Dự án “lừa dưới, dối trên” của Dona.Coop: Dona.Coop đang “vẽ lại bản đồ” Đồng Nai?

(PLO) - Từ chỗ chỉ là một hợp tác xã có 30 thành viên góp vốn 450 triệu đồng vào khoảng năm 2002, bốn năm sau đó, kể từ khi có văn bản của Ban Kinh tế Tỉnh ủy Đồng Nai giới thiệu, cho tới những năm 2007 – 2008, Dona.Coop đã được tỉnh này giao cho hơn 11 triệu m2 đất, lại toàn “đất vàng”.
Hình ảnh người dân Long Hưng căng băng rôn phản đối dự án Dona.Coop. (Hình chụp ngày 15/10/2016)

Xuất phát điểm với khoản vốn 450 triệu

Sau hai loạt bài với 19 bài viết PLVN phản ánh về sai phạm của Dona.Coop và Đồng Nai trong quá trình thực hiện dự án “Khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng”, rất nhiều ý kiến bạn đọc gửi về cùng chung một thắc mắc: “Dona.Coop là “thế lực” nào mà có những hành động “bàn tay đòi che mặt trời” như thế?”.

Theo giới thiệu trên trang web, Dona.Coop được hình thành bởi chín HTX trong hệ thống Liên minh HTX tỉnh Đồng Nai, bao gồm: HTX dịch vụ nông nghiệp Long Hưng, HTX đóng tàu xà lan Nhơn Trạch, HTX thủ công mỹ nghệ Hố Nai, HTX cung ứng và sản xuất vật liệu xây dựng Phước Tân, HTX tiểu thủ công nghiệp Đại Nam, HTX thương mại dịch vụ Hưng Phước, HTX dịch vụ nông nghiệp Nam Sơn Tùng, HTX dịch vụ nông nghiệp và xây dựng Thành Công, HTX dịch vụ thương mại Tâm An.  

Theo “Phương án hoạt động kinh doanh 5 năm đầu (2002 – 2007) của HTX Long Hưng”, đơn vị là “cái đinh” để lập ra Dona.Coop sau này có xuất phát điểm như sau: “Là tổ chức kinh tế hợp tác do những người lao động có nhu cầu và lợi ích kinh tế - xã hội chung, tự nguyện góp vốn, góp sức để thành lập theo Luật Hợp tác xã nhằm phát huy sức mạnh của tập thể và của từng xã viên, thực hiện có hiệu quả các hoạt động kinh doanh – dịch vụ và phục vụ sản xuất nông nghiệp, chế biến và tiêu thụ sản phẩm làm ra tại địa phương, góp phần cải thiện đời sống của xã viên và phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn…”.

“Cái nôi” của Dona.Coop, theo văn bản trên, có trụ sở giao dịch chính đặt tại Khu 2, ấp Phước Hội, xã Long Hưng, với 30 xã viên sáng lập, vốn điều lệ 450 triệu đồng…

Theo tố cáo của ông Nguyễn Văn Nhuần (SN 1964, nguyên Đại biểu HĐND xã): “Bùi Thanh Trúc về xã Long Hưng năm 2004. Lúc đó Bí thư xã là ông Nguyễn Hoài Phương, Chủ tịch là ông Nguyễn Thanh Ngọc, không biết quan hệ thế nào đưa Trúc về đây thành lập hợp tác xã. Theo tui nắm được, thực ra chỉ là hợp tác xã “ma” chứ không có gì, lấy tên một số người đưa vào làm thành viên rồi họp ra mắt chứ không có hoạt động gì, dù lý thuyết nói chăn nuôi, trồng trọt. Duy nhất một điều họ làm là đứng ra mua chuộc các cán bộ ở đây. Hầu hết các cán bộ giúp Dona.Coop xúi dân bán đất ruộng đi bỏ tiền vào ngân hàng. Đến 80% cán bộ xã giống như là cò đất cho doanh nghiệp này. 

Đến năm 2006 thì Donacoop gom được mấy trăm ha đất ruộng rồi bỏ đó để hoang. Như vậy rõ ràng cả hệ thống chính quyền địa phương tiếp tay cho Doan.Coop trong giai đoạn đầu cơ. Sau đó Dona.Coop xin chủ trương của UBND huyện làm dự án khu du lịch sinh thái, nhà vườn, nghỉ dưỡng với diện tích đầu tiên là 30ha. Cũng năm đó Dona.Coop lập dự án đề nghị Tỉnh ủy có ý kiến, rồi ra chủ trương, lập quy hoạch xóa trắng xã Long Hưng”.

Vẫn lời ông Nhuần: “Khởi điểm của dự án này, không phải chủ trương của tỉnh vạch ra mà từ cái đơn xin của Bùi Thanh Trúc gửi cho Tỉnh ủy Đồng Nai. Sau đó, Tỉnh ủy mới có văn bản gửi cho UBND tỉnh. UBND tỉnh mới chỉ đạo các Sở như Kế hoạch và Đầu tư tham mưu và ra quyết định cho phép thực hiện dự án”.

Ông Nhuần tố cáo tiếp: “Giai đoạn đầu, sau khi gom được đất ruộng của dân ở đây, Donacoop không sang tên sổ đỏ mà lấy sổ đó đút vào ngân hàng để thế chấp. Dona.Coop móc nối với ngân hàng sao đó mà không chuyển tên sổ nhưng vẫn cầm cố được”.

