Ngư dân đòi đền bù
Dự án nạo vét luồng vào cảng Kỳ Hà do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam (BQL) làm chủ đầu tư. Theo thiết kế, toàn tuyến luồng từ cảng Kỳ Hà đến bến Tam Hiệp dài 6,2km, bề rộng đáy luồng 100m, cao trình đáy 10,7m để phục vụ cho tàu 20.000 tấn ra vào cảng Tam Hiệp thuận lợi, thúc đẩy phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn Khu kinh tế mở (KKT) Chu Lai. Tổng mức đầu tư gần 200 tỷ đồng.
Theo BQL, hiện lưu lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua cảng Kỳ Hà ngày càng tăng, mạnh nhất ở các ngành công nghiệp như ô tô, dệt may, hóa chất, các sản phẩm từ khí… Tỉnh quyết định đầu tư giai đoạn 2 nạo vét luồng vào cảng Kỳ Hà.
Ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc BQL cho biết, tuyến luồng vào cảng Kỳ Hà hiện nay từ phao số 0 đến bến Tam Hiệp chủ yếu phục vụ cho tàu có trọng tải dưới 20.000 tấn đi lại. Do đó, việc đầu tư xây dựng phát triển vận tải đường thủy và đẩy nhanh tiến độ thi công dự án nằm trong chiến lược thu hút đầu tư vào KKT Chu Lai. Tuy nhiên, dự án nạo vét luồng vào cảng Kỳ Hà giai đoạn 2 khởi công vào ngày 8/11/2018, thời gian thi công 150 ngày, phải tạm dừng thi công từ tháng 3/2019 đến nay.
Nguyên nhân chính do còn vướng mắc 67 “miệng” rớ các loại của ngư dân trên phạm vi taluy tuyến luồng; và người dân thôn Long Thạnh Tây, xã Tam Hải, huyện Núi Thành cản trở không cho thi công.
Theo những người dân làm nghề đặt lưới (rớ - có 2 loại rớ đáy và rớ quây để khai thác thủy hải sản), họ yêu cầu chủ đầu tư dự án đếm hiện trạng của người dân, tiến hành bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, chuyển đổi nghề nghiệp. “Cả thôn Long Thạch Tây hơn nửa số hộ làm nghề rớ đáy, rớ quây cho thu nhập chính. Nay giải tỏa các hàng rớ nhường cho dự án, chúng tôi sẽ gặp khó khăn”, người dân bày tỏ.
Ngoài ra, nhiều người còn muốn được chất vấn về việc bồi thường hỗ trợ. Theo như phản ánh, có hộ ban đầu nghe thông báo giá bồi thường thiệt hại đã niêm yết rất cao, nhưng rồi không được giải quyết. Về sau giảm xuống chỉ hỗ trợ chi phí lắp đặt rất thấp… nên người dân lo lắng và không đồng tình.
Cũng có trường hợp không đánh bắt, chỉ đủ điều kiện nhận chi phí đặt hàng sào rớ, lại được đền bù cao. Bên cạnh đó, việc chưa giải quyết dứt điểm khâu đền bù cho dân, nhà thầu đã thi công dự án làm ảnh hưởng đến hiệu quả đánh bắt… buộc họ phải có hành vi bảo vệ quyền lợi chính đáng.
Công tác bồi thường chậm
Trước tình hình trên, ông Tâm thông tin, hiện dự án đang được điều chỉnh để hoàn thiện đồng bộ toàn tuyến luồng từ phao số 0 đến bến Tam Hiệp đạt độ sâu 10m theo chủ trương của Thường trực Tỉnh ủy tại Công văn số 2282-CV/TU ngày 9/10/2019.
Để tháo gỡ các vướng mắc đã nêu, UBND tỉnh Quảng Nam cũng tổ chức nhiều cuộc họp và có các văn bản chỉ đạo các đơn vị, địa phương liên quan thực hiện, nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được.
Vì thế, chủ đầu tư dự án phải chủ động rà soát tình hình thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ ở giai đoạn 1 và đối chiếu với các trường hợp còn tồn tại trên phạm vi mặt bằng thi công giai đoạn 2.
Kết quả rà soát nhóm 1 có 21 rớ các loại của 17 hộ dân đã được hỗ trợ, bồi thường ở giai đoạn 1 nhưng vẫn còn tồn tại trên mặt bằng thi công giai đoạn 2. Nhóm 2 có 14 rớ các loại của 10 hộ dân nằm ngoài phạm vi thi công giai đoạn 1 trước đây, bị ảnh hưởng môi trường do thi công, nên chỉ được hỗ trợ nhưng hiện tại nằm trong phạm vi mặt bằng thi công giai đoạn 2. Nhóm 3 có 17 rớ của 15 hộ dân không có trong phương án hỗ trợ, bồi thường ở giai đoạn 1 nhưng nằm trong phạm vi mặt bằng thi công giai đoạn 2.
Nhóm 4 có 15 rớ trên mặt bằng thi công giai đoạn 2 nhưng chưa xác định được tên chủ sở hữu. Riêng các trường hợp này, chủ đầu tư nhiều lần mời đại diện UBND các xã và đại diện Ban Nhân dân thôn kiểm tra thực tế hiện trường, song vẫn chưa xác định được. UBND huyện Núi Thành thành lập Tổ công tác kiểm đếm hiện trạng bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, công tác triển khai thực hiện của đơn vị thực hiện bồi thường quá chậm.
Theo ông Tâm, chính việc này ảnh hưởng tiêu cực đến dự án, cụ thể hiện nay cao độ nạo vét tuyến luồng chưa đồng bộ và chưa đạt độ sâu thiết kế nên việc lưu thông của tàu thuyền ra vào khu bến Tam Hiệp rất khó khăn và nguy hiểm, làm giảm lượng hàng hóa bốc xếp qua cảng, không đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của KKT Chu Lai. Nếu không sớm giải quyết mặt bằng để tiếp tục thi công, dự án nạo vét luồng vào cảng Kỳ Hà đến bến Tam Hiệp phục vụ cho tàu 20.000 tấn rất khó hoàn thành trong năm 2020 như kế hoạch đặt ra.
Trong khi đó, ông Trương Văn Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết, theo báo cáo trước đây của đơn vị chuyên môn, có 67 “miệng” rớ nằm trên hành lang tuyến luồng, chứ không nằm dưới đáy luồng và 67 “miệng” rớ này đã được bồi thường rồi, nhưng người dân chưa tháo dỡ.
Huyện đang tiến hành xác định chủ sở hữu của 67 “miệng” rớ để động viên người dân sớm tháo dỡ bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Huyện đã tính đến phương án bảo vệ thi công như đã từng làm trong giai đoạn 1 của dự án vào năm 2010.