Dự án có quy mô sử dụng đất 244,74ha tại xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, nhà đầu tư dự án là Cty TNHH Saigontel Long An. Tổng vốn đầu tư dự án là 2.590 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 440 tỷ, tiến độ thực hiện dự án 36 thàng kể từ ngày được Nhà nước bàn giao đất. Thời gian hoạt động 50 năm.
Trước đó, như PLVN đã phản ánh, dự án KCN Nam Tân Tập được Thủ tướng bổ sung vào Quy hoạch phát triển các KCN Việt Nam từ năm 2006. Theo báo cáo của Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh (BQLKKT), tại một số dự án trên địa bàn Long An, từng xảy ra tình trạng “nhà đầu tư ghim đất, chậm triển khai, kéo dài làm lãng phí tài nguyên đất đai gây bức xúc nhân dân; ảnh hưởng các nhà đầu tư thật sự muốn đầu tư; ảnh hưởng môi trường đầu tư và tiềm năng phát triển KTXH địa phương”. Nam Tân Tập từng có quãng thời gian dài rơi vào trình trạng như trên, qua nhiều đời Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu… Từng có nhiều nhà đầu tư xin thực hiện, nhưng thiếu năng lực, không thực sự có ý định triển khai, khiến nhiều lần tỉnh phải chấm dứt thực hiện, thu hồi dự án.
Sau hàng chục năm có lúc rơi vào cảnh “chạy theo nhà đầu tư”, mới đây Long An đã rút kinh nghiệm khi tìm nhà đầu tư thực sự cho Nam Tân Tập. Theo Luật Đấu thầu và Nghị định 25/2020/NĐ-CP, Nam Tân Tập không thuộc trường hợp đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Theo Luật Đất đai và Nghị định 148/2020/NĐ-CP, với Nam Tân Tập, tỉnh sẽ giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất (SDĐ) hay đấu thầu dự án có SDĐ. Theo Luật Đầu tư 2020, Nam Tân Tập thuộc trường hợp được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư.
Tuy nhiên Long An vẫn rất cẩn trọng, tiếp tục ban hành bộ tiêu chí và quy trình xét chọn DN làm nhà đầu tư dự án trước khi trình Thủ tướng. Có hai nhóm (gồm 5 nhà đầu tư) đề xuất được nghiên cứu dự án. Nhóm thứ nhất là Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (liên danh Cty CP CNVT Sài Gòn & Cty CP KCN Sài Gòn - Hải Phòng; Cty CP CNVT Sài Gòn; TCty Phát triển Đô thị Kinh Bắc); Nhóm thứ hai là Cty An Kiến Phát; Liên danh An Kiến Phát & Cty TNHH Hải Sơn.
Chỉ duy nhất Liên danh CNVT Sài Gòn & KCN Sài Gòn - Hải Phòng (liên danh này lập ra Cty TNHH Saigontel Long An để xin thực hiện dự án) nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư đúng hạn, đầy đủ.
Không chỉ thẩm định hồ sơ, Long An còn xem xét toàn diện các vấn đề của các nhóm nhà đầu tư. Với liên danh An Kiến Phát & Hải Sơn, tỉnh khẳng định “Hải Sơn đang triển khai khá nhiều dự án KCN, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên hiện Cty chỉ triển khai được một phần diện tích đã được tỉnh giao”.
Sở Công Thương đưa ra con số cụ thể hơn: “Tổng diện tích tỉnh đã giao Hải Sơn triển khai trên địa bàn trên 2.000 ha, trong khi đó Hải Sơn chỉ mới triển khai được khoảng 500 ha. Thời gian qua lãnh đạo tỉnh đã rất đắn đo nếu giao Hải Sơn triển khai thêm các dự án; do diện tích các dự án đã giao cho Hải Sơn khá lớn, dàn trải và sẽ phân tán các nguồn lực”.
Với CNVT Sài Gòn & KCN Sài Gòn - Hải Phòng, lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp đi khảo sát các dự án của liên danh này. Đặc biệt với KCN Tràng Duệ - Hải Phòng, vốn đầu tư của 1 dự án trong KCN này đã bằng… tổng vốn thu hút được trên địa bàn Long An.
Long An sau đó đã thực hiện các thủ tục theo quy định, báo cáo các Bộ ngành và Chính phủ, đề xuất Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư Saigontel Long An. Bộ KH&ĐT đã có báo cáo thẩm định hồ sơ hồi tháng 5 và tháng 7/2021 vừa qua.
Quyết định của Thủ tướng trong Văn bản 1420/QĐ-TTg được đánh giá sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển của dự án KCN Nam Tân Tập; đáp ứng nguyện vọng chính đáng hợp pháp của chính quyền và nhân dân Long An.