Một năm rưỡi được giao 11 triệu m2 đất

Những tố cáo trên của ông Nhuần là có cơ sở. Theo những tài liệu PLVN có được, “Tập đoàn Donacoop” ra đời vào năm 2005, đăng ký kinh doanh lần đầu với số vốn 5 tỷ VNĐ ngày 20/10/2005. Hơn nửa năm sau đó, Ban Kinh tế Tỉnh ủy Đồng Nai có công văn gửi Thường trực Tỉnh ủy và Thường trực UBND tỉnh, đề nghị chấp thuận cho Dona.Coop được thực hiện dự án khi đó còn có tên là “Dự án khu dân cư và du lịch sinh thái ven sông Đồng Nai”. Đây chính là dự án sau này đổi tên thành “Khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng”, xóa sổ cả một xã.

Và không hiểu vì có “năng lực” gì, chỉ trong một năm rưỡi (từ tháng 7/2007 đến tháng 12/2008), tỉnh Đồng Nai đã cấp ít nhất tám giấy chứng nhận đầu tư dự án, giao Dona.Coop quyền định đoạt hơn 11 triệu m2 “đất vàng” tại tỉnh này.

Cũng trong khoảng thời gian trên, Dona.Coop liên tục thay đổi thông tin đăng ký kinh doanh. Ngày 19/5/2006 tăng vốn đầu tư lên 20 tỷ đồng. Hai năm sau, ngày 21/5/2008 tăng lên 100 tỷ. Tính cho tới ngày 9/8/2017, đơn vị này đã 12 lần thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, với 55 ngành nghề kinh doanh.

Theo trang web của Dona.Coop, đơn vị này hiện còn thực hiện các dự án Khu dân cư Tràng An (xã Tam Phước), dự án Khu tái định cư Tràng An (xã Tam Phước), dự án Khu sản xuất vật liệu xây dựng xã Phước Tân, dự án Trung tâm đào tạo dạy nghề xã An Hòa, Dự án Cù lao Phước Hưng (xã Tam Phước)…

Thực hiện các dự án được cho là có giá trị lên đến cả “tỷ đô”, thế nhưng năng lực tài chính của đơn vị này dường như có vấn đề. Theo bài viết trên Tạp chí Bất động sản Việt Nam ra ngày 19/12/2017, “doanh nghiệp này hiện đang có khoản nợ khủng ... Những khoản nợ này đến từ việc cầm cố ngân hàng chính bằng đất dự án mà Dona.Coop đang triển khai”.

Còn theo Báo Sài Gòn Giải phóng ra ngày 27/11/2009: “Báo SGGP vừa nhận được nhiều phản ánh từ người dân và doanh nghiệp ở huyện Long Thành, Đồng Nai về những tiêu cực tại Liên hiệp HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai (Dona.Coop), liên quan đến các dự án đầu tư trên địa bàn xã Long Hưng (huyện Long Thành). 

Đi sâu tìm hiểu, chúng tôi phát hiện ông Bùi Thanh Trúc, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Dona.Coop, là đương sự đang trốn thi hành án trong một phiên tòa phúc thẩm năm 1999 tại TPHCM. 

Theo nội dung Bản án phúc thẩm số 314/DSPT được tuyên vào tháng 6/1999, ông Bùi Thanh Trúc bị tòa tuyên buộc phải trả cho nguyên đơn Bùi Thị Thu Hồng khoảng 4,608 tỷ đồng. Trước đó, ông Trúc kết hợp với Nguyễn Văn Kim (thụ án tù giam vì liên quan đến một vụ án hình sự khác) vay của bà Hồng 3,5 tỷ đồng để thực hiện hợp đồng mua bán hơn 10.000 tấn sắt với Công ty Đầu tư phát triển kinh tế Sóc Trăng (Công ty ĐTPTKT Sóc Trăng). Do vi phạm hợp đồng, phía Công ty ĐTPTKT Sóc Trăng trả lại vốn lẫn lãi phạt cho ông Trúc khoảng 11,138 tỷ đồng. 

Sau khi “ôm” số tiền thanh lý này, Bùi Thanh Trúc không trả nợ cho bà Hồng và bị bà Hồng kiện ra tòa. Tuy nhiên, ông Trúc cố tình phớt lờ các quyết định triệu tập, tống đạt của cơ quan pháp luật, không tham dự các phiên tòa xét xử và không trả nợ cho bà Hồng theo phán quyết của tòa. 

Thi hành án quận 10 đã ủy thác cho Thi hành án huyện Long Thành tiếp tục thi hành án đối với Bùi Thanh Trúc và Nguyễn Văn Kim. Tuy nhiên, ông Trúc tiếp tục có thái độ bất hợp tác, không ký tên vào biên bản tống đạt và đến nay (27/11/2009 - NV) vẫn chưa chấp hành bản án”. 

Ông Trúc sau đó trên một tờ báo khác, đã cho rằng đó là “tắc trách của thẩm phán trong quá trình xử lý vụ án đã khiến vụ án dân sự bị sai lệch”.

Một vài nét chấm phá như trên đủ cho dư luận hình dung về sự “khó hiểu”, “kỳ lạ” của Dona.Coop. Chính vì vậy, trong văn bản của Văn phòng Chính phủ ngày 30/11/2017 truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã nêu yêu cầu Thanh tra Chính phủ “làm việc với Kiểm toán Nhà nước để xem xét việc thực hiện nghĩa vụ tài chính, cấp GCNQSDĐ và khả năng thực hiện dự án Khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng” của Dona.Coop.

PLVN sẽ tiếp tục trở lại với những dấu hiệu sai phạm của Dona.Coop và Đồng Nai trong các dự án, tiếp tục phản ánh nỗi cùng khổ của những nông dân bị lấy đất trái pháp luật.

Đọc thêm