Đốt pháo cũng phải bị phạt nặng

Cứ đến hẹn lại lên, vào dịp cuối năm, hoạt động vận chuyển, buôn bán pháo lậu bắt đầu hoành hành. Mới đây,nhiều vụ vận chuyển pháo các loại  đã bị các cơ quan chức năng bắt giữ.

Cứ đến hẹn lại lên, vào dịp cuối năm, hoạt động vận chuyển, buôn bán pháo lậu bắt đầu hoành hành. Mới đây,nhiều vụ vận chuyển pháo các loại  đã bị các cơ quan chức năng bắt giữ.

Pháo nổ đã cấm, nhưng vẫn được chuyển về

Tại Móng Cái các đối tượng không dùng tàu lớn để vận chuyển pháo như trước, mà thường dùng các bè gỗ có gắn động cơ để đưa  từ biên giới ra tập kết tại các tàu cao tốc. Nếu bị lực lượng chức năng phát hiện thì sẵn sàng phi tang hoặc “bỏ của chạy lấy người”.

Còn trên đường bộ, việc mua bán, vận chuyển pháo lậu cũng diễn biến rất phức tạp. Các đối tượng thường tập kết hàng ở những khu rừng vắng, rồi chia nhỏ, vận chuyển vào nội địa...

Một đối tượng vận chuyển pháo bị bắt giữ
Một đối tượng vận chuyển pháo bị bắt giữ

Điển hình như vụ xảy ra vào ngày 3/12/2012, tại địa bàn xã Quảng Nghĩa, TP. Móng Cái, Đội Kiểm soát Hải quan số 2 phát hiện một nhóm thanh niên điều khiển xe máy không mang biển kiểm soát chở 10 thùng giấy. Trong khi lực lượng chức năng đang theo dõi trên đường vận chuyển thì nhóm này liền quay xe tháo chạy và bị tổ công tác truy đuổi. Sợ bị bắt, các đối tượng đã bỏ lại 2 xe máy cùng toàn bộ số hàng trên xe để thoát thân. Kiểm tra 10 thùng các-tông nói trên, cơ quan chức năng phát hiện 280kg pháo đều có xuất xứ từ Trung Quốc.

Có thể nói, với nhiều cửa khẩu, đường tắt, đường mòn, lối mở, tỉnh Lạng Sơn đang là một trong những điểm thuận lợi để dân buôn lậu pháo hoạt động. Theo nhận định của Cục Hải quan Lạng Sơn, từ nay đến sát Tết Quý Tỵ, tình hình buôn lậu nói chung và mặt hàng pháo các loại nói riêng trên địa bàn tỉnh sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là ở các địa bàn trọng điểm như: Khu vực Bãi Gianh, hai bên cánh gà cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam, Chi Ma. Khác với quy luật trước đây, năm nay, tình hình buôn bán, vận chuyển pháo lậu diễn ra tại Lạng Sơn đã rải rác ngay từ đầu năm.

Còn tại Hà Nội, tình hình vận chuyển, buôn bán pháo lậu cũng “nóng” không kém. Theo số liệu của các cơ quan chức năng thì, từ đầu năm 2012 đến nay, lực lượng chống buôn lậu đã thu giữ hàng tấn pháo các loại. Điều đáng lưu ý là, các hoạt động buôn lậu pháo trên địa bàn Hà Nội năm nay tăng hẳn về quy mô, số lượng trong một vụ. Điển hình là vụ xảy ra vào đêm ngày 11/12/2012, lực lượng chức năng TP. Hà Nội phát hiện, bắt giữ một số lượng lớn pháo lậu đang trên đường vận chuyển vào phía Nam. Kiểm tra chiếc xe khách chạy từ Cao Bằng vào Lâm Đồng trên đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, cơ quan chức năng phát hiện 18 bao tải chứa gần 500kg pháo các loại được xếp trong khoang hành khách.

Qua đây cho thấy các đối tượng buôn bán, vận chuyển pháo nổ đã có sự hoạt động trở lại với hình thức tinh vi hơn, liều lĩnh hơn, với số lượng tang vật trong mỗi vụ cũng lớn hơn. Mặt hàng này tràn vào Việt Nam chủ yếu qua đường biên giới phía Bắc và được các đầu nậu phân phối vào sâu nội địa chờ tiêu thụ vào dịp Tết Nguyên đán sắp đến…

Những hành vi vi phạm về pháo

Nói về hành vi buôn bán, vận chuyển pháo nổ, Luật sư Lê Thành Tâm, Đoàn Luật sư TP.HCM phân tích: Đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng và có khung hình phạt cao bởi việc buôn lậu pháo không chỉ gây nguy hiểm cho cộng đồng mà còn gây mất trật tự an ninh xã hội. Do đó, kiên quyết không để tái diễn các vi phạm về pháo như trong dịp Tết Nguyên đán là chỉ đạo xuyên suốt của Trung ương và các địa phương trong cả nước.

hành vi
Hành vi buôn lậu pháp có khung hình phạt cao

Thậm chí, cứ vào cận Tết thì cấp Trung ương thường có công điện yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường thực hiện quy định về quản lý, sử dụng pháo, nhằm kiên quyết không để tái diễn việc sản xuất, hạn chế tới mức thấp nhất việc buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng pháo trái phép, nhất là dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013.

