Dân nghi ngại nên “thích” trồng lúa
Xã Mộc Bắc là một trong những xã có số lượng bò sữa khá lớn của huyện Duy Tiên với khoảng 700 con.
Dự án nước tưới tiết kiệm ở thôn Hoàn Dương, xã Mộc Bắc do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nam làm chủ đầu tư nhằm chuyển đổi diện tích sản xuất lúa năng suất thấp, khó khăn về nước tưới sang trồng cỏ, trồng ngô phục vụ phát triển chăn nuôi bò sữa cho các vùng lân cận. Nếu hiệu quả cao, mô hình này sẽ được nhân rộng nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất, nâng cao đời sống người dân, góp phần vào thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Theo tìm hiểu thì đến nay, dự án mới triển khai được 2/3 diện tích đất ở khu 1 (29,7ha). Diện tích đất ở khu 2 và khu 3 vẫn đang trong quá trình “chờ đợi”. Tuy nhiên, kết quả sau gần một năm triển khai đang làm nhiều người dân nghi ngờ vào hiệu quả của dự án.
Một số người dân thôn Hoàn Dương cho biết, nhiều diện tích ruộng trong dự án không phải thực sự khó khăn về nước. Trước đây, người dân vẫn cấy hai vụ lúa một năm nhưng nay thì số ruộng này được quy hoạch làm dự án nên không cấy lúa nữa. Nhà nào có bò sữa thì trồng cỏ, trồng ngô. Nhà không có bò thì đành để cho các hộ có bò sữa thuê thầu lại.
Một số người dân khác thì so sánh: “So với trồng lúa thì việc trồng ngô, trồng cỏ vất vả, tốn công sức và bỏ vốn nhiều hơn. 1 sào ngô mất 150 ngàn tiền giống và 3- 4 yến phân hết hơn 200 ngàn đồng, cộng thêm gần chục lần phun thuốc trừ sâu. Rồi chuyện cày bừa, làm đất, nhổ cỏ, chăm bón nên hầu như ngày nào chúng tôi cũng có mặt ở ruộng. Sau gần 3 tháng, mỗi sào thu về được hơn một triệu đồng. Hiệu quả như vậy là không cao”.
Có người còn băn khoăn, khi dự án được triển khai đồng loạt với diện tích lớn thì bắp ngô hoặc thân cây sẽ tiêu thụ ra sao? Có tiêu thụ được hay lại bị ép giá? Tuy rằng ruộng đã nằm trong khu dự án thì phải trồng ngô hoặc trồng cỏ nhưng xuất phát từ nghi ngại trên nên nhiều hộ dân đánh liều cứ trồng lúa trên đất đã được quy hoạch dự án, vừa “chắc ăn” lại không lo bị đói.
Ngoài những nỗi lo trên, người dân cho biết đã mất công đầu tư nhưng dự án lại làm sơ sài, qua loa quá. Đơn cử, đáng lẽ cần làm cọc bê tông để giữ ống tưới nước cho chắc chắn, lâu dài thì lại sử dụng cọc gỗ. Sử dụng được gần một năm thì những cọc này đã có dấu hiệu bị hư hỏng.
Cán bộ khẳng định dự án có hiệu quả
Trong khi người dân không mấy mặn mà với dự án nước tưới tiết kiệm trên thì ông Phạm Công Sứ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Mộc Bắc khẳng định dự án đã đem lại hiệu quả kinh tế rất cao cho bà con nông dân.
Theo lời ông Sứ thì hiện người dân đang tiến hành trồng vụ ngô thứ tư. Trồng lúa chỉ được hai vụ một năm. Nay chuyển sang trồng ngô được 4 vụ/năm. Mỗi sào ngô được gần 1,5 triệu đồng. Trừ chi phí, người dân còn lại 50%. Các đầu mối thu mua đến tận ruộng để mua ngô hoặc cây ngô. Ngoài việc hỗ trợ, hướng dẫn cách chăm sóc, trồng trọt cây ngô thì xã còn tìm “nguồn ra” giúp bà con. Đến nay, việc tiêu thụ diễn ra rất thuận lợi, suôn sẻ.
Về hiện tượng một số người dân trồng lúa trên đất dự án, ông Sứ cho biết: “Số hộ trồng lúa chỉ là các hộ có ruộng không thuận tiện để trồng ngô hoặc ruộng nằm ở các khu chưa triển khai dự án. Dự án chưa triển khai thì người dân muốn canh tác gì cũng được. Không có chuyện chính quyền xã ngăn cản người dân trồng lúa”.
Giới thiệu thêm về dự án này, ông Nguyễn Quốc Đạt, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nam cho biết, dự án nước tưới tiết kiệm chính là một đề tài khoa học của ông, được hình thành sau khi cùng Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam sang Israel học tập kinh nghiệm.
Theo ông Đạt thì đây là một dự án thực hiện thí điểm, có hiệu quả cao thì sẽ được nghiên cứu, nhân rộng ra các địa phương khác. Do điều kiện kinh phí eo hẹp nên hiện dự án mới được triển khai ở khu 1 (kinh phí 7,2 tỷ đồng). Từ nay đến cuối năm, diện tích còn lại ở khu 1 sẽ được thực hiện tiếp. Khi nào có tiền thì làm ở các khu còn lại. Phần đất nào chưa làm dự án, người dân có thể tùy ý sử dụng, tuyệt đối không để đất trống. Khi nào cần dùng đất để làm dự án, người dân vẫn phải thực hiện theo dự án.
Có thể thấy, mục đích và ý nghĩa của dự án nước tưới tiết kiệm là khá “hoành tráng”, nhưng khi triển khai trên thực tế còn khiến nhiều người dân băn khoăn, trăn trở. Phải chăng dự án mới chỉ đề cập đến việc tăng hiệu quả sử dụng đất chứ chưa tính đến đầu ra, tức là chưa tính đến nhu cầu sử dụng cỏ và ngô trong chăn nuôi bò sữa đến đâu? Khi triển khai trên diện tích lớn, liệu có xảy ra tình trạng “được mùa, mất giá” như đã từng xảy ra đối với nhiều sản phẩm nông nghiệp khác? Thiết nghĩ, chủ đầu tư cần làm rõ nội dung này thì mới thuyết phục được người dân an tâm tham gia, ủng hộ dự án trên.