“Nghe tiếng “giải tỏa, di dời” miết cũng chán”
Đối lập với con đường to đẹp Nam Kỳ Khởi Nghĩa (đường vành đai phía Nam TP Đà Nẵng), khi rẽ vào khu dân cư An Hải, An Hải 1, An Hải 2, Khái Tây (thuộc phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn), lập tức đối mặt cảnh vắng lặng, đìu hiu. Những ngôi nhà lợp tôn thấp lè tè, hoen gỉ, mục nát, đa phần trống trơ, không cửa ngõ, không mái che. Vườn cây bên ngoài xác xơ, cỏ dại mọc um tùm, phủ kín lối đi.
Hàng chục năm qua, nơi đây được gọi với cái tên Khu dân cư dự án Làng Đại học Đà Nẵng, và cuộc sống người dân chất chồng khó khăn với nhiều thấp thỏm, lo âu.
Dự án đầu tư xây dựng Làng Đại học Đà Nẵng được Chính phủ phê duyệt vào ngày 4/3/1997, với số vốn trên 7.000 tỷ đồng, xây dựng trên khu đất diện tích 300 ha, trong đó 190 ha thuộc thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) và 110 ha thuộc quận Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng).
Do thiếu hụt vốn và thay đổi quy hoạch phát triển nên ảnh hưởng đến thời gian, tiến độ triển khai xây dựng dự án. Chính vì vậy Đại học Đà Nẵng phải tiến hành phân kỳ đầu tư theo hình thức thực hiện từng tiểu dự án.
Sau 22 năm, dự án mới chỉ có một số cơ sở được hoàn thiện cơ bản gồm Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin, Khoa Y Dược, Khoa Công nghệ thông tin và Truyền thông (Đại học Đà Nẵng). Một trong những nguyên nhân gây chậm tiến độ được cho là do dự án có quy mô lớn, nguồn vốn lớn, lại liên quan đến địa giới hai địa phương Quảng Nam – Đà Nẵng, cũng như liên quan nhiều bộ, ngành nên thủ tục phức tạp, nhất là công tác giải phóng mặt bằng và điều chỉnh lại quy hoạch dự án.
Nhắc đến dự án, ông Lê Minh Thành (60 tuổi, ngụ tại địa phương) buồn buồn kể: “Hơn 20 năm nay, nghe tiếng “giải tỏa, di dời” miết cũng chán, không biết khi nào thực hiện. Nhiều người không còn tin điều đó nữa, cho nên đến ngày giải tỏa, di dời rồi hẵng hay”.
Trong căn nhà đang trưa, ngước lên mái tôn thấy nắng xuyên lỗ chỗ thẳng xuống đầu, nhà thấp lè tè, những ngày đầu hè, không khí càng ngột ngạt, oi bức. “Trời nắng mấy cũng chịu được, nhưng sợ nhất trời mưa, hay gió bão. Nhà cửa không biết sụp lúc nào”, ông Thành kể.
Ông Thành cho hay, trước đây vợ chồng sống bằng nghề nông với gần 3 mẫu ruộng. Từ ngày bàn giao đất cho dự án cơ sở 2 Trường Đại học Kỹ thuật Y dược Đà Nẵng, Viện Khoa học và Xã hội, Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin (Đại học Đà Nẵng), vợ chồng mất nghề. Đụng việc gì làm việc đó để kiếm tiền nuôi đàn con. Nhưng theo ông Thành, so với nhiều hoàn cảnh khác, vì còn có sức lao động, gia đình ông còn có cái ăn, không thiếu đói.
Hoàn cảnh khó khăn hơn là bà Lê Thị Thêm (tổ 61, An Hải 1, phường Hòa Quý). Cách đây 22 năm, nghe tin xây Làng Đại học, gia đình bà vui mừng bàn giao đất, hi vọng được giải tỏa, về sống trong khu dân cư khang trang, đẹp đẽ; con cháu sẽ có điều kiện ổn định làm ăn, học tập.
Thế nhưng 22 năm trôi qua, con cái lập gia đình, có cháu nội, cháu ngoại, Làng Đại học vẫn không thấy đâu. Nhiều thế hệ gia đình bà Thêm chen chúc trong ngôi nhà “đi không được, ở không xong”, hư hỏng cũng không được sửa chữa.