Cụ thể, các cấp chính quyền, nhất là cấp xã, phường tăng cường phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, quần chúng ở địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân; tổ chức ký cam kết thực hiện nghiêm túc các quy định về cấm sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng pháo trái phép; chỉ đạo các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Địa phương nào buông lỏng chỉ đạo, không kiên quyết ngăn chặn, xử lý triệt để các vi phạm về pháo thì Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ.

Theo Luật sư Tâm, Bộ Công an tập trung chỉ đạo lực lượng Cảnh sát phối hợp với các cơ quan chức năng như: Bộ đội biên phòng, Cảnh sát Biển, Hải quan, Quản lí thị trường, các ban chỉ đạo ở địa phương… tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, bắt giữ và xử lí nghiêm các hành vi vi phạm về pháo, nhất là thời gian trước, trong, sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ. Các địa phương có biên giới, cửa khẩu, khu vực ven biển, hải đảo cần tập trung kiểm tra, kiểm soát, trong đó chú ý các loại phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy để phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi vận chuyển, buôn bán, nhập lậu pháo trái phép.

Tuy nhiên, Luật sư Tâm cho rằng, việc ngăn chặn mặt hàng pháo lậu thẩm lậu qua biên giới vào nước ta hiện nay rất khó khăn, bởi đây là mặt hàng sinh lời lớn nên nhiều đối tượng rất liều lĩnh, dùng mọi thủ đoạn để hoạt động kinh doanh trái phép. Thực tế qua các vụ bắt giữ pháo lậu cho thấy, các đối tượng buôn lậu mặt hàng này đã ngụy trang rất tinh vi để che mắt các cơ quan chức năng để tuồn hàng vào nội địa. Bên cạnh đó, chúng còn được sự tiếp tay của các đối tượng sản xuất pháo ở bên kia biên giới như giấu pháo trong các vỏ bao bì bánh kẹo hoặc hàng tiêu dùng thông thường khác nên rất khó phát hiện.

Hơn thế nữa, họ còn chế tạo ra pháo có các hình thù, kích thước khác nhau không dễ gì nhận ra được. Ngoài ra, cũng không loại trừ khả năng các cơ sở sản xuất pháo trước đây tái sản xuất, kinh doanh pháo trái phép. Để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về pháo, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng, rất cần có sự tham gia tích cực của các cấp chính quyền, nhất là cấp xã, phường và các đoàn thể, quần chúng ở địa phương

Hành vi buôn bán hàng trái phép, hàng cấm

Theo Luật sư Nguyễn Hoàng Thông, Đoàn Luật sư TP.HCM: Thông tư liên tịch giữa Bộ Công an, VKSND Tối cao và TAND Tối cao, đối tượng vận chuyển pháo qua biên giới sẽ bị truy tố về tội “Buôn bán hàng trái phép, hàng cấm”.

Pháo
Pháo lậu bị tịch thu

Cụ thể, người buôn bán pháo trong nước sẽ bị xử theo tội “Buôn bán hàng cấm”, quy định tại Điều 155 BLHS. Riêng những người đốt pháo sẽ bị xử lý theo quy định về đốt pháo nơi công cộng, bị phạt tiền. Người đốt pháo đang là CB-CNVC Nhà nước thì sẽ bị đề nghị xem xét kỷ luật. Trong khi đó, Chính phủ quy định địa phương nào để xảy ra đốt pháo nhiều thì chủ tịch UBND tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm.

Luật sư Thông cho biết thêm: Theo cơ chế phối hợp giữa ngành công an, TAND và VKSND thì những vụ vận chuyển, kinh doanh, đốt pháo trái phép sẽ nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ để đưa ra xét xử công khai trước Tết nhằm bảo đảm tính răn đe.

Được biết, lượng pháo đưa vào Việt Nam tiêu thụ chủ yếu có nguồn gốc từ Trung Quốc. Đặc biệt, các địa phương có các cửa khẩu lớn thông thương với Trung Quốc đã trở thành địa bàn trọng điểm trung chuyển pháo lậu khu vực phía Bắc.

Các loại pháo có xuất xứ từ Trung Quốc bằng nhiều con đường khác nhau vẫn được nhập lậu, tập kết tại những địa điểm bí mật, sau đó được các đối tượng vận chuyển thuê xé lẻ, đưa đi tiêu thụ sâu trong nội địa. Ngoài các cửa khẩu, đường tiểu ngạch trên bộ, đối tượng buôn lậu pháo sử dụng cả đường biển. “Đáng chú ý, không phải đến dịp cận Tết, chúng mới đưa pháo về mà ngay từ đầu năm đã “găm” hàng để tới Tết bung ra bán…

Trần Tố - Hoàng Đăng

Đọc thêm