ trợ áp dụng kinh nghiệm đúc kết từ bản thân; từ chia sẻ cách nuôi, cung cấp giống và hỗ trợ đầu ra sản phẩm.

Ông Phạm Trung Tính (SN 1983, ngụ huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang) cho biết, năm 2020 thông qua người quen biết đến Phong. Sau khi tìm hiểu, ông mạnh dạn nhập 1 ngàn con rắn giống. Đến khi xuất bán lứa đầu tiên khoảng 1 ngàn con giống ra thị trường, ông thu về 50 triệu đồng đầu tư ban đầu. Số rắn còn lại, ông tiếp tục nuôi nhân giống. “Suốt thời gian này, anh Phong hỗ trợ tôi rất nhiều”, ông Tính nói.

Thấy việc nuôi rắn ri cá đạt hiệu quả cao, dễ nuôi, không tốn nhiều công, ông Nguyễn Văn Đỉnh (SN 1980, ngụ huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) cũng đến tìm hiểu. Sau khi tham quan mô hình, ông Đỉnh cho biết dự định xây chuồng và nhập 500 con rắn giống.

Từ việc cung cấp rắn thịt và con giống khắp các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, đã mang lại cho anh Phong nguồn thu nhập xứng đáng. Anh cho hay trung bình mỗi năm xuất bán khoảng 15 ngàn con rắn giống, giá 45 - 120 ngàn đồng/con, khoảng 1 - 2 tấn rắn thịt giá 400 - 450 ngàn đồng/kg. Trừ chi phí, anh Phong cho rằng mỗi năm có lời từ 700 - 800 triệu đồng.

Ông Dương Văn Hùng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Thạnh cho biết, hiện trên địa bàn xã có một số hộ nuôi rắn ri cá, bước đầu đạt hiệu quả. Cơ sở nuôi rắn của anh Phong hỗ trợ đầu ra cho những người nuôi rắn trong và ngoài địa phương góp phần tạo thêm việc làm, ổn định kinh tế cho nông dân. “Tuy nhiên, người dân cần tìm hiểu kỹ về kỹ thuật nuôi, cũng như đầu ra sản phẩm, tránh tình trạng thả nuôi ồ ạt dẫn đến cung vượt cầu, giá thành giảm, có thể thua lỗ. Đồng thời, để làm nông nghiệp phát triển bền vững cũng cần đổi mới, học hỏi liên tục, cần nâng cao kiến thức kỹ năng trong quá trình sản xuất”, ông Hùng cho biết.