Theo ông Huỳnh Kim, Chủ tịch UBND phường Hòa Quý, hiện tại phường có gần 900 hộ nằm trong khu quy hoạch dự án Làng Đại học Đà Nẵng. Những khó khăn mà người dân nằm trong vùng quy hoạch dự án phải gánh chịu suốt thời gian qua là điều kiện sinh sống bị hạn chế, nhà cửa xuống cấp, hạ tầng điện nước hư hỏng, việc đi lại học tập của con em khó khăn…
Đặc biệt, dự án treo kéo dài khiến cho công tác quản lý nhà nước tại các khu dân cư cũng gặp nhiều khó khăn, bất cập. “Cũng như tâm trạng và nguyện vọng của người dân, lãnh đạo chính quyền chúng tôi rất mong Chính phủ, cùng các bộ, ngành, đơn vị sớm thực hiện dự án Làng Đại học Đà Nẵng để người dân được ổn định cuộc sống, làm ăn phát triển kinh tế”, ông Kim bày tỏ.
Tiếp tục vướng mắc
Hơn hai năm trước, cuối tháng 2/2017, sau khi đi thị sát tại dự án, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương và Đại học Đà Nẵng cùng phối hợp để khởi động lại dự án, chấm dứt tình trạng quy hoạch treo suốt 20 năm qua. Mục tiêu xây dựng mô hình đô thị đại học.
|
Dự án “treo” suốt hơn 20 năm qua. |
Trong hai năm qua, Đại học Đà Nẵng đã có nhiều buổi làm việc với chính quyền TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam để đẩy nhanh các công tác chuẩn bị đầu tư như lập dự án giải phóng mặt bằng, lập dự án đầu tư xây dựng các hạng mục công trình cấp thiết.
Theo ông Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng, hiện đã trình Thủ tướng “Đề án Phát triển tổng thể Đại học Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035”; “Đề án thành lập Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn”… là những cơ sở pháp lý quan trọng để điều chỉnh quy hoạch Dự án. Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch 1/2000, là tiền đề rất quan trọng để triển khai các công việc tiếp theo.
Tuy nhiên, về kinh phí đầu tư thực hiện các khu tái định cư, gồm bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư tại chỗ và xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hiện vẫn chưa có kế hoạch cụ thể và chưa rõ nguồn ngân sách trung ương hay ngân sách địa phương. Đại học Đà Nẵng cũng đề xuất phương án với 30ha đất ở phía Quảng Nam có mật độ dân cư cao và khu vực mồ mả, nên khoanh vùng giữ lại làm quỹ đất dự phòng, chỉ đầu tư cơ sở hạ tầng khớp nối với dự án.
Trong khi đó, tại buổi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đây tại Đà Nẵng, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho hay, cái khó nhất hiện nay của Dự án nằm ở khâu giải tỏa, tái định cư. Đà Nẵng đã chủ động giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất đầu tư ngay khu đất 22 ha, dùng ngân sách của TP để giải quyết trước.
“Có tái định cư rồi, giải tỏa sẽ nhanh”, ông Thơ nói. Thế nhưng, theo ông Thơ, hiện vẫn chưa xác định được chi phí đền bù của Quảng Nam bao nhiêu, Đà Nẵng bao nhiêu, giải ngân thế nào? Ông đề nghị Bộ GD&ĐT có kế hoạch cụ thể và Đại học Đà Nẵng phải có bộ phận chuyên trách chỉ tập trung giải quyết những vấn đề này.
“Có quá nhiều việc phải làm từ lập dự án, đánh giá tác động môi trường, giải tỏa, đền bù, tái định cư. Nếu không tiến hành song song các thủ tục, dự án sẽ chậm tiến độ”, ông Thơ đánh giá.
Về việc giải ngân nguồn vốn trung hạn 1.000 tỷ đồng sau khi được Quốc hội thông qua, ông Huỳnh Đức Thơ đề nghị Bộ GD&ĐT phải có sự phân công, chỉ đạo cụ thể. Nếu giao Đại học Đà Nẵng, phải có ban, bộ phận chuyên lo vấn đề này, phải bám sát các bộ ngành, các cơ quan TƯ, địa phương để thúc đẩy tiến độ, không thể để chậm trễ hơn nữa.
Ông Thơ cũng đề nghị quá trình triển khai thực hiện dự án cần tính phương án xã hội hóa nhằm bổ sung nguồn lực đầu tư, không thể phụ thuộc hoàn toàn vào ngân sách TƯ...