Đột nhập “pháo đài” rượu độc (Kỳ 1)

Bây giờ ít ai gọi là “Đại Lâm mỹ tửu” nữa mà gọi là “làng rượu độc”, thay vì chưng cất theo phương pháp truyền thống, người ta pha cồn với nước lã để làm rượu, mỗi ngày tung ra thị trường hàng trăm lít rượu độc “giết người”.

Đột nhập “pháo đài” rượu độc (Kỳ 1): "Giải mã "bí kíp" chế rượu siêu tốc

Bây giờ ít ai gọi là “Đại Lâm mỹ tửu” nữa mà gọi là “làng rượu độc”, thay vì chưng cất theo phương pháp truyền thống, người ta pha cồn với nước lã để làm rượu, mỗi ngày tung ra thị trường hàng trăm lít rượu độc “giết người”.

Vào làng “rượu siêu tốc”

Làng Đại Lâm (xã Tam Đa, huyện Yên Phong, Bắc Ninh) nổi tiếng với nghề sản xuất rượu truyền thống từ bao đời nay. Nhưng ngày nay đã khác… Ông Nguyễn Văn Lai, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Tam Đa, người từng đạt giải nhì cuộc thi nấu rượu cấp quốc gia cho biết, nghề nấu rượu đã có từ hàng chục năm nay.

Bà Đ. đo độ cồn của “rượu” và hướng dẫn cách pha chế.

Người dân làng Đại Lâm giàu lên cũng nhờ nghề nấu rượu. Mỗi năm, rượu Đại Lâm được đưa đi bán ở khắp các tỉnh thành, từ Hà Nội, Hải Phòng đến Nghệ An, Hà Tĩnh, thậm chí vào các tỉnh miền Nam. Vào thời kỳ cao điểm, làng có tới hàng trăm hộ nấu rượu.

Những năm gần đây chỉ còn khoảng vài chục hộ giữ nghề. Dù số người nấu rượu ở làng giảm hẳn, nhưng oái oăm là lượng rượu bán ra thị trường lại… tăng gấp bội lần.

Con đường dẫn vào thôn Đại Lâm bị cày nát bởi trước đây mỗi ngày hàng trăm xe tải chở sắn, gạo từ khắp nơi về cung cấp cho các lò nấu rượu; nay là những xe chở cồn vào làng. Con đường nhỏ trên bờ đê sông Cầu chạy qua thôn Đại Lâm tràn lan những thùng phuy lớn đựng cồn, nước lã và… rượu. Nếu như trước đây người dân nấu rượu trong lò, thì nay người ta sản xuất rượu ở… ngoài đường. Kiểu sản xuất thường gọi nôm na là “rượu siêu tốc”, “rượu không khói”.

“Làm theo theo kiểu truyền thống để chết đói à. Người ta bỏ hết nghề cũng vì làm mà không lời lãi gì. Mỗi ký gạo tao mua đến 13 ngàn đồng. Một yến gạo nấu lên được cùng lắm 8 lít rượu, bán ra giá 12 ngàn/lít. Chưa kể tiền men, tiền công, tiền mua than… làm thế, còn lấy gì mà ăn nữa!”, N., một chủ “pha chế” rượu nổi tiếng trong làng đã “phủ đầu” tôi như thế khi được hỏi một câu khá “ngô nghê”: “Rượu mà không nấu bằng gạo hả anh?”.

Sau một thời gian thuyết phục xin theo N học nghề để về quê mở xưởng pha chế, tôi đã được N nhận vào phụ việc. “Dễ lắm, chú mày chỉ cần theo anh vài ngày là làm được, chú thích mở xưởng thì mở, nếu không cứ làm đại lý phân phối rồi anh mang hàng vào tận nơi cho mà bán. Mỗi người có một “bí quyết”, chú làm không quen lại nguy hiểm mà mất uy tín, rồi lại làm mất thị trường”, N. “khuyên dạy” “đệ tử”.

Cồn + nước lã = rượu

Nhiệm vụ đầu tiên, tôi được N giao khuấy nước và cồn để pha thành rượu. Căn nhà trong một ngõ nhỏ, tính N. rất cẩn thận nên để vào “xưởng pha chế” không hề đơn giản.

Ông Nguyễn Trí Tuấn, cán bộ Văn phòng UBND xã Tam Đa cho biết, việc sản xuất rượu cồn đã tồn tại, gây nhức nhối từ nhiều năm nay.

“Biết bao nhiêu người đang bị đầu độc bằng rượu cồn. Mỗi ngày hàng trăm lít rượu được pha chế, đưa đi tiêu thụ. Chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng, cấp trên cùng phối hợp để dẹp bỏ tình trạng này”, ông Tuấn khẩn thiết.

Muốn mua được rượu, ngoài khách quen biết, giao dịch qua điện thoại; phải được bà chủ “kiểm duyệt” trước. “Bây giờ người ta biết đến nhiều rồi nên phải cẩn thận. Có ai vào hỏi, em cứ bảo chị đi vắng, rồi bảo họ ra mấy quán nước ngoài đường ngồi đợi. Ra đấy ngồi, nếu mấy chị bán nước thấy tin tưởng thì sẽ gọi điện cho chị ra dẫn vào”, vợ của “ông chủ” căn dặn tôi.

