Dự án BOT điện mãi không chạm đích

(PLVN) - Bốn dự án điện theo hình thức BOT của các nhà đầu tư nước ngoài đang nỗ lực về đích, sớm bổ sung nguồn điện cho hệ thống. Tuy nhiên, các dự án này vẫn đang đối mặt không ít khó khăn.

Đang xây dựng vẫn chưa hết khó

Được chờ trông nhất hiện nay là Dự án BOT Nhiệt điện Hải Dương. Theo cam kết trong Hợp đồng BOT, Tổ máy 1 sẽ vận hành thương mại vào ngày 1/12/2020 và Tổ máy 2 vận hành vào ngày 1/6/2021.

Đến nay, tiến độ tổng thể của Dự án đạt được khoảng 93%. Tổng vốn huy động đạt 1,402 tỷ USD, trong đó, vốn vay ngân hàng là 1.051,5 triệu USD, vốn góp là 350,5 triệu USD.

Tuy vậy, vấn đề tồn tại của Dự án là Giấy phép xây dựng Bãi thải xỉ vẫn chưa xong. UBND tỉnh Hải Dương cũng đã có báo cáo và đề nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương xây dựng hạng mục Bãi thải xỉ, giao UBND tỉnh tổ chức thẩm định và cấp phép xây dựng công trình, đảm bảo không ảnh hưởng đến dòng chảy, thoát lũ, an toàn công trình đê điều và tuân thủ các quy định khác có liên quan.

Tuy nhiên, câu trả lời cuối cùng hiện nay chưa có, bởi Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, giải quyết đề nghị của UBND tỉnh Hải Dương theo thẩm quyền và theo quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của Covid-19, chuyên gia và lao động nhập cảnh bị cách ly khi quay trở lại Việt Nam, đồng thời việc thiết kế, chế tạo các thiết bị cũng bị đình trệ đã làm tiến độ thi công, chạy thử nghiệm và vận hành thương mại nhà máy bị chậm so với hợp đồng.

Tại Dự án BOT Nhiệt điện Duyên Hải 2, theo cam kết trong Hợp đồng BOT, Tổ máy 1 sẽ vận hành thương mại vào tháng 6/2021 và Tổ máy 2 sẽ vận hành vào tháng 9/2021.

Đến nay, tiến độ tổng thể của Dự án đạt 79,58%. Dự án đã giải ngân được 968,2 triệu USD, trong đó, vốn góp là 208,2 triệu USD, vốn vay là 760 triệu USD.

Được đánh giá là có nhiều điểm nhấn trong việc triển khai thi công để đảm bảo tiến độ, nhưng Dự án cũng phải đối mặt với sự kiện bất khả kháng do sự bùng phát của Covid-19.

Trong tháng 5 và tháng 6/2020, chủ đầu tư đã gửi UBND tỉnh Trà Vinh danh sách 599 chuyên gia và lao động nước ngoài cần nhập cảnh để trở lại làm việc tại nhà máy và đề nghị tỉnh hỗ trợ, báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết.

Đề xuất trên cũng đã được UBND tỉnh Trà Vinh và Bộ Công thương gửi tới các bên liên quan khác nhằm tạo điều kiện cho các chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài của Dự án nhập cảnh vào Việt Nam qua Cửa khẩu Móng Cái và thực hiện cách ly theo quy định tại tỉnh Quảng Ninh.

Với Dự án BOT Dự án Nghi Sơn 2, kế hoạch vận hành thương mại theo cam kết trong Hợp đồng là tháng 2/2022, với Tổ máy 1 và ngày 1/8/2022 với Tổ máy 2.

Hiện tiến độ tổng thể của Dự án đạt 73,7%. Lũy kế vốn đầu tư thực hiện từ khi khởi công xây dựng đến nay là 956,948 triệu USD.

Ngoài ảnh hưởng bởi Covid-19, các vấn đề đang giải quyết của dự án này là chính sách thuế nhập khẩu; chuyển nhượng một phần vốn điều lệ của Marubeni; kéo dài kênh xả nước làm mát; đường dây đấu nối nhà máy vào hệ thống điện quốc gia hay xây dựng công trình phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường phát sinh theo Nghị định số 40/2019/NĐ-CP.

Cũng ngấp nghé đi vào hoạt động thời gian tới còn có Dự án BOT Nhiệt điện Vân Phong 1, với dự kiến Tổ máy 1 vận hành thương mại trong tháng 9/2023 và Tổ máy 2 vào tháng 1/2024.

Sau khi đóng tài chính vào tháng 9/2020, Công ty đã khởi công xây dựng vào tháng 11/2019 và đang thực hiện thu dọn, san gạt mặt bằng. Tính tới nay, tổng vốn vay 374,55 triệu USD đã được bên cho vay giải ngân và 134,17 triệu USD vốn chủ sở hữu đã được chuyển vào tài khoản vốn đầu tư trực tiếp bằng ngoại tệ.

Bùng nhùng khi đàm phán

Hiện có 4 dự án BOT khác đang hoàn thiện bộ Hợp đồng BOT để chuẩn bị ký chính thức, gồm Vũng Áng 2, Nam Định 1, Vĩnh Tân 3 và Sông Hậu 2.

Bắt đầu đàm phán các tài liệu dự án từ tháng 12/2012, Dự án BOT Vũng Áng 2 đã ký tắt hợp đồng thuê đất và đang chờ các bên liên quan xác nhận và chấp thuận.

Phần Hợp đồng mua bán điện (PPA) cũng được EVN và chủ đầu tư thống nhất để ký chính thức.

Hiện tại, Hợp đồng BOT và Bảo lãnh chính (GGU) ở dự án này đang được tư vấn luật của hai bên rà soát lại các nội dung đã thống nhất. Theo kế hoạch, trong quý III/2020, các bên có thể ký bộ Hợp đồng BOT, sau đó đóng tài chính vào quý IV/2021 và bước sang giai đoạn xây dựng với tiến độ vận hành Tổ máy 1 vào quý III/2025 và Tổ máy 2 vào quý I/2026.

Ở Dự án BOT Nam Định 1, tuy đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư từ ngày 15/6/2017, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn tất các thủ tục.

Hiện tại, Hợp đồng BOT và GGU của Dự án BOT Nam Định 1 còn một số điểm đang tiếp tục được hoàn thiện, như nguồn than nội và việc Chính phủ bảo lãnh cho nghĩa vụ của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam.

Theo dự tính của Bộ Công thương, bộ Hợp đồng BOT sẽ được ký trong quý III/2020, đóng tài chính trong quý IV/2020 để bước vào xây dựng.

Điểm vướng nhất ở Dự án BOT Vĩnh Tân 3 hiện nay là cơ chế bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ, giới hạn trần đối với các khoản vay trong Công thức thanh toán chấm dứt sớm. Nhà đầu tư đang làm việc với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính về các vướng mắc này và chưa chốt kết quả cuối, dù Hợp đồng thuê đất và PPA đã chốt xong từ khoảng 1,5 năm trước. Hợp đồng BOT được kỳ vọng ký kết trong quý III/2020.

Ở Dự án BOT Sông Hậu 2, việc đàm phán các tài liệu được bắt đầu từ tháng 5/2015. Tại dự án này, Chính phủ chỉ bảo lãnh cho chuyển đổi từ VND sang USD với 30% doanh thu của Dự án, sau khi trừ số chi tiêu bằng VND.

Hợp đồng PPA đã thỏa thuận xong và đang thảo luận để hoàn tất Hợp đồng thuê đất. Các bên kỳ vọng bộ Hợp đồng BOT sẽ được ký trong quý III/2020.

Tại 2 dự án khác là BOT Quảng Trị và BOT Dung Quất 2, các công việc đàm phán Hợp đồng BOT và GGU, hay hợp đồng mua bán điện, thuê đất đang bắt đầu được thực hiện vòng đầu tiên. (Đầu tư)

Box:

Tập đoàn Điện lực Việt Nam rất lo lắng về khả năng chậm trễ trong đầu tư đường dây 500 kV Vân Phong - Vĩnh Tân, do các cơ quan nhà nước vẫn chưa phê duyệt xong để triển khai trên thực tế, dẫn tới khả năng có thể bị chủ đầu tư phạt tiền lên tới 1 triệu USD/ngày, nếu không kịp vận hành theo cam kết.

TCVN 12249:2018 quy định một số chỉ tiêu kỹ thuật đối với tro xỉ nhiệt điện hỗn hợp, tro xỉ nhiệt điện đốt than làm vật liệu san lấp bao gồm: thông số ô nhiễm và mức giới hạn trong nước chiết từ tro xỉ nhiệt điện phải đáp ứng yêu cầu quy định đối với nước thải công nghiệp, độ trương nở thể tích và chỉ số hoạt độ phóng xạ an toàn.

Trước đó ngày 12/4/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 452/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng. Trong đó, giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành có liên quan biên soạn, thẩm định và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế quy định việc xử lý, sử dụng tro, xỉ làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng.

 

Đọc thêm