Chỉ cần một cú điện thoại, đúng 30 phút sau, 10 thùng phuy cồn màu xanh loại 200 - 300 lít đã được đặt sẵn trước cửa nhà. “Rút hết cồn trong phuy sang mấy cái thùng phuy đang để không cho chị, em chia mỗi thùng là 1/3 cồn. Rút xong bơm nước lạnh vào cho đầy rồi khuấy qua một tí là được, còn đo độ rượu để chị làm”, bà chủ hướng dẫn.

Làm theo chỉ dẫn, tôi bắt đầu mở từng thùng phuy. Mùi cồn bốc lên nồng nặc. Rút hết 2/3 số cồn trong thùng sang các thùng rỗng khác, tôi tiếp tục dùng vòi tuy ô rút nước từ bể cho vào thùng. Nước lã mà bấy lâu nay “xưởng rượu” này làm “rượu” chủ yếu là nước giếng khoan nhiễm phèn, có lúc lấy nước ngoài sông Cầu về lọc lại. Vậy là chỉ mất 15 phút, tôi đã thành “thợ rượu”.

Nước pha chế đục ngầu lấy từ giếng khoan, nước sông.

Bà chủ mang một ống tre múc nước từ trong thùng phuy, ra sau đó dùng cây đo độ rượu nhúng vào. “Tốt lắm, em mới làm mà rất “chuẩn”. Cứ 1 cồn + 2 nước lã thì ra 3 rượu. Pha kiểu này sẽ cho ra rượu 45 độ, nếu khách hàng có nhu cầu tăng độ lên thì em rút bớt nước, đổ thêm cồn vào”, bà chủ “chỉ giáo”.

Thấy tôi há hốc mồm ngạc nhiên, bà chủ cười phá lên: “Rượu đấy, làm ăn phải thế này; chứ cứ đun đun, thổi thổi cho ra rượu như ngày xưa thì biết bao giờ mới khá lên được. Chú muốn làm ăn lớn thì cố gắng mà học hỏi, rồi chị truyền cho thêm ít bí kíp tạo mùi”.

Theo ghi nhận của chúng tôi, mỗi lít rượu cồn 45 độ được “xưởng” này bán cho thương lái giá 8 - 10 ngàn đồng. Nếu khách yêu cầu tăng lên 50 độ, rượu tương ứng tăng giá lên 11 - 12 ngàn đồng, tùy từng loại khách.

Bình quân mỗi ngày xưởng pha chế này bán ra thị trường từ 7 - 10 thùng phuy rượu cồn. Theo tiết lộ của bà chủ, cồn dùng pha rượu chủ yếu là cồn công nghiệp được lấy từ Thanh Hóa, Quảng Ngãi… Chỉ cần gọi điện là có “nhà phân phối” chở đến.

Cần bao nhiêu cũng có

Không cần che giấu, hoạt động pha chế rượu cồn được nhiều hộ gia đình thực hiện ngang nhiên ngay ngoài đường. “Cứ chạy theo đường đê sông Cầu qua làng Đại Lâm, nhìn thấy nhà nào có thùng phuy xếp trước cửa, đích thị nhà đấy làm nghề pha rượu cồn. Công thức pha cồn với nước lã thành rượu, đến trẻ chăn trâu ở làng cũng thuộc vanh vách”, bà chủ cho biết.

Thùng phuy “rượu cồn” dựng bên đường chờ xe vận chuyển đi.

Lấy cớ đi lòng vòng làng cho “biết đó biết đây”, tôi chạy xe dạo quanh một vòng quanh làng Đại Lâm và không khỏi bất ngờ. Đúng như lời bà Đ, dọc đường, bên những xe tải ra vào thường xuyên để chở cồn và rượu, hoạt động pha chế có khi được thực hiện công khai.

Tại điểm pha chế của gia đình ông V, 3 người phụ nữ đang liến thoắng tay chân ngay bên đường. Một người chuyên dùng vòi rút cồn sang các thùng bên cạnh, hai người còn lại dùng vòi bơm nước lã vào thùng rồi khuấy qua loa.

Họ quen tay pha chế nên thậm chí chẳng cần thao tác đo độ cho rượu đã pha. Khi pha xong, các thùng phuy được vần ngay ngắn một bên đường, đợi xe đến chở đi.

Trong vai một lái buôn cần mua rượu, tôi tìm vào điểm pha chế của nhà ông T. Khác với sự e dè như ông chủ nơi tôi xin vào học nghề, ông T. vui vẻ: “Cưới hay mua về đổ buôn?. Mua nhiều anh lấy 10 ngàn/ lít, làm ăn lâu dài anh lấy chú 8 ngàn/lít. Vận chuyển thì anh thuê người rồi tính phí”.

Người này căn dặn thêm: “Chú cứ yên tâm đi, bọn anh pha chế đảm bảo uống… không chết người được đâu. Anh em đã quen, chỉ cần gọi điện là anh mang đến tận nơi giao hàng. Gọi trước cho anh 20 phút, cần bao nhiêu rượu cũng có”.

Đây mới chỉ là loại rượu “tầm thường nhất”. Để biến rượu cồn thành “rượu quê”, rượu “đặc biệt”, người làng Đại Lâm còn rất nhiều “kỹ xảo” tinh vi hơn…

(Còn tiếp)

Theo Xa lộ pháp luật

(Bài 2 trên Xa lộ Pháp luật 7: “Siêu men” giết chết nghề rượu)

Đọc